Nỗi khổ mang tên ‘máy bay’ và ‘phi công trẻ’
Đang háo hức cầm tờ menu chọn món ăn, Huyền chưng hửng khi bị cô phục vụ quán “ vô duyên” hỏi: “ Hai chị em ăn gì?”. Hai đứa chỉ biết nhìn nhau cười nhưng trong lòng Huyền lại thấy cay cay.
Ảnh minh họa
Nặng lòng vì làm “máy bay”
Cái bụng đói cồn cào bỗng dưng mất cảm giác, cổ họng thì như nghẹn ứ chẳng muốn ăn nữa, Huyền chúa ghét cái cảm giác dù đã cố tránh nhưng thi thoảng vẫn cứ phải nhìn thẳng vào thực tế: mình đã quá già cỗi so với chàng. Tránh làm sao được, bình thường khi nam nữ bằng tuổi nhau, chị em nom đã luôn “cứng” hơn cánh mày râu rồi, trong khi đó, Huyền lại hơn chàng tận 5 tuổi, dù đôi bên có ra sức “ngụy trang” khéo léo đến đâu thì chuyện che giấu đi khoảng cách của anh chàng 23 tuổi với một “bà chị” sắp bước sang đầu băm dường như là điều không tưởng.
Nhưng buồn nhất có lẽ là những lúc mà Huyền có dịp diện kiến bạn bè chàng. Nhiều lúc nghe họ xưng hô “mày mày tao tao” với chàng rồi lại quay ra kính cẩn gọi mình là “chị”, Huyền cảm thấy chạnh lòng khó tả. Tủi thân hơn nữa là lúc nhìn thấy mấy cô bé trẻ trung, xinh tươi cứ nhí nhảnh bên cạnh mấy cậu bạn của chàng, rồi nghĩ đến mình, Huyền chợt thấy thiếu tự tin ghê gớm.
“Thôi thì chấp nhận điều đó và cứ nghĩ rằng mình già, mình xấu mà người ta vẫn yêu, thế mới đúng tình yêu chân thành”, đó là cách suy nghĩ hiệu quả nhất để Huyền giải tỏa stress khi phải làm “máy bay”.
Không được lạc quan như Huyền, Mai Trang lại luôn sống trong cảm giác dằn vặt, đấu tranh tư tưởng vì trót yêu “phi công trẻ”.
Trang tâm sự, kể từ ngày yêu một anh chàng kém 3 tuổi, cô bị cả gia đình lẫn bạn bè liên tục công kích. Bố mẹ cô mấy tháng nay cứ hết đi vào lắc đầu lại đến đi ra chép miệng, thi thoảng đay nghiến con gái: “Nuôi con ăn học tử tế mà sao ngu ngốc thế, đâm đầu vào yêu thằng trẻ ranh, sau này khổ một đời thôi”. Các cụ cổ hủ đã vậy, đến mấy bà chị thân thiết cũng chẳng thoáng hơn là bao. Họ cứ nhất định lấy tư cách người đi trước nhồi vào đầu Trang tư tưởng “kết hôn xong, đẻ thêm đứa con có mà như 2 cô cháu”.
Video đang HOT
Cũng không thể trách họ được vì họ chỉ nghĩ cho Trang. Cô xinh xắn, công việc đề huề, ổn định, 25 tuổi, bố mẹ cô giờ mong con gái kiếm được tấm chồng cân xứng. Vậy mà sự lựa chọn của cô lại là chàng “phi công trẻ” vừa chân ướt chân ráo ra trường, còn đang chấp chới với bao dự định hão huyền, viển vông. Gia cảnh “phi công” cũng “mèng mèng” nên tất nhiên lúc này chàng vẫn chỉ là một anh cựu sinh viên nghèo vượt khó. Thử hỏi bố mẹ Trang không nẫu lòng sao được.
Không được gia đình ủng hộ nên nhiều khi Trang chán nản lắm, bản thân cô cũng nửa đùa nửa thật thú nhận: “Yêu vậy thôi chứ thấy tương lai mờ mịt quá, đợi được đến lúc chàng có sự nghiệp ổn định, vững vàng để kết hôn thì chắc mình đã thành bà già xấu xí rồi”.
Thành “phi công” cũng có sướng gì
“Nhiều lúc đi ăn uống với nhau, thấy nàng móc túi ra trả tiền mà thấy nhục lắm nhưng mình thì lực bất tòng tâm, chả lẽ khi nào hết tiền thì không gặp nhau nữa…”, Quốc Thái (21 tuổi) tâm sự.
Thái tình cờ quen Luyến tại nơi cậu thực tập. Luyến nhỏ người, xinh xắn tính tình lại trẻ trung nên tuy biết nàng hơn 4 tuổi, Thái vẫn không ngăn nổi cảm giác xao xuyến trước bà chị xì tin này. Cậu càng hạnh phúc hơn khi biết Luyến cũng có cảm tình với mình. Thế rồi từ “chị em” họ chuyển dần qua “cậu tớ” rồi cuối cùng là “anh em” lúc nào chẳng hay. Tình yêu đến với họ bất chợt dù chỉ trong âm thầm giấu diếm, bởi cả hai đều vô cùng ái ngại trước miệng lưỡi thế gian cũng như không mặn mà với khẩu hiệu “phi công trẻ lái máy bay bà già”.
Người đời cứ bảo yêu gái già thì sướng, họ kinh nghiệm, biết chiều chuộng, quan tâm, chăm sóc. Nhưng đó là họ chỉ nhìn vào bề nổi. Chứ cứ thử lần đầu tập tọe “lái máy bay” như Thái thì mới hiểu thế nào là “nỗi lòng phi công”.
Thái gặp khá nhiều áp lực. Đi với nàng, cậu luôn phải cố tỏ ra chững chạc, đứng đắn từ trong ra ngoài. Quần jeans, áo phông giờ cất hết, thay vào đó là những sơ mi, quần Âu chỉnh tề, đĩnh đạc. Đến râu ria cả tuần mọc lún phún, nhom nhem Thái cũng phải “để dành” chẳng dám cạo, chỉ bởi nàng bảo “trông mày râu nhẵn nhụi nhìn trẻ con lắm!”. Khổ nhất là ngay cả khi hai đứa giận hờn, cãi vã, Thái luôn phải nhận phần thua thiệt về mình, vì bằng không sẽ bị mang tiếng “trẻ con hay chấp nhặt!”.
Không chỉ có vậy, cậy ra đời sớm hơn Thái vài năm, Luyến thường tự cho mình là người đi trước, kinh nghiệm đầy mình nên mọi chuyện cô luôn tự mình quyết định. Nhiều lúc Luyến còn tự hào tuyên bố: “Em có thể giải quyết mọi việc một cách êm đẹp mà không cần có anh”, cô chẳng mảy may để ý đến tâm trạng của người yêu, cô càng không biết rằng hành động ấy cũng đã động chạm rất nhiều đến tự ái của một gã “phi công” như Thái.
Nhắc đến tự ái thằng đàn ông thì có lẽ “đau” nhất là vấn đề tài chính. Ngay cả khi Luyến không bao giờ than thở chuyện “bao trai” thì Thái cũng đã đủ thấy xấu hổ. “Anh làm gì có tiền, thôi cứ để đấy cho em”, mỗi lần nghe người yêu thủ thỉ như thế và móc hầu bao ra mà Thái thấy muối mặt và bất lực vô cùng.
“Ai bảo mình trẻ người non dạ hơn, tài cán chưa vượt được nàng. Thôi thì cố đợi một thời gian nữa, mình điều kiện hơn, lúc đó sẽ bù đắp cho nàng vậy”, Thái chỉ biết tự an ủi mình và người yêu như vậy, nhưng trong lòng thì luôn nặng trịch nỗi đau thầm kín mà chỉ những phi công trẻ như cậu mới hiểu.
Có câu “Tình yêu không phân biệt tuổi tác”, nhưng thực tế nó vẫn là liều thuốc thử nồng độ cao với các cặp trai gái. Và chắc chắn chỉ có sự kiên nhẫn, hi sinh cùng một tình yêu chân thành mới có thể phá bỏ được những rào cản về tuổi tác để các “phi công” và “máy bay” đến được với nhau.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Nỗi khổ khi là "tập hai" của chồng
Câu chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ chấp nhận cảnh làm vợ hai của chồng phần lớn đều có chung một đặc điểm là phải chịu khá nhiều thiệt thòi, áp lực.
Hầu hết những người phụ nữ chấp nhận là "tập hai" của chồng luôn gặp phải những khó khăn nhất định. Bên cạnh tâm lí là người đến sau, những trách nhiệm nặng nề với quá khứ của chồng, có đôi khi họ còn phải chịu những ấm ức đến từ những người mà họ không thể nào ngờ tới.
Bị gia đình nhà vợ cũ hằm hè
Câu chuyện của chị Nhung (Từ Liêm - Hà Nội) mới nghe tưởng chừng như phi lý nhưng đó lại chính là sự thật mà chị đang phải trải qua. Vợ cả của anh Công mất do tai nạn giao thông, 3 năm sau chị Nhung và anh Công mới lập gia đình với nhau. Anh và người vợ đầu có với nhau một bé trai 5 tuổi. Vì chết vợ chứ không phải ly hôn nên anh Công vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với gia đình bố mẹ vợ, thậm chí thương người vợ cả xấu số thiệt phận nên anh vẫn coi mình như con cái trong gia đình bên vợ cả để thay vợ làm tròn bổn phận làm con đối với bố mẹ.
Như chị Nhung tâm sự, ngay từ khi xác định làm vợ hai anh Công chị đã chuẩn bị tâm lý từ trước. Được sự động viên của anh, chị coi như mình có tới hai bố mẹ chồng để chăm lo. Chính anh Công là người hiểu được sự khó khăn của vợ vì vậy mà yêu thương chị hết mực. Nhưng khổ một nỗi bố mẹ vợ cả của anh dường như không thể chấp nhận được sự thật con rể mà họ yêu quý giờ đây đã tìm được hạnh phúc mới nên không ít lần "hằm hè" với chị Nhung.
Lấy cớ sang thăm cháu ngoại, bố mẹ vợ cả của anh Công ghé tới nhà anh chị thường xuyên. Được chồng xác định tâm lý cho từ trước nên chị Nhung vẫn vui vẻ, niềm nở nói chuyện, coi ông bà như bố mẹ chồng thứ hai của mình. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, lần nào sang chơi, bố mẹ vợ cả của anh Công cũng trì triết: "Chúng tôi nói cho chị biết, thằng Công giờ là chồng chị thật nhưng vẫn là con rể của chúng tôi. Nó cũng vẫn đối xử với chúng tôi như bố mẹ. Ngày xưa nó yêu và chiều con gái chúng tôi lắm, chỉ tội con gái tôi đoản mệnh nên chị mới có cơ hội thôi. Giờ chị về, phải chăm lo cho thằng cu Tuấn tử tế, đừng có ỷ thế mẹ ghẻ mà bắt nạt, hành hạ con chồng". Không những thế khi chị đang sấp ngửa mang thai đứa con đầu lòng, công việc nhà bề bộn, bố mẹ vợ cả của anh Công còn cạnh khóe: "Chị đừng nghĩ có con rồi thì gạt được thằng Tuấn nhà tôi ra khỏi bố nó nhé. Dù gì nó cũng là con cả, đích tôn của nhà thằng Công đấy. Sau này có phân chia tài sản, chúng tôi cũng không để cho nó chịu thiệt đâu".
Chị Nhung ngậm ngùi tâm sự: "Người ta đi làm dâu, cực vì bố mẹ chồng đã đành đằng này mình lại khổ vì bố mẹ vợ của chồng. Khi xác định lấy anh ấy, một người chết vợ mình đã coi như cộng cả quá khứ của anh ấy vào cuộc sống của hai vợ chồng rồi. Mình chăm chút cho cu Tuấn tử tế hắn hoi, nhất là từ khi mình có bầu, có con mình càng thương nó mất mẹ đã khổ lắm rồi nên càng lo lắng cho cu Tuấn hơn. Bàn thờ của chị ấy mình cũng hương khói thường xuyên. Ấy vậy mà bố mẹ vợ của anh ấy cứ coi mình như kẻ độc ác, tàn nhẫn không bằng, suốt ngày hằm hè,trì trích. Cứ thế này không biết mình nhịn được đến bao giờ?".
Bị chồng và gia đình chồng so sánh
Cũng mang trong mình nỗi ấm ức khi làm vợ hai của chồng nhưng nỗi ấm ức đó còn tệ hại hơn khi nó đến với chị Thoa (Gia Lâm - Hà Nội) từ chính chồng và bố mẹ chồng. Khổ một nỗi chị chẳng thể san sẻ tâm sự với ai vì ngày trước chị bất chấp lời khuyên can của mọi người để lấy anh bằng được.
Anh Thắng, chồng chị Thoa đã từng ly dị vợ do cuộc sống hôn nhân không mang lại hạnh phúc. Khi lấy anh, chị chẳng phải loại người "ế chỏng, ế chơ", ngược lại còn rất nhiều anh đàng hoàng, tử tế theo đuổi. Nhưng như chị nói, có lẽ là "cái duyên, cái số nó vồ lấy nhau", cuối cùng chị lại quyết định lấy anh Thắng làm chồng. Tất nhiên gia đình chị Thoa một mực phản đối. Nhưng chị ra sức thuyết phục. Trong cách nghĩ của chị, anh Thắng và vợ cũ chưa có con với nhau, nên mối sự ràng buộc giữa họ không có. Gia đình anh cũng khấm khá, bề thế nên nói là làm vợ hai thôi chứ cũng không đến nỗi khổ như những người khác. Nào ngờ khi về sống chị mới thấy có những nỗi khổ vô hình khác.
Chị Thoa nhớ như in lần đầu tiên trong bữa cơm, chồng vừa ăn vừa nhận xét: "Món cá kho tộ này của em chưa đạt rồi. Ngày xưa, Hương nấu món này ngon tuyệt bố mẹ nhỉ!". Chị Thoa nghe chồng nói mà máu trong người chị sôi lên, những tưởng bố mẹ chồng thấy con mình vô ý phải khéo léo nhắc nhở ai dè còn vào hùa tán thưởng: "Ừ, công nhận cái Hương nó thế thôi chứ nấu ăn ngon tuyệt, con là không bằng được cái Hương về khoản nấu nướng rồi". Kể từ đó trong nhà việc to, việc nhỏ gì cả chồng và bố mẹ chồng đều đem chị ra so sánh với cô vợ cũ của anh. Thậm chí họ hàng nhà anh đến chơi, bố mẹ chồng còn ngồi cân đong đo đếm xem chị hơn kém vợ cũ của anh ở điều gì: "Chỉ được cái ngoan, không hay cãi lời thôi chứ nhiều cái không bằng cô cũ".
"Lúc đầu mình suy nghĩ đơn giản, chồng và vợ cũ chưa có con nên không có ràng buộc vì vậy cũng sẽ dễ sống hơn. Nào ngờ khi về sống thấy chồng và bố mẹ chồng mang mình ra so sánh như vậy mình ức chế không chịu nổi. Mình có cảm giác không phải là vợ mà như đang tuyển ô sin với những tiêu chuẩn được đặt ra vậy. Nhiều lúc mình chỉ muốn nói thẳng ra: &'Nếu thấy cô ta tốt thì còn bỏ nhau làm gì, cô ta mà đã tốt thì chẳng đến nỗi bỏ nhau, mà giờ thích thì anh cũng có thể đón cô ta về. Em là em chứ không phải là bản sao khác của vợ cũ anh" - chị Thoa hậm hực.
Tạm kết
Câu chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ chấp nhận cảnh làm vợ hai của chồng phần lớn đều có chung một đặc điểm là phải chịu khá nhiều thiệt thòi, áp lực. Không chỉ là những điều tiếng từ bên ngoài, những trách nhiệm với gia đình chồng, con riêng của chồng mà đôi khi còn bị ám ảnh bởi cái bóng của người đi trước. Để thực sự giữ gìn được cuộc sống hôn nhân, lúc này vai trò làm chồng của người đàn ông trong gia đình là vô cùng quan trọng. Những người chồng cần hiểu, yêu thương và thông cảm với những khó khăn mà vợ mình gặp phải để gip đỡ cô ấy. Không những vậy, cần có đủ tinh tế để không làm tổn thương trái tim người phụ nữ đã an phận là người đến sau.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Lá chị lá em Hôm qua chị rửa bát rồi, hôm nay đến phiên em. - Nhưng hôm qua ít bát, hôm nay một chậu đầy ú ụ, chị phải rửa cùng em chứ! - Không, phiên của ai người ấy rửa. Mẹ đứng nhìn hai chị em tôi cãi nhau, lắc đầu rồi bảo: - Có mỗi việc rửa bát mà chị em cũng tị nạnh...