Nỗi lòng dân 8x khi nhìn vào thị trường game online Việt
Chắc hẳn các 8x, 9x đời đầu vẫn còn nhớ như in cái ngày game online lần đầu tiên cập bến Việt Nam với những sản phẩm đình đám như MU, Võ Lâm…Tôi vẫn còn nhớ như in cách đây gần chục năm, khi mà MU, tựa game online đầu tiên ra mắt tại Việt Nam. Đám trẻ con cấp 2 như chúng tôi hồi đó mê mẩn, tiết kiệm từng đồng chỉ để đổi lấy vài tiếng ra quán net chơi game.
Tiết kiệm cả tuần chỉ để cho vài giờ như thế này đây.
Và quán net khi đó cũng chỉ vừa mới lên đời từ quán game mạng lan thành những phòng net mà đám trẻ chúng tôi vẫn thường lui tới. Có những đứa bạn của tôi ngồi cả ngày ở quán net chỉ để đợi đánh một con boss, có những đứa ngồi cắm chuột cả đêm, level lên tới cả trăm mà loáng cái lại trở về level 1, mặt ngẩn ngơ vì chưa hiểu cơ chế reset của game.
Chúng hào hứng khoe những bộ giáo rồng với dòng chữ xanh lá cùng một đống thông tin dài dằng dặc. Hồi đó, ai có được những bộ giáp rồng óng ánh cùng đôi cánh thiên thần đằng sau lưng thì hẳn đó là những pro game mà ai nhìn vào cũng đều trầm trồ thán phục, vậy mới biết game online ngày xưa có giá trị phân cấp đến nhường nào.
Video đang HOT
Nhìn những hình ảnh này khiến cho đám trẻ con chúng tôi vừa thèm thuồng vừa thích thú.
Rồi không lâu sau đó, một tựa game khác cũng làm khuynh đảo thế giới của các game thủ bấy giờ đó là Võ Lâm Truyền Kì. Nếu nhắc đến tựa game này, tôi chắc hẳn phải có tới 90% những người đã từng chơi qua game online đều biết. Chỉ sau một thời gian ra mắt, game đã thu hút được khối lượng người chơi khổng lồ, các buổi offline luôn đông nghịt người, những món đồ trong game được giao bán tiền tỷ, tất cả những thứ trên đều là ước mơ của các nhà phát hành.
Game quả thực là một tượng đài mà khó có game nào hiện nay có thể xô đổ được. Các bạn chắc hẳn vẫn nhớ những buổi Tống Kim lúc tờ mờ sáng, hay lệnh săn boss được bang chủ hô hào là lập tức có hàng chục, thậm trí hàng trăm anh hào lên tiếng hưởng ứng. Rồi những lần họp bang, offline tự phát rùi tá hỏa rằng bang chủ của mình chỉ là 1 thằng nhóc vắt mũi chưa sạch, hay có những cặp đôi nên duyên trên game và cũng thành đôi chính tại đời thực.
Câu cửa miệng “đồ sát” của game thủ lúc đó thịnh hành đến mức mà nhà nhà đồ sát, người người đồ sát, và cho tới nay vẫn còn một số người sử dụng, cũng phần nào cho thấy mức độ lan tỏa của game rộng đến mức nào.
Hành tẩu giang hồ cùng các vị huynh đệ thật vui, phải không nào?
Võ Lâm Truyền Kì đem tới cho người chơi không chỉ là một thế giới võ hiệp đầy màu sắc mà còn đem đến cho họ cơ hội được giao lưu, học hỏi, làm quen, kết bạn, những khái niệm đã được game phổ biến rộng khắp trước khi mạng xã hội ra đời. Sau đó cũng có một số cái tên khác nổi lên như Cabal, Kiếm Thế,Chinh Đồ… nhưng dường như vẫn chưa tựa game nào có được tầm ảnh hưởng lớn như 2 người tiền nhiệm trước đã làm. Và 2-3 năm trở lại đây, game online nhiều như nấm mọc sau mưa.
Chỉ riêng những game client cũng đã lên tới con số vài chục, chưa kể các webgame với nội dung đều na ná, nên cho dù có đồ họa chẳng thua kém gì các tựa game client khác nhưng cũng không đem đến sự hào hứng cho người chơi.
Tuy rằng đồ họa cũng không hề kém cạnh những game client khác, nhưng liệu điều đó đã đủ game trở thành một “món ăn ngon” dành cho các game thủ hay chưa?
Các game thủ đã dành cho webgame một cái tên chẳng mấy hoa mĩ cho lắm, đó là “game rác”, đủ hiểu sự chán nản của họ đối với dòng sản phẩm này như thế nào. Vậy câu hỏi đặt ra cho các nhà phát hành là họ sẽ phải làm gì để có thể lôi kéo được cộng đồng về phía mình, và đạt được những thành công rực rỡ như của MU hay Võ Lâm. Đó cũng là thách thức lớn nhất đối với những nhà làm game hiện nay.
Thị trường game online Việt liệu sẽ đi về đâu?
Theo VNE