Nỗi lo bị lãng quên của thân nhân hành khách MH370
Sau một năm sống trong đau khổ và dằn vặt, điều mà Ghyslain Wattrelos, một thân nhân hành khách MH370, lo lắng hiện nay là dư luận thế giới đã vượt qua đau thương và dần lãng quên vụ việc.
Hầu hết thời gian, Ghyslain Wattrelos tin rằng người thân của mình đã mất, nhưng một phần nhỏ bé nào đó trong ông vẫn ấp ủ hy vọng. Ảnh: New York Times
Hầu hết thời gian, ông Ghyslain Wattrelos, một kỹ sư người Pháp, cho rằng vợ và hai trong số ba đứa con của mình đã thiệt mạng. Đó là tất cả những gì ông biết qua những thông tin được thông báo từ giới chức 8 nước tham gia việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích hồi tháng 3/2014.
Nhưng mãi một năm sau, Wattrelos vẫn không nhận được một hiện vật nào để xác nhận cái chết của gia đình mình, cũng như 236 người khác trên chuyến bay định mệnh ấy.
Không một thi thể hay mảnh vỡ máy bay nào được phát hiện. Ông không biết người thân của mình ra đi khi nào và ra sao: Laurence, người vợ mà ông đã chung sống suốt 24 năm, cậu con trai Hadrien mới bước sang tuổi 18 và cô con gái Ambre chỉ là một thiếu nữ vị thành niên. Trước khi cất cánh, Ambre còn nhắn tin cho bạn mình nói rằng: “Mình sắp được gặp lại bố rồi”.
Trong một thời gian dài, Wattrelos sống dựa vào tin nhắn trên, với hy vọng điều ấy sớm thành hiện thực. Ông hy vọng, họ có thể hạ cánh khẩn cấp ở một trong 16.000 hòn đảo không người sống của Indonesia. Thậm chí là họ có thể bị bắt làm con tin ở đâu đó.
Không có điều gì kỳ quái hơn việc một chiếc máy bay Boeing 777 biến mất trong thế kỷ 21 này. Nhưng, MH370 lại chính là bí mật không lời giải lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
Các nhân viên điều tra cho biết, khi đang bay hướng về Bắc Kinh, MH370 bất ngờ quay ngược hành trình, bay trên phía nam Ấn Độ Dương và kết thúc ở phía tây thành phố Perth, Australia.
Cũng giống như biết bao thân nhân khác, trong một năm qua, ông Wattrelos sống trong một tâm trạng phức tạp: chấp nhận, đau khổ, tức giận và mất dần hy vọng vì thiếu lời giải đáp.
Từng đau đớn trước sự lạnh lùng của truyền thông khi bị phóng viên bao vây nơi ở, rồi hình ảnh của vợ con xuất hiện liên tục trên màn hình TV và trang bìa báo chí, nhưng nay, nỗi lo lớn hơn của Wattrelos lại chính là sự im lặng.
“Thế giới đã vượt qua để bước đi tiếp”, ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Nhưng tôi thì không thể, cho đến tận khi tôi biết chuyện gì đã xảy ra”.
Một năm trước, khi trạng thái của MH370 trên bảng hiển thị chuyển từ “trễ chuyến” sang “mất tích”, Wattrelos cũng đang ở trên cao tầng không, bay từ Paris sang Bắc Kinh, để hội ngộ cùng gia đình trong chuyến nghỉ dài. Họ từng sống ở Bắc Kinh trong 6 năm và dự định chuyển về sống ở Pháp.
Theo kế hoạch, chuyến bay của Wattrelos hạ cánh muộn hơn 9 tiếng so với MH370. Mở điện thoại sau khi hạ cánh, tin nhắn đầu tiên ông nhận được là của một đồng nghiệp: “Tôi rất lấy làm tiếc về việc gia đình của anh”.
Video đang HOT
Ngoài cửa, một nữ tiếp viên đang đợi ông. Wattrelos được đưa đến một căn phòng riêng để gặp lãnh sự Pháp, một người quen sau nhiều năm làm việc ở Trung Quốc. “Chiếc máy bay đã mất tích”, người bạn nắm lấy vai ông và nói. “Gia đình anh đã ra đi”.
Trong những giờ đầu tiên, Wattrelos không hề hoài nghi về thông tin vừa được thông báo. Ông đã phải gọi cho người con trai cả vẫn đang ở Paris để báo hung tin. “Đó là việc khó khăn nhất mà tôi từng làm”, ông nói.
Nhưng, hy vọng đã trỗi dậy khi không một bằng chứng nào về vụ tai nạn xuất hiện và các tuyên bố của giới chức thì luôn trái ngược nhau. Wattrelos nhớ như in tất cả những điều đó.
Ngày 11/3/2014, báo chí đưa tin rằng tướng Rodzali Daud, tư lệnh không quân Malaysia, cho hay MH370 được xác định lần cuối là khi nó đổi hướng tại eo Malacca. Nhưng ngay sau đó, ông Daud đã phủ nhận việc mình đưa ra tuyên bố trên.
Ngày 15/3/2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak gợi ý rằng, có ai đó trên chuyến bay đã cố tình tắt hệ thống thông tin liên lạc. 9 ngày sau, hãng Malaysia Airlines gửi tin nhắn đến thân nhân hành khách nói rằng: “Không có bất kỳ lý do gì để nghi ngờ về việc MH370 đã mất tích và không ai trên máy bay còn sống sót”.
Không ít người thân hành khách Mh370 vẫn nuôi hy vọng về điều kỳ diệu có thể xảy ra. Trong ảnh là một số thân nhân người Trung Quốc tập trung trước Phủ Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Ảnh: AFP
Đến tháng 5/2014, khi Wattrelos buộc phải đóng gói đồ và quay về Pháp, người con trai cả năn nỉ ông mang về tất cả đồ chơi và quần áo của hai người em. “Bố không muốn xây một ngôi đền”, ông từ chối nói.
Nhưng, Wattrelos muốn dựng một bia mộ tại nghĩa trang địa phương, nơi gần gũi với gia đình. Vậy mà khi ông gọi điện yêu cầu, người ta từ chối với lý do không có giấy chứng tử.
Ông vẫn nhận được thư gửi và email với những lời động viên rằng gia đình ông còn sống. Một số người thậm chí còn gửi cả tọa độ máy bay mà theo họ nói là đến từ trong giấc mơ. Một số kỹ sư và phi công về hưu thì gửi hàng chục trang giả thuyết về những gì có thể đã diễn ra. Và có người còn nói rằng gia đình ông bị bắt làm con tin ở Afghanistan hoặc ở Diego Garcia, căn cứ quân sự của Mỹ tại Ấn Độ Dương.
Wattrelos cho biết đôi khi tim ông nghẹn lại khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại đổ. Một phần nhỏ nào đó trong ông vẫn muốn tin rằng người thân của mình bị bắt làm con tin ở đâu đó.
Các quan chức thuộc Cục An toàn Giao thông Australia cho biết họ tự tin vào việc sẽ tìm thấy xác máy bay vào tháng năm, khi khu vực tìm kiếm chính được rà soát bằng thiết bị không người lái dưới nước.
Nhưng đối với Wattrelos, những tuyên bố như vậy sau một năm tìm kiếm không hiệu quả, là vô nghĩa, thậm chí còn là một sự xúc phạm.
Đức Dương
Theo New York Times
Gần một năm MH370 mất tích: Cuộc sống bi kịch của thân nhân hành khách
Doanh nhân Trung Quốc Li Hua bị đột quỵ, từng định tự sát và vợ ông nhiều lần nhập viện vì lên cơn đau tim, tất cả chỉ vì con gái của họ là hành khách trên chuyến bay MH370 mất tích kể ngày 8.3.2014.
Ông Wen Wancheng, thân nhân của hành khách người Trung Quốc trên MH370, khóc bên ngoài văn phòng Thủ tướng Malaysia Najib Razak ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 18.2 - Ảnh: AFP
"Tôi đã từng muốn tự sát... Tại sao vậy? Tôi cần phải sống với vợ tôi và đấu tranh tìm sự thật", ông Li chia sẻ với AFP.
Chiếc Boeing 777-200ER (chuyến bay MH370) chở theo 239 người đã mất tích sau khi cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) để đến Bắc Kinh vào ngày 8.3.2014, theo AFP.
Chính quyền Malaysia từng tuyên bố MH370 rơi xuống vùng biển nam Ấn Độ Dương, nhưng mãi đến nay lực lượng tìm kiếm quốc tế vẫn chưa thể tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của chiếc máy bay này.
Bà A. Amirtham, nhân viên một bệnh viện ở Malaysia đã nghỉ hưu, nhiều lần ngất xỉu, mất ăn mất ngủ vì con trai duy nhất của bà mất tích theo MH370, theo AFP.
Ông Li Jiuying, có người anh cả Li Guohai đi trên chuyến bay MH370, đau đớn tột cùng khi phải nói dối người mẹ già rằng anh trai ông không có trên máy bay MH370. Người mẹ già cứ tin rằng con trai của bà bận rộn với công việc làm ăn ở Malaysia nên không thể về Trung Quốc thăm bà.
Gần một năm sau khi MH370 mất tích, thân nhân hành khách trên chuyến bay này sống trong nỗi đau đớn về mặt thể xác lẫn tinh thần, theo AFP.
Bà Wang Rongxuan (60 tuổi) có đứa con trai duy nhất 37 tuổi Hou Bo đi trên MH370 thẫn thờ khi trả lời phỏng vấn AFP - Ảnh: AFP
Trong vụ mất tích bí ẩn nhất lịch sử hàng không thế giới này, tất cả hệ thống thông tin liên lạc với mặt đất trên máy bay MH370 đều bị tắt và chiếc Boeing 777-200ER biến mất khỏi màn hình trước khi chuyển hướng đến Ấn Độ Dương.
Vào ngày 29.1, chính quyền Malaysia tổ chức một cuộc họp báo, tuyên bố vụ máy bay MH370 mất tích là một tai nạn, tất cả 239 người trên máy bay được xem như đã chết. Thân nhân hành khách tiếp tục hứng chịu cảm giác đau đớn tột cùng trước tuyên bố của Malaysia. Nhiều người lo sợ Malaysia tuyên bố như vậy là nhằm khép lại vụ việc mà không có giải pháp, mặc cho có tìm thấy MH370 hay không.
Phó thu tương Úc Warren Truss ngày 2.3 cho biết nước này đang thảo luận với Trung Quôc và Malaysia về khả năng ngừng tìm kiếm máy bay mất tích MH370 sau một năm tìm kiếm trong vô vọng. Úc là quốc gia đứng đầu lực lượng tìm kiếm quốc tế.
Chính quyền Malaysia đến nay vẫn không thể đưa ra bất kỳ thông tin mới về MH370 và xem vụ mất tích MH370 vẫn là một bí ẩn. Nhiều thân nhân hành khách vẫn nghi ngờ Malaysia đang che đậy sự thật về MH370.
Thân nhân của hành khách Trung Quốc trên MH370, mặc áo có dòng chữ "Hãy cầu nguyện cho MH370" đến thăm đền Thean Hou ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia để cầu nguyện cho những người yêu thương của họ vào ngày 1.3 - Ảnh: AFP
Các gia đình Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì 2/3 hành khách trên MH370 là công dân Trung Quốc. Nhiều người mất đi đứa con duy nhất của họ theo chính sách một con của Trung Quốc.
Bà Wang Rongxuan (60 tuổi), có con trai duy nhất 37 tuổi tên Hou Bo đi trên MH370, bật khóc nói: "Thật là đau đớn". Nhưng bà Wang vẫn hi vọng con trai của bà sẽ trở về.
Thân nhân hành khách đang phải chịu đựng đau đớn vì những người yêu thương của họ mất tích mà không có một dấu vết hay đầu mối nào giải thích cho họ chuyện gì đã thật sự xảy ra với MH370, bà Sarah Wayland, một chuyên gia người Úc chuyên tư vấn cho thân nhân những người mất tích, nói.
"Giải pháp duy nhất là họ phải chấp nhận sự thật là sẽ không bao giờ biết được điều gì đã xảy ra với người thân của mình. Điều này thật khó khăn và có thể mất nhiều năm", bà Wayland nói.
Ông K.S. Narendran, một chuyên viên tư vấn kinh doanh ở Ấn Độ, cho biết các gia đình đang mắc kẹt trong một "hố đen" bất tận không thể thoát ra được cho đến khi sự thật về MH370 được công bố hay MH370 được tìm thấy. Ông Narendran có vợ đi trên MH370 bị stress nghiêm trọng khiến cho bệnh tiểu đường của ông nặng hơn.
Narendran cho biết ông viết blog bình luận về những giả thuyết mới nhất liên quan đến MH370 để cố quên đi một sự thật vợ ông đã ra đi, nhưng ông vẫn bị nỗi đau mất mát gặm nhấm từng ngày.
"Các gia đình chắc cũng đã nhận ra sự thật phũ phàng là những người yêu thương của họ đã ra đi. Nhưng để bỏ lại sau lưng mọi việc và tiếp tục cuộc sống, chúng tôi thật sự không biết làm gì tiếp theo", ông Narendran chia sẻ.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Thân nhân MH17 lần đầu thấy mảnh vỡ máy bay Gia đình của các nạn nhân thiệt mạng trên chuyến bay MH17 hôm qua lần đầu được chứng kiến tận mắt mảnh vỡ của chiếc phi cơ sau khi nó rơi xuống miền đông Ukraine. Thân nhân xem xác phi cơ MH17 tại căn cứ Gilze-Rijen ở Hà Lan. Ảnh: EPA BBC cho hay các thân nhân đã đến căn cứ quân sự...