Nơi luôn ở chế độ ‘báo động đỏ’
Dịch Covid-19 bùng phát cũng là chuỗi ngày căng thẳng chưa từng có của 80 nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Văn phòng Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP HCM (Sở Y tế) rộng chừng 20 m2, chỉ có một bàn làm việc, nằm ở khu vực hành khách vừa bước xuống máy bay. Quy trình kiểm dịch tại đây được bật chế độ “báo động đỏ” từ ngày 23/1 (28 Tết Nguyên đán) – lúc nCoV bùng phát ở Vũ Hán. Sau đó là chuỗi ngày lãnh đạo trung tâm chia nhau trực 100%, nhân viên không được rời thành phố, mỗi ca 20 người.
Nhiệm vụ của trung tâm là kiểm soát hành khách nhập cảnh vào các cửa khẩu của TP HCM gồm Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TP HCM. Hành khách xuống máy bay sẽ được kiểm dịch Covid-19 và tầm soát các bệnh khác như Ebola, Mers-CoV, Lassa… đảm bảo hết các yếu tố an toàn mới đến khu vực công an cửa khẩu làm thủ tục nhập cảnh.
Những ngày cao điểm sân bay đón 7.000 người nhập cảnh. Mỗi khi có 2-3 chuyến bay cùng hạ cánh, 500 người cùng đổ về một lúc khiến việc kiểm dịch quá tải.
Hiện mỗi ngày có khoảng 1.700 người nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, nhân viên Trung tâm kiểm dịch phải làm việc 24/24. Ảnh: Hữu Khoa.
Chiều 17/3, trước giờ Việt Nam dừng cấp thị thực nhập cảnh đối với người nước ngoài (từ 0h ngày 18/3), hơn một nghìn người từ các chuyến bay xếp hàng dài chờ làm thủ tục kiểm dịch. Trong cái nóng hơn 33 độ C, gương mặt ai cũng đầy vẻ mệt mỏi sau chuyến bay dài và nỗi lo nguy cơ nhiễm nCoV khi đi máy bay.
Tại khu vực kiểm dịch, nhiều nhân viên trong ca trực mặc đồ chuyên dụng kín từ đầu đến chân, đeo kính bảo hộ, liên tục kiểm tra, đo nhiệt độ và hướng dẫn khách làm tờ khai y tế. Mồ hôi nhỏ xuống che mờ kính, không ai lau. Ở vòng ngoài, 4-5 nhân viên của trung tâm có mặt thường trực ngay sau khu vực hải quan để hướng dẫn hành khách đến khu vực khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt.
Làm việc tại trung tâm hơn 4 năm, anh Nguyễn Tạ Minh Quang (29 tuổi) được phân công đứng giữa khu vực hải quan và khai báo y tế để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho hành khách vừa từ máy bay xuống. Mỗi ngày anh phải tiếp xúc hàng nghìn người đến từ khắp nơi, trong đó rất nhiều người đến từ vùng dịch.
Video đang HOT
Khi dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc Quang được vợ báo tin vui đã mang thai đứa con đầu lòng. Thế nhưng suốt thời gian đó sau giờ làm Quang phải thuê khách sạn ngủ ở ngoài, không dám về nhà vì “lỡ mình dính virus lây cho vợ sẽ khổ”. Hiện Quang đưa vợ về quê ở Cần Thơ “tránh dịch” cho mình yên tâm công tác. Mỗi lần đi làm về phần vì mệt, phần muốn giữ sức khỏe cho người khác nên anh chỉ ở nhà, ít gặp gỡ người thân.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Ngọc tại khu vực đo thân nhiệt từ xa với tất cả hành khách khi nhập cảnh. Ảnh: Hữu Công.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Ngọc (37 tuổi, làm kiểm dịch 13 năm) may mắn hơn khi có chồng là đồng nghiệp nên chia sẻ được nhiều trong công việc. Tuy vậy, khi dịch bùng phát, để yên tâm công tác cũng như giữ sức khỏe cho con, vợ chồng chị buộc phải gửi hai đứa con, học lớp 3 và 5 về cho ông bà ngoại chăm sóc. Công việc của chồng chị Ngọc phun xịt khử khuẩn trên máy bay, tiếp xúc các khu vực dễ nhiễm khuẩn.
“Mỗi lần vào ca và tan ca về nhà, nhân viên kiểm dịch phải xịt cồn từ đầu tới chân để khử khuẩn, không cho virus có cơ hội bám vào”, chị Ngọc nói. Gần hai tháng nay sau giờ làm vợ chồng chị Ngọc về thẳng nhà, tự “cách ly” để giữ cho người thân cũng như bảo đảm sức khỏe hôm sau làm việc.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm (Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Tân Sơn Nhất) cho biết, buổi làm việc của Sở Y tế cùng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cùng các đơn vị liên quan về công tác phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán hôm 28 Tết Nguyên đán cũng là lúc 20 nhân viên của trung tâm căng mình “chưa từng có” để làm việc
Lúc đó, Trung Quốc chưa ban bố phong toả thành phố Vũ Hán, Sở Y tế thành phố thông báo trên thế giới có hơn 600 ca mắc bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV), 17 người đã tử vong, đặc biệt có 15 cán bộ y tế đã bị nhiễm bệnh. Đến nay, hơn 200.000 trên toàn cầu được xác định nhiễm nCoV, con số người chết đã là hơn 11.000 người. Tại Việt Nam, cách đây 2 tháng chưa có người nhiễm bệnh, thì nay con số đã là 76.
Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Tân Sơn Nhất – Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm. Ảnh: Hữu Công.
Dịch nCoV diễn biến phức tạp khiến danh sách vùng dịch (khách nhập cảnh phải cách ly 14 ngày) ngày càng mở rộng. Ban đầu, kiểm dịch sân bay được yêu cầu kiểm soát gắt gao khách đến từ Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán, sau đó tới khách Hàn Quốc, Iran, Italy và bây giờ là một loạt nước châu Âu, Mỹ… Điều này đồng nghĩa quy định kiểm dịch tại các cửa khẩu, sân bay liên tục thay đổi đòi hỏi nhân viên kiểm dịch thường xuyên cập nhật.
“Việc này không biết khi nào chấm dứt. Chúng tôi phải tự nhắc nhở mình, nhắc nhở nhau tuân thủ quy trình làm việc để vừa bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trong trận chiến với Covid-19 này”, ông Tâm nói.
Tính đến đêm hôm qua, TP HCM ghi nhận 12 ca nhiễm nCoV (3 ca đã chữa khỏi), 3.000 trường hợp đang cách ly tập trung và 615 người đang cách ly tại nhà.
Hữu Công
Mua vé máy bay giá rẻ mùa dịch Covid-19, khách hàng 'khóc dở mếu dở'
Nhiều khách hàng mua vé khuyến mãi "giải cứu" hàng không đợt dịch Covid-19 đang rơi vào tình cảnh phải bỏ vé, khi lần lượt nhiều địa phương xuất hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Lo ngại dịch gia tăng khiến lượng khách đi lại qua đường hàng không sụt giảm mạnh - Ảnh H.M
Chị H.T (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tranh thủ đợt khuyến mại đặc biệt của các hãng hàng không, chị đã đặt vé đi du lịch Phú Quốc cuối tháng 3 cho gia đình gần 10 người. So với giá vé khứ hồi Phú Quốc 3-4 triệu/người, giá vé đợt này khá rẻ, chỉ trung bình 1,5 - 2 triệu đồng/người; giá resort tại Phú Quốc cũng đang được khuyến mại giảm hơn 50%, khiến các thành viên trong gia đình chị và em trai rất hào hứng.
Nhưng sự hào hứng không kéo dài được bao lâu, chị T. và gia đình bắt đầu phập phồng lo lắng khi các diễn biến dịch ngày càng phức tạp, kể từ khi Việt Nam xác định có bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19. Đặc biệt, tới 16.3 đã xuất hiện 1 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại Phú Quốc.
"Vé máy bay, vé phòng khách sạn đã thanh toán, nhưng chúng tôi đành tính phương án huỷ, vì lo nếu tiếp xúc những chỗ đông người, đi lại di chuyển nhiều, nguy cơ lây nhiễm rất cao", chị H.T chia sẻ.
Tương tự chị H.T, chị H.Y (Hà Nội) cũng tranh thủ đợt nghỉ dài vì Covid-19 dự định đưa con đi du lịch xa. Nhưng trước số lượng ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng trong vài ngày trở lại đây, chị Y. quyết định dừng kế hoạch du lịch.
"Phòng khách sạn báo huỷ sớm thì không mất phí, nhưng vé máy bay mua dạng khuyến mãi (vé promotion) thì đành chịu mất tiền vì không có chính sách hoàn huỷ", chị Y. nói.
Từ đầu năm tới nay, trước ảnh hưởng sụt giảm của thị trường quốc tế cũng như nội địa do dịch Covid-19, các hãng hàng không liên tục tung ra các đợt giảm giá sâu để kích cầu đi lại. Mới nhất, từ 17.3, Vietjet giảm tới 70% giá vé trên tất cả các chặng bay quốc tế và trong nước. Trước đó, cuối tháng 2, hãng này cũng có chương trình khuyến mại giảm giá 50% cho các chặng bay nội địa và quốc tế.
Tương tự, Vietnam Airlines cũng mở bán vé 0 đồng tới Singapore, Malaysia, hay chương trình "Mua sớm giá tốt" trên 50 chặng bay quốc tế. Bamboo Airways cũng liên tục tung ra các mức giá sốc để kích cầu đi lại, như đến Phú Quốc chỉ với 399.000 đồng/người...
Giá vé giảm sốc khiến nhiều chặng bay có mức giá rất hấp dẫn, như chặng Hà Nội - Phú Quốc cuối tháng 3 của Vietjet chỉ có giá 99.000 đồng (vé Promo), nếu tính cả thuế phí chỉ có 500.000 người/người/chiều. Tương tự, vé từ Hà Nội - Buôn Ma Thuột của Vietjet có giá thấp nhất 199.000 đồng, nếu tính cả thuế phí là 613.000 đồng/người/chiều.
Nhiều khách hàng buộc phải huỷ vé trong tháng 3 - 4 tới vì lo ngại dịch Covid-19 cho rằng, các hãng hàng không nên có chính sách hỗ trợ đổi chuyến miễn phí cho khách hàng, do việc phải huỷ đi lại trong thời điểm này vì lý do bất khả kháng.
Theo quy định, vé khuyến mại (dạng vé promo) đều là vé có điều kiện. Hiện, chưa có chính sách miễn phí huỷ vé hay đổi chuyến miễn phí cho khách hàng mua vé khuyến mại. Vé promo có thể thay đổi giờ bay, ngày bay, thậm chí cả hành trình, song khách hàng phải bù thêm phí chênh lệch.
Đại diện một hãng hàng không cho biết, đây là quy định chung được các hãng áp dụng. Tuy nhiên, trước những lý do bất khả kháng khiến khách hàng lo ngại không thể bay trong đợt dịch, hãng này cũng đang cân nhắc tính toán các phương án hỗ trợ hành khách, có thể áp dụng như chính sách bảo lưu vé (giữ nguyên chặng bay, nhưng được phép thay đổi ngày giờ bay trong 3 hoặc 6 tháng). Song, đây là chính sách mới nên phải được tính toán cụ thể trước khi xem xét có áp dụng chính thức hay không.
Theo thanhnien.vn
'Hoa hậu Vietnam Airlines': Tiếp viên sợ nhiễm Covid-19 nhưng vẫn cắn răng đi bay Không chỉ đối mặt với nguy cơ nhiễm Covid-19 trên một số chuyến bay, Loan Vương, Hoa hậu Quý bà Quốc tế và là tiếp viên hàng không Vietnam Airlines còn nhiều lần lâm vào cảnh 'dở khóc dở cười' với những hành khách vô ý thức. 'Hoa hậu Vietnam Airlines' Loan Vương chia sẻ về công việc tiếp viên hàng không giữa...