Nỗi khổ khi chồng tay hòm chìa khóa
Chồng hôm ấy bận họp nên bảo vợ đi chợ. Cô mua nửa kg sườn với giá đắt hơn 5.000 đồng so với chồng vẫn mua, anh cằn nhằn cả bữa cơm.
Là giáo viên hợp đồng ở một trường tiểu học tại Hà Nội, thu nhập mỗi tháng của Hồng Anh chỉ hơn 2 triệu đồng, kinh tế gia đình phụ thuộc vào chồng làm kế toán cho một công ty liên doanh. Sẵn chuyên môn nghề nghiệp, chồng Hồng Anh quản lý luôn thu chi trong gia đình. Biết vợ lương thấp, chồng để Hồng Anh toàn quyền sử dụng tiền của vợ cho việc ăn sáng và trưa tại trường, còn tất cả các khoản trong nhà anh lo hết. Tuy nhiên, Hồng Anh cảm thấy không thoải mái khi muốn mua một món đồ gì đó khoảng hơn trăm nghìn là cô phải chờ chồng đồng ý.
Mấy hôm nay, bóng đèn trong phòng làm việc bị hỏng, chồng chưa chi tiền thay, vợ phải mang sách ra phòng khách soạn bài. “Hình như anh ấy sợ em bòn tiền về cho đằng ngoại”, Hồng Anh chua chát, trong khi thỉnh thoảng bố mẹ và anh trai vẫn dúi cho cô ít tiền mỗi khi cô về quê thăm họ. Nhiều lúc cô chán nản vì cảm thấy mình không khác gì ôsin của chồng, chuyện đi chợ mua đắt hơn là một ví dụ, chỉ có niềm an ủi duy nhất là cậu con trai luôn được bố sắm sửa cho đầy đủ.
Nhiều ông chồng tính chi li từng đồng tiền khi đưa vợ – Ảnh: bugsbybrian.com
Cũng chung cảnh ngộ chồng quản lý chi tiêu gia đình, mới kết hôn được nửa năm Minh Trang đã thấy chán hôn nhân. Chồng đã ngoài 30 nên dù Trang còn một năm nữa mới ra trường, đám cưới vẫn được tiến hành. Kết hôn sau 3 năm yêu đương, Minh Trang tưởng đã thấu hiểu người đàn ông của mình. Về ở với nhau, cô mới phát hiện ra chồng mình là người đếm củ dưa hành, đo lọ mắm muối. Trước đây, thời còn tán tỉnh, sinh nhật cô, ngày Valentine hay 8/3, anh đều có quà tặng, đưa cô đi xem phim, đi chơi anh đều trả tiền. Trang vốn tính giản dị, lại tiếc tiền cho người yêu nên đi chơi cũng chỉ dám gợi ý chàng dẫn vào những quán của sinh viên. Anh cũng không đề nghị đến những nơi sang trọng như một người đã có thu nhập, nhưng cô chưa bao giờ nghi ngờ anh “kẹo kéo”.
Giờ đây, nhiều lúc Trang hối hận vì kết hôn vội vã khi chứng kiến cách xử sự liên quan đến tiền bạc của chồng. Bố mẹ ở quê khó khăn, sau khi cưới, tiền ăn học của cô do chồng chi trả hết. Hai vợ chồng sống cùng bố mẹ chồng. Hàng tháng chồng đưa tiền ăn của hai vợ chồng cho mẹ. Mỗi sáng, anh cho Trang vài chục nghìn để ăn sáng, ăn trưa và đi xe buýt. Hôm nào cô ăn ở nhà thì đương nhiên tiền anh đưa vợ sẽ bị bớt đi. Trang có bất kỳ khoản tiêu phát sinh nào, chồng đều ghi vào sổ. Nếu vợ có ý định mua quà khi về nhà thăm bố mẹ đẻ, chồng luôn cằn nhằn, vì thế nhiều hôm cô nhịn ăn sáng để có tiền mua quà thăm bố mẹ.
Trang tâm sự, cô cảm thấy mình không có giá trị gì với chồng. “Nhiều lúc, em muốn kết thúc cuộc hôn nhân này”, Trang chia sẻ. Cô cũng mong sớm tốt nghiệp, đi làm để có thể tự chủ phần nào về tài chính.
Video đang HOT
Nói về những ông chồng quản lý mọi khoản chi tiêu trong gia đình, giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền thuộc Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TP HCM, cho rằng họ đã ứng xử sai lầm. Theo ông, trong gia đình nên có sự phân công công việc phù hợp với tâm lý và khả năng của từng người, ví dụ những việc to như xây nhà, mua xe thì chồng lo; những việc nhỏ, chi tiêu hàng ngày như chợ búa, cơm nước, quần áo sách vở cho con… thì nên để vợ nắm, bởi vì đàn ông không thể chi li, tỉ mỉ như phụ nữ. Người đàn ông nếu gánh tất cả những việc nhỏ thì đầu óc cũng dễ tủn mủn. Đàn ông chỉ nên quan tâm những việc to để đầu óc sáng suốt và phát triển ngoài xã hội.
Thực tế, có những ông chồng dù tay hòm chìa khóa trong gia đình nhưng vẫn kiếm ra tiền. Giáo sư nhận xét, họ chỉ đạt đến mức kiếm được nhiều tiền chứ không thể trở thành đại gia: “Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, những người đàn ông thành đạt đều giao hết việc bếp núc, con cái cho vợ”.
Theo ông Hiền, đàn ông tự mình quản lý việc chi tiêu trong nhà thường là những người không có chí lớn, đa nghi, ích kỷ và không tin tưởng vợ của mình. Gặp phải những ông chồng như thế này, người vợ chỉ có hai cách: Cố gắng tìm cách kiếm tiền để có đồng ra đồng vào, không lệ thuộc vào chồng, hoặc là chấp nhận, nếu không vợ chồng sẽ suốt ngày cãi nhau vì chồng sẽ không thay đổi tính cách ích kỷ của mình.
Chuyên gia tư vấn các vấn đề hôn nhân và gia đình Hồ Thị Tuyết Mai ở tổng đài 1088 Bưu điện TP HCM cũng đồng tình, đàn ông chỉ vì vợ kiếm được ít tiền mà nắm giữ hết tài chính trong nhà là người thiếu tin tưởng vợ. Từ xưa đến nay, nhìn chung phụ nữ đảm nhận nhiệm vụ tay hòm chìa khóa trong gia đình tốt hơn nam giới. Bà cho rằng, nếu chồng tiền đong gạo phát cho vợ hàng ngày sẽ dẫn đến khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng lớn, người vợ cảm thấy mình không có quyền hành gì trong gia đình, dẫn đến có thể nảy sinh tâm trạng bất mãn. Nếu vợ gặp đối tượng nào đó hiểu họ, đặc biệt là sẵn sàng chia sẻ kinh tế với họ thì rất có thể hôn nhân sẽ tan vỡ.
Bà Mai cũng thấy rằng con cái trong những gia đình mà chồng quá chi li thường cảm thấy bất an, thương mẹ và sẵn sàng đứng về phía mẹ. Còn những ông chồng này, dù nắm kinh tế trong nhà nhưng sẽ phải cô đơn khi trở về tổ ấm của mình. Tuy nhiên, không phải tất cả ông chồng quản tiền mắm muối trong gia đình đều bủn xỉn . “Nếu vợ chi tiêu hoang phí thì người đàn ông nên tham gia quản lý chi tiêu trong nhà”, chuyên gia tâm lý khuyên. Bà bổ sung: “Chồng cần giúp vợ biết cách chi tiêu dần dần, bởi về lâu dài người đàn ông không nên làm mãi nhiệm vụ giữ tiền chợ búa cho gia đình”.
Thực tế, có những ông chồng cũng rất đau khổ khi phải tự mình đứng ra quản tiền tiêu dùng hàng ngày chỉ vì bà vợ vung tay quá trán, như anh Thuận (quận 7, TP HCM). Anh làm cho một công ty nước ngoài, vợ ở nhà nội trợ. Một lần đưa cho vợ hơn chục triệu đồng mà chỉ trong vòng 10 ngày, chị đã không còn tiền để đi chợ vì sắm sửa nhiều đồ dùng không cần thiết, anh phải xin tạm ứng lương sớm. Từ đó, anh quyết định sẽ đưa tiền tiêu cho vợ hàng ngày. Thói quen không kiềm chế được việc mua sắm mỗi khi có tiền trong tay của chị khiến anh phải nằm viện cũng không yên thân. Ngày vào bệnh viện phẫu thuật lấy sỏi thận, anh đưa cho vợ tiền tiêu một tuần, nhưng chỉ hai ngày sau bà xã đã kêu hết tiền vì ngoài thức ăn chất đầy tủ lạnh, chị mua rất nhiều đồ chơi cho con khi bé đòi.
Để tránh những tình trạng rất tội nghiệp như của anh Thuận, chuyên gia Tuyết Mai khuyên, ngay từ khi cưới hai vợ chồng nên thống nhất việc chi tiêu, đưa chi tiêu vào khuôn phép, để không lâm phải cảnh thiếu trước hụt sau. Nếu biết tính vợ hoang phí, chồng phải “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Khi bà xã đã biết cách tiết kiệm thì có thể để vợ quản lý những khoản tiêu tỏi mắm muối trong nhà.
Theo VNE
Yêu nhầm gái đào mỏ
Tôi phát hiện sự thật em và đám bạn ăn chơi chính là hội săn Việt kiều, đại gia để được tiêu tiền, lo cho cuộc sống và đánh đổi lại bằng thân xác của chính mình.
Tôi sinh năm 1988, tốt nghiệp loại giỏi ĐH Kinh tế, làm ở phòng kinh doanh một công ty nước ngoài, lương hơn 1.000 đôla/tháng, nhận học bổng Master toàn phần ở châu Âu sắp đi du học. Năm 2013, tôi và em biết nhau vì ở chung tòa nhà. Em sinh năm 1983, học xong lớp 12 thì nghỉ vì gia đình không có điều kiện, là người Hà Nội, thông minh, học giỏi lại vào đời sớm nên rất nhanh nhạy và khôn ngoan trong cách ứng xử, đối đáp. Em học nghề tóc, từng trải qua rất nhiều mối tình với những cậu ấm, thiếu gia Hà Nội lẫn Sài Gòn bởi ngoại hình đẹp, lại có khuôn mặt của một hotgirl.
Tôi và em biết mặt nhau bằng câu chào và nụ cười xã giao trong thang máy. Rồi sau đó gặp nhau nhiều lần nên thành ra quen, vì vậy tôi dần chú ý bởi em vừa xinh đẹp lại ăn nói rất khéo, sau này mới biết em là chủ một Beauty Salon tầm trung bình. Chúng tôi yêu nhau vào một ngày trung thu, tôi đến tiệm em cắt tóc và trò chuyện đến lúc đóng cửa tiệm, rồi cả hai mời nhau đi ăn, đi chơi và trao nhau nụ hôn đầu tiên, sau đó liên lạc và hẹn hò nhiều hơn dù chưa nói yêu nhau bao giờ.
Chúng tôi đã quan hệ với nhau nhưng em chưa nhận lời yêu vì "Chờ tìm hiểu kỹ hơn đã, với em tiếng yêu rất thiêng liêng, không thể tùy tiện nói ra được". Tôi hoàn toàn hài lòng và chờ đợi thời gian sẽ trả lời. Sinh nhật em, em đi với bạn trai cũ và bạn bè mà không có tôi. Tôi gọi điện, nhắn tin em không bắt máy cũng không trả lời. Sau đó em gọi điện giải thích vì bạn trai cũ nóng tính, mất tự chủ và hay quậy phá nhà em nên em phải đi chơi như bạn bè để chiều ý (người ta tổ chức tiệc sinh nhật cho em ở nhà hàng và bar) chứ tình cảm không còn.
Lúc đầu tôi không chấp nhận, quyết định dừng chuyện tình cảm lại, em nói hãy cho thời gian để giải quyết dứt điểm với bạn trai cũ. Em yêu và không muốn để mất tôi, tôi gượng gạo chấp nhận. Chúng tôi vẫn hẹn hò nhưng lâu lâu người đó lại xuất hiện, xen vào làm tôi khó chịu. Mỗi lần như vậy em đều xin lỗi và hứa sẽ giải quyết mọi chuyện tốt đẹp sau một khoảng thời gian ngắn, có thể là một tháng.
Theo em nói thì anh này đã có vợ, không muốn bỏ vợ nên em quyết định chia tay, anh ta cũng không muốn em đến với ai khác và sẵn sàng làm tất cả để ngăn cản. Càng tìm hiểu tôi càng thấy em và người này có vẻ như là đại gia và bồ nhí, anh ta cho em tiền, lo cho em mở tiệm, mua sắm mọi thứ trong nhà và thuê nhà cho em, nói chung lo mọi thứ nên em bị phụ thuộc và sợ.
Tôi không biết chính xác đó là mối quan hệ như thế nào nhưng càng ngày em càng chứng minh rằng rất yêu tôi, muốn gắn bó lâu dài và khẳng định người bạn trai cũ chỉ là tình cảm trong quá khứ, hiện tại không ai ràng buộc ai, em cũng khẳng định mọi thứ đang có là do em làm ra, không ai giúp hay cho em cả. Tôi bán tín bán nghi nhưng không có cách nào làm sáng tỏ được vì bạn bè và người thân đều không ai biết rõ, nếu có biết chắc cũng không nói cho tôi.
Tôi cố tin và yêu em, xây dựng một tình yêu đẹp vì cả hai đều thấy hạnh phúc khi ở bên nhau. Tôi sẵn sàng bỏ qua quá khứ của em dù nó là gì đi nữa, chỉ mong những chuyện trong quá khứ không ảnh hưởng xấu đến hiện tại và tương lai của chúng tôi, em đồng ý và hứa sẽ làm được. Chúng tôi ngày đi làm, tối đi ăn và đi chơi cùng nhau, lúc đi ăn uống với bạn bè, lúc đi bar, lúc karaoke, tiệc tùng sinh nhật, du lịch, ai cũng thấy hai đứa hạnh phúc đến mức phải ghen tỵ.
Trước đây em đã phá thai hai lần nên khả năng mang thai là rất thấp, cần phải nhờ sự can thiệp của y học, thụ tinh trong ống nghiệm, khả năng chúng tôi có con là có thể nhưng khá tốn kém và tỷ lệ thành công không cao. Chúng tôi đều tin tưởng sẽ có một gia đình hạnh phúc với một hoặc hai đứa con.
Chúng tôi tính qua năm sẽ cưới, khoảng tháng 6 tháng 7 trước khi tôi đi du học thạc sĩ 2 năm. Vậy mà tình cờ tôi phát hiện một bao cao su ở nhà em trong khi đó chúng tôi chưa bao giờ sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục. Em giải thích đó là do nhà tầng trên vứt xuống nên rơi vào nhà, em tình cờ nhặt được nên giấu đi. Lúc đầu tôi giận quá và bỏ đi nhưng sau đó tin em, lại bỏ qua vì em đã thề thốt rất nhiều.
Chuyện tình cảm hai đứa không còn mặn nồng như trước, giữa em và tôi có khoảng cách, tình cảm nguội lạnh mà không hiểu vì sao. Tôi cố gắng hâm nóng, em càng muốn nó chỉ như vậy, không được sâu đậm quá. Khi nói đến chuyện cưới xin em không muốn nữa, không khao khát cũng như không hối thúc làm đám cưới như xưa. Điều này làm tôi thấy hụt hẫng và linh cảm có chuyện không hay.
Tôi cố gắng duy trì tình cảm để tìm hiểu mọi chuyện, nhớ lại có lần em nói "Với em, có tiền là có tất cả, tiền quan trọng nhất, cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng thật nhiều tiền", khá thực dụng nhưng cũng có phần nào đó đúng trong bối cảnh xã hội hiện nay. Tôi nghĩ con người quá khứ của em vẫn còn, nó đang hiện hữu trong lúc này, tình yêu không thể làm em thay đổi.
Chuyện gì đến cũng phải đến, đêm hôm đó em gọi tôi dậy và ngỏ ý muốn tôi ra phòng khách ngủ để gọi điện cho bạn trai cũ. Tôi hỏi có chuyện gì mà phải gọi điện vào giờ này, em nói người ta nhắn tin bắt phải gọi nếu không sẽ đến quậy phá. Tôi không nói một lời, ngồi suy nghĩ một lúc và quyết định chia tay trong im lặng. Hóa ra lâu nay em bắt cá hai tay, người đó ở nước ngoài, nửa tháng hoặc một tháng mới qua Việt Nam một lần, những lần người này qua thì giữa tôi và em lại có lục đục để không gặp nhau khoảng 4-5 ngày, thời gian đủ để em tiếp anh ta.
Khi anh ta về nước em chủ động gọi điện gặp tôi, dùng sự khéo léo trong ngôn ngữ để đánh vào tình yêu và điểm yếu để tôi tha thứ. Trong đêm tối, tôi ngồi suy nghĩ toàn bộ câu chuyện và nhận ra một sự thật em và đám bạn ăn chơi chính là hội săn Việt kiều và đại gia để được làm vợ hoặc bồ nhí của họ, được tiêu tiền, được họ lo cho cuộc sống và đánh đổi lại bằng thân xác của chính mình.
Trong nhóm của em, có một vài người cưới được Việt kiều và sắp đi Mỹ, một số khác cưới đại gia, còn em bạc phận, yêu phải một người đã có gia đình, quan hệ không an toàn nên có thai, buộc phải phá và điều kiện để em phá thai hai lần là nhà, mở tiệm làm ăn, xe và tiền. Cuộc sống phồn hoa đô hội của Sài Gòn đã biến em thành một con người thực dụng, coi việc giết chết một sinh linh bé bỏng nhẹ tựa lông hồng, không một chút mảy may hối hận. Em sống và làm mọi cách, dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền và thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Lời cuối cùng tôi nói với em: Em đang đi sai đường rồi.
Theo VNE
Đừng "chôn cất" mình trước tuổi 30 Tại sao phải phí hoài quãng thời gian tươi đẹp nhất của mình để vội cầm mọi thứ cảm xúc đốt vào đủ chuyện bi quan? Tại sao chưa đi đã bỏ cuộc, chưa mệt đã buông tay? Đừng nghĩ bỏ cuộc là xong, đừng nghĩ phó mặc tất thảy cho số phận. Đừng nghĩ cứ để mọi chuyện tự diễn ra để...