Nỗi giày vò của mẹ “hổ”, ép con uống thuốc sâu
Hàng đêm trong trại giam, tôi hết mê sảng lại khóc lóc, hết gọi tên con lại ôm cái gối và hát những bài ru con bằng tiếng Tày. Hết tự hành hạ, tự chửi bới rồi lại đập đầu vào tường tìm cách tự tử…
LTS: Ngày ngày, nhìn những đứa trẻ con phạm nhân đang tíu tít vui đùa bên mẹ luôn là một sự tra tấn khủng khiếp đối với chị. Đêm nào chị cũng ngồi ôm gối khóc, tưởng tượng ra đó là đứa con bé nhỏ mà mình đã nỡ giết hại trong một phút giây ngu muội, nông nổi. Chị chỉ ước giá mọi việc chỉ là cơn ác mộng, giá con chị còn sống, hai mẹ con có nhau, thì dù là sống trong trại giam hay trên sa mạc khắc nghiệt, dù ở tận cùng dưới bể khổ hay phải chịu đọa dày ở nơi cùng trời cuối đất, thì với chị nơi đó vẫn là thiên đường hạnh phúc.
Tôi là con gái Tày, sinh ra ở một xã vùng cao của huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Bố mẹ đều là nông dân, gia cảnh nghèo khó, nên từ bé, tôi đã không được đi học. Nhà nghèo, lại mù chữ, thất nghiệp, từ bé cho đến lúc lấy chồng, tôi chưa có một ngày sung sướng, cho dù với tôi, hạnh phúc chỉ đơn giản là được ăn một bữa cơm no, mặc một manh áo ấm. Cuộc sống vất vả khiến tôi già đi trước tuổi, 20 tuổi tôi đã mang dáng dấp của một người phụ nữ lam lũ, bộn bề lo toan cho chồng con. Phải đến gần 30 tuổi, tôi mới lấy chồng. Nhưng tôi và chồng tôi đến với nhau vì cảm thấy đến lúc bắt buộc phải xây dựng gia đình nhiều hơn là cảm thấy rung động vì tình yêu. Chúng tôi chẳng hề có những kỷ niệm đẹp của cuộc sống vợ chồng.
Lấy nhau xong, cả hai vợ chồng tôi đều không có công ăn việc làm, cuộc sống mưu sinh của chúng tôi ngày càng trở nên khó khăn đến tuyệt vọng giữa cái thời buổi mà bất cứ cái gì, dù nhỏ nhất cũng phải mua bằng tiền. Hai vợ chồng tôi dắt díu nhau về Hà Giang, quê chồng, vì chồng tôi bảo ở đó có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, nơi người dân có thể dựa vào rừng mà sống, chẳng bao giờ lo thiếu cái ăn, cái mặc. Ở Hà Giang, kế sinh nhai duy nhất của vợ chồng tôi là đi kiếm củi trong rừng rồi đi bộ xuống chợ huyện bán. Cứ buổi sáng tinh mơ, tôi lại vào rừng cắm cúi tìm từng thanh củi mục, nhặt nhạnh từng cành cây gẫy, cứ thế cho đến hết ngày. Cứ kiếm được đầy củi vừa một gùi địu, tôi lại bước thấp bước cao, tất tả gùi củi xuống chợ trung tâm huyện.
Củi tôi bán không đắt lên được, nhưng gạo nước thì tăng giá chóng mặt. Có thời điểm, tiền kiếm được từ một ngày lao động cực nhọc, nếu may mắn thì đủ để tôi đong được cân gạo, mua được chai dầu về thắp sáng, còn nếu không thì chỉ mua được một nhúm gạo, nấu thành mấy bữa cháo chia đều cho mấy ngày. Ngẫm lại, tôi thấy cuộc sống của tôi trong tù còn sướng hơn rất nhiều.
Trong lúc cuộc sống vẫn chưa hề có lối thoát thì tôi sinh đứa con đầu lòng. Nhà thêm một miệng ăn, lại bớt đi một lao động, cuộc sống của hai vợ chồng tôi gần như bị đẩy vào bước đường cùng. Có những hôm, nhà chẳng còn hột gạo để nấu cháo cho con, tôi ôm con trên giường, nước mắt trào ra, xót xa cho đứa con mới lọt lòng mẹ đã phải chịu cảnh thiếu thốn. Không chịu đựng được cuộc sống cơ cực, chồng tôi quyết định vào miền Nam kiếm kế sinh nhai, với ước mơ đổi đời.
Nhận được những đồng tiền do chồng gửi về, cuộc sống của hai mẹ con tôi bắt đầu đỡ cơ cực hơn. Nhưng đó cũng là lúc gia đình tôi bắt đầu rạn nứt. 3 năm đi biền biệt, không về thăm vợ thăm con, chồng tôi tỏ ra càng ngày càng lạnh nhạt. Ngoài những đồng tiền mà anh ta gửi về để hoàn thành trách nhiệm, tuyệt nhiên chẳng có một dòng thư thăm hỏi, yêu thương hay động viên mẹ con tôi ở nhà. Tôi như hòn vọng phu, cứ mòn mỏi nuôi con, đợi chồng trong sự cô đơn, hờn tủi từ ngày này qua ngày khác, lòng vẫn tự nhủ phải luôn tin tưởng và trọn vẹn với chồng.
Nhưng sau 3 năm đi lao động trong Nam, ngoài Bắc, được tiếp xúc với đủ các thành phần người, chồng tôi trở về, vẫn là xương thịt đó, thân xác đó, nhưng tâm hồn thì hoàn toàn xa lạ. Anh ta như biến thành một con người khác, lạnh lùng hơn, xa cách hơn: “Những lúc vợ chồng gần gũi, anh ta giày vò tôi, bắt tôi phải chiều theo những sở thích quái đản, bệnh hoạn mà trước đây tôi chẳng thể tưởng tượng ra. Nếu không đáp ứng được yêu cầu đó, anh ta sẽ đánh. Tôi cả đời chẳng bao giờ bước chân ra khỏi cái thế giới nhỏ bé của mình, nên chẳng biết làm cách nào khiến chồng vừa lòng.
Video đang HOT
Những lúc đó, anh ta đạp tôi vào góc giường, nhìn tôi như một thứ đồ bỏ. Với con trai của chúng tôi, anh ấy cũng ghẻ lạnh không kém. Từ hồi về, anh ấy hầu như không bao giờ bế con. Mỗi lần bế đều cáu gắt, chửi bới, đá thúng đụng nia.
Được vài tháng thì chồng tôi lại bỏ đi, không một lý do, không một lời giải thích. Tôi rơi vào nỗi tuyệt vọng, chán chường và bắt đầu nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực. Lúc đó tôi tuyệt vọng lắm, hoang mang lắm. Bị chồng bỏ rơi, với tôi cuộc đời thế là kết thúc. Tôi chẳng nghĩ được gì ngoài cái chết. Nhưng trong lúc mụ mẫm vì đau khổ, tôi lại nghĩ rằng, nếu tôi chết, chồng tôi đi lấy vợ lẽ, đứa con trai 4 tuổi của tôi hẳn sẽ khổ. Thế là tôi nghĩ, chi bằng để cho nó chết cùng tôi, hai mẹ con sống chết có nhau, để ở dưới suối vàng, tôi lại tiếp tục chăm sóc nó.
Nghĩ là làm, ngày hôm sau tôi đi mua 2 chai thuốc sâu, rồi đợi lúc đứa con trai 4 tuổi đang say ngủ, tôi dốc một chai thuốc sâu vào miệng con, chai còn lại tôi uống. Nhưng số phận đã trừng phạt tôi. Hàng xóm phát hiện ra, đưa hai mẹ con tôi đi cấp cứu. Tính mạng tôi được cứu, nhưng đứa con trai bé bỏng của tôi thì không. Tôi bị bắt vì tội giết con. Tôi không còn nhớ công an đã đến, giải tôi đi như thế nào, tòa đã xử tôi ra sao, rồi tôi đã được đưa vào trại giam Quyết Tiến như thế nào. Vì lúc đó, tôi hoàn toàn hoảng loạn, chẳng nghĩ được gì khác, ngoài việc mình là một người mẹ tội đồ, đang tâm giết chết đứa con thơ non dại. Lúc đó, chỉ nghĩ đơn giản là con sống mà không có mẹ thì đau khổ vô cùng. Chi bằng để hai mẹ con lúc nào cũng có thể gần nhau. Thế mà cuối cùng con tôi chết, mà tôi không chết. Nó còn nhỏ dại như thế, ai sẽ là người chăm sóc nó dưới suối vàng? Những nỗi ám ảnh đó khiến lòng tôi đau đớn khôn cùng.
Suốt mấy năm trong trại giam Quyết Tiến, tôi vẫn chưa hết hoảng loạn. Với tôi, 4 bức tường trại giam không đáng sợ bằng một phần nhỏ nỗi ám ảnh về tội lỗi của mình, về hình ảnh đứa con thơ mà tôi đã đang tâm giết hại vì tình yêu mù quáng. Cứ nhìn thấy một đôi dép trẻ con, một con búp bê hay một chiếc quần của trẻ nhỏ là tôi lại khóc nức nở và rơi vào trạng thái hoàn toàn hoảng loạn. Tôi là mẹ mà còn đáng kinh tởm hơn một con quỷ. Hổ dữ còn không ăn thịt con. Thế mà, tôi lại đang tâm giết chết đứa con báu vật của đời mình.
Hàng đêm trong trại giam, tôi hết mê sảng lại khóc lóc, hết gọi tên con lại ôm cái gối và hát những bài ru con bằng tiếng Tày. Hết tự hành hạ, tự chửi bới rồi lại đập đầu vào tường tìm cách tự tử. Không đêm nào tôi không mơ thấy đứa con 4 tuổi của mình trở về, mỗi đêm lại một hình ảnh khác nhau. Có đêm, tôi mơ thấy con được lên trên trời, được các cô tiên, bà tiên yêu thương, chăm sóc. Có đêm, tôi mơ thấy con được đầu thai vào một gia đình giàu có, hạnh phúc. Những giấc mơ như thế an ủi tôi rất nhiều. Nhưng cũng có đêm, tôi mơ thấy con, vẫn mặc bộ quần áo cuối cùng đó, nhưng đã rách rưới, cũ nát, gương mặt mệt mỏi, cứ đăm đăm nhìn tôi nói: : “Mẹ ơi, con đói. Mẹ đi kiếm cơm cho con ăn”. Lúc đó, dù có phải cắt thịt mình ra cho con ăn, tôi cũng sẵn lòng. Nhưng tỉnh dây thì con tôi lại biến mất rồi. Tôi lại khóc, lại nhớ con đến nỗi trái tim mình tưởng như lúc nào cũng trực nổ tung.
Nỗi đau vẫn còn đó, nhưng giờ tôi đã nghĩ thông suốt. Được các cán bộ quản giáo động viên, tôi không tìm cách tự tử nữa. Tôi muốn hết án tù sẽ được trở về thăm mộ con. Con trai tôi rất thích ăn bột mì rán. Đợi ngày ra tù, tôi sẽ mang bánh bột mì rán lên mộ con mỗi ngày. Tôi mong sẽ không một người mẹ nào phạm phải lỗi lầm như tôi, để không phải suốt đời ân hận, giày vò với tội lỗi mình đã gây ra.
Theo VNE
Hãy cho anh làm chồng em, dù chỉ một ngày
Anh cần em như những điều đơn giản nhất cần có nhau và anh thấy cuộc sống thật vô nghĩa nếu không có em.
Khi viết những dòng chữ này, anh cảm thấy có lỗi với em rất nhiều, anh chỉ ước gì thời gian quay ngược lại, dù điều ước ấy không bao giờ thành hiện thực. Anh đã sai rồi khi để chúng ta xa nhau quá nhiều, bây giờ trời đã quá khuya, anh không ngủ được, em có chắc rằng mình ngủ ngon khi anh đang ngồi bên cạnh và nhìn em ngủ không? Vậy thì tại sao em không tỉnh dậy trò chuyện với anh, em đã ngủ hai ngày rồi, em đã ngủ quá lâu rồi, em có biết không? Anh xin em hãy tỉnh dậy và mở mắt nhìn anh một lần, có được không?
Em ơi, anh đã về rồi, tại sao em không ra sân bay đón anh như bao lần khác? Hãy tỉnh dậy đọc lá thư của anh đây. Đã hai ngày rồi, những bài báo đăng trong mục này không có lời bình luận và "like" của em. Em hãy dậy mà tự đọc các bài viết trong mục mà em thích nhất của báo Ngoisao.net. Anh sẽ không muốn đọc cho em nghe nữa, anh đã biết tại sao em lại thích đọc những bài báo này, vì em cũng hy vọng một ngày nào đó sẽ nhận một lời câu hôn từ anh, giống như những bài viết này, có phải không người vợ bé nhỏ của anh? Em phải nhanh chóng phục hồi sức khỏe, để nhận lời cầu hôn của anh.
Bây giờ anh ngồi đây và cảm thấy nhớ em rất nhiều. Anh nhớ em cho dù đang ngồi bên cạnh em, nhưng anh vẫn nhớ nhất là giọng nói của em. Đêm đã khuya, chỉ còn nghe tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng xào xạc quét rác bên ngoài của các cô chú lao công, nhưng em có biết còn một tiếng âm thanh khác rất đặc biệt mà chỉ có anh và em nghe thấy. Em có nghe thấy bụng anh đang rất cồn cào, vì cũng gần như hai ngày nay anh không thể ăn gì cả, chắc là bụng của anh lại nhớ những món ăn do em nấu. Tuy hôm nay báo Ngôi Sao có rất nhiều bài viết hay, nhưng anh sẽ không đọc cho em nghe, mà anh sẽ kể lại những kỷ niệm không bao giờ anh quên từ khi gặp em trong suốt sáu năm qua.
Ảnh minh họa: Chris Lim.
Anh là một người rất kém tiếng Anh. Anh đã đăng linh tinh một cái tin cần tìm người dạy tiếng Anh tại nhà với tiền lương khá rẻ 500.000 đồng một tháng, tuần 3 buổi. Anh không ngờ em cũng tìm đến nhà và dạy cho anh. Vậy là em trở thành cô giáo bất đắc dĩ của anh. Giọng nói của em lần đầu đã cuốn hút anh, nhưng khi học, cô giáo này nghiêm khắc hơn anh nghĩ, nhờ đó tiếng Anh của anh cũng khá hơn.
Anh đã ngỏ lời yêu em, thế nhưng em lại đặt cho anh một thử thách, nếu anh thi Toeic được 600 điểm, em sẽ chính thức hẹn hò với anh. Cuối cùng anh đã chiến thắng. Còn nhớ, một lần anh đã sai khi trách lầm em, em giận không chịu gặp mặt anh, anh đứng dưới cơn mưa tầm tã mong em tha lỗi cho anh. Nụ hồng hôm đó dường như mệt mỏi hơn cả anh, khi anh quay lưng ra về thì thấy em cũng đứng đó dầm mưa cùng anh và nói anh là người ngốc nhất trên thế gian này.
Em còn nhớ không, một lần ở công viên, anh trổ tài múa võ cho em xem. Em có biết tại sao hôm đó anh mượn áo khoác của em và bắt em phải chở anh về nhà ngay không? Vì động tác xoạc chân khiến chiếc quần của anh phát ra một âm thanh kỳ lạ.
Anh vẫn còn nhớ lần đầu tiên anh vào bếp nấu cho em ăn, anh đã chuẩn bị rất nhều thứ, nhưng cuối cùng lại dọn lên hai tô mì gói, và em nói với anh: "Đây là tô mì gói ngon nhất mà em từng ăn". Ngày anh tốt nghiệp cũng là ngày em bị tai nạn trên đường đến dự ngày vui của anh, vừa nghe tin anh tức tốc chạy đến bệnh viện, cũng may em không sao. Điều làm anh nhớ nhất là em lấy từ trong áo khoác của mình một chiếc móc khóa có gắn hình của anh và em, em nói: "Rất may nó không bị mất".
Cái ngày cùng em về thăm quê, anh cảm thấy chưa bao giờ vui như thế. Anh chưa bao giờ đi cầu khỉ, thế mà em bắt anh phải đi lại, rốt cuộc là người anh ướt như chuột lột và em cũng thế. Anh lại càng không biết chèo thuyền nhưng cũng muốn thử. Không hiểu sao anh chèo mãi mà chiếc thuyền chỉ xoay vòng vòng, không sao tiến về phía trước được, không chỉ có em cười anh mà cả một lũ trẻ đang bơi gần đó cũng cười anh. Sau đó anh phải nhường tay chèo lại cho một cậu bé để chúng mình ngắm sông Vàm Cỏ trước khi hoàng hôn xuống.
Buổi chiều hôm ấy nhà em tát ao bắt cá, thế là anh cũng xung phong xuống bắt giúp mọi người. Anh không bắt được một con cá nào, dù khắp người lấm bùn. Anh nhớ hôm đó nhà em đầy ắp trẻ con, không hiểu sao chúng nhìn anh với ánh mắt hiếu kỳ như vậy, thế là để xua tan những ánh mắt đó, anh mời tất cả bọn trẻ ăn cơm chung. Rất lâu rồi từ khi bà mất, anh không được anh cơm cháy, lúc ấy anh cảm thấy như chúng mình là vợ chồng, những đứa trẻ ấy là những đứa con của chúng ta. Tất cả món ăn hôm đó điều được chế biến từ cá, canh chua có lóc, cá kho tộ, cá nướng trui, và rau muống luộc, nhắc đến bụng anh lại kêu lớn hơn rồi đây, anh thấy nhớ những cảm giác ấy quá.
Chỉ có năm ngày ở đó, vậy mà anh thấy dường như nó đã trở thành quê hương thứ hai của anh rồi. Có lẽ vì "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Em có biết, chính em mới là người đã hóa vào tâm hồn anh thật sự.
Có lần anh nói dối em rằng mình phải đi công tác xa một tháng. Đưa anh ra sân bay mà em buồn như chưa từng được buồn. Nhưng em không ngờ sau ba ngày anh đã về kịp sinh nhật của em. Em cũng không biết rằng anh đã lên kế hoạch tổ chức sinh nhật cho em. Để chuẩn bị quà cho em, anh phải lang thang khắp siêu thị điện máy để mua một cái thùng giấy to, anh huy động tất cả bạn bè chung vui. Thay vì cắt bánh kem trước mới hát hò và ăn uống, thế nhưng em để đến lúc tàn tiệc mới cắt bánh, làm anh ở trong hộp quà gần như ngộp thở. Điều kinh khủng nhất là em bóc quà của tất cả mọi người, từ nhỏ đến lớn. Anh phải nhờ thằng bạn khoét một lỗ nhỏ cho dể thở hơn. Khi bóc món quà, em không ngờ anh ở trong đó, và xin lỗi anh tới tấp. Em đã khóc và không quên dành tặng cho anh một nụ hôn, đây là lần đâu tiên em dành cho anh. Anh hỏi em:
- Em đã ước gì vậy?
- Em ước... không nói cho anh nghe được, nhưng điều ước của em thành hiện thực một nửa khi em bóc món quà của anh ra đó.
- Vậy còn lại là gì?
- Bí mật! Nhưng em nghĩ nó sẽ thành hiện thực.
Từ khi gặp em, em đã cho anh biết kiên nhẫn, chờ đợi, biết khóc... nhưng anh chỉ xin em đừng cho anh biết cái cảm giác mất đi người mà anh yêu thương nhất. Em có biết tại sao khi ăn cơm, người ta phải cần đến hai chiếc đũa, đi hai chiếc giày? Vì chúng mãi mãi là một đôi không thể nào tách rời, nếu thiếu một trong hai thì cái còn lại trở nên vô nghĩa. Em có biết anh cần em như những điều đơn giản nhất cần có nhau, và anh cũng cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa nếu không có em. Chúng mình sẽ mãi mãi là một đôi không thể tách rời, phải không em?
Trời sắp sáng rồi, có quá nhiều thứ em còn chưa làm đó, và cũng rất nhiều câu hỏi của anh em chưa trả lời. Anh xin em hãy mở mắt nhìn anh một lần, đừng tàn nhẫn với anh như thế, anh không muốn em chỉ tồn tại trong những kỷ niệm vừa qua, đoạn đường còn lại dài lắm, anh không thể thiếu bóng em, hỡi người anh yêu. Hãy cho anh được nắm tay em vào nhà thờ làm lễ cưới và được làm chồng của em dù chỉ là một ngày duy nhất thì cũng là điều hạnh phúc nhất trên thế gian dành cho anh.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Nỗi lòng bà vợ mang tiếng ghê gớm Ngày nghỉ cuối tuần, mẹ con được buổi ôm nhau, vợ chồng được ít phút thư giãn vậy mà anh coi thường em quá, coi em không bằng người dưng. Sao anh đưa khách về mà chẳng nói trước với em một câu? Họ ào đến vứt oạch con cá quả to ở trong bếp. Lần trước một bác đến cũng mang theo...