Nỗi lo an ninh nguồn nước
Sự cố nguồn nước của Nhà máy nước Sông Đà – nơi cấp 1/4 lượng nước cho thành phố Hà Nội – bị nhiễm dầu thải đã gióng lên hồi chuông báo động về việc bảo đảm an ninh nguồn nước cho đô thị.
Từ vụ dầu thải, lộ diện nhiều bất cập
Đến thời điểm này, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt được 3 nghi phạm liên quan vụ xả thải dầu bẩn vào đầu nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Sông Đà. Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc này.
Tuy nhiên, từ sau khi các đối tượng xả thải, hàng nghìn hộ dân các tòa nhà Sông Đà Thăng Long, dự án The Golden An Khánh, Đại lộ Thăng Long, các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, các huyện Hoài Đức, Quốc Oai… trong vùng sử dụng nguồn nước từ Nhà máy nước Sông Đà đã thật sự khốn đốn bởi sinh hoạt bị đảo lộn. Nước ô nhiễm, nước bị cắt để súc rửa…, người dân phải tích từng can nước, mua từng bình đóng chai, hoặc thậm chí phải lấy nước bể bơi về phục vụ cho sinh hoạt.
Ven bờ suối Khại, vết dầu thải bám vào khiến cỏ cháy xém.
Chưa hết, chỉ từ sau sự cố, người dân mới được thông tin: Nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Sông Đà từ dòng suối Trâm (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) và kênh dẫn từ hồ Đồng Bài (huyện Kỳ Sơn) được bơm trực tiếp vào bể lọc của Nhà máy nước Sông Đà trong thời gian dài không chỉ bị xả thải dầu bẩn, mà còn có nước thải của các trại gia súc, nước rửa trôi thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, thậm chí cả nước thải từ chính Nhà máy nước Sông Đà… Tất cả hầu như đều là các kênh nhỏ, hình thành tự nhiên, có chăng chỉ được che chắn thô sơ, dưới sự giám sát hời hợt.
Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà, Nguyễn Văn Tốn cũng thừa nhận là không dám chắc về lượng chất styren đậm đặc hòa tan trong nước ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân ra sao.
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam khi trả lời phỏng vấn báo chí đã cho biết, nguy cơ ô nhiễm của sông Đà rất nhiều, bởi có tàu thuyền chạy trên sông và hai bờ cũng có nhiều cơ sở sản xuất, sinh hoạt có xả thải ra sông. Nguyên lượng nước thải của các phương tiện vận tải đường thủy (có nhiễm dầu) theo yêu cầu là phải đưa lên bờ để xử lý tập trung nhưng vì chưa có trạm xử lý nước phục vụ cho các tàu thuyền này, nên đương nhiên tàu sẽ xả trực tiếp xuống sông. Trong trường hợp xảy ra các sự cố trên sông với các tàu bè, thì dầu từ tàu hoặc các chất độc trong hàng hóa vận tải trên tàu sẽ gây nên ô nhiễm nghiêm trọng cho nước sông – “đầu vào” của nhà máy xử lý nước.
Về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định, Việt Nam quản lý nguồn nước theo quy chuẩn, trong đó nước sinh hoạt áp dụng quy chuẩn cao nhất là A1. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có quy hoạch mục đích sử dụng nước tại các lưu vực sông. Trong sự cố này, nếu không phải là dầu thải, mà là chất độc khác, thì hàng chục vạn người dân đã bị ảnh hưởng sức khỏe ngay lập tức. “Nhiều nhà máy tại Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… đang dùng nước sông để sản xuất nước sinh hoạt. Vì vậy, cần xác định rõ các vùng nước cấp gồm đoạn sông suối nào để ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt và công bố để người dân biết”, ông Hoàng Dương Tùng nói.
Trong lúc nguy cơ của “đầu vào” luôn hiện hữu, thì công nghệ xử lý nước vẫn là điều đáng lo ngại. Từ vụ việc nhiễm dầu thải của nước sạch sông Đà, người dân giật mình: Sau khi chạy qua cả một hệ thống lọc của nhà máy, nước đến tay người tiêu dùng vẫn nồng nặc mùi và hàm lượng styren vượt ngưỡng cho phép. Đây là bằng chứng điển hình nhất về công nghệ xử lý nước lạc hậu, không đảm bảo an toàn.
Thêm vào đó, công tác kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng nước từ cơ quan quản lý cũng bộc lộ những hạn chế. Ngành Y tế Hà Nội chỉ định kì thực hiện quan trắc, kiểm nghiệm chỉ tiêu nước thô (đầu vào) và nước sạch (đầu ra) 1 tháng/lần với chỉ tiêu A (nhà máy thực hiện nội kiểm 1 tuần/lần, cơ quan giám sát ngoại kiểm kiểm tra 1 tháng/lần); 6 tháng/lần chỉ tiêu B và 2 năm/lần chỉ tiêu C. Trong khi đó, nguồn nước cung cấp đến người dân là liên tục, không ngừng nghỉ. Chỉ cần một cá nhân có hành vi xả thải như vụ vừa qua, hàng vạn người đã phải gánh chịu hậu quả.
Video đang HOT
Đó là chưa nói đến tình trạng vào những tháng cao điểm mùa khô, các nhà máy nước phải cắt nước luân phiên, hoặc cắt vì những sự cố như vỡ đường ống nước (xảy ra khá thường xuyên). Dân cư đô thị luôn phải phấp phỏng trong sự thiếu ổn định về khối lượng nước, nay càng lo lắng khi phát hiện chất lượng nước luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Vùng đệm cho sự an toàn
Theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường, vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu bẩn cho thấy, an ninh nước sạch ở Việt Nam rất dễ bị tấn công: “Các quốc gia khác đều kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn nước quan trọng, vì nguồn nước sinh hoạt từng là mục tiêu của các tổ chức khủng bố. Chỉ cần đầu độc nguồn nước là tấn công được người dân. Do đó, khu vực đầu nguồn nước quan trọng luôn phải có lực lượng bảo vệ, có hàng rào cách ly, hệ thống cảnh báo nhiều lớp để hạn chế các hoạt động của con người. Ngay khi chất lượng nước có vấn đề bất thường phải dừng cấp nước ngay”, ông Phùng Chí Sỹ nhận định.
Nhìn nhận từ vụ việc nước sinh hoạt bị nhiễm dầu thải tại Hà Nội, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khái quát: “Việc quản lý nguồn nước mặt phục vụ cung cấp sản xuất nước sạch ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, không xác định được cụ thể vùng nào là vùng cấp nước sạch. Các nước trên thế giới quản lý chặt vấn đề này, nhất là vùng cung cấp nước ăn phải có hệ thống quan trắc an toàn, ứng phó sự cố theo quy trình, còn các nhu cầu khác là thứ yếu”.
Vì vậy, TS Hoàng Dương Tùng đề xuất, Việt Nam cần triển khai ngay quy hoạch sử dụng nguồn nước, phân vùng cấp nước sinh hoạt, nước tưới tiêu… Việc phân vùng này phải có sự đồng bộ, thống nhất của cơ quan quản lý địa phương và các bộ, ngành liên quan. Bởi theo Luật Tài nguyên nước, các địa phương quản lý sông, suối nội tỉnh, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sông suối liên tỉnh. Bên cạnh đó, các vùng được xác định là đầu nguồn nước cần tiến hành tổng rà soát các nguồn thải, nhà máy, trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất… có nước thải trực tiếp, gián tiếp, để có những biện pháp xử lý nghiêm vi phạm xả thải và công bố công khai cho người dân.
Đến nay, Hà Nội đã có công văn gửi tỉnh Hòa Bình, đề nghị địa phương chỉ đạo Công ty nước sạch Sông Đà và các sở, ngành liên quan của tỉnh khoanh vùng bảo vệ nguồn nước sạch cung cấp cho Nhà máy nước Sông Đà, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Hà Nội cũng đang rà soát lại các nhà máy xử lý nước, nhất là xử lý nước mặt để khoanh vùng có biện pháp bảo vệ, trong đó yêu cầu các nhà máy nước có kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát để theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động gây ảnh hưởng đến nguồn nước.
Theo các chuyên gia về ngành nước, hiện chưa có công nghệ để xử lý, tách dầu với nước đã nhiễm dầu bẩn. Do đó, ưu tiên hàng đầu là phải ngăn chặn. GS.TS Trần Hiếu Nhuệ – nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường cho rằng: Các nhà máy sản xuất nước sạch bao giờ cũng phải được quy hoạch một vùng đệm an toàn, khu vực này là phạm vi bảo vệ nguồn nước đầu vào tránh tất cả các nguồn gây ô nhiễm như nhà máy, xí nghiệp… Khu vùng đệm này phải được lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước trước khi đưa vào nhà máy xử lý. Đơn vị sản xuất phải theo dõi thường xuyên, chặt chẽ tại khu vực này để xử lý kịp thời các sự cố.
Theo Nhóm Pv/Báo Tin tức
Hà Nội xử lý sự cố ô nhiễm nước sạch rất bị động, chậm trễ
"Hà Nội liên tục xảy ra nhiều sự việc liên quan đến môi trường nhưng cách xử lý của thành phố rất bị động", GS Đặng Hùng Võ nói với Zing.vn.
Sau 5 ngày xảy ra sự cố nước có mùi ở Hà Nội, đến chiều 15/10, thành phố mới có thông tin chính thức về việc nước sạch được cấp ra từ nhà máy nước sông Đà có chứa hàm lượng styren cao gấp 1,3 đến 3,65 lần bình thường. Một ngày sau, Công ty Cổ phần Nước sạch sông Đà phát đi thông báo tạm ngừng cung cấp nước để súc xả tuyến ống dẫn nước. Thời gian cấp nước trở lại chưa được thông tin.
Trong khi chờ đợi cấp nước trở lại, Công ty nước sạch sông Đà đề nghị khách hàng và người dân có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng sự việc này cho thấy bài toán về cung cấp dịch vụ công ở Hà Nội vẫn còn quá nhiều bất cập trong hoàn cảnh "một người bán, vạn người mua", ngay cả với những nhu yếu phẩm cần thiết trong sinh hoạt như là nước sạch.
Cả Hà Nội và doanh nghiệp đều xử lý bị động
Trao đổi với Zing.vn, GS Đặng Hùng Võ cho rằng phát ngôn của Tổng giám đốc công ty nước sạch sông Đà Nguyễn Văn Tốn là thiếu hiểu biết. Cụ thể, ông Tốn cho rằng nguồn nước có mùi mà người dân đang sử dụng hiện nay chỉ nhiễm clo, không chứa bất kỳ độc tố nào khác.
"Clo là hóa chất để khử trùng nước và chắc chắn không thể tẩy được xăng dầu. Vậy thì tại sao công ty lại dám khẳng định nước mà người dân đang sử dụng không có hóa chất gì nhiễm trong lượng xăng dầu đã thải ra", GS Võ bức xúc.
Ông cho rằng việc thành phố vào cuộc và có kết quả xét nghiệm, khuyến cáo người dân là đúng đắn nhưng chưa kịp thời. Cụ thể, sau 2 ngày được người dân phản ánh về việc nước sạch có mùi, Sở Y tế và Sở Xây dựng Hà Nội chưa xác định được nguyên nhân chính xác của sự việc.
Phải đến 5 ngày sau khi sự việc xảy ra, Hà Nội mới có thông báo về hóa chất styren trong nước và khuyến cáo cho người dân.
Sau 1 tuần xảy ra sự việc bị đổ trộm dầu, dòng suối cạnh công ty xử lý nước sạch sông Đà (Hòa Bình) vẫn đen kịt. Ảnh: Hồng Quang.
GS Võ cũng cho rằng các sự kiện liên tiếp bao gồm sự cố thủy ngân ở Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước đều cho thấy cách xử lý bị động của thành phố Hà Nội khi đứng trước các vấn đề về môi trường. Trong khi thực phẩm, không khí, nguồn nước là những nhu cầu thiết yếu của người dân thì thành phố chưa có được phản ứng với sự cố một cách nhanh chóng.
Trong buổi làm việc với UBND Hà Nội chiều 16/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng) cho hay các vụ việc ô nhiễm môi trường ở Hà Nội bị người dân và dư luận đánh giá là chính quyền phản ứng chậm trễ. Từ sự cố cháy nhà máy phích nước Rạng Đông đến ô nhiễm nguồn nước sông Đà, người dân dùng nước ô nhiễm cả tuần nhưng chính quyền không xử lý, giải quyết kịp thời.
"Vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải nếu chúng ta lên tiếng thì lòng dân rất tin, nhưng nếu không lên tiếng, mỗi ngày nói một kiểu hoặc như vụ Rạng Đông, không cảnh báo sớm thì sẽ khiến dân không yên lòng", ông Dũng nói.
Ông cho rằng đã liên quan đến sức khỏe người dân phải công bố để cảnh báo và đưa ra các biện pháp khắc phục, không thể cứ giấu và che đậy.
"Thủ tướng rất không hài lòng khi thấy người dân phản ánh như vậy mà mình cứ che che đậy đậy. Đơn vị cung cấp dịch vụ chưa hoàn thành trách nhiệm", người phát ngôn Chính phủ truyền đạt.
Bất cập trong quy trình cung cấp dịch vụ công
Từ sự việc nguồn nước sạch ở Hà Nội nhiễm hóa chất, GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng nếu nhìn rộng ra thì sự việc đã cho thấy tính bất cập trong quy trình cung cấp các dịch vụ công cho người dân ở Hà Nội.
Theo đó, quy trình cấp nước hiện nay được thực hiện theo cơ chế độc quyền từng vùng, thậm chí là từng quận. Nên người dân dù không tin tưởng và không muốn sử dụng nguồn nước từ công ty nước sạch sông Đà thì cũng không có lựa chọn nào khác.
Từ đây, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng trước tiên phải xem lại hợp đồng cấp nước hiện nay đang được thực hiện như thế nào.
Trong trường hợp nước không đảm bảo, phía chủ đầu tư phải bồi thường ra sao cho người dân. Nếu điều khoản này không được nêu rõ trong hợp đồng, người dân vẫn có thể kiện nếu có những bằng chứng về việc nguồn nước này gây ảnh hưởng sức khỏe.
Người dân các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai phải trông chờ vào xe téc chở nước đến để lấy về sử dụng trong nhiều ngày qua. Ảnh: Việt Linh.
Tất cả những hợp đồng nước sạch này đều là hợp đồng dân sự giữa doanh nghiệp và người dân, do đó rất khó để chờ đợi phía cơ quan quản lý, lãnh đạo thành phố đi đòi quyền lợi hay nhận trách nhiệm giải quyết sự cố. Trong khi đó, doanh nghiệp là nguồn cung cấp độc quyền nên hợp đồng dù có mang tính chất thị trường nhưng rõ ràng người dân không có quyền lựa chọn.
"Hàng vạn người dân phải phụ thuộc vào một nguồn nước đó, trong khi họ phải đăng ký hợp đồng, chi trả cho dịch vụ nước sạch từ công ty này mà không thể lựa chọn dịch vụ từ công ty khác. Một người bán nhưng vạn người mua", ông Võ nói.
Theo ông, sự việc mở ra một bài toán lớn về việc cung cấp dịch vụ công, nhu yếu phẩm cho người dân Hà Nội khi người dân là khách hàng nhưng lại không được chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cho mình. Sản phẩm là của doanh nghiệp, hạ tầng là của Nhà nước cho thuê nhưng khi xảy ra sự cố thì không ai đứng ra khuyến cáo kịp thời cho dân.
Vì thế, GS Đặng Hùng Võ cho rằng người dân có thể đề xuất một doanh nghiệp nào hoặc một tổ chức xã hội nào chuyên làm chuyện kiểm tra chất lượng nước định kỳ. Người dân tốn kém hơn nhưng sẽ làm chủ được nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo an toàn cho mình.
Trong khi đó, ở góc độ khoa học, GS Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, đề xuất Hà Nội cần đặt các trạm quan trắc chất lượng nước khi lấy nước cho vào xử lý rồi đưa ra ngoài cung cấp cho người dân. Việc này nhằm hạn chế được rủi ro đưa nước nhiễm độc hoặc nước có hóa chất vào xử lý sau đó bán ra ngoài cho người dân.
"Chúng ta đã sống trong xã hội tiên tiến, có của ăn của để thì phải nghĩ đến giải pháp cấp nước an toàn mà trước mắt việc đặt các trạm quan trắc chất lượng trước khi đưa nước vào xử lý là cần thiết", ông Nhuệ cho biết.
Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực tây nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông .
Theo Zing.vn
Công ty Nước sạch sông Đà có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, doanh nghiệp kinh doanh phải có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ nguồn nước; trách nhiệm bảo vệ vòng ngoài là công an. Hồ thủy điện của chủ đầu tư nào thì doanh nghiệp đó phải bảo vệ nguồn nước từ các vấn đề: chăn nuôi, ô nhiễm, sạt lở... Bí thư Thành...