Nơi được ví như viên ngọc ẩn của du lịch Việt, du khách nhận xét: “Phong cảnh ở đây thật sự tuyệt vời”
Nhiều du khách nước ngoài đã phải trầm trồ khi phát hiện ra điểm đến này và gọi nó là một trong những “ viên ngọc ẩn” của du lịch Việt.
Nhắc tới những địa điểm nổi tiếng của du lịch Việt Nam, nhiều du khách sẽ kể ra ngay loạt cái tên nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc. Tuy nhiên, trên diễn đàn Reddit – diễn đàn thảo luận thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi tháng, khi có một người dùng đặt câu hỏi đâu là địa điểm tốt nhất để du lịch tại Việt Nam, nhiều câu trả lời lại đề cập tới 1 nơi khác. “Hidden gems in Vietnam” (Tạm dịch: Viên ngọc ẩn ở Việt Nam) cũng chính là biệt danh mà các du khách này đặt cho điểm đến. Đó là Côn Đảo.
“Côn Đảo là một trong những địa điểm yêu thích của tôi ở Việt Nam. Phong cảnh nơi đây thật sự rất tuyệt vời”; “Tôi đã đến nhiều địa điểm nổi tiếng như Hà Nội, Đà Lạt, Đà Nẵng, Ninh Bình hay Huế ở Việt Nam. Gần đây tôi có đến Côn Đảo và tôi thật sự yêu thích nó, nó như một viên ngọc ẩn”, nhiều người dùng khác nhận xét.
Với vẻ đẹp của mình, Côn Đảo được gọi là “viên ngọc ẩn” của du lịch Việt (Ảnh Vinpearl)
Côn Đảo còn từng nhiều lần được các chuyên trang hay báo quốc tế ca ngợi. Ví dụ như được Lonely Planet bình chọn trong “Top 10 hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh”, được Travel Leisure gọi tên là “Một trong những hòn đảo bí ấn nhất hành tinh”…
Vậy Côn Đảo có gì mà lại thu hút du khách, đặc biệt là các du khách nước ngoài đến vậy?
Theo thông tin Cổng thông tin điện tử Côn Đảo, huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, cách thành phố Vũng Tàu 185km. Diện tích toàn huyện vào khoảng 76km2, trong đó đảo lớn nhất có diện tích hơn 51km2 có tên gọi là Côn Lôn hay Côn Đảo. Nhìn trên bản đồ, khu vực đảo lớn nhất này được nhiều người đánh giá là giống như một chú gấu ở biển Đông.
Đây cũng chính là trung tâm kinh tế – chính trị của huyện. Cũng là nơi tập trung nhiều địa điểm du lịch cũng như di tích lịch sử, điểm tham quan được nhiều du khách quan tâm.
Hình dáng Côn Đảo nhìn trên bản đồ như một chú gấu giữa biển khơi (Ảnh Vinpearl)
Video đang HOT
Hiện nay, có 2 con đường để đưa du khách ra tới Côn Đảo, là qua đường thuỷ và đường hàng không. Ở đường thuỷ, du khách có thể lựa chọn đi tàu thông thường hoặc mới đây nhất là tàu cao tốc mới được ra mắt và đi vào vận hành.
Thời gian đi tàu dao động khoảng 2-5 tiếng tuỳ vào vị trí mà du khách xuất phát. Dù thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu song nơi trên đất liền gần nhất với Côn Đảo lại nằm ở Sóc Trăng. Du khách đến Vũng Tàu rồi đi tàu sẽ mất 5 giờ đồng hồ, còn đi từ cảng Trần Đề (Sóc Trăng) thì con số lúc này sẽ chỉ còn là 2 giờ.
Nếu như đường thuỷ có khá nhiều lựa chọn cho du khách thì ngược lại ở đường hàng không, các chuyến bay ra Côn Đảo được đánh giá là còn khá ít. Cũng bởi điều này mà giá vé máy bay đi Côn Đảo thường đắt hơn hẳn so với vé tới các địa điểm khác trong nước, trung bình thường hơn 2 – 3 triệu, thậm chí hơn cho một chiều. Thời gian bay kéo dài chỉ 50 – 60 phút/chiều.
Du khách có thể chọn đi thuyền hoặc máy bay để ra Côn Đảo (Ảnh minh họa)
Côn Đảo nằm giữa biển, bởi vậy du khách tới đây không thể bỏ lỡ trải nghiệm hoà mình với thiên nhiên, tắm biển, ngắm cảnh tại những bãi biển mang vẻ đẹp hoang sơ với dòng nước trong xanh, mát lành. Một vài cái tên nổi bật được nhiều du khách có kinh nghiệm chia sẻ có thể kể tới như:
- Bãi Đầm Trầu – bãi biển lặng sóng, nằm sát sân bay Côn Đảo.
- Bãi An Hải, bãi Cầu Tàu – các bãi tắm ở trung tâm đảo lớn, tập trung nhiều du khách và cả người dân địa phương.
- Bãi Nhát – bãi biển nằm bên đường xuyên đảo, có lối xuống dốc độc đáo.
- Bãi Ông Đụng – nơi có thể thuê ca nô ra các đảo lân cận như Hòn Tre Lớn, Hòn Trẻ nhỏ.
Vẻ đẹp hoang sơ ở bãi Đầm Trầu (Ảnh Lonely Planet)
Nước biển trong xanh tại Côn Đảo (Ảnh Getty Image)
Không chỉ có biển, Côn Đảo còn nhiều cảnh quan hay điểm đến đặc sắc khác nữa đang chờ du khách khám phá. Với những du khách yêu thích sự khám phá, hãy đến vịnh Đầm Tre nằm ở phía Bắc đảo. Tại đây có rừng ngập mặn bao bọc, có bầy chim yến làm tổ trong mùa sinh sản và nhiều loài sinh vật biển khác nữa.
Cũng đừng bỏ lỡ trải nghiệm đón bình minh tại mũi Tàu Bể. Mũi nằm trên con đường độc đạo từ sân bay về trung tâm thị trấn Côn Đảo, xung quanh là những phiến đá dựng đứng, từ đó tạo thành vòng cum như đang ôm lấy biển cả. Thời điểm từ 4-5 giờ sáng trong ngày là thời điểm nơi này đông người nhất, bởi ai cũng muốn có được bức hình đẹp, hay được tận mắt chiêm ngưỡng khoảnh khắc mặt trời lên ở nơi vừa thơ mộng, vừa gai góc này.
Mũi Tàu Bể vừa là nơi chụp ảnh, vừa là nơi đón bình minh tuyệt đẹp ở Côn Đảo (Ảnh Lữ hành Việt Nam)
Để thử thách bản thân hơn nữa, du khách có thể tham khảo tới rừng nguyên sinh Ông Đụng, Núi Chúa. Đây là điểm yêu thích của các tín đồ trekking với trải nghiệm băng qua khu rừng nguyên sinh rậm rạp để đến điểm cuối cùng là bãi biển nằm phía cuối rừng.
Cuối cùng, đến với Côn Đảo, nhiều du khách cũng thường ghé thăm những điểm đến tâm linh hay các di tích lịch sử như bảo tàng Côn Đảo, nhà chúa đảo, hệ thống nhà tù Côn Đảo hay nghĩa trang hàng Dương – nơi có mộ chị Võ Thị Sáu…
Trekking hay ghé những điểm đến văn hóa, lịch sử, tâm linh cũng là trải nghiệm không thể bỏ lỡ ở Côn Đảo (Ảnh ST)
Có thể thấy, Côn Đảo chính là một trong những điểm đến hội tụ đầy đủ mọi yêu tố cả biển và rừng núi, đa dạng trải nghiệm cho các du khách ở mọi thời điểm trong năm. Nếu du khách có dự định cho chuyến đi Côn Đảo, cần lên kế hoạch sớm để đặt phòng lưu trú và phương tiện đi lại để tránh tình trạng khan hiếm và giá cao.
Nơi vẻ đẹp 'níu chân' du khách
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) được coi là 'thánh địa' của vương triều Hậu Lê và là minh chứng sống động về một thời kỳ phát triển huy hoàng của lịch sử.
Nơi đây có phong cảnh thiên nhiên xanh mát với núi, rừng, sông, đan xen hòa hợp, cùng những công trình kiến trúc đặc sắc được tạo tác bởi những bàn tay, khối óc tài hoa của các nghệ nhân xưa... tất cả góp phần tạo nên một Lam Kinh đầy sức sống, 'níu chân' du khách tìm về.
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh thu hút du khách bởi vẻ đẹp uy nghi, cổ kính.
Những ngày này, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh luôn thu hút đông đảo du khách tìm về tham quan, dâng hương, tưởng niệm. Trong không gian thoang thoảng nhang trầm là tiếng chuông vang vọng lại từ những tòa Thái miếu, mang đến cho du khách cảm giác vừa thư thái, vừa an yên đến lạ. Con đường dẫn vào khu di tích đẹp tựa như bức tranh "sơn thủy hữu tình", với dòng sông Ngọc thơ mộng, uốn lượn như một dải lụa xanh, vào mùa nước cạn du khách đến đây còn có thể thấy cả những viên sỏi đá dưới đáy sông tròn trịa, lung linh ánh lên màu nắng, tục truyền rất quý, rất thiêng. Bắc ngang qua dòng sông Ngọc là cầu Bạch cong cong, duyên dáng, được bao phủ bởi những cây cổ thụ xanh mát xung quanh. Cách đó chừng 50m là giếng Ngọc - nơi cung cấp nước cho Lam Kinh. Giếng Ngọc trong xanh và đầy nước quanh năm không cạn, bờ Bắc được lát bậc đá lên xuống. Trước đây, giếng được trồng hoa sen, đến mùa sen nở trông rất đẹp và thơ mộng. Đây cũng được đánh giá là một trong những giếng cổ lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Vẻ đẹp của Lam Kinh không chỉ điểm xuyết qua bức tranh thiên nhiên với lối kiến trúc xanh đa tầng, đa sắc màu, mà còn là ở những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang dáng dấp của một diện mạo kinh đô cổ xưa. Trong đó, nổi bật nhất là Chính điện Lam Kinh - nơi diễn ra các nghi thức long trọng, trang nghiêm ca ngợi, tôn vinh công đức của vua Lê Thái Tổ và vương triều Hậu Lê trong lịch sử. Theo các nguồn tài liệu ghi chép lại, Chính điện Lam Kinh đã bị cháy tới 3 lần. Sau nhiều thế kỷ hoàn toàn là phế tích, những gì hậu thế còn biết về Chính điện chỉ là những chân tảng đá lớn, nằm trơ trọi trên nền móng cũ. Đến năm 2010, Chính điện Lam Kinh được khởi công phỏng dựng trên cơ sở nền móng và hệ thống chân tảng hiện còn, với tổng diện tích 1.662m2. Đây là công trình điêu khắc gỗ tỉ mỉ, công phu, sử dụng tới hơn 2.000m3 gỗ lim và hàng chục thợ lành nghề, hệ thống hoa văn kiến trúc cột, mái, bình phong, vật dụng bên trong Chính điện không chỉ cho thấy sự kỳ công, khéo léo của người thợ, mà còn là sự phản ánh đầy đủ và chân thực vẻ đẹp kiến trúc cung đình thời Lê.
Một điểm nhấn trong bức tranh văn hóa, lịch sử của Lam Kinh phải kể đến 5 tấm văn bia đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Các tấm văn bia đều có tuổi đời trên 500 năm, là pho sử liệu về cuộc đời của các vị vua, hoàng hậu, mà bất cứ du khách nào đến đây cũng đều muốn tìm hiểu, khám phá, trong đó, nổi bật nhất là bia Vĩnh Lăng. Đây là tấm bia cổ nhất, có giá trị đặc sắc nhất ghi lại thân thế, sự nghiệp và công đức to lớn của vua Lê Thái Tổ, đồng thời đúc kết đường lối đấu tranh của nghĩa quân Lam Sơn trong 10 năm kháng chiến đánh đuổi giặc Minh, giành lại giang sơn gấm vóc. 4 bảo vật quốc gia khác là bia Chiêu Lăng (bia Lê Thánh Tông), bia Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), bia Dụ Lăng (bia Lê Hiến Tông) và bia Kính Lăng (bia vua Lê Túc Tông). Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ, các văn bia tại đây vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, là chứng tích của một thời kỳ vàng son, cũng là tấm gương phản chiếu để thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn thân thế, sự nghiệp, khát vọng của các yếu nhân trong tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đến với Lam Kinh, du khách còn được khám phá những câu chuyện hết sức ly kỳ. Đó là câu chuyện cây lim hiến thân. Chuyện kể rằng, trong rừng Lam Kinh có cây lim cổ thụ khoảng 600 năm tuổi đang xanh tốt, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá, dần trở thành cây khô không còn sức sống. Đặc biệt là thời gian cây trút lá trùng với thời điểm dự án phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt và cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành. Câu chuyện này khiến nhiều người tin rằng cây lim này đã tự nguyện "hiến thân" để phục dựng tòa Chính điện.
Sự tích cây ổi cười cũng luôn kích thích trí tò mò của du khách mỗi khi đến đây. Cây ổi nằm trong khuôn viên lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Đến tham quan cây ổi cười, nếu du khách nắm tay vào cành cây ổi và nhắm mắt tĩnh tâm, thì sẽ có cảm giác nhẹ nhõm, thanh thản, giống như có một luồng năng lượng, sinh khí được truyền qua cây ổi vào người. Còn nếu du khách lấy ngón tay xoa nhẹ vào mắt, vùng lõm trên thân cây thì đầu lá sẽ rung lên từng hồi từng nhịp, khi không xoa nữa thì lá sẽ đứng yên. Người ta gọi hiện tượng lá rung là cây ổi đang "cười" để chào đón du khách về với Lam Kinh.
Mỗi di tích, hay mỗi một cây xanh, câu chuyện ở Lam Kinh đều mang "vẻ đẹp" riêng và cũng là một thông điệp của quá khứ gửi tới thế hệ hôm nay và mai sau về lòng tự hào dân tộc. Để rồi, đến với Lam Kinh hôm nay du khách không chỉ được sống trong không gian văn hóa đặc biệt, ngược dòng về quá khứ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, mà còn được chiêm ngưỡng, khám phá những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, hài hòa.
Một "Vịnh Hạ Long trên cạn" nằm giữa lòng hồ thuỷ điện, đẹp đặc biệt vào đêm Rằm, cách Hà Nội hơn 100km Ít ai biết rằng chỉ cách Hà Nội khoảng 2 giờ chạy xe, du khách đã có thể tìm đến nơi có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, được gọi là "thiên đường hạ giới". Nhắc đến du lịch khu vực miền Bắc nước ta, chắc chắn không thể bỏ qua cái tên di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long. Sở hữu nhiều...