Nỗi kinh hoàng của con dâu ngày Tết
Khi tôi đang tất bật với việc bếp núc, lau dọn thì bố chồng lại gọi tôi… để rót rượu cho ông uống.
Gửi Bạn trẻ cuộc sống!
Sau khi đọc bài viết: “Con dâu rầu vì Tết”, tôi như thấy chính bản thân mình qua câu chuyện của chị. Và bây giờ, cứ nghĩ đến những ngày nghỉ Tết sắp tới, theo chồng về quê nội, tôi vẫn chưa hết cảm giác run sợ, hãi hùng…
Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác Tết năm ngoái. Khi đó chúng tôi chưa cưới nhau (dù đã ăn hỏi và ra Tết cưới) nhưng nhà chồng đã yêu cầu tôi về làm dâu trong mấy ngày Tết. Vì không muốn mất lòng bố mẹ chồng nên tôi đành xin phép bố mẹ đẻ đón Tết ở nhà nội, dù thật lòng tôi chẳng muốn tí nào.
Mấy ngày giáp Tết, chẳng hiểu sao mẹ chồng lại nghĩ ra lắm việc thế, còn bố chồng cứ thấy mặt tôi là sai làm hết việc này, lại lấy cho ông cái nọ, cái kia. Tôi cảm thấy uất ức nhất là cái bình rượu để trước mặt, ông cũng chẳng tự rót lấy mà gọi tôi đang tất bật công việc dưới bếp lên rót rượu cho ông uống.
Nhưng những việc đó đâu đã bõ bèn gì? Có bất cứ việc lớn, việc nhỏ nào cũng chỉ có “con dâu”, “con dâu”…. Đến cắt tiết gà cũng con dâu, đút dồi lợn cũng con dâu, trông nồi thịt luộc ngoài vườn cũng con dâu… trong khi tôi vẫn đang dang dở công việc dọn nhà dọn cửa.
Khi tôi đang lau cửa sổ, bố chồng lại gọi “ Con M đâu rồi?”, khiến tôi cứ chốc lại chạy đằng này, chốc lại chạy đằng kia, cứ như tôi có đến tận 10 tay, 10 chân vậy. Khi thấy tôi làm mãi chưa xong một việc, ông thấy ngứa mắt lại chửi đổng khắp nhà.
Nếu tôi tiểu thư hay lười nhác đã đành, đằng này tôi cũng xuất thân từ con nhà lao động, biết tự lập sớm, ở nhà bố mẹ đẻ tôi cũng chẳng chừa việc gì. Nhưng khi về nhà bố mẹ chồng, tôi mới thực sự phát hoảng, sợ hãi… cứ như việc của cả năm không làm, chỉ chờ con dâu về để sai bảo.
Tôi phải dọn dẹp triền miên từ 26 Tết cho đến tận 12h30′ đêm giao thừa, từ trần nhà đến các kẽ cửa, từ nhà lớn xuống bếp, mọi ngóc ngách, cầu thang, từ sân ra vườn, từ mua sắm đồ đạc nấu cỗ cho đến trang trí nhà cửa… Rồi khi chuẩn bị gói bánh, nấu thịt đông thì mẹ chồng lại bảo thiếu thứ này, thiếu thứ khác, trong khi đó chợ thì xa, nhà chẳng ai đi giúp nên tôi lại bỏ dở công việc để đi chợ, mua sắm.
Video đang HOT
Đúng tối mùng 3 thì tôi lăn ra ốm, cả người nóng ran, toàn thân ê ẩm (Ảnh minh họa)
Tôi cũng chẳng hiểu sao nhà chồng tôi có 5 người: bố mẹ chồng, chồng tôi, một cậu em chồng và tôi nhưng hầu như tất cả công việc trong gia đình chỉ có mình tôi làm. Chồng tôi cũng chẳng đoái hoài hay đụng tay đụng chân vào việc gì cả, còn mẹ chồng cũng chỉ chạy qua chạy lại, riêng bố chồng thì cứ chắp tay sau lưng đi đi lại lại sai bảo tôi hết việc này đến việc khác.
Cứ tưởng giao thừa xong, tôi sẽ được nghỉ ngơi sau mấy ngày làm việc vất vả, cật lực. Nhưng không, đó chỉ là bước “khởi đầu”, ba ngày Tết chính thì việc còn kinh khủng hơn nhiều. Suốt ngày, tôi quay cuồng trong bếp với các loại cỗ cúng, cỗ tiếp khách, cơm gia đình… Bố mẹ tôi lại làm giáo viên nên hết hội nọ hội kia kéo nhau đến nhà, vừa cất mâm cũ vào lại bưng mâm mới ra… Sau khi khách về hết thì tôi lại tối mắt tối mũi vào lau dọn, rửa bát, bưng bê, cất đặt mọi thứ cho ngay ngắn.
Tôi vẫn nhớ như in tối hôm mùng một, phải đối mặt với 5 chậu bát đũa, tôi vừa rửa vừa khóc vì cảm thấy mình chẳng khác gì một con ô sin không công, việc gì cũng đến tay, trong khi chồng tôi thì chỉ biết ăn, ngủ và đi đánh bài, không cần biết tôi ở nhà anh ra sao, không hỏi han xem cảm giác làm “dâu” của tôi hãi hùng như thế nào.
Sau một tuần làm dâu (từ 26 đến mùng 2 Tết), đôi chân tôi mỏi nhừ, dường như không thể đi được nữa. Tôi lê lết những bước về phòng, đi đến đâu chỉ muốn đứng yên một chỗ… nhưng sang ngày hôm sau, tôi vẫn phải tiếp tục với những công việc làm mâm, bưng bê, dọn dẹp, rửa chén bát… một mình.
Đúng tối mùng 3 thì tôi lăn ra ốm, cả người nóng ran, toàn thân ê ẩm. Khi đó, vừa mệt, vừa tủi thân, tôi đã ngồi khóc ngon lành trước mặt chồng và mẹ chồng. Có lẽ những giọt nước mắt của tôi cũng khiến mẹ chồng nhận ra sự mệt mỏi của con dâu nên bà bảo: “Thôi, ngày mùng 4, con cứ về nhà ngoại chơi vài hôm”.
Bây giờ cũng đã cận kề ngày Tết, tôi đã chính thức trở thành con dâu của bố mẹ chồng và nghĩ đến những ngày chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, lau rửa chén bát, nấu nọ nướng kia, đi chợ đi búa một mình… tôi đã nổi hết cả da gà.
Không biết đến bao giờ, tôi mới thôi sợ cảnh Tết đến để “được” về ăn Tết cùng gia đình nội?
Theo 24h
Con dâu rầu vì Tết
Từ sáng đến tối, hết nấu nướng, dọn dẹp lại rửa đống bát đũa chất chồng chất đống. Ngày còn bé, tôi rất thích Tết. Tôi thích những ngày cận Tết, được theo bố đi chợ mua đào, mua quất hay được mẹ mua cho những tấm áo mới, dép mới diện trong những ngày Tết.
Lớn lên, tôi đi học xa nhưng mỗi lần Tết về, lòng tôi lại tràn ngập những cảm xúc rất lạ. Vì sau nửa năm xa quê đi học nơi xứ người, tôi lại được trở về, đoàn tụ với gia đình bên mâm cỗ ấm cúng ngày Tết.
Rồi khi đi làm, tôi cũng rất háo hức mỗi lần đón Tết. Tôi sẽ trở về nhà, hăm hở giúp mẹ vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong... dù thời tiết rét căm căm nhưng tôi vẫn rất vui vẻ làm công việc đó, không hề ca thán một lời.
Nhưng kể từ ngày tôi đi lấy chồng, chẳng hiểu sao cứ mỗi dịp Tết đến, tôi lại sợ hãi vô cùng, nhất là khi phải đối mặt với những công việc không tên ở gia đình chồng.
Có lẽ tôi sợ Tết cũng là do từ khi về làm dâu, tôi chịu rất nhiều áp lực. Tôi làm gì, mẹ chồng cũng kèm cặp, soi mói. Rồi những ngày Tết lại đầu tắt mặt tối trong bếp, nấu nướng mời họ hàng, anh em. Ăn uống xong xuôi, người người về hết, để tôi lại một mình với đống bát đũa chất chồng chất đống.
Khi rửa bát đũa, tay chưa kịp khô thì bố mẹ chồng lại giục tôi sang nhà hàng xóm chúc Tết, mặc dù có những người tôi chỉ biết sơ sơ và cũng có những người tôi chưa nói chuyện bao giờ. Gặp gỡ, chuyện trò xã giao đã mệt, đằng này nói chuyện với những người mình không quen biết càng khiến tôi cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi.
Cứ mỗi lần trở về từ nhà bố mẹ chồng, tôi cảm thấy rất mệt mỏi (Ảnh minh họa)
Tôi cũng góp ý với chồng nên thưa chuyện với bố mẹ, rằng hãy để vợ chồng mình làm việc một cách tự nguyện, được chủ động quyết định, cũng như được chia sẻ công việc trong gia đình... nhưng năm nào cũng như năm nào, tôi nói gì thì nói còn ý kiến của bố mẹ chồng và chồng vẫn là trên hết.
Mỗi lần ăn Tết với bố mẹ chồng trở về, toàn thân tôi lại mệt mỏi rã rời nhưng hơn hết vẫn là nỗi buồn sâu thẳm trong lòng... đó là không nhận được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người.
Tôi tự vấn bản thân mình rằng, tại sao tôi đã trưởng thành, đã có gia đình riêng mà tôi vẫn phải làm những điều mình không thích, không muốn, chỉ để cho thỏa mãn những yêu cầu, mong muốn của gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về? Tại sao tôi cũng đi làm kiếm tiền ngang ngửa chồng nhưng tôi lại phải gánh hết công việc gia đình, đặc biệt là trong dịp Tết. Tại sao có biết bao người trong gia đình nhưng không một ai mó tay giúp đỡ tôi một phần công việc nhà?
Khi đọc bài viết "Tết đến, dâu Tây hãi, dâu Ta sợ", tôi như thấy hình ảnh lầm lũi của mình trong đó. Tôi, một người phụ nữ Việt Nam đã trải qua hơn 30 cái Tết và hơn 5 năm ăn Tết cùng gia đình chồng nhưng tôi cũng không thể chấp nhận được sự bất công, bất bình đẳng trong gia đình mình, huống gì là một cô dâu Tây, được sinh ra và dạy dỗ trong một đất nước bình đẳng, bình quyền.
Tôi thiết nghĩ, Tết là dịp được gặp gỡ và thể hiện tình cảm với người thân, là dịp được nghỉ ngơi, xả hơi sau một năm làm việc vất vả, tất cả gia đình cùng tụ họp, vui chơi, ăn uống... chứ không phải là dịp họ vục mặt trong bếp hay những chồng bát đũa chất đống...
Hơn nữa, cái gì chúng ta cũng nên làm từ cái tâm, chứ không nên bằng hình thức. Những ai chúng ta yêu quý, thương yêu thì nên đến chúc mừng năm mới, chia sẻ câu chuyện đầu năm, còn những người không quen biết, không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình thì cũng không nên câu nệ làm gì cho mệt, mà chắc gì họ đã vui khi tiếp mình?
Qua đây, tôi cũng muốn các ông chồng đọc được và thông cảm với người vợ của mình. Đừng bắt chị em phụ nữ phải cắm đầu cắm cổ vào bếp nấu nướng, lúc bầy ra mâm đã mệt mỏi, chằng buồn ăn... chứ chưa nói gì đến chuyện cảm nhận không khí vui vẻ, hạnh phúc trong gia đình ngày Tết.
Theo 24h
Nịnh osin như nịnh mẹ chồng Mấy ngày giáp Tết, chị tự nhiên biến thành người giúp việc, còn ô-sin thành chủ nhà. Từ chuyện thưởng Tết thật cao Ai đời, bà chủ đi mua đồ ăn sáng cho người giúp việc với lý do "nay tôi hơi ốm, cô đi mua đồ ăn sáng cho cả nhà nhé. Tôi nằm nghỉ tí'. Nghe đúng là lộn ruột nhưng...