Nỗi lòng người Việt tại xứ Hàn: “Bố mẹ vừa gọi vừa khóc: Về đi con! Về đi!”
“Bố mẹ mình ngày nào cũng vừa gọi vừa khóc, cứ bảo: Về đi con! Về đi! Bố mẹ đặt vé cho mà về”.
Tính đến sáng 25/2, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 833 ca nhiễm virus corona chủng mới và có 8 trường hợp đã tử vong, biến đất nước này trở thành điểm nóng của đại dịch Covid-19, bên ngoài biên giới Trung Quốc.
Điều đáng nói là số ca lây nhiễm tại Hàn Quốc chỉ vừa tăng vọt trong mấy ngày gần đây, và các chuyên gia nhận định rằng, nó có khả năng cao là kết quả của sự kiện “ siêu lây nhiễm” ở một nhà thờ của giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa), tại thành phố Daegu, nơi hiện chiếm đến phân nửa số ca dương tính Covid-19 ở Hàn Quốc.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc, điều mà tất thảy mọi người dân trên lãnh thổ Việt Nam quan tâm nhất lúc này, chính là sự an toàn của trên dưới 200.000 công dân Việt đang sinh sống, học tập và lao động tại nước này, tính riêng tại ổ dịch Daegu là 8.285 người (Số liệu do Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cung cấp).
Bắt liên lạc với các bạn du học sinh, người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc, qua những câu chuyện kể, chúng tôi phần nào hiểu được khó khăn chồng chất, sự hoang mang, lo sợ của những người con đất Việt đang phải đối đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm ở nơi đất khách, quê người.
Đường phố nồng nặc mùi khử trùng, mỗi ngày có đến hàng chục thông báo khẩn cấp
“Đường phố nồng nặc mùi khử trùng”, “mỗi ngày có đến hàng chục thông báo khẩn cấp trên điện thoại từ chính quyền”, “thịt, cá, trứng, sữa đều cháy hàng” là bức tranh toàn cảnh về điểm nóng Covid-19: thành phố Daegu, được vẽ lại qua những lời chia sẻ của bạn Quỳnh Trang (19 tuổi), hiện đang là du học sinh tại Đại học Keimyung (Daegu).
bạn Quỳnh Trang (19 tuổi), hiện đang là du học sinh tại Đại học Keimyung (Ảnh NVCC).
Theo Quỳnh Trang, cuộc sống yên bình tại Daegu bỗng nhiên đảo lộn hoàn toàn từ khi dịch bệnh lây lan mạnh mẽ ở thành phố này. Điều dễ nhận thấy là từ một thành phố nhộn nhịp bỗng trở nên vắng vẻ đến kì lạ. Tuy nhiên, vấn đề đáng ngại nhất mà Trang cũng như mọi người dân ở Daegu lúc này phải đối mặt chính là sự cạn kiệt của nhu yếu phẩm: “Thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu trở nên khan hiếm, tại các siêu thị đều ghi biển quy định mỗi người chỉ được lấy một phần. Khẩu trang hiện giờ cũng chẳng có mà mua. Coupang (một ứng dụng giao hàng phổ biến ở Hàn Quốc – PV) từ chối giao hàng về một số khu vực Daegu”.
Các gian hàng thực phẩm ở siêu thị luôn trong tình trạng khan hiếm (Ảnh NVCC).
Ở ngay tâm dịch, Quỳnh Trang không giấu nổi sự hoang mang, lo sợ trước diễn biến của Covid-19 qua cuộc trò chuyện với chúng tôi. Đương nhiên, sự lo lắng này không chỉ đến từ những người trực tiếp phải đối mặt với Covid-19. “Bố mẹ mình ngày nào cũng vừa gọi vừa khóc, cứ bảo: Về đi con! Về đi! Bố mẹ đặt vé cho mà về. Về Việt Nam rồi cách ly cũng được!” – Quỳnh Trang kể.
Lo sợ là vậy nhưng việc đi hay ở, theo Trang còn bị chi phối bởi một nỗi băn khoăn khác, mà sau khi được trò chuyện với các bạn trẻ khác, chúng tôi mới nhận ra rằng, đây có lẽ là suy nghĩ chung của những người con dân đất Việt ở xứ Hàn: Nỗi lo mình trở thành một phiên bản khác của bệnh nhân thứ 31 (bệnh nhân được cho là đã gây nên sự kiện siêu lây nhiễm ở Hàn Quốc).
“Thực sự cũng muốn về lắm nhưng bây giờ về nhỡ may lại mang virus về nước thì lại khổ mọi người, khổ bố mẹ” – Cô sinh viên trẻ giãi bày.
Mỗi ngày có hàng chục thông báo khẩn cấp trên điện thoại về dịch Covid-19 (Ảnh NVCC).
Bạn bè đã về nhà gần hết rồi, bố mẹ mình ngày nào cũng gọi điện 3-4 lần giục về…
Sống cách ngôi nhà thờ được cho là xảy ra sự kiện “siêu lây nhiễm” tại thành phố Daegu chỉ 3km, cô dâu Việt – Hàn Phạm Huệ (24 tuổi) cảm nhận rất rõ những tác động của dịch Covid-19 đang gây ra cho cuộc sống hàng ngày.
Huệ kể: “Thời gian đầu chỉ có 1,2 người nhiễm bệnh thì tình hình vẫn khá bình thường nhưng chỉ sau ngót nghét 1 tuần, số người nhiễm đã lên hơn 800 thì mọi thứ trở nên rối loạn. Ở các siêu thị, gạo, rau quả, thịt, mì tôm, đậu phụ, trứng luôn trở thành các mặt hàng hết nhanh nhất. Khu vực mình hôm nay bán khẩu trang với giá rẻ ở các emart lớn, đến lúc trưa mình tranh thủ ra mua thì hết sạch”.
Bạn Phạm Huệ (24 tuổi) cùng chồng mới cưới (Ảnh NVCC).
Cũng giống như Quỳnh Trang, bố mẹ và người thân của Huệ đều rất lo lắng cho tình hình ở xứ người. “Mỗi ngày bố mẹ mình gọi đến 3,4 lần. Sáng sớm gọi, chiều gọi, tối gọi. Mà bố mẹ gọi rồi lại đến bạn bè và chị gọi. Tất cả mọi người đều lo và muốn mình trở về Việt Nam, nhưng mình còn gia đình ở bên đây, nên chả đành” và đương nhiên, một lý do khác được Huệ giải thích với chúng tôi chính là lo sợ lại mang dịch về cho mọi người ở quê hương.
Đường phố ở Daegu vắng bóng người.
Chấp nhận ở lại tâm dịch, Huệ chia sẻ rằng, giờ cô cũng chỉ biết hạn chế ra ngoài đường, nếu không có việc gì cần thiết. Khi đi ra ngoài luôn đeo khẩu trang và thường xuyên xịt sát khuẩn với nước rửa tay khô. Cô dâu xứ Hàn này cũng chia sẻ với chúng tôi về nỗi lo khan hiếm thực phẩm, đặc biệt là trong thời gian sắp tới khi dịch có thể trầm trọng hơn: “Nhà mình hôm qua mua 2 bao gạo, mấy thùng mì rồi thêm mấy vỉ trứng nữa. Mỗi 2,3 ngày vẫn phải đi mua thực phẩm 1 lần. Nhưng dịch càng càng tăng nhanh nên cũng sợ là sau này mua rất khó khăn”.
Cái khó “về không được, ở lại cũng không xong” của người Việt ở tâm dịch
“Gia đình ngày nào cũng điện thoại bảo bỏ công việc mà về đi con, nhưng mình ở ngay trong tâm dịch, chẳng biết có mắc bệnh hay không, giờ về nhỡ lây lan cho gia đình, cho mọi người”, đó là nỗi băn khoăn của bạn Văn Dũng (25 tuổi) đang làm công nhân tại thành phố Daegu. Cũng theo chàng trai này thì “về không được, ở lại cũng không xong” là tâm lý chung của nhiều người Việt tại nơi cậu sống, trong bối cảnh hiện tại.
Bạn Văn Dũng (25 tuổi) đang làm việc tại thành phố Daegu (Ảnh NVCC).
Văn Dũng kể tiếp về tình hình ở điểm nóng Daegu mà cậu trực tiếp mắt thấy, tai nghe: “Con số ca bệnh tăng quá nhanh, quá đột biến làm cho mọi người đều cảm thấy hoang mang, lo lắng. Quán xá, cửa hàng, khu mua sắm đều vắng tanh, mọi cuộc hẹn, cuộc chơi hầu như bị hủy bởi không ai dám ra ngoài đường, không ai dám tụ tập nơi đông người nữa”.
Hàng dài người đang xếp hàng chờ mua khẩu trang tại thành phố Daegu.
Vì Covid-19 có triệu chứng bệnh quá dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên theo Dũng, dù cậu có đang áp dụng đủ mọi biện pháp an toàn từ đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người cho đến thường xuyên rửa tay sát khuẩn, nhưng nỗi bất an là luôn thường trực: “Phòng thì phòng thế thôi nhưng không biết đường nào mà lần, vì ngoài kia không biết ai nhiễm, ai không không để mà tránh. Thậm chí, ngay cả bản thân mình có bị bệnh không mình còn không chắc chắn”.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc thông tin, Việt Nam sẵn sàng bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc là 82 106 315 6618 hoặc số điện thoại Tổng đài Bảo hộ Công dân là 84 981 84 84 84.
Minh Nhật
Theo dantri
Thị trưởng cầu xin thành viên giáo phái nhiễm virus không lẩn trốn
Người đứng đầu thành phố Daegu kêu gọi thành viên giáo phái Shincheonji hợp tác, trình diện và xét nghiệm y tế nhằm ngăn sự lây lan của virus corona.
Thị trưởng thành phố Daegu Kwon Young Jin hôm 23/2 đã kêu gọi thành viên giáo phái Shincheonji phối hợp, "không lẩn trốn" và tiến hành các thủ tục xét nghiệm cần thiết nhằm giúp ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
"Khủng hoảng tại Daegu và tỉnh North Gyeongsang đã ở mức rất trầm trọng. Lẩn trốn không phải là giải pháp. Nếu lẩn trốn, các bạn có thể tự làm hại sức khỏe bản thân, sức khỏe gia đình và sẽ không giúp ích gì để ngăn chặn sớm dịch bệnh", ông Kwon nói.
Theo SCMP, Daegu là thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc với 2,5 triệu dân. Trong ngày 23/2, thị trưởng Kwon cho biết thành phố đã ghi nhận thêm 90 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm virus corona lên 247.
Một người nhiễm virus corona nhập viện tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP.
Trên toàn quốc, Hàn Quốc ghi nhận 123 ca bệnh mới, nâng tổng số người nhiễm virus corona chủng mới lên đến 556. Tốc độ lây nhiễm bệnh đang tăng nhanh ở nước này.
Trong số ca nhiễm mới được công bố, 75 trường hợp có liên hệ với giáo phái Shincheonji tại Daegu, theo KCDC. KCDC đã yêu cầu hơn 9.000 thành viên giáo phái Shincheonji tự cách ly.
Ngoài Daegu, ổ dịch lớn thứ 2 Hàn Quốc là tại bệnh viện Daenam ở Cheongdo, nơi ghi nhận ca tử vong đầu tiên ở nước này hôm 19/2. Cho đến hôm 22/2, tổng cộng 114 ca nhiễm, gồm 9 nhân viên y tế và 102 bệnh nhân, là ở bệnh viện này.
Đến nay, Hàn Quốc đã có 4 người chết vì virus. Hôm 21/2, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố thành phố Daegu ở phía đông nam nước này và huyện Cheongdo thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc giáp ranh là "khu vực quan tâm đặc biệt".
Trong dấu hiệu cho thấy virus có thể đã lây lan toàn quốc, các tỉnh thành khác, bao gồm Jeju, Chungcheong và Jeolla Bắc, đã báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh. Tỉnh Gyeonggi cũng thông báo có thêm các ca nhiễm mới.
Trong tuyên bố hiếm hoi vào tối 22/2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun một lần nữa trấn an người dân rằng virus có thể được khống chế nếu công chúng tuân thủ các chỉ thị của chính quyền.
Cách giao đồ ăn độc lạ thời dịch virus corona tại Trung Quốc
Một chủ nhà hàng ở Trung Quốc đã nghĩ ra cách giao hàng đặc biệt để phòng ngừa virus corona. Anh ném các nguyên liệu lẩu cay cho khách hàng để tránh tiếp xúc trực tiếp.
Theo news.zing.vn
Giáo phái tiềm tàng ổ dịch nCoV Nữ tín đồ nhiễm nCoV vẫn đi lễ ở nhà thờ, khiến hàng trăm thành viên Tân Thiên Địa có nguy cơ trở thành ca nhiễm mới. Hàn Quốc hôm nay ghi nhận tổng cộng 156 ca nhiễm nCoV, trong đó ít nhất 43 người bị lây từ người phụ nữ 61 tuổi được gọi là "Bệnh nhân 31", sống ở Daegu, cách...