Nơi duy nhất của Mỹ vắng bóng nCoV
Mỹ ghi nhận gần 75.000 người chết vì Covid-19 và hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng quần đảo Samoa thuộc Mỹ chưa xuất hiện nCoV.
American Samoa, hay Samoa thuộc Mỹ, vùng lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ nằm ở nam Thái Bình Dương, đã tự “khóa mình” với thế giới bên ngoài gần hai tháng qua.
Nhiều đảo khác ở Mỹ đã “thua trận đầu” trong cuộc chiến với Covid-19 khi không thể ngăn nCoV lây lan. Nhưng Samoa thuộc Mỹ đã thành công, không phải nhờ may mắn mà do kinh nghiệm và hành động quyết liệt của giới chức địa phương, theo các chuyên gia y tế công cộng.
Vị trí quần đảo Samoa thuộc Mỹ. Đồ họa: Encyclopedia Britannica.
“Cuộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài của chúng tôi khá độc đáo so với phần còn lại của thế giới”, giám mục Peter Brown, người đứng đầu nhà thờ Công giáo La Mã ở Samoa thuộc Mỹ, cho hay.
Nhà thờ này đã nhanh chóng dừng các buổi cầu nguyện ngay khi nCoV bắt đầu lan tới Mỹ, theo Brown. Các trường học ở đây đã đóng cửa vì dịch sởi bùng phát từ tháng 12/2019 tới đầu tháng 3, đang chuẩn bị hoạt động trở lại thì tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng được ban bố và có hiệu lực từ 23/3.
“Cuộc sống ở đây vẫn diễn ra khá bình thường, nhưng nguồn cung có phần giảm đi do các hạn chế về vận chuyển”, giám mục Brown nói và thêm rằng nhiều người dân ở đây thấy lo lắng khi số người chết vì nCoV gia tăng ở Mỹ. “Họ cần sự giúp đỡ nhiều hơn chúng tôi”, ông nói.
55.000 cư dân của Samoa thuộc Mỹ vẫn được phép tới quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng, dù không được vượt quá 10 người mỗi lần. Công chức làm việc bán thời gian nhưng vẫn được tới văn phòng. Nhà máy chế biến cá ngừ tư nhân lớn nhất ở đây với hơn 2.000 công nhân vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Quần đảo Samoa thuộc Mỹ ở nam Thái Bình Dương. Ảnh: NYTimes.
Thông qua các cuộc phỏng vấn điện thoại, tin nhắn và bài đăng mạng xã hội, người dân Samoa thuộc Mỹ đã mô tả về trải nghiệm siêu thực với sự pha trộn của cảm giác nhẹ nhõm, sự cách ly và nỗi lo lắng về tương lai của quần đảo, nằm cách New Zeland gần 2.600 km và cách Hawaii hơn 3.500 km.
Video đang HOT
“Từ khi dừng các chuyến bay hồi tháng 3, bầu trời ở đây im ắng một cách kỳ lạ”, Monica Miller, giám đốc tin tức của một nhà điều hành các đài phát thanh ở quần đảo, chia sẻ.
Khi chứng kiến sự lây lan của virus ở châu Á, Thống đốc Lolo M.Moliga đã hành động sớm hơn nhiều tuần so với những người đồng cấp của ông ở các khu vực khác tại Mỹ, để bảo vệ cư dân quần đảo. Đầu tháng 3, Thống đốc Moliga quyết định ngừng hai chuyến bay hàng tuần với Hawaii, sau đó là ngừng các chuyến bay với Apia, thủ đô của nhà nước độc lập Samoa. Kể từ đó, nơi đây chỉ đón chuyến bay chở hàng duy nhất mang theo thực phẩm và vật tư y tế từ Hawaii mỗi tuần một lần.
Chính quyền Samoa thuộc Mỹ cũng nhanh chóng thành đội phản ứng với Covid-19 từ tháng 3, đưa ra hàng loạt biện pháp cách biệt cộng đồng bên cạnh việc tiếp tục đóng cửa trường học và nhà thờ. Theo đó, việc tụ tập đông người ở rạp hát và phòng game đều bị cấm, trong khi các nhà tù cũng không cho phép người tới thăm.
Thời điểm đó, nhiều người ngày càng thấy lo lắng về nguy cơ Covid-19 tàn phá Samoa thuộc Mỹ. Phần lớn dân số ở đây đều có bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp cao và báo phì, có thể tăng nguy cơ tử vong khi nhiễm nCoV. Bên cạnh đó, vùng lãnh thổ này đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế và chỉ có một bệnh viện là Trung tâm Y tế Nhiệt đới Lyndon B. Johnson, nơi chỉ đủ khả năng điều trị 10 bệnh nhân Covid-19 mỗi lần.
Khi các ca nghi nhiễm bắt đầu xuất hiện hồi tháng 3, giới chức cảm thấy lo lắng bởi họ không có cơ sở phân tích mẫu xét nghiệm nCoV, thay vào đó phải gửi mẫu sinh phẩm tới phòng thí nghiệm gần nhất ở Hawaii và chờ đợi kết quả.
“Đó là khoảng thời gian thực sự lo ngại và đáng sợ, như thể chúng tôi phải bay mù giữa cơn bão”, Larry Sanitoa, thành viên của Fono, cơ quan lập pháp lưỡng viện của Samoa thuộc Mỹ và là chủ tịch viện dưỡng lão Ngôi nhà Hy vọng (Hope House), cho hay.
Khu lều dựng tạm bên ngoài khu cấp cứu ở Trung tâm Y tế Nhiệt đới Lyndon B. Johnson để ứng phó với Covid-19. Ảnh: NYTimes.
Kết quả xét nghiệm các ca nghi nhiễm trả về đều âm tính, nhưng trạng trái căng thẳng vì cảm giác bất lực ngày càng gia tăng tại vùng lãnh thổ mà Mỹ sáp nhập năm 1900. Cư dân quần đảo là người mang quốc tịch Mỹ nhưng không phải công dân Mỹ. Họ có thể sống ở các nơi khác của Mỹ và phục vụ trong quân đội, nhưng không được làm công chức, bỏ phiếu bầu tổng thống hoặc tranh cử ngoài lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ.
Trong thư gửi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 3, Thống đốc Moliga cho biết Samoa thuộc Mỹ cần được hỗ trợ, đồng thời cho biết họ cũng hỗ trợ những người Mỹ khác, trong đó có hàng trăm người trên du thuyền Jewel của Na Uy từng cập cảng ở quần đảo này để tiếp nhiên liệu.
Sau đó, vùng lãnh thổ này đã nhận được ít nhất 35 triệu USD hỗ trợ liên bang để đối phó với đại dịch, cùng với hơn 1.000 bộ xét nghiệm và máy phân tích sinh phẩm.
Iulogologo Joseph Pereira, người phụ trách đội phản ứng với Covid-19, cho biết hàng chục xét nghiệm, được thực hiện kể từ khi họ nhận được máy hồi giữa tháng 4, đều có kết quả âm tính. Bên cạnh đó, với việc không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào về lây nhiễm trong cộng đồng, Samoa thuộc Mỹ hiện là nơi duy nhất ở Mỹ chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV nào.
Pereira cho biết cách phản ứng của Samoa thuộc Mỹ với các đợt dịch bùng phát gần đây, gồm Zika năm 2016, sốt xuất huyết năm 2017-2018 và sởi năm 2019, ảnh hưởng nhiều tới việc đưa ra quyết định nhanh chóng để đối phó với Covid-19. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho kịch bản một đợt dịch lớn bùng phát trong một thời gian”, ông nói.
Giới chức y tế luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ từ sau đợt bùng phát dịch sởi hồi tháng 12 năm ngoái, đặc biệt là khi chứng kiến 83 người, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chết vì dịch bệnh này ở nước láng giềng Samoa.
Cách phản ứng nhanh giúp Samoa thuộc Mỹ không ghi nhận ca tử vong trong đợt bùng phát đó, dựa trên cách họ từng làm để đối phó với đại dịch cúm Tây Ban Nha cách đây một thế kỷ. Giới chức Samoa thuộc Mỹ khi đó đã cô lập vùng lãnh thổ này, giống như cách nhiều lãnh đạo đang làm. Nhờ vậy, lãnh thổ này là một trong ít nơi trên thế giới vượt qua đại dịch cúm 1918 mà không ghi nhận ca tử vong nào.
“Các biện pháp nghiêm ngặt đã giúp Samoa thuộc Mỹ không ghi nhận ca tử vong và giờ chúng tôi không thể đi chệch con đường đó”, Tamari Mulitalo-Cheung, giảng viên tại Đại học Cộng đồng American Samo, nói.
Vị trí địa lý xa xôi ở Thái Bình Dương có thể là yếu tố giúp Samoa thuộc Mỹ tránh được đại dịch. Những nơi khác ở châu Đại Dương đã thực hiện các biện pháp tương tự như quần đảo Solomon, Vanuatu và Samoa cũng đã trở thành một trong số ít nơi trên thế giới không phát hiện ca nhiễm nCoV.
Covid-19 cũng đã tấn công nhiều khu vực khác thuộc Mỹ ở Thái Bình Dương, dù không gây nhiều thiệt hại. Guam đã báo cáo 5 ca tử vong, trong khi Hawaii ghi nhận 17 trường hợp và hai ở quần đảo Bắc Mariana. Tại Puerto Rico, Covid-19 đã giết chết 99 người. Hành động sớm của giới chức địa phương, bao gồm ban lệnh giới nghiêm và đóng cửa hoạt động kinh doanh, được cho đã giúp ngăn chặn nhiều ca tử vong hơn.
Con đường ở làng Nu’uuli vắng bóng xe cộ. Ảnh: NYTimes.
Một số người ở Samoa thuộc Mỹ giờ đã bắt đầu kêu gọi giới chức nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch. Tuần trước, Thống đốc tuyên bố những biện pháp hạn chế sẽ được kéo dài tới tháng 6.
Nhiều người Samoa thuộc Mỹ sống chủ yếu ở bên ngoài vùng lãnh thổ như ở New Zealand, Hawaii hay Mỹ cho biết những hạn chế đi lại khiến họ bị chia cắt với người thân ở quê nhà. “Điều này thực sự khó khăn. Cuộc sống ở Honolulu rất đắt đỏ”, Eddie Vaouli, 42 tuổi, bị mắc kẹt ở Hawaii từ ngày 20/3, chia sẻ.
Trong khi đó, một số người sống tại quê nhà lại đau đầu với nỗi lo tài chính. Donna Gurr, chủ một tiệm hoa lớn nhất ở Samoa thuộc Mỹ, cho biết doanh thu của cô đã giảm 50% kể từ khi áp dụng các biện pháp cách biệt cộng đồng.
Tuy nhiên, cô cho biết mình ủng hộ cách đối phó dịch của chính quyền. “Nếu nCoV xuất hiện ở đây, nó sẽ tàn phá cuộc sống của chúng tôi”, cô nói.
Gurr cũng chia sẻ cô hiện không có cảm giác bị cô lập. “Có lẽ do thời gian chưa đủ dài. Nếu nó kéo dài một năm, tôi có thể sẽ thấy khác. Nhưng hiện tại, tôi cảm thấy an toàn và yên tâm”, cô nói.
Trump: Covid-19 tàn phá nước Mỹ hơn cả khủng bố
Trump cho rằng Covid-19 tấn công nước Mỹ khủng khiếp hơn cả vụ khủng bố 11/9 hay trận tập kích Trân Châu Cảng trong Thế chiến II.
"Chúng ta đã trải qua cuộc tấn công tồi tệ nhất trên đất nước này. Đây thực sự là cuộc tấn công tàn khốc nhất chúng ta từng thấy. Nó còn tệ hơn cả Trân Châu Cảng hay vụ tấn công trung tâm thương mại 11/9", Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/5 nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
Trận tập kích của phát xít Nhật vào căn cứ hải quân Trân Châu Cảng ở Hawaii năm 1941 đã khiến hơn 2.000 lính Mỹ thiệt mạng, buộc Mỹ tuyên chiến với phát xít và tham gia Thế chiến II. Còn vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã giết chết khoảng 3.000 người, dẫn đến hai thập kỷ Mỹ phát động chiến tranh và triển khai các chiến dịch chống khủng bố ở Iraq, Afghanistan cùng nhiều quốc gia khác.
Covid-19 đến nay đã khiến hơn 70.000 người Mỹ tử vong, trong khi các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại ứng phó dịch đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như tê liệt, dẫn tới những thiệt hại nặng nề.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 6/5. Ảnh: AFP.
Trump cũng cho biết thêm Covid-19 đáng lẽ đã có thể bị ngăn chặn ngay tại Trung Quốc. "Điều này đáng lẽ không bao giờ xảy ra. Nó có thể đã bị ngăn lại tại Trung Quốc, nhưng nó không như vậy", Trump nói.
Tổng thống Mỹ và Ngoại trưởng Mike Pompeo gần đây liên tục thúc đẩy giả thuyết nCoV có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, nơi ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên hồi tháng 12/2019.
Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng dữ dội với cáo buộc này, cho đây là hành động "bôi nhọ" đối thủ nhằm củng cố cơ hội tái tranh cử của Trump. Quân đội Mỹ và Ngũ Nhãn, liên minh tình báo 5 nước Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada, cũng đưa ra nhận định cho rằng nCoV không phải virus nhân tạo hoặc được biến đổi gene.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 3,8 triệu người nhiễm, hơn 265.000 người tử vong và gần 1,3 triệu người hồi phục. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 1,3 triệu ca nhiễm.
Mỹ không chắc nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán Ngoại trưởng Mike Pompeo thừa nhận không thể chắc chắn nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, song tiếp tục khẳng định Mỹ có bằng chứng quan trọng. "Chúng tôi không thể đoan chắc. Tuy nhiên có bằng chứng quan trọng virus đến từ phòng thí nghiệm đó. Những tuyên bố đó đều có thể đúng. Tôi và các quan chức...