Nỗi lo bùng phát bệnh cúm gia cầm trên người
Từ tháng 3/2024 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp mắc cúm gia cầm ở người, trong đó 1 trường hợp tử vong.
Cúm gia cầm A/H5N1 là chủng cúm có độc lực cao, 50% số ca mắc tử vong, rất nguy hiểm và gây lo lắng khi nước láng giềng với Việt Nam là Campuchia ghi nhận nhiều ca bệnh từ đầu 2024 đến nay. Đặc biệt, đầu tháng 4/2024, Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên.
Bệnh lây từ gia cầm và chim hoang dã
Sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm trên người, (từ năm 2022 đến nay), Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó có 1 ca tử vong do cúm gia cầm là sinh viên 21 tuổi Trường Đại học Nha Trang. Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng CụcY tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dịch cúm A/H5N1 ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất là năm 2004-2009 ghi nhận 112 trường hợp, trong đó có 57 ca tử vong. Tích lũy đến nay, Việt Nam ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong (~50%).
Công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng đàn gia cầm cần được duy trì thường xuyên để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh minh họa: CTV.
Vào đầu tháng 4/2024, Việt Nam ghi nhận ca mắc cúm gia cầm A/H9N2 đầu tiên là bệnh nhân 38 tuổi, trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A/H9N2, trong đó 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 2 trường hợp ở Campuchia. Tại Campuchia, năm 2023 có 6 người bị nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 (trong đó có 4 ca tử vong). Từ đầu năm 2024 đến nay, Campuchia tiếp tục có 5 người nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 (trong đó có 1 ca tử vong) tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.
Video đang HOT
Tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước, vì vậy, vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2023 cả nước có 21 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 11 tỉnh, buộc tiêu hủy hơn 40 nghìn con gia cầm, giảm trên 60% so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2024 có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 6 tỉnh, buộc tiêu hủy gần 9 nghìn con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 chưa qua 21 ngày.
Đối với cúm A/H9N2, trước đây có phát hiện virus này lưu hành trên đàn gia cầm, song chưa ghi nhận lây sang người. Theo Cục Thú y, đây là virus cúm gia cầm có độc lực thấp, thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Tuy nhiên, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A/H9N2 nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.
Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Nguồn bệnh lây truyền từ động vật, chủ yếu là từ gia cầm và chim hoang dã, nên việc kiểm soát nguồn lây tương đối khó khăn.
Gia cầm sống vẫn được buôn bán, giết mổ ở chợ dân sinh tại Hà Nội.
Cần kiểm soát giết mổ gia cầm trong nội thành
Trước tình hình bệnh cúm gia cầm trên người đã xuất hiện, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng giết mổ gia cầm sống ở nhiều chợ trong nội thành Hà Nội vẫn diễn ra bình thường. Tại nhiều chợ cóc, chợ dân sinh, tình trạng giết mổ gia cầm sống từ lâu vẫn tồn tại, không chỉ gây mất an toàn thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, đe doạ sức khoẻ cộng đồng. Tại chợ cóc ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, mỗi ngày có từ 2-3 hàng giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ. Khi được hỏi về bệnh cúm gia cầm lây sang người, người bán hàng không hay biết và nói: “Chúng tôi ngày nào chả giết mổ có sao đâu!”.
Theo Chi cục Chăn nuôi, thuỷ sản và Thú y Hà Nội, toàn TP hiện có 726 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 656 cơ sở giết mổ thủ công, chưa bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Mặc dù TP Hà Nội đã có quy định cấm giết mổ gia cầm tại chợ dân sinh, song nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công vẫn hoạt động, nằm len lỏi tại các chợ cóc, chợ tạm, chợ dân sinh, khu dân cư.
Ngoài gia cầm, chim hoang dã cũng là nguồn lây virus cúm gia cầm. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cúm A/H5N1 là chủng có độc lực cao, người nhiễm thường có biểu hiện nặng, với tỷ lệ tử vong lên tới 60%. Con đường lây nhiễm dễ nhất sang người đó là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh, hoặc sử dụng trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Bên cạnh đó, virus cũng có thể lây truyền qua dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm. Cả hai trường hợp mắc cúm A/H5N1 và A/H9N2 xung quanh nhà đều có nuôi gia cầm, nhưng chưa ghi nhận gia cầm ốm, chết. Riêng với trường hợp tử vong là nam sinh viên trước đó có đi bắt chim hoang dã, trong nhà có nuôi chim. Theo ông Phu, cúm AH5N1 có thể lây từ chim hoang dã cho người hoặc lây cho gia cầm rồi gây các ổ dịch ở gia cầm và lây từ gia cầm sang người,… nên trường hợp này chưa thấy ổ dịch ở gia cầm nhưng có bằng chứng bệnh nhân tiếp xúc với chim hoang dã.
Theo nhận định của Cục Thú y, Việt Nam có quy mô đàn gia súc, gia cầm lớn, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine. Thêm vào đó, thời tiết diễn biến thất thường, tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới và thói quen giết mổ nhỏ lẻ… là những yếu tố khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Qua giám sát tại 12 tỉnh, thành phố năm 2024, các đơn vị đã thu thập, xét nghiệm 63 mẫu hầu họng và mẫu mỗi trường, trong đó, 25 mẫu dương tính với cúm A (39,68%); chưa phát hiện virus cúm gia cầm A/H7N9 (chủng virus cúm gia cầm gây bệnh ở người ở Trung Quốc tại Việt Nam).
Nguy cơ bùng phát cúm gia cầm và nguy cơ lây sang người vẫn là nỗi lo thường trực, buộc Bộ Y tế và Bộ NN&PTNN phải phối hợp đưa ra các giải pháp phòng chống. Tại cuộc họp mới đây giữa 2 Bộ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị công tác phòng, chống không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên; đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của UBND các tỉnh, TP, các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.
PGS.TS Trần Đắc Phu: Cúm A/H5N1 triệu chứng trên người thường nặng hơn cúm mùa và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hoặc ăn thịt gia cầm nấu chưa kỹ… Những đợt dịch cúm A/H5N1 trước đây lây truyền sang người khiến nhiều người bệnh gặp biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, phải thở máy… thậm chí là tử vong. Dịch cúm A/H5N1 có thể lan truyền thành dịch trong cộng đồng. Vì thế, mọi người cần chủ động ngăn ngừa nguy cơ mắc phải bệnh lý này.
Chủ động ngăn chặn, phòng chống hiệu quả dịch bệnh trên vật nuôi
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2024 với mục đích chủ động ngăn chặn, phòng chống hiệu quả các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản.
Phun tiêu độc khử trùng chuồng trại nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm trên vật nuôi. Ảnh: M.N
Theo kế hoạch, Quảng Nam thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, công tác tiêm phòng; kịp thời phát hiện tồn tại, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo đạt hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề thú y, hoạt động buôn bán thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong thú y của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản.
Kế hoạch nêu rõ thời gian tiêm vắc xin phòng bệnh tập trung vào 2 đợt: đợt 1 từ tháng 2 - 3/2024, đợt 2 từ tháng 8 - 9/2024. Riêng đối với bệnh dại tiêm 1 đợt chính vào tháng 5 và 6/2024; bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò tiêm 1 đợt chính trong năm trước thời điểm dịch bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại địa phương và vào thời điểm 1 - 2 tháng trước khi hết thời gian miễn dịch bảo hộ đối với trâu bò đã được tiêm vắc xin viêm da nổi cục.
Công tác giám sát lâm sàng dịch bệnh được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt đối với đàn gia súc, gia cầm mới nuôi và trong vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm ca bệnh, kịp thời khoanh vùng, xử lý dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh lây lan.
Khi có dịch xảy ra phải thực hiện công tác điều tra ổ dịch, xử lý ổ dịch, tổ chức tiêm phòng khẩn cấp (đối với các loại dịch bệnh có vắc xin tiêm phòng) và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Kế hoạch còn đề ra giải pháp đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân có tiềm năng xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Thực hiện công tác kiểm dịch tại gốc đối với động vật và sản phẩm động vật, giống thủy sản; kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch thú y...
Bộ NN&PTNT ra công điện khẩn phòng chống cúm gia cầm lây sang người Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5, A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8... theo quy định của Luật thú y. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra công điện khẩn phòng chống cúm gia cầm A (H5) lây sang...