Nỗi lòng gã tù nhân trẻ thương mẹ mà giết cha…
Không chịu được cảnh cha mình mỗi lần say rượu lại đánh đập hai mẹ con, Phan Minh Mẫn (SN 1990, ngụ huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh) đã dùng dây điện chích khiến người cha tử vong.
Hậu vụ án, Mẫn đối mặt với án phạt tử hình rồi lại thoát chết trong gang tấc. Tuy thoát chết nhưng tương lai tươi sáng của một sinh viên đã khép lại, thay vào đó là chuỗi ngày tháng dài dằng dặc trong trại giam để sám hối về tội ác khó dung thứ…
Phạm nhân Phan Minh Mẫn đang thi hành án tại trại giam Thủ Đức, Bình Thuận
Buổi tối oan nghiệt
Khoảng 18h30 ngày 9/11/2009, Phan Minh Mẫn, sinh viên năm thứ hai Trường Cao đẳng Kinh tế nghiệp vụ Phú Lâm, đi học về nhà thì thấy cha say rượu nằm ngủ dưới đất. Nhớ lại “thù cũ” khi cha mỗi lần “quắc cần câu” thường đánh đập mình và mẹ, cộng thêm cách đó 2 ngày cha đã đánh mẹ một trận “thừa sống thiếu chết”, Mẫn bột phát nảy sinh ý định phải “thủ tiêu” “tên bợm rượu”.
Mẫn đến một tiệm tạp hóa gần nhà mua 4m dây điện có gắn phích cắm với giá 22.000 đồng. Về nhà, Mẫn cắm điện, dùng đầu dây hở chích vào giữa nách, bụng và ngực của cha khoảng 5 phút thì nạn nhân tử vong. Sau khi gây án, Mẫn kể mọi chuyện cho mẹ nghe và hỏi: “Dây điện giờ làm sao đây?” thì mẹ Mẫn nói: “Đem quăng nó đi”.
Tội ác của Mẫn nhanh chóng bị cơ quan công an lật tẩy. Cuối tháng 4/2010, VKSND TP.Hồ Chí Minh có cáo trạng truy tố Mẫn về tội “Giết người” theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự. Không lâu sau đó, TAND TP.Hồ Chí Minh tuyên phạt Mẫn án tử hình về tội danh này.
Theo nhận định của Hội đồng xét xử, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và cần phải loại bỏ Mẫn khỏi đời sống xã hội vì tội ác dã man mà bị cáo đã gây ra. Chỉ vì cha sau khi uống rượu bia thường có thái độ cư xử không đúng mực nên bị cáo Phan Minh Mẫn thay vì phải khuyên răn cha mình thì lại bất chấp pháp luật, bất chấp luân thường đạo lý để sát hại cha, đó là tội ác không thể dung thứ. Sau phiên tòa, Mẫn kháng cáo xin giảm án.
Trong phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử TAND tối cao tại TP.HCM nhận định: Hành vi giết cha của Mẫn là đặc biệt nguy hiểm, không chỉ vi phạm pháp luật hình sự mà còn vi phạm đạo đức xã hội. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm vẫn chưa xem xét thấu đáo đến hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội của bị cáo Mẫn mà tuyên phạt mức án tử hình đối với Mẫn là có phần nghiêm khắc.
Việc phạm tội của Mẫn một phần cũng do nguyên nhân có tình trạng bạo hành trong gia đình. Từ nhỏ bị cáo đã nhiều lần chứng kiến cảnh cha uống rượu say là chửi mắng, đánh đập mẹ, em gái và chính bị cáo nên đã bị dồn nén, bức xúc.
Video đang HOT
Vì các lẽ trên, Tòa phúc thẩm cho rằng cần áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, biết ăn năn hối cải, gia đình nạn nhân, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương có đơn xin giảm án… nên đã quyết định giảm án cho Mẫn từ tử hình xuống tù chung thân bởi mức án chung thần với Mẫn là phù hợp, vừa đảm bảo răn đe, giáo dục bị cáo Mẫn vừa đảm bảo tính chất giáo dục, phòng ngừa chung.
Ám ảnh tuổi thơ
Gặp Mẫn trong Trại giam Thủ Đức (đóng tại tỉnh Bình Thuận, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an), trong suốt cuộc trò chuyện, hai tay Mẫn cứ vân vê tà áo và không dám ngẩng lên. Nước mắt lăn dài, Mẫn tâm sự: “Ký ức tuổi thơ của em chỉ là những lần say xỉn cùng những trận đòn roi của ba. Ba em chỉ biết đánh đập mẹ con em và nhậu nhẹt. Có khi trong nhà chỉ còn 5.000, 10.000 đồng ba em cũng lấy đem đi”.
Nơi Mẫn sinh ra và sống những năm tháng tuổi thơ là ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh. Nơi ấy khoảng chục năm trước vẫn chủ yếu là những công đất với rậm rạp lau sậy nên cuộc sống của gia đình Mẫn rất vất vả. Cha Mẫn không nghề nghiệp, lại hay nhậu nhẹt nên mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều dồn lên đôi vai của mẹ Mẫn. Ngay từ nhỏ, cậu bé Mẫn lúc nào cũng thương mẹ và luôn ao ước lớn lên sẽ làm ra nhiều tiền để mẹ cậu bớt khổ.
Mẫn hồi tưởng: “Ngày xưa còn nhỏ, em và em gái cứ mỗi lần nghe tiếng ba về là lại cắm đầu bỏ chạy vì sợ ăn đòn. Chuyện ba chốt cửa không cho 3 mẹ con vào nhà, khiến mẹ con em phải ngủ ngoài sân không phải là chuyện hiếm. Có lần phải ngủ ngoài sân khi trời mưa, đứa em của em đã bị viêm phổi mất gần 1 tháng”.
Dừng lại một lát, Mẫn tiếp tục kể về tuổi thơ đau khổ của mình: “Khi học lớp 6, một lần em đang nằm trong nhà thì nghe thấy tiếng ba về nên vội cắm đầu chạy do lúc sáng em mới bị ba đánh. Do trời tối, em chạy đâm sầm vào bụi lau sậy ở vườn nhà hàng xóm. Ba em chạy theo và đứng gọi: “Có phải thằng Hận đó không? (tên ở nhà của phạm nhân Mẫn – PV)”. Do sợ ba quá nên em không dám trả lời, cứ nằm ở đó mãi đến nửa đêm mới dám về nhà. Những lần như thế là mẹ lại thức trắng đợi em về”.
Nhưng rồi, Mẫn đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn để thi đỗ vào chuyên ngành sửa chữa ô tô của Trường Cao đẳng nghề Phú Lâm. Thực ra, ngành mà Mẫn muốn học là công nghệ thông tin nhưng lúc đó cha Mẫn nói: “Nếu mày thì khoa sửa chữa ô tô thì tao sẽ cùng với mẹ mày làm việc để lo cho còn nếu mày học công nghệ thông tin thì tao mặc xác” nên Mẫn đành gác lại đam mê.
Ngày về còn xa…
“Nghĩ lại những hành vi sai trái của mình, em biết thật dại dột vì cuối cùng mẹ em vẫn là người đau khổ nhất. Ba không còn, mẹ còn mang tiếng vì em là đứa bất hiếu. Nếu được làm lại, em sẽ đi khỏi nhà và tự kiếm sống. Khi nào cuộc sống của em có thể san sẻ được gánh nặng với mẹ thì em sẽ quay về”.
Mẫn nói thêm: “Khi tòa tuyên án, em chỉ kịp nhìn thấy tay mẹ chới với theo em khi em bị đưa về trại tạm giam. Những lúc trong Trại giam Chí Hòa chờ ngày ra pháp trường em mới thấy khao khát được sống. Trong buồng giam tử tù, cứ mỗi lần tiếng cửa ken két mở ra là mỗi lần trái tim em muốn nhảy ra ngoài vì nghĩ là tới lượt mình”.
Rồi Mẫn trầm ngâm nói: “Khi con người ta sắp chết là lúc con người thiện và thật nhất. Thời gian ở buồng giam tử tù, em đã được nghe tâm sự của nhiều phạm nhân khác về những vấp ngã trong cuộc đời của họ và trong đó có cả những kỷ niệm vui nữa. Lúc đó em đọc được trong mắt họ niềm nuối tiếc và khao khát sống.
Sau này, khi em được xuống án, niềm vui đó khiến em reo lên vì sung sướng khi về đến buồng giam. Các tử tù có mặt lúc đó đều chúc mừng cho em nhưng em nhìn thấy trong mắt họ đượm buồn vì đã không được may mắn như vậy. Hôm vừa rồi, có một phạm nhân mới chuyển xuống cho biết là những người ở cùng buồng với em hôm trước đều đã bị thi hành án cả rồi chị ạ”.
Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, Mẫn mới thấy thương mẹ và em gái hơn bao giờ hết. Trong mắt của Mẫn thì “mẹ em là một người phụ nữ rất đẹp nhưng bởi cuộc sống vất vả nên dù mới gần 40 tuổi, mẹ em đã bị rất nhiều căn bệnh hành hạ như gai cột sống, đau thần kinh tọa…
Em lúc nào cũng nghĩ về mẹ, chỉ mơ ước sớm được về đỡ đần mẹ thôi. Mỗi ngày, em đều không dám nghĩ nhiều đến thời gian vì nghĩ nhiều tư tưởng sẽ nặng nề khó cải tạo và nếu em lại sai lầm thêm một lần nữa thì ngày về của em với mẹ càng xa hơn”.
Giá như người cha làm đúng phận sự của mình thì đã không có câu chuyện buồn này…
Theo PLVN
Từ những vụ án oan nghiệt ngẫm về đạo Hiếu đương đại
Có rất nhiều vụ án liên quan tới chữ Hiếu đã diễn ra và chưa dừng lại. Những nhát dao oan nghiệt vẫn vung lên, những lời chửi rủa thóa mạ vẫn được phun ra đẩy người cùng cực đến lằn ranh của tội ác. Pháp luật đã quá nhẹ nhàng hay nguồn cội của chữ Hiếu là tình cảm gia đình đã bị lung lay?
Gieo đòn roi, nhận quả đắng
Những ai đã từng được dự khán phiên tòa xét xử bị cáo Phan Minh Mẫn về tội giết cha hẳn đã không bao giờ quên được những giọt nước mắt đã rơi tại chốn pháp đình. Ngày 9/11/2009, Mẫn - sinh viên trường Cao đẳng kinh tế nghiệp vụ Phú Lâm đi học về tới nhà thấy cha mình là ông P.T.T. say rượu đang nằm ngủ dưới nền nhà.
Phan Minh Mẫn (trái) cùng người thân (bà nội, mẹ, em gái) trong giây phút Mẫn bị Tòa sơ thẩm tuyên án tử hình
Nghĩ đến cảnh ông thường xuyên say rượu, đánh chửi vợ con, đập phá đồ dùng trong nhà, Mẫn nảy sinh ý định giết cha. Kết thúc đau lòng, ông T. chết do bị con trai chích điện vào người trong nhiều phút. Phan Minh Mẫn bị bắt và lĩnh án tử hình. Tại phiên phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP.HCM, Mẫn đã thừa nhận mình nảy sinh ý định giết cha do thấy cha thường say xỉn, đánh đập mẹ và hai anh em suốt nhiều năm.
Đại diện cho người bị hại, bà nội Mẫn nước mắt như mưa cầu xin Tòa cho cháu nội mình được sống khi nhắc lại những trận đòn roi của con trai mình đổ xuống đầu con dâu và cháu nội ngày ngày - nguyên nhân chính xô đẩy Mẫn phải đứng sau vành móng ngựa. Mẹ Mẫn cũng khẩn thiết xin Tòa giảm án cho con, bởi với bà, 20 năm bên chồng là những ngày tháng không ít đắng cay mà chỉ có đứa con trai là người chia sẻ.Phiên tòa đã khép lại với mức án được hạ xuống thành chung thân dành cho Phan Minh Mẫn - đứa con mang trọng tội giết cha. Phiên tòa đó đã trở thành một phiên tòa định mệnh cứu vớt một gia đình xiêu vẹo.
Thế nhưng cũng từ đây một câu hỏi cũng đặt ra rằng đã có quá nhiều những thảm cảnh diễn ra, những bản án nghiêm khắc được tuyên phạt như thế, nhưng tại sao mọi sự vẫn không dừng? Những nhát dao oan nghiệt vẫn vung lên, những lời chửi rủa thóa mạ vẫn được phun ra đẩy người cùng cực đến lằn ranh của tội ác. Phải chăng từ tận sâu thẳm nguồn cội, gốc rễ của chữ Hiếu đã bị lung lay? Như người cha xấu số của bị cáo Phan Minh Mẫn cứ hồn nhiên cho mình cái quyền được chửi vợ, đánh con mà không biết rằng chính điều đó đã là nguyên nhân đưa chính mình vào chỗ chết và đẩy đứa con trai thành kẻ bất hiếu và ra chốn pháp đình?
Bảo tồn chữ hiếu: Tình cảm quan trọng hơn pháp luật
Theo Bộ luật Hồng Đức - một bộ luật xưa nổi tiếng của Việt Nam - thì tội ác nghịch (mưu giết hay đánh ông bà cha mẹ) và tội bất hiếu (cáo giác hay chửi rủa ông bà cha mẹ) đều được liệt vào nhóm tội thập ác có nghĩa là những trọng tội nguy hiểm nhất và đi kèm với đó là những hình phạt nghiêm khắc nhất mà không được chế độ đặc xá, đại xá. Cổ luật nghiêm khắc là vậy nên trải qua hàng trăm năm áp dụng, hành vi bất hiếu đã mặc nhiên bị xã hội lên án kịch liệt trong bề dày của phong tục, tập quán. Và người phạm vào hành vi đó tuyệt đối không bao giờ được "bia miệng" của xã hội dung thứ.
Nhưng trong pháp luật đương đại, mọi hành vi dù là tội ác thì cũng cần phải được nhìn nhận suy xét ở nhiều góc độ, để từ đó không một ai bị oan ức và cũng không một kẻ nào lọt lưới trừng phạt. Với hành vi bất hiếu cũng vậy. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nêu rõ rằng con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ. Phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ già yếu, ốm đau. Nghiêm cấm ngược đãi, hành hạ, xúc phạm ông bà, cha mẹ...
Như vậy về nguyên tắc, hiện tượng đánh đập, mắng chửi, đày đọa, ngược đãi ông bà, cha mẹ là hành vi trái pháp luật. Nhưng nếu người vi phạm nghĩa vụ nói trên, mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, trước hết có thể bị xử phạt hành chính. Biện pháp hành chính áp dụng ở đây chủ yếu là nhằm giáo dục để cá nhân vi phạm nhận thức được sai phạm của mình, tự nguyện sửa chữa và chấm dứt hành vi vi phạm.
Còn ở những trường hợp nghiêm trọng hơn như hành vi đâm, chém, đấm, đá, đánh đập ông bà, cha mẹ có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tình tiết tăng nặng do người bị đánh đập là ông, bà, cha, mẹ. Hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ (như đối xử tàn nhẫn, trái đạo đức, gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho ông bà, cha mẹ) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ. Nhưng cũng cần lưu ý rằng những hành vi này hoặc chỉ bị khởi tố nếu có yêu cầu của người bị hại hoặc phải gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã từng bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính rồi mà còn vi phạm...
Như vậy, với những quy định nhiều khi bị "mang tiếng" là nhẹ nhàng, pháp luật Việt Nam đã và đang chứng tỏ một điều rằng, sự từ tâm của cha mẹ, đạo đức của con cháu, tình đoàn kết, thương yêu trong nội bộ gia đình để duy trì, bảo tồn chữ Hiếu mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải là những phiên tòa luôn ngập tràn nước mắt người trong cuộc.
Theo PLVN
Nghịch tử bị bắt sau 4 năm bỏ trốn Bênh mẹ, Nguyên chạy vào bếp lấy dao đâm thủng tim cha. Giết chết đấng sinh thành, nghịch tử "biến mất". Ngày 4/7, thượng tá Nguyễn Văn Nem (Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Bình Dương) cho biết đã bắt được Phan Phước Nguyên, 29 tuổi, kẻ mang lệnh truy nã về tội Giết người hơn 4 năm...