Nói lời sau cùng, ông Đinh La Thăng xin điều gì?
Chiều nay (11.5), sau 5 ngày xét xử phúc thẩm vụ án kinh tế – tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội cho các bị cáo nói lời sau cùng và vào nghị án.
Được nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN Đinh La Thăng cảm ơn tòa, Viện kiểm sát và các luật sư.
Ông Thăng tha thiết đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) trên cơ sở chứng cứ, quan điểm bào chữa của luật sư, xem xét công tâm, khách quan, công bằng đối với ông này.
“Xem xét cho tôi được chuyển tội danh. Tôi xin nhận tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nhiêm trọng” – bị cáo Đinh La Thăng nói.
Bị cáo sinh năm 1960 khẳng định luôn ý thức phải tuân thủ pháp luật, không bao giờ có suy nghĩ chỉ đạo cấp dưới cố ý làm trái để gây ra hậu quả. Bản thân luôn hành động vì lợi ích của tập thể, tập đoàn và cao hơn là lợi ích cảu Đảng, Nhà nước; không có tư lợi cá nhân…
Ông Đinh La Thăng (Ảnh: TTXVN)
Mong tòa đảm bảo sự nghiêm khắc của pháp luật nhưng cũng đảm bảo tính nhân văn, khoan hồng của Đảng và Nhà nước…
Trong lời nói sau cùng của mình, bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên Tổng giám đốc PVN đề nghị tòa cân nhắc xem xét lại tội danh như cáo buộc là “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước” với mình.
Bị cáo Thực cho rằng bản thân không cố ý làm trái và đã nhận phần trách nhiệm của mình trong vụ án. Tại dự án Thái Bình 2, bị cáo không tư lợi, có nhiều hành vi góp phần hạn chế chấp nhất thiệt hại trong vụ án như các luật sư đã trình bày.
Ông Phùng Đình Thực (Ảnh: TTXVN)
Ông Phùng Đình Thực còn trình bày là người có những đóng góp to lớn cho đất nước và cống hiến không ngừng nghỉ. Nguyên Tổng giám đốc PVN nói không cần thiết phải cách ly ông ra khỏi đời sống xã hội, bị cáo này không gây hại, nguy hiểm cho xã hội mà còn có thể đóng góp tích cực trong giai đoạn hiện nay.
Mong tòa phúc thẩm giảm án, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Video đang HOT
“Bị cáo thanh thản vì đã hoàn thành được trách nhiệm đối với sai phạm mình gây ra trong quá khứ. Mong HĐXX xem xét, chấp nhận ý kiến, luận cứ của luật sư bảo vệ cho bị cáo, cho bị cáo được giảm mức hình phạt, sớm được trở về với gia đình, xã hội, phụng dưỡng mẹ già, chữa bệnh, trở thành công dân có ích cho xã hội” – bị cáo Khánh nói lời sau cùng.
Ông Nguyễn Quốc Khánh (Ảnh: TTXVN)
Nguyên Tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận nói lời sau cùng rằng bị cáo này rất ăn năn hối lỗi. “Bị cáo bị cáo buộc 2 tội danh là cố ý làm trái và tham ô tài sản, bị cáo nhận trách nhiệm của mình và mong đượ xem xét giảm án hơn nữa để sớm được trở về với xã hội” – Vũ Đức Thuận nói.
Với các bị cáo khác như Nguyễn Anh Minh, Ninh Văn Quỳnh, khi được nói lời sau cùng, bị cáo này xin được giảm nhẹ tội hơn để sớm được trở về gia đình.
Trước đó, trong phiên sơ thẩm xét xử vụ án này vào tháng 1 năm nay, với tội “Cố ý làm trái”, TAND TP.Hà Nội tuyên ông Đinh La Thăng 13 năm tù, Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN) 9 năm tù, Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) 9 năm tù, Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) 9 năm tù, Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban kiểm toán và kế toán PVN) 7 năm tù…
Vũ Đức Thuận nhận trách nhiệm khi nói lời sau cùng, mong giảm án ở phiên phúc thẩm. (Ảnh: TTXVN)
Với tội “Tham ô” có 8 bị cáo bị tuyên từ 3 năm tù treo đến 16 năm tù. Đặc biệt, Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) bị tuyên tội “Cố ý làm trái” và “Tham ô”. Ông Thanh lĩnh án chung thân, Thuận lĩnh án 22 năm tù.
Sau đó, 15 người gửi đơn kháng cáo. Trong số này, ông Phùng Đình Thực (64 tuổi, nguyên Tổng giám đốc PVN) lớn tuổi nhất.
Trịnh Xuân Thanh kêu oan toàn bộ kết luận của tòa sơ thẩm. Ông Thanh kiến nghị TAND Cấp cao xem xét lại tội danh, mức án và khoản bồi thường trách nhiệm dân sự.
Ông Đinh La Thăng kháng cáo, cho rằng án sơ thẩm quá nghiêm khắc. HĐXX chưa đánh giá đúng trách nhiệm của bị cáo trong vụ án.
13 bị cáo còn lại mong cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Liên quan vụ án, ông Trịnh Hùng Cường (con trai Trịnh Xuân Thanh) kháng cáo đề nghị trả lại biệt thự và ôtô. Tuy nhiên, trước khi phiên tòa này diễn ra, Trịnh Xuân Thanh đã rút đơn kháng cáo và tại phiên tòa ngày 7.5, con trai Trịnh Xuân Thanh rút kháng cáo đề nghị trả lại biệt thự, ô tô.
Chiều 14.5, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ tuyên án vụ án này.
Theo Danviet
"Không phải trách nhiệm nhưng đều buộc tội, đều do Đinh La Thăng chỉ đạo"
Hôm nay (11.5), phiên phúc thẩm ông Đinh La Thăng và đồng phạm đã bước sang ngày thứ 5. Trong buổi sáng, bị cáo Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có những đối đáp với các đề nghị của Viện kiểm sát (VKS) trong bản luận tội cách đây 2 ngày.
Đề nghị không gắn vào việc của người khác
Tại phần tranh tụng của mình, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng tòa sơ thẩm đã không xem xét nhiều luận cứ bào chữa của luật sư và lời khai bị cáo. Do đó, ông đã quyết định kháng cáo để mong hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm xem xét thấu đáo.
Về những cáo buộc trong bản luận tội được vị đại diện VKS nêu cách đây 2 ngày, ông Thăng nói bản thân rất băn khoăn và không đồng tình với quan điểm đề nghị giữ nguyên các nội dung tại bản án sơ thẩm.
Bị cáo này trình bày, ngoài những căn cứ tòa sơ thẩm chưa xem xét, tại phiên phúc thẩm này, nhiều diễn biến mới cũng không được VKS cập nhật vào bản luận tội để làm cơ sở đánh giá.
Sáng 11.5, tại phần trình bày của mình, bị cáo Đinh La Thăng nói cảm nhận những việc không phải trách nhiệm nhưng vẫn bị nhắc đến. (Ảnh: TTXVN)
"Tôi cảm nhận gần như tất cả những gì dù không phải trách nhiệm của tôi đều buộc tội, đều do Đinh La Thăng chỉ đạo" - ông Thăng nói.
Cũng trong phần trình bày của mình, cựu Chủ tịch HĐTV PVN đề nghị tòa xem xét những gì thuộc thẩm quyền của bản thân, nếu có sai phạm thì mới quy kết trách nhiệm.
"Việc của người khác đề nghị không gắn cho cá nhân tôi", "không có nghĩa là người đứng đầu thì mọi việc từ lớn đến bé cũng đều phải biết, phải chịu trách nhiệm" - bị cáo Thăng quả quyết.
Ông Thăng cũng cảm ơn đại diện VKS đã đề nghị giảm án cho rất nhiều bị cáo từng là đồng nghiệp cấp dưới của mình, mong HĐXX xem xét để có thể giảm mức tối đa mức án cho những người này.
Đề nghị xác thực chứng cứ
Bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Phan Trung Hoài trình bày, vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có trách nhiệm của 4 thành phần:
Chủ tịch và HĐTV PVN; Ban Tổng giám đốc PVN, Ban quản lý dự án; các đơn vị thành viên độc lập gồm PVC và PVPower.
Theo luật sư Hoài, bản án sơ thẩm quy kết ông Đinh La Thăng biết PVC không đủ năng lực nhưng vẫn cho chỉ định tổng thầu dự án, tuy nhiên, tháng 8.2011 ông Thăng đã chuyển công tác mới.
Luật sư bào chữa nói, sau khi ông Thăng chuyển đi, những người kế nhiệm đã lập tổ kiểm định để kiểm tra năng lực nhà thầu của đơn vị thành viên PVC do Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch.
Và theo bản kết luận thẩm định do Nguyễn Quốc Khánh nguyên Phó tổng giám đốc PVN gửi HĐTV PVN cho thấy, PVC có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kiến nghị xem xét PVC là tổng thầu dự án. Đến hiện tại, PVC vẫn là tổng thầu duy nhất của dự án Thái Bình 2, tiến độ đã đạt được 93%.
Nhóm luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng đề nghị xác thực chứng cứ về cáo buộc chỉ đạo việc tạm ứng tiền cho PVC.
Với cáo buộc ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo ký hợp đồng số 33 trái pháp luật, vị luật sư nêu quan điểm, bản chất hợp đồng này là để thực hiện dự án nhiệt điện, không phải để ứng tiền cho PVC.
Trong bản án sơ thẩm, bị cáo Thăng bị cáo buộc đã chỉ đạo việc tạm ứng tiền PVC khi hợp đồng chưa hoàn thiện, dẫn đến việc Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tham ô.
Về vấn đề này, nhóm LS bào chữa cho ông Thăng mong HĐXX và đại diện VKS xem xét tính xác thực, tính liên quan của các chứng cứ dẫn đến việc buộc tội cho thân chủ.
Cụ thể, các chứng cứ thể hiện ông Thăng chỉ đạo việc tạm ứng xuất phát từ những lời khai của Vũ Huy Quang (nguyên Tổng giám đốc PVPower)
"PVPower mới là chủ thể thiếu trách nhiệm"
Nhóm luật sư bào chữa cho cựu chủ tịch HĐTV PVN khẳng định, ông Thăng không hề biết việc Ban quản lý dự án nhiệt điện đã 3 lần ứng tiền cho PVC với tổng số tiền gồm 6,6 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng.
Lý giải cho quan điểm này, luật sư nêu rằng, trong một cuộc họp giao ban tại công trường sau khi PVC được ứng tiền, HĐTV và Chủ tịch Đinh La Thăng đã yêu cầu PVC phải chi tiêu tiền tạm ứng đúng pháp luật.
Theo các luật sư, để xảy ra những hậu quả tại PVC, PVPower mới là chủ thể thiếu trách nhiệm.
Vì PVPower là đơn vị có quyết định cuối cùng về việc phê duyệt chỉ định nhà thầu dự án. Trong bản kết luận thẩm định, PVPower đã khẳng định PVC có đủ năng lực nhà thầu.
Theo Danviet
Vũ Đức Thuận: "Xin gửi lời xin lỗi tới anh Đinh La Thăng" Trong phiên tòa chiều 10.5, sau khi được luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình trình bày quan điểm bào chữa, bị cáo Vũ Đức Thuận xin bổ sung thêm và cũng trong phần trình bày của mình, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) gửi lời xin lỗi tới cựu Chủ tịch...