Nỗi lòng mẹ chàng trai đạp xe 300km đi thi đại học
“Thuận ham học lắm. Nằm trong bệnh viện hắn chỉ sợ nghỉ lâu quá trường không cho học nữa nên cứ năn nỉ mẹ lên xin bác sỹ cho xuất viện”, bà Ngô Thị Tuệ – mẹ của Ngô Văn Thuận cho biết.
Bên cạnh nỗi lo về sức khoẻ của con, bà Ngô Thị Tuệ còn lo lắng việc Thuận nghỉ học quá lâu sẽ không được tiếp tục theo học tại Trường sỹ quan Tăng Thiết giáp
Nghe tin Ngô Văn Thuận – thí sinh đạp xe 300km ra Hà Nội dự thi đại học và được đặc cách vào Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp – nhập viện 103, chúng tôi ngược về xã Xuân Thành (Yên Thành, Nghệ An) để trao món quà của một đồng nghiệp ở phía Nam gửi cho Thuận với mong muốn em nhanh chóng khỏi bệnh. Căn nhà nhỏ ngay sát Trường THPT Yên Thành 2 của ông Ngô Văn Quý – bố Thuận im lìm, phủ đầy bóng tối.
Ngoài hông nhà, bà nội già nua mù lòa của Thuận đang lúi húi nấu cơm. Ông Quý ôm chiếc điếu cày nhìn ra phía cửa, bà Tuệ nén tiếng thở dài ngồi bó gối cạnh chiếc bàn nước con con. Căn nhà tối om om chẳng ai buồn bật điện. Nhận món quà của đồng nghiệp chúng tôi ở TP Hồ Chí Minh gửi tặng, bà áy náy: “Không biết thằng Thuận có được đi học nữa không? Nhận rồi, hắn không đi học nữa thì biết mần răng?”.
Quên cả rót nước mời khách, bà kể như thể để trút hết nỗi lòng của một người mẹ. Cách đây 2 tháng vợ chồng bà nhận được tin báo Thuận đã được nhập Bệnh viện Quân y 103. “Từ trước tới nay sức khoẻ Thuận bình thường, có biểu hiện chi lạ mô. Nghe tin, hoảng quá, vợ chồng tôi chỉ kịp vay hàng xóm mấy triệu bạc rồi bắt xe ra Hà Nội. Thuận vẫn nhận ra bố mẹ. Nghe nói Thuận nhảy qua bờ rào cao tới 3m rồi chạy khỏi trường, tui hỏi, hắn trả lời: “Đầu con đau lắm, mắt con hoa lên, nhìn mờ cả đi, con nóng ruột quá và nghĩ là phải trốn khỏi đó thôi”.
Điều trị được một thời gian thì bệnh tình của Thuận thuyên giảm thì hắn lại nằng nặc xin ra viện để về đi học. Hắn nói sợ nghỉ học lâu quá không theo kịp bạn bè, sợ nhà trường không cho học nữa. Các bác sỹ chưa cho xuất viện thì hắn lại chạy trốn. Bị bắt trở lại, lần này các bác sỹ, y tá canh chừng Thuận kỹ hơn. Tui vô thăm thì hắn lại bảo mẹ lên xin bác sỹ cho con xuất viện, con khoẻ rồi.
Video đang HOT
Ông Ngô Văn Quý: “Tôi nghĩ Thuận ngã bệnh là do căng thẳng quá”
Thương con, tui đánh liều lên gặp bác sỹ. Bác ấy bảo bệnh tình của Thuận đã đỡ nhưng cần phải theo dõi thêm, chưa thể cho xuất viện bây giờ. Ở trong viện, Thuận khó chịu lắm nhưng ngày mô cũng luyện tập mấy thế võ vừa được học. Thuận bảo phải luyện tập kẻo hôm nào đi học lại không theo kịp các bạn”, bà Tuệ cho biết.
Trầm ngâm ôm chiếc điều cày rít một hơi dài, ông Quý tiếp lời vợ: “Tui nghĩ hắn phát bệnh là do căng thẳng thần kinh quá nhưng có tờ báo viết là Thuận bị tâm thần do di truyền. Nhà tui có ai bị tâm thần mô mà bảo là Thuận bị di truyền được. Thuận là đứa hay lo. Ra đó, hắn sợ không theo kịp bạn bè, không được như mọi người kỳ vọng nên căng thẳng quá mà phát bệnh cũng nên”.
Sau hai tháng thay nhau ra Hà Nội chăm con, số lúa trong nhà cũng đã bị bán kiệt. Hai vợ chồng bà Tuệ phải vay mượn hàng xóm thêm 10 triệu đồng nữa để làm lộ phí đi lại, chi phí ăn ở. Tiền hết, ông bà đành gửi con lại cho các bác sỹ rồi dắt díu nhau về quê. Ông Quý theo người ta đi phụ lắp dàn mái tôn còn bà Tuệ lại ra đồng tiếp tục nghề thả trúm lươn của mình.
“Bác sỹ nói bệnh tình của Thuận đã đỡ nhưng tui không biết khi mô hắn mới được ra viện. Nghỉ học lâu rứa liệu nhà trường có cho hắn học tiếp không? Tui sợ nếu không cho học nữa hắn phát điên mất. Mà nếu nhà trường có tiếp tục cho học thì sợ nghỉ lâu quá, Thuận khó mà theo kịp bạn bè, hắn lại sinh tư tưởng chán nản nữa”, bà nói mà như khóc.
Chiều ngày 12/11, chúng tôi nhiều lần liên lạc qua điện thoại di động của Thuận, máy vẫn đổ chuông nhưng không có ai trả lời. Nhắn tin cũng không có hồi âm.
Theo Dantri
Nam sinh 'đạp xe 300 km' nhập viện khoa thần kinh
Không lâu sau khi nhập học trường Sĩ quan Tăng thiết giáp, Ngô Văn Thuận, cậu học trò nghèo "đạp xe 300 km" từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học, phải vào điều trị tại khoa thần kinh, Bệnh viện Quân y 103.
Chia sẻ với VnExpress, ông Ngô Văn Quý (bố của Thuận) cho biết, ngày 3/10, gia đình được trường thông báo, Thuận phải nhập viện. Sáng hôm sau, ông bắt xe ra Hà Nội và được biết con trai đang điều trị tại khoa thần kinh Bệnh viện 103.
"Ra đó, tôi thấy cháu nằm lịm đi trên giường, không biết gì. Nghe các bác sĩ nói cháu bị dấu hiệu thần kinh hoang tưởng, tôi rất lo lắng. Hy vọng lớn nhất của vợ chồng tôi là Thuận sớm bình phục để trở lại trường học tập", ông Quý nói và cho hay, Thuận chưa từng có tiền sử hay biểu hiện của bệnh thần kinh.
Từ ngày con trai phải nằm viện, ông Quý và vợ lần lượt ra bệnh viện chăm sóc. Cuối tháng 10, khi sức khỏe của Thuận đỡ hơn, ông bà mới về nhà và để cậu ở lại bệnh viện một mình.
Thuận điều trị tại khu A6, khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Bình Minh.
Một bác sĩ của khoa Thần kinh cho biết, tình trạng của Thuận đã đỡ hơn trước. Hàng ngày, sau giờ ăn cơm và uống thuốc, Thuận đi dạo quanh khuôn viên hoặc ngồi lặng lẽ trong phòng và ít chuyện trò. Cổng vào khu A6, khoa Thần kinh luôn được khóa để bệnh nhân không trốn ra ngoài. Bởi vậy, mọi sinh hoạt và giao lưu của người bệnh chỉ diễn ra bên trong cánh cổng sắt.
Dáng vẻ chậm chạp, lờ đờ, khuôn mặt ít biểu lộ cảm xúc, Thuận lật đật ra ghế đá ngồi. Đôi mắt nhìn xa xăm, cậu học trò xứ Nghệ lắp bắp nói chuyện. Thuận chia sẻ, sau khi nhập học được khoảng một tuần, cậu bỏ trốn khỏi trường.
"Lúc ấy em không phải là mình nữa. Em chỉ có suy nghĩ trốn về nhà. Sáng hôm em bỏ đi, nhiều người trong trường đã đuổi theo để giữ lại. Lúc sau, có một anh trong trường đã giữ được em. Hôm sau thì em nhập viện", Thuận kể.
Thuận cho hay, bản thân cũng không hiểu nổi vì sao có suy nghĩ chán học và muốn về nhà. Theo Thuận, trước hôm bỏ trốn, mọi chuyện với cậu diễn ra bình thường, trừ hiện tượng mệt mỏi và toàn thân run lẩy bẩy về đêm. Nam sinh này cho biết thêm, năm lớp 12, cậu cũng hay bị run rẩy như vậy.
Trước lúc nhập học, Thuận vẫn ra đồng làm thêm giúp bố mẹ. Ảnh:Nguyên Khoa.
Nhớ lại lúc nhận được quyết định vào học trường Sĩ quan Tăng thiết giáp, Thuận nhoẻn miệng cười: "Khi đó em hạnh phúc lắm. Em nhập viện đã hơn một tháng nay, vẫn muốn đi học lắm nhưng em sợ bệnh lại tái phát. Buồn, tiếc nhưng bệnh tật vậy phải chấp nhận thôi. Em định sẽ xin ra quân để đi học nghề, có thể em sẽ học điện dân dụng".
Hiện tại, một ngày của cậu học trò nghèo tại khoa Thần kinh chỉ quanh quẩn với ăn, ngủ, uống thuốc và đi dạo. "8h tối là em đi ngủ vì ở đây chẳng có việc gì làm. Bố mẹ em cũng ra thăm em vài hôm là lại về", Thuận nói và chia sẻ thêm, từ khi biết cậu bị bệnh, bạn gái quen trong thời gian thi đại học cũng đã chia tay.
Hiện, Bệnh viện Quân y 103 chưa có phát ngôn chính thức nào về tình trạng sức khỏe của Ngô Văn Thuận vì cần phải có "giám định khoa học" trước khi đưa ra kết luận.
Tháng 7 vừa qua, Ngô Văn Thuận một mình đạp xe từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học với 30.000 đồng trong túi. Dự định ngủ lại bên vệ đường hoặc vào chùa xin ngủ nhờ, nhưng Thuận may mắn gặp được người công an tốt bụng, đưa về nhà ăn nghỉ, rồi cho tiền để đi xe về quê sau khi thi xong.
Khi trường Sĩ quan Lục quân 1 công bố điểm chuẩn và biết mình không đỗ, Thuận ra chợ Vinh làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi em học, dự định năm sau sẽ thi tiếp. Tuy nhiên, với 14 điểm, Thuận đủ điểm đỗ trường Tăng Thiết giáp nên được Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký quyết định đặc cách.
Theo VNE
Nam sinh "đạp xe 300 km" muốn trở lại trường Điều dưỡng viên tại khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) cho biết Ngô Văn Thuận - nam sinh đạp xe 300km đi thi đại học - rất ngoan, lễ phép, biết cư xử và bệnh tình đang tiến triển tốt. Một điều dưỡng viên tại khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103 cho biết, bố mẹ...