Nỗi khổ của MC Lại Văn Sâm và những người dẫn Ai là triệu phú
Không ít người dẫn chương trình Who wants to be a millionaire? ở các nước cảm thấy quá áp lực và phải tạm biệt khán giả.
Nhiều năm qua, nhà báo Lại Văn Sâm luôn là gương mặt người dẫn chương trình được nhiều thế hệ khán giả yêu thích. Tên tuổi ông đặc biệt gắn liền với gameshow Ai là triệu phú?, vốn được mua bản quyền trực tiếp từ Anh Quốc (phiên bản gốc có tên Who wants to be a millionaire?). Lại Văn Sâm là host (người dẫn) duy nhất của chương trình này từ khi ra đời đến nay, người hâm mộ của ông cũng ngày càng tăng từ đây. Nhưng việc làm host của những chương trình nổi tiếng lại là “con dao hai lưỡi” ít người ngờ tới.
Hào quang ít người cưỡng lại được
Không thể chối cãi rằng Ai là triệu phú?, từ khi được khai sinh năm 1998 tới nay, đã luôn là một trong những format trò chơi truyền hình được ngưỡng mộ bậc nhất. Suốt gần 20 năm qua, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã mua bản quyền tổ chức chương trình này và đạt được nhiều thành công tại chính những nước đó. Bản thân thương hiệu Ai là triệu phú? vốn có gốc gác từ Anh Quốc cũng đã đạt không ít giải thưởng danh giá dành cho những chương trình truyền hình, trong đó có hai giải Emmy.
Ai là triệu phú? nổi tiếng tới mức từng là cảm hứng cho bộ phim Triệu phú khu ổ chuột đoạt 8 giải Oscar
Những điều này đồng nghĩa với việc bất cứ quốc gia nào mua bản quyền thì người được lựa chọn làm host cũng sẽ cảm thấy cực kỳ vinh dự khi đứng dưới hào quang của một format gần như đã trở thành kinh điển. Chính vì vậy, những gương mặt được lựa chọn làm host cũng đều là người dẫn chương trình “cứng cựa” và được yêu mến. Thậm chí họ còn được yêu mến nhiều hơn nữa sau khi gắn bó với gameshow này.
Từ đó, hầu hết các host của Ai là triệu phú? trên khắp thế giới đều gắn bó với chương trình không dưới 5 năm. Dần dà đối với họ, việc ở lại với chương trình đã không còn chỉ là hào quang, mà còn là ở lại với những khán giả đã dành tình cảm yêu mến cho mình.
Áp lực và ràng buộc cũng không dễ thở
Trong một bài phỏng vấn gần đây, chính nhà báo Lại Văn Sâm đã chia sẻ về việc ông từng muốn tuyển người khác để thế chỗ ông làm host cho Ai là triệu phú? phiên bản Việt. Tuy nhiên phía nắm bản quyền Anh Quốc đã không chấp nhận việc này, bởi ông là người được đích thân tổng đạo diễn của format lựa chọn. Khi đó thậm chí chương trình đã tưởng rằng phải dừng lại.
Lại Văn Sâm là cái tên được đích thân tổng đạo diễn bản gốc từ Anh Quốc lựa chọn
May thay, điều đó đã giữ nhà báo Lại Văn Sâm ở trên ghế nóng của chương trình cho tới ngày hôm nay, và trước mắt là tới hết năm 2017, khi bản quyền chương trình hết hạn. Nhưng điều này đã phần nào nói lên những áp lực mà người “trót” ngồi vào ghế host của các chương trình nổi tiếng phải chấp nhận. Dù yêu mến và gắn bó tới mức nào, cũng sẽ có ngày người host đó, hoặc chính bản thân chương trình phải dừng lại, bởi “không ai nắm tay được tới sáng”.
Nữ MC Meredith Vieira là người host thứ hai của phiên bản Ai là triệu phú?tại nước Mỹ. Sau 11 mùa liên tiếp gắn bó với khán giả và còn 2 lần nhận giải Emmy cho Người dẫn chương trình, tới năm 2013, nữ MC duyên dáng và sắc sảo đã quyết định tạm biệt chương trình. Không thể phủ nhận rằng format này đã đem tới cho Meredith vô số danh tiếng và người hâm mộ, thậm chí cô trở thành người phụ nữ đầu tiên 2 lần nhận giải Emmy cho Dẫn chương trình ấn tượng. Tuy nhiên, cô đã đưa ra lý do rằng mình không thể cả đời ngủ quên trên chiến thắng và cô phải theo đuổi những cơ hội khác.
Video đang HOT
Meredith Vieira nhờ Ai là triệu phú? mà lập kỷ lục 2 lần đoạt giải Emmy, trước đó chưa từng có người phụ nữ nào chiến thắng tới 2 lần trong hạng mục Người dẫn chương trình
Ở một phiên bản khác nơi châu Phi xa xôi, người dẫn chương trình Frank Edoho của phiên bản Nigeria cũng từng bỏ ghế host sau 13 năm gắn bó. Câu chuyện ở phiên bản này thậm chí còn kịch tính hơn khi nhà đài và nam MC liên tục tố nhau trên Twitter do không thể thỏa thuận được hợp đồng. Những dòng tweet của Frank ám chỉ về việc bị nhà đài chèn ép và dọa sẽ tung bằng chứng đã khiến fan của anh cũng như khán giả phải đặt câu hỏi về những điều xảy ra bên trong hậu trường của gameshow họ yêu thích.
Câu chuyện này khi đó đã sớm chìm xuồng và Frank cuối cùng chẳng đưa ra bằng chứng nào hết, tuy nhiên không ít người đã lờ mờ hiểu rằng câu chuyện giữa một MC kỳ cựu và nhà đài đôi khi cũng “cơm chẳng lành, canh không ngọt”.
Frank Edoho của phiên bản Nigeria đe dọa sẽ tố cáo nhà đài sau 13 năm gắn bó
Không chỉ nhà đài, áp lực còn đến từ khán giả
Câu chuyện được đặt ra ở đây là liệu các nhà đài và quản lý của format có đang cố tình vắt kiệt sức lực và danh tiếng của những host này? Tuy nhiên, nếu nhìn vào một số ví dụ sau đây, chúng ta sẽ thấy rằng những người sản xuất chương trình cũng có lý do của họ.
Lại Văn Sâm là một thương hiệu được bảo chứng trong ngành truyền hình Việt Nam bởi sự dí dỏm cũng như thông minh của ông trong cách ứng xử ở các chương trình truyền hình. Có lẽ ông là một trong số ít những người dẫn chương trình không có ngoài hình “lung linh” nhưng lại có lượng fan rất khủng. Chính vì thế, một số chương trình khi mới ra mắt đã được tin tưởng giao cho ông làm người dẫn để kéo fan, nhưng chỉ một thời gian sau khi người khác thế chỗ, lượng người xem và độ hot của chương trình sẽ giảm đi rõ rệt.
MC Lưu Minh Vũ dù rất duyên dáng và có phong cách dẫn riêng biệt, nhưng rating của chương trình Hãy chọn giá đúng vẫn kém hơn “đời đầu” của Lại Văn Sâm
Đơn cử với Chiếc nón kì diệu, chương trình đoán chữ ra mắt cách đây 16 năm với người dẫn đầu tiên là Lại Văn Sâm. Khi đó chương trình đã gây sốt khắp cả nước với thể lệ chơi mới mẻ cùng cách dẫn hài hước của MC. Tuy nhiên, nhà báo Lại Văn Sâm đã không ở lại chương trình lâu, khiến không ít khán giả tiếc nuối. Người thế chỗ ông là MC Long Vũ, ít nhiều vẫn giữ được lượng người xem ổn định. Tuy nhiên cho tới những năm về sau này khi các MC Tuấn Tú, Danh Tùng hay Lưu Minh Vũ liên tục phải thế chân nhau, thì chương trình đã dần trở nên thoi thóp và phải tạm biệt khán giả vào năm 2016.
Hãy chọn giá đúng cũng không có số phận khá khẩm hơn, dù chương trình này hiện vẫn đang được phát sóng và có tuổi đời khá cao. Tuy nhiên, ai cũng có thể nhận thấy rằng sức hút của MC Lưu Minh Vũ hay hiện giờ là MC Trần Ngọc, cũng không thể nào đọ được với Lại Văn Sâm. Nói điều này không phải là chê khả năng của các MC thế hệ sau, mà để thấy được rằng áp lực tới từ khán giả cũng không hề nhỏ, thậm chí khán giả Việt còn được cho là hay “cả thèm chóng chán”, nếu chương trình kéo dài quá lâu thì rating kém đi là chuyện đương nhiên.
Áp lực này đè lên vai MC thì nhưng lên nhà sản xuất thì nhiều. Khi lượng người xem sụt giảm, họ là người chịu trận đầu tiên, chính vì thế, đôi khi MC bắt buộc phải được giữ lại, bởi khán giả mới chính là người ngại phải thay đổi.
Khán giả vẫn mong Ai là triệu phú? vẫn sẽ tiếp tục được sản xuất và đồng hành là nhà báo Lại Văn Sâm
Câu chuyện người dẫn chương trình vẫn còn vô số những vấn đề cần bóc tách, tuy nhiên trong một bài viết ngắn ngủi, người viết chỉ xin được chia sẻ những góc nhìn khách quan về câu chuyện người dẫn chương trình và sự ràng buộc với các format nổi tiếng. Gameshow từ lâu đã trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống giải trí của khán giả, và mong rằng trong thời gian sắp tới, nếu không phải là Lại Văn Sâm thì sẽ còn nhiều người dẫn chương trình khác đủ khả năng chiếm được cảm tình của khán giả.
Theo Danviet
MC Lại Văn Sâm kể kỷ niệm xúc động ở 'Ai là triệu phú'
"Một người chơi đến với Ai là Triệu Phú (ALTP) nói với tôi rằng cháu đã chờ được gặp chú và chơi chương trình này cả chục năm rồi từ khi cháu là một đứa trẻ - MC Lại Văn Sâm.
Anh là người đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình Ai là triệu phú (ALTP) từ đầu tới bây giờ, động lực nào giúp anh gắn bó với nó đến vậy?
Đầu tiên, phải khẳng định, Ai là triệu phú là chương trình mà tôi rất thích. Và tôi có cái tính là chỉ làm những gì mình thích thôi, chứ nếu không thích thì khó ai bắt tôi làm được lắm. Tôi từng nói với các đồng nghiệp rằng, một khi bước ra sân khấu mà tôi không còn cảm thấy hồi hộp nữa, tôi sẽ không dẫn chương trình đó nữa.
MC, nhà báo Lại Văn Sâm.
Cho tới giờ, tôi dẫn ALTP không bằng kịch bản, bằng chỉ đạo của đạo diễn trường quay nữa mà bằng ánh sáng, bằng cú máy, bằng tiếng khán giả... Tuy nhiên, mỗi khi âm nhạc vang lên, tôi vẫn luôn có cảm giác rùng mình vì hồi hộp, không biết hôm nay mình sẽ được gặp nhân vật nào. Qua Chương trình, chúng ta có thể tìm hiểu về những thói quen, những nét văn hoá khác nhau, qua từng người chơi ở những vùng miền khác nhau. Qua đó, những nét văn hoá của hơn 50 dân tộc anh em Việt Nam, cũng được thể hiện rất rõ.
Xin bật mí thêm, việc chương trình này được VTV mua bản quyền và đưa về Việt Nam cũng là nguyện vọng của tôi. Tôi chính là người đề xuất đưa ALTP về Việt Nam.
Tên gốc của chương trình ALTP là "Who want to be a Millionaire?" nghĩa là "Ai muốn trở thành triệu phú?" và một số phiên bản cũng sử dụng cái tên nguyên tác này. Khi đưa chương trình về Việt Nam, tôi thấy tên gọi như vậy nghe thách thức quá nên ê-kíp đã đổi tên thành "Ai là triệu phú". Trước mỗi chương trình, tôi đều dẫn dắt là chúng ta hãy cùng nhau đi tìm xem ai là triệu phú. Chương trình luôn đi tìm những người đủ kiến thức, đủ may mắn... để có thể trở thành triệu phú thực sự, vượt qua 15 câu hỏi của chương trình.
Tiêu chí đầu tiên của chương trình này, slogan mà tôi đã nói ngay từ chương trình đầu tiên và nó đã theo chúng tôi ngay từ những số đầu tiên là: Đến với ALTP, bạn có thể không trở thành triệu phú về mặt tiền bạc nhưng chắc chắn là cùng với thời gian, cùng với chương trình, bạn chắc chắn sẽ trở thành triệu phú của những kiến thức. Kiến thức là vô hạn và mỗi chương trình, chúng tôi đều đổi câu hỏi và điều đó sẽ giúp tăng lượng kiến thức. Tích tiểu thành đại và cho đến nay, Chương trình đã cung cấp được một lượng kiến thức không nhỏ tới khán giả.
Có lẽ, đó là những điều luôn mới và hấp dẫn tôi.
Dẫn ALTP lâu như vậy, hẳn anh có nhiều kỷ niệm với Chương trình?
Tôi nhớ một kỷ niệm rất vui thế này. Có một người chơi từng đến với ALTP và nói với tôi rằng: Cháu đã chờ để được gặp chú Sâm và chơi chương trình này cả chục năm rồi, từ khi cháu là một đứa trẻ. Bởi lẽ, quy định của chương trình (trừ những số đặc biệt) là người chơi phải từ 18 tuổi trở lên. Tôi đã rất hạnh phúc khi biết rằng có người đã yêu mến và chờ đợi tới 10 năm để được chơi ALTP.
Nó chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng khiến tôi rất xúc động vì: Ồ, hoá ra mình cũng là động lực để một ai đó chờ đợi, phấn đấu để được tham gia thử sức cùng mình trong ALTP.
Anh rất đắm đuối với ALTP. Nếu một ngày phải chia tay chương trình, anh có cảm thấy tiếc nuối?
Tôi chính thức về hưu từ ngày 1/7 nhưng vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò dẫn chương trình ALTP tới hết năm 2017. Còn sau đó, nếu chương trình vẫn còn nhu cầu mời tôi dẫn chương trình này, chắc chắn tôi sẽ vẫn tiếp tục. Còn nói là tiếc nuối thì tôi không có gì để tiếc nuối.
Tôi luôn tâm niệm rằng, không có ai là không thể thay thế. Nếu tôi không tham gia ALTP nữa, có thể sẽ có một người khác dẫn. Có thể, người đó sẽ không có cái chất của tôi nhưng lại mang tới cho chương trình màu mới. Mà đôi khi, một sự thay đổi biết đâu lại cần thiết?
Dĩ nhiên, nếu nghỉ dẫn chương trình này, cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người thông qua chương trình sẽ ít đi. Nhưng một cánh cửa này đóng có thể là sự mở ra của một cánh cửa khác. Biết đâu, tôi sẽ lại được giao lưu với các vùng miền theo một cách khác ngoài ALTP.
Tôi đã tận hiến cho ALTP suốt 12 năm, không quá dài nhưng chắc chắn không phải là ngắn. ALTP đã là chương trình mà tôi chung thuỷ nhất. Tôi đã được gắn bó với chương trình, được giao lưu hết mình với khán giả suốt những năm qua rồi và tôi không cảm thấy có bất cứ điều gì tiếc nuối.
Còn với tư cách một khán giả, điều tiếc nuối duy nhất của tôi có lẽ là việc trong suốt những năm qua, tôi chưa được một lần chúc mừng người có thể vượt qua 15 câu hỏi của ALTP. Có 4 người đã vượt qua mốc 14 câu hỏi và đều quyết định dừng lại. Đáng tiếc là sau khi họ dừng chơi, tôi đều hỏi rằng nếu chơi tiếp họ sẽ chọn phương án nào và cả bốn người đều đưa ra những đáp án đúng. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có người làm được điều này.
Chú thích ảnh
12 năm dẫn ALTP, anh có nghĩ giờ mình đã là triệu phú?
Bây giờ ra đường, người ta vẫn hay gọi tôi là "ông Triệu phú" (cười). Tôi nghĩ người ta gọi thế quả đúng thật. Nếu nói về mặt nghĩa đen, mỗi chương trình tôi vẫn được trả thù lao lên đến tiền triệu và sau ngần đấy năm dẫn chương trình thì chắc hẳn tôi cũng có thể thành "triệu phú".
Còn nếu về mặt nghĩa bóng, tôi cũng là triệu phú luôn. Triệu phú về mặt kiến thức. Kiến thức từ chính trong những câu hỏi xuất hiện trong chương trình. Kiến thức về văn hoá, ngôn ngữ Việt Nam từ chính những người chơi ở khắp các vùng miền.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Theo VTV
MC Lại Văn Sâm lần đầu tiên dẫn liveshow ca nhạc tại Hà Nội MC Lại Văn Sâm lần đầu tiên dẫn chương trình cho 1 liveshow ca nhạc có bán vé tại Hà Nội, đó là chương trình "Phạm Tuyên - nhớ và quên" MC Lại Văn Sâm luôn là nhân vật được truyền thông săn đón nhưng quả thực được phỏng vấn riêng với anh là điều quá khó. Bởi vậy, nếu có mặt anh...