Nỗi lo nợ nần chồng chất
Sau các chuyến đi biển bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tàu và tài sản, nhiều ngư dân rơi vào cảnh túng bấn, đối diện nợ nần khó trả
Chiều 25-5, hai ngày trở về sau chuyến biển bị Trung Quốc bắt giữ tịch thu hoàn toàn tài sản trị giá hơn 1 tỉ đồng khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, không khí gia đình những ngư dân của hai tàu cá QNg-55003TS và QNg-50003TS tiếp tục ảm đạm.
Mất trắng sau chuyến biển
Ngồi bên mép biển gần nhà nhìn ra khơi xa, khuôn mặt thuyền trưởng tàu QNg-55003TS Trần Thế Anh buồn thiu. Thế Anh cho biết, để có tiền đóng tàu ra khơi và tổn phí cho chuyến ra khơi vừa qua, gia đình anh phải nhờ đến đầu nậu cho mượn tiền cùng với cầm sổ đỏ nhà 50 triệu đồng.
Video đang HOT
“Tính mượn đó để ra khơi kiếm tiền về trả nợ cho người ta, thế mà có ai ngờ được đâu, ra khơi đánh bắt gần đầy khoang cá, chờ đánh thêm hai đêm nữa về sẽ trả đủ nợ cho người ta. Vậy mà mất hết. Giờ chẳng biết lấy đâu ra tiền trả nợ cho người ta nữa. Còn cái sổ đỏ thì chắc là ngân hàng đến xiết nhà thôi” – Thế Anh buồn bã tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Thuộc, mẹ thuyền trưởng Trần Thế Anh, lo lắng số tiền mắc nợ ngân hàng sẽ không biết trả ra sao
Không như tàu QNg-55003TS bị Trung Quốc lấy sạch, chủ tàu QNg- 50003TS của thuyền trưởng Nguyễn Thành Nhất (Châu Thuận) được Trung Quốc cho về với con tàu chỉ còn cái xác. Ngồi trước hiên nhà, hai cha con ông Nguyễn Văn Hồng và Nguyễn Thành Nhất như người mất hồn. Để có tiền đóng tàu ra khơi ông Hồng phải tích cóp cả đời làm ăn, cách đây hai năm, con tàu được 3 bạn chài hùn vốn, nâng cấp mới để đi đánh bắt ở Hoàng Sa.
Anh Nhất nói: “Nhờ nâng cấp tàu, đầu nậu mới cho nợ 100 triệu đồng tiền tổn phí. Vậy mà từ đầu năm đến giờ ra khơi được bốn chuyến thì hết hai chuyến bị tịch thu tài sản. Chuyến trước hồi tháng 3, mang tàu trở về, tôi cố vay mượn mua lại ngư lưới cụ ra khơi. Nợ chưa trả đồng nào thì giờ lại bị bắt tiếp. Bây giờ, cả tiền ngư cụ nếu sắm lại phải mất 150 triệu đồng, cộng với 100 triệu đồng phải trả tổn cho đầu nậu. Gia đình đã hết cách”.
Bị bắt là nghèo
Không chỉ những chủ tàu bị thiệt hại vừa qua do Trung Quốc tịch thu tài sản mà nhiều ngư dân khác có tàu sắp ra khơi cũng đang lo lắng. Một chủ tàu cho biết, hiện nay phía Trung Quốc sau khi bắt bớ vô lý trên biển, họ sẽ tập trung tàu lại và dồn những ngư dân bị bắt lên một tàu nào đó “xập xệ” nhất, còn tàu mới họ lấy chở vật liệu.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho hay hầu hết các chủ tàu bị nước ngoài bắt, đặc biệt là bị Trung Quốc bắt thì hầu như ai cũng rơi vào cảnh túng bấn. “Ở đây, có người bị bắt nhiều lần, giờ đã bỏ biển lên bờ. Trong đó, đặc biệt nhất là trường hợp của Đỗ Ngọc Thọ ở thôn Định Tân và Tiêu Viết Là ở thôn Châu Thuận, tài sản không còn lại rơi vào cảnh bệnh tật” – ông Hùng nói.
Hiện đang có 3 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Đó là các tàu cá QNg-90591TS có công suất 155 CV của ông Nguyễn Hữu Quang (thôn Phú Quý) bị Indonesia bắt giữ ngày 9-5 và 2 tàu cá bị Philippines bắt giữ gồm QNg-95997TS có công suất 105 CV của ông Tiêu Minh Sơn và QNg-90578TS có công suất 400 CV của ông Trần Phát (cả hai bị bắt vào giữa tháng 5 vừa qua). Trên 3 tàu có tổng cộng 36 lao động.
Ông Phạm Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh, cho biết đã gửi công văn báo cáo sự việc lên cấp trên và nhờ can thiệp.
“Tưởng mừng nhưng lo lắm” Theo anh Nhất, việc được trả tàu cho về cũng là… nỗi lo lớn nhất. Nếu đã bị tàu Trung Quốc bắt và tịch thu luôn tàu, đầu nậu sẽ không đòi nợ chủ ghe. “Còn như trường hợp tàu QNg 50003TS được trả về, đầu nậu ngày nào cũng đến nhà “hỏi thăm” đòi tiền nợ. Mang cái xác tàu về tưởng mừng nhưng lo lắm. Nếu giờ mượn được tiền để sắm sửa ra khơi thì cũng không có bạn để đi nữa vì họ sợ mình không có tiền. Ngày trước trả tổn cho đầu nậu 100 triệu đồng, thì giờ phải bỏ thêm 20-30 triệu đồng nữa để trả nợ tổn cũ” – anh Nhất nói.
Theo NLD