Nơi ma túy đi vào
Núi Pha Luông, hay còn gọi là Bờ Lung, (tiếng Thái là núi lớn) có độ cao gần 2.000m ở khu vực biên giới Việt-Lào, thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Từ ngàn đời nay, địa danh Pha Luông luôn in đậm trong tâm trí mỗi người dân ở Mộc Châu với đỉnh núi sừng sững thâm u, những ngôi nhà vách gỗ, mái lợp tranh ẩn hiện trong sương mù lưng núi. Nhưng đây cũng chính là nơi ma túy chảy vào đất Việt và đã chứng kiến nhiều trận đấu súng sinh tử giữa lực lượng chức năng với tội phạm ma túy.
Mạch ngầm dữ dội dưới tảng băng trôi
Cửa khẩu Lóng Sập, nằm dưới chân núi Pha Luông, thuộc xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là cửa khẩu trên đường Mộc Châu đi Viêng Xay rồi đến thị xã Sầm Nưa tỉnh Hủa Phăn – Lào. Tuy là cửa khẩu quốc tế, nhưng không khí ở đây vắng vẻ lạ thường, khác hẳn với các cửa khẩu trên các tuyến khác. Không có cảnh nhộn nhịp người, xe qua lại, hàng hoá tấp nập; khách xuất nhập cảnh thưa thớt chủ yếu là người dân hai bên biên giới đi thăm thân, thỉnh thoảng mới có một phương tiện với hàng hóa lèo tèo làm thủ tục. Vì vậy, lực lượng kiểm soát gồm Biên phòng, Hải quan của Việt Nam và Lào rất nhàn rỗi, có thể thường xuyên mời nhau uống trà và tán gẫu. Tuy bên ngoài yên bình là thế, nhưng khu vực núi Pha Luông, trong đó có xã Lóng Sập, Chiềng Sơn từ lâu đã luôn được các lực lượng phòng chống ma túy của ta xác định là một tuyến vận chuyển ma túy trọng điểm vào loại nghiêm trọng nhất của cả nước.
Pó, Di cùng số tang vật bị bắt quả tang
Nếu cả huyện Mộc Châu có hơn 14 vạn dân, mật độ dân chỉ 69 người/km2 thì ở khu vực núi Pha Luông dân cư lại càng thưa thớt. Dân định cư ở đây chủ yếu là người Kinh, Mông, người Thái. Từ dưới đường lộ, nếu muốn lên các bản cao nhất trên núi Pha Luông thì chúng ta phải cuốc bộ nhiều tiếng đồng hồ với những con đường mòn trơn trượt, dốc ngược, dựng đứng. Phương tiện vận chuyển hữu hiệu nhất ra vào các bản này là bằng trâu kéo và ván trượt. Bản Hin Pén (xã Chiềng Sơn, Mộc Châu) là một trong những bản làng cao nhất nằm trên sườn dãy núi Pha Luông, giáp với nước bạn Lào, 100% dân số của bản là người Mông, di cư từ xã Tân Lập (Mộc Châu) về để giải phóng lòng hồ thủy điện Hòa Bình từ 20 năm trước. Càng vào sâu trong bản, những con đường mòn càng bị cày nát bởi xe trâu kéo. Nhưng vào các ngày giữa tháng âm lịch, khi trăng lên khỏi đỉnh núi thì đây cũng chính là thời điểm “vàng” để vận chuyển ma tuý qua biên giới của các toán nhóm vũ trang. Dưới ánh trăng vằng vặc, trong những cánh rừng im lìm là những toán trên dưới chục tên, ba lô trên vai, súng trong tay cần mẫn xuyên rừng lội suối. Nắm bắt được quy luật này nên các cuộc đánh bắt tội phạm ma tuý đều diễn ra trong các đêm của tuần trăng. Nhiều trận đấu súng sinh tử trên lưng núi Pha Luông đã diễn ra trong dịp này như chuyên án 470 của Cục PCTP ma túy và BĐBP tỉnh Sơn La phối hợp thực hiện ngày 3-11-2009, tức tối ngày 17-9 âm lịch, bắt hai đối tượng là Vàng A Pó và Vàng A Di, đều trú tại khu Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào, khi chúng cùng đồng bọn vận chuyển 50 bánh heroin, 400 viên ma túy tổng hợp cùng 2 khẩu súng quân dụng đầy đạn từ Viêng Xay qua Sốp Bâu vào Việt Nam tiêu thụ. Rút ra điều này tưởng như đơn giản, nhưng cũng là cả một quá trình “điều nghiên” gian khổ và kiên trì của các trinh sát đặc nhiệm Cục PCTP ma túy-Bộ đội Biên phòng và Biên phòng tỉnh Sơn La.
Video đang HOT
Người Mông thì ở đâu cũng có đặc tính rất thật thà, quý người và tốt bụng đến bất ngờ nếu họ đã tin. Vì vậy, họ có thể dễ dàng trở thành người vận chuyển ma túy thuê nếu bị lôi kéo. Không hiếm những trường hợp những người đàn ông thật tốt bụng đã bị các “ông trùm” ma tuý lôi kéo trở thành những “con lừa” cõng hàng thuê, và cả “chết thuê” cho chúng. Nhiều khi, chuyên án thành công, đã bắt được tội phạm cùng tang vật nhưng trinh sát có khi lại rất buồn. Người Mông ở Pha Luông có mối quan hệ thân tộc, dân tộc rất gắn bó với người Mông của Lào bên kia biên giới. Người Mông của Lào ở các bản làng gần biên giới cũng rất hay sang Việt Nam để mua bán, thăm thân, giao lưu, nhất là trong các dịp lễ hội. Vào ngày 2-9 hằng năm, người Mông từ khắp vùng, kể cả ở các bản của Lào gần biên giới Việt Nam còn sang tận thị trấn Mộc Châu và biến thị trấn này thành một ngày hội đặc biệt. Sự giao lưu hai bên biên giới vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên, vừa tăng thêm phần hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới nhưng đây cũng là điều kiện thuận lợi để tội phạm ma túy ở hai bên biên giới móc nối hình thành các đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Các địa danh nổi tiếng ở ngoại biên như bản Muống, bản Huổi Hiềng, bản Pa Háng…thực chất đều là các tụ điểm tập kết, trung chuyển mà thôi. Còn nguồn của chúng, ngoài gốc gác là Tam giác vàng thì đều là từ các ông chủ ở Sầm Nưa, Viêng Xay thuộc tỉnh Hủa Phăn, Lào. Đây không chỉ là nơi trung chuyển ma túy từ Tam giác vàng về mà còn là nơi sản xuất ra ma túy, là nguồn của ma túy “chảy” vào khu vực biên giới Sơn La và cả khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa để cung cấp cho một thị trường rộng lớn gồm miền Bắc, miền Trung Việt Nam và lên cả các tỉnh biên giới phía bắc sang Trung Quốc.
Những đường dây ma túy ngoại biên
Nói về “nguồn” ma túy từ bên kia biên giới thì ngay từ giữa năm 2008, thực hiện chủ trương của Cục về đánh tội phạm ma túy ngay tại sào huyệt của chúng ở bên kia biên giới, lực lượng PCTP ma túy BĐBP Thanh Hóa đã xác lập chuyên án 559H để đấu tranh với một đường dây ma túy ở Sầm Nưa chuyên vận chuyển “hàng” từ đây vào Mộc Châu và Mường Lát – Thanh Hóa. Kết quả ngoài việc bắt 4 “ông chủ” ở Sầm Nưa, thu được 20.000 viên ma tuý tổng hợp, 1 bánh và 200g heroin, 2,2kg thuốc phiện thì lực lượng đánh án còn thu được 1 máy ép bánh heroin; 3 bàn giập viên hồng phiến; 10 túi có lôgô đựng ma tuý tổng hợp cùng nhiều túi chất phụ gia khác mà các đối tượng dùng để pha trộn trong quá trình sản xuất hồng phiến. Nghĩa là, việc sản xuất ma túy không chỉ ở Tam giác vàng mà đã lan cả xuống các vùng này. Vì vậy, tình hình mua bán, vận chuyển các chất ma túy từ Hủa Phăn vào Sơn La, Thanh Hóa của Việt Nam luôn có chiều hướng gia tăng với những diễn biến hết sức phức tạp. Mới đây, lực lượng lực lượng PCTP ma túy BĐBP Thanh Hóa lại tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Hủa Phăn, Lào triệt phá thành công chuyên án 378 VL, bắt 4 vụ với 8 đối tượng cũng ở Sầm Nưa, thu giữ 22 bánh hêrôin có tổng trọng lượng 7,140kg; 192 túi ma tuý tổng hợp gồm 25.800 viên thuốc lắc; 9 túi bột hêrôin có tổng trọng lượng 5kg mà đối tượng dùng để ép bánh; 4 xe ô tô; 9.800 USD, 29.000 Bạt Thái; 2 khẩu súng ngắn và 17 viên đạn. Điều đáng nói hơn là thông qua công tác trinh sát trong chuyên án này, lực lượng PCTP ma túy BĐBP Thanh Hóa đã phát hiện một đường dây chuyên buôn bán, vận chuyển các chất ma túy với số lượng lớn từ khu vực Tam giác vàng qua các tỉnh Bò Kẹo, U Đom Say, Luông Pha Băng và thủ đô Viêng Chăn rồi về thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Từ đây, chiếc vòi bạch tuộc tiếp tục vươn ra các địa bàn giáp biên của tỉnh Hủa Phăn giáp với các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa của Việt Nam. Thủ đoạn hoạt động của bọn chúng rất tinh vi, xảo quyệt, manh động và liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả khi bị bắt giữ. Qua điều tra, các trinh sát cũng nắm khá rõ về phương thức vận chuyển cũng như hoạt động của các đối tượng trong đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy này. Hàng tuần, các ông chủ cho tay chân lái xe xuống các tỉnh Luông Pha Băng, Viêng Chăn, Bo Kẹo, U Đom Xay để mua ma tuý tổng hợp và hêrôin với số lượng lớn rồi đưa về Sầm Nưa, Viêng Xay. Tại đây, ma túy có thể được pha chế, đóng bánh lại, sau đó chúng bán cho các trùm nhỏ hơn ở Viêng Thong, Sốp Bâu hoặc bản Muống, bản Huổi Hiềng, bản Pa Háng… kể cả các đối tượng ở Việt Nam sang và thuê bọn tay chân vận chuyển qua biên giới. Lợi dụng việc đi lại thăm thân, buôn bán và vận chuyển hàng hoá, chúng đã hình thành nhiều đường dây, ổ nhóm dọc trên các tuyến đường như Sầm Nưa – Viêng Xay – Na Mèo; Sầm Nưa – Xốp Bâu -Pa Háng; Sầm Nưa – Sầm Tớ – Pa Háng… để cung cấp ma tuý vào Việt Nam hoặc vận chuyển đến một nước thứ ba. Chúng thường bán mỗi cặp hêrôin với giá từ 13.000-13.500 USD; thuốc phiện thì có giá từ 5-6 triệu kíp/1kg (khoảng 12 triệu đồng) còn ma tuý tổng hợp thì có giá 12.500 kíp/1 viên. Những lúc khan hiếm “hàng” bọn chúng đã bán với giá từ 14-15.000 USD/1 cặp hêrôin. Đây là giá của các chủ Lào giao tại các thị trấn huyện như Viêng Xay, Sốp Bâu… mà anh em trinh sát nội tuyến thường nói vui đó là giá FOB Viêng Xay, FOB Sốp Bâu… còn giá CIF (được vận chuyển sang tận đất Việt với những tay súng bảo vệ đi kèm) Mộc Châu, hay CIF Vân Hồ, Lóng Luông… của Việt Nam chẳng hạn thì giá đãtăng lên nhiều lần.
Đối với những đường dây vận chuyển ma túy qua Pha Luông vào Mộc Châu, thì “nguồn” của các luồng ma tuý này cơ bản đều từ Sầm Nưa và Sốp Bâu vận chuyển vào các tụ điểm sát biên giới như Bản Muống, Huổi Hiềng… rồi qua Pha Luông vào Việt Nam. Toán ma tuý 5 tên bị truy kích trong trận đấu súng sinh tử của chuyên án 470 gồm 2 tên ở Huổi Hiềng, 3 tên ở Viêng Xay, trong đó tên chủ hàng là một trong những “ông trùm” trẻ mới nổi ở Viêng Xay. Hung hăng và liều lĩnh, tên này đã trực tiếp cầm AK áp tải “hàng” gồm 24 bánh heroin, 400 viên ma tuý tổng hợp từ Viêng Xay vượt biên sang Mộc Châu để giao hàng cho các “bố già” ở đây. Khi đến đầu suối Quanh, bản Lắc Phương thì rơi vào trận địa mật phục. Hắn điên cuồng xả AK, cố vác túi “hàng” trị giá 4 tỷ đồng chạy nhưng bị 1 viên đạn của lực lượng mật phục xuyên thủng bắp chân trái. Nghiến răng vứt lại ba lô “hàng”, tụt đôi giầy đầy máu, hắn cố lết vào rừng và số may mắn đến với tên này khi sau 2 ngày lết trong rừng, hắn đã về tới bản Muống và được cứu sống tại đây.
Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Phòng nghiệp vụ, Cục PCTP ma túy-Bộ đội Biên phòng kể rằng, có lần ngồi uống rượu với một “bố trẻ” ở Mộc Châu, lúc cao hứng đã “khoe” thường xuyên Viêng Xay để giao dịch với các “ông trùm” bên đó. Viêng Xay, một thị trấn cấp huyện của tỉnh Hủa Phăn – Lào cách cửa khẩu Lóng Sập khoảng gần 100 km nhưng do chỉ cách Sầm Nưa gần 30km nên nơi đây ta thể hiểu là có các đại lý cấp 1 của các “ông chủ” Sầm Nưa chuyên cung cấp cho thị trường Việt Nam qua hướng rất tiềm năng là Mộc Châu của Sơn La. Theo lời kể của “bố trẻ” này thì mỗi lần sang đó, các “ông trùm” Viêng Xay đều đãi khách bằng rượu đặc biệt trắng như sữa dê được mài từ sừng tê giác chính hiệu ở vùng đất của ông trùm Khun Sa thời nào, và quan trọng hơn là luôn được các “ông trùm” dùng xe Vigo 3.0 chở đi mục sở thị và thử, chọn hàng ở các “kho”. Trong các hang đá rộng ẩn sâu tít bên trong các dãy núi ngoại vi Viêng Xay là các “kho” với từng dãy “hàng trắng” được sắp đặt thành chồng tăm tắp, trong “kho” còn có “xưởng” sản xuất với những cỗ dập bánh, ép vỏ…Và tất nhiên là cũng có rất nhiều súng AK, lựu đạn. “Bố trẻ” Mộc Châu này nói chắc nịch: “Mày an tâm đi, hàng của chúng nó bên đó như lá trên rừng mà, chỉ sợ mày không có đủ tiền thôi, khi nào suối Sập ở Mộc Châu này hết chảy thì bên đó mới hết hàng được”. Ngày hôm sau, để chứng minh “số má” của mình, “bố trẻ” này còn chủ động cho xem chồng tiền đô la và nói là để chuẩn bị thanh toán với các chủ hàng ở bên đó. Anh bảo: Nhìn chồng đô la, không thể hình dung có bao nhiêu ma túy từ bên đó đã chảy qua Pha Luông về Việt Nam, và không biết bao nhiêu tiền đã chảy ngược lại từ Việt Nam vào tay các “ông trùm” bên đó. Và có lẽ, sẽ phải diễn ra nhiều trận đấu súng sinh tử nữa trên ngọn núi thâm u, chót vót này, trước khi mang lại bình yên thực sự cho đất và người ở Pha Luông.
Theo CATP
MU Việt Nam ấp ủ dự án "chợ ảo", game thủ vừa mừng vừa lo
"Chợ ảo" sẽ giúp môi trường mua bán trong game được thúc đẩy lên mức cao nhất nhưng kèm theo đó là nhiều nổi lo lắng của game thủ về những món đồ giá trị.
Bỏ lửng khả năng có đóng cửa game hay không, mới đây, một nguồn tin tin cậy cho biết, Ban điều hành MU đã rục rịch dự án "Chợ ảo" - một trong những "kho vàng" mà FPT đã bỏ qua trong suốt 5 năm vừa rồi.
Cũ người mới ta
Các tín đồ của MU có lẽ đã không còn xa lạ với dịch vụ giao dịch trung gian. Khi sử dụng dịch vụ này, cả hai đối tượng giao dịch sẽ có sự yên tâm phần nào bởi sự đảm bảo về mức độ "thất thoát" item lẫn tiền bạc. Về cơ bản, người chơi MU nói riêng và game thủ nói chung ắt hẳn đã không ít lần phải "nhờ vả" vào các bậc "anh chị" - những người có uy tín trong cộng đồng thế giới ảo để thực hiện các phiên giao dịch này. Tuy nhiên, phần lớn các cuộc trao đổi lại chủ yếu dựa vào uy tín và sự tin tưởng lẫn nhau chứ chưa hề có một sự đảm bảo chắc chắn nào. Chính vì vậy, nếu có vấn đề xảy ra thì hai bên cũng chỉ biết nói lời "thông cảm" là chính!
Game thủ Mu Việt Nam thường xuyên lo lắng về kho đồ cá nhân.
Với MU Việt Nam, có lẽ HungKaka là một trong số hiếm hoi những cái tên có thể tạo nên sự tin tưởng cho cả cộng đồng người chơi MU. Song, theo như chia sẻ của chủ nhân nhân vật này thì:
Đây có lẽ là vấn đề không ít người gặp phải. Sau nhiều lần im lặng, Ban điều hành MU có vẻ đã quyết tâm vào cuộc. Chính vì vậy, tuy là một dịch vụ không mới nhưng thông tin này thực sự mang lại nhiều hy vọng cho cộng đồng game thủ.
MU Việt Nam - thêm điểm cộng
Đặc thù của MU Việt Nam là không có item khóa, điều này đã gây khá nhiều bất tiện cho người chơi. Trong tình trạng hacker ngày càng "đẳng cấp" như hiện nay quả thật việc bảo vệ tài sản khi giao dịch đã trở thành vấn đề nóng bỏng. Đặc biệt, sau khi những vật phẩm trị giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu ngày một nhiều lên thì hẳn người chơi đang rất cần một sự đảm bảo chắc chắn để yên tâm hơn trong các cuộc giao dịch.
"Chợ ảo" sẽ thúc đẩy thị trường mua bán trong game phát triển.
Nếu dự án "Chợ ảo" thật sự đi vào hoạt động thì MU Việt Nam sẽ thêm một điểm cộng đáng kể với cộng đồng game thủ. Việc này không những làm người chơi yên tâm để mạnh tay móc hầu bao mà cũng sẽ củng cố vững chắc hơn nữa thương hiệu của FPT Online. Thế nhưng khá nhiều ý kiến tỏ ra lo nghi ngờ trước thông tin này. Chị Su, thành viên cựu cán của server Hợp Nhất chia sẻ:
Có thể thấy rõ ràng sự "bức bối" mà đội ngũ Ban điều hành MU Việt Nam đang phải gánh chịu trong thời gian này. Cần phải tạo ra sự đột phá để tiếp tục tồn tại và phát triển hoặc dậm chân tại chỗ và bị đào thải khỏi thị trường GO Việt, đó là vấn đề lớn nhất mà người chơi luôn "thót tim" theo dõi những bước đi của Nhà phát hành.
Theo diễn đàn Game8