Nơi đô thị đâu còn khói bếp
Tết xưa trong kí ức tuổi thơ tôi là những ngày giáp Tết cùng mẹ đi chợ, níu tà áo mẹ trong cái nhìn bỡ ngỡ, đôi mắt xoe tròn. Nào phiên chợ cuối năm nhộn nhịp người qua lại, nào sắc lá dong bày tràn trên đường phố, cả những cúc vàng hoa đỏ tươi mới e ấp trong một thoáng lạnh của mùa Xuân…
Tết xưa là những thức quà nom giản dị đơn sơ nhưng ấm đôi bàn tay trẻ nhỏ. Tôi nghĩ về mùa Xuân, như nghĩ về một khoảnh khắc ý nghĩa, về sự chưng cất tôi luyện để những điều mông muội hoá thành dư vị của yêu thương.
Giờ đây ở thành phố, người ta có thể mua được nhiều thứ vào bất cứ lúc nào, chưa nói đến việc mua qua mạng Internet, đó là sự tiện lợi của thời buổi công nghệ hiện đại. Nhưng có nhiều thứ không thể tìm mua được, ví như đối với tôi đó là hương vị ngọt ngào của những ngày Tết tuổi thơ. Cái không khí ngày giáp Tết ở đâu cũng thật rộn rang. Mỗi nơi lại có những nét riêng khó trộn lẫn. Đối với quê tôi trước đây, những ngày này cả làng rộn ràng thu hoạch cây vụ Đông như khoai lang, khoai tây và các loại rau. Bọn trẻ con chúng tôi lại được thưởng thức những bữa khoai nướng thơm phức. Mùi thơm đó vẫn còn vương vấn mãi đến bây giờ khi nhớ về những người bạn cùng trang lứa ở quê nhà. Giữa cánh đồng rộng mênh mang, làn gió đưa hương hoa của đất quện với làn khói bay lên không trung trong cảnh chiều quê thật êm đềm, thanh bình.
Ảnh: IT.
Vào những ngày cuối năm, từ nửa tháng trước Tết, mẹ tôi đã phơi héo dưa cải bẹ và hành củ già chuẩn bị vại dưa nén cả tàu, âu hành muối được xếp thêm mía tím. Hương vị các món mặn của mâm cỗ Tết đầy khơi gợi và đối với những đứa trẻ chúng tôi thời đó, hơn hết nó còn là cả một sự mong chờ. Đó là hương thơm nhẹ từ món chè bưởi của bà, mùi mật mía trộn với mùi nếp mới của món chè kho, mùi thơm của bánh chưng, của món măng hầm với chân giò, và cả mùi thơm từ những bao bì của những hộp mứt của bố mang về…
Tất cả đều thật hấp dẫn và tạo phấn khích rất lớn đối với chúng tôi khi đó. Giờ đây, ngay cả cái mùi khói bếp, mùi củi cháy, mùi thơm của lá mùi tẩy trần cuối năm, mùi thơm của lá dong, mùi gạo nếp cùng nhân đậu xanh, thịt nạc hòa lẫn rồi tan trong không khí, như vẫn bám chặt lấy tuổi thơ tôi.
Trong khu vườn trước sân nhà khi ấy có đủ thứ cho Tết, từ hương nhu, mùi già… để tắm gội Tất niên, đến những vồng rau xanh nhiều gia vị, những giàn gấc quả treo lúc lỉu chín dần chuyển từ màu cam sang đỏ thắm. Những gian bếp khi ấy còn ba ông đầu rau nấu bằng trấu, mùn cưa, bằng lá khô quét trong vườn, cả nhà xúm quanh nấu nướng cho đến khuya. Ngày gói bánh chưng, cả nhà tất bật từ sáng sớm, lúc luộc bánh đêm khuya đợi bánh chín vớt ra những chiếc bánh xinh đầu tiên là vui nhất. Bếp trấu vun đầy lùm, dấm nồi đất kho cá chín dần qua hai lửa, ba lửa, đến khô cong, ăn với bánh chưng thì tuyệt nhất. Mấy bà cháu, mẹ con ngồi quanh rỉ rả chuyện nhà, chuyện bà con, chuyện làng xóm, chuyện kể ngày xửa ngày xưa cổ tích… Vầng trấu quanh nồi cá đỏ rực bay lên những tàn lửa như sao…
Video đang HOT
Nhắc Tết năm xưa, điều làm tôi nhớ và thèm nhiều nhất đó là tiếng pháo vào đêm giao thừa. Còn gì vui hơn khi đến thời khắc thiêng liêng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, tiếng pháo nổ vang một khoảng sân phá tan bầu không khí tĩnh mịch của trời đêm. Những quả pháo trống, pháo con cuộn trong lòng những nỗi buồn, những đắng đót, những nước mắt của năm cũ rồi nổ tan tành. Bao nhiêu nỗi niềm theo đó mà trôi tuột đi, cho lòng người thảnh thơi, rộng mở đón chào một năm mới với nhiều ước vọng.
Mùi thơm của thuốc pháo như bám cả vào quần áo và đi cả vào giấc mơ con trẻ đêm giao thừa. Từ dạo cấm đốt pháo, giao thừa có phần lặng lẽ dù hình ảnh pháo hoa thay thế cũng làm vơi bớt phần nào nỗi khắc khoải.
Ảnh: IT.
Xã hội đổi mới, phải chăng một phần vì thế mà hương vị Tết bây giờ đã “mai một” ít nhiều?
Người lớn quanh năm suốt tháng lo làm ăn, đến những ngày cận Tết mới được nghỉ, có nơi còn làm đến tận đêm giao thừa rồi lại đến sáng mồng 2, mồng 3 đi mở hàng lấy hên đầu năm. Nhiều gia đình có cuộc sống sung túc, thường ngày thiếu thứ gì đã sắm nấy, đâu đợi đến Tết mới được thảnh thơi tân trang nhà cửa và sắm đồ đạc… trang trí cho ba ngày Tết.
Chiều cuối năm, dạo quanh những con phố, không cảm được mùi thơm quen thuộc, không thấy đâu hình ảnh những bà, những mẹ lau rửa lá dong chuẩn bị cho ngày Tết sum họp, bỗng thấy hụt hẫng… Xuân đang ở đây, đang hiển hiện chung quanh mà sao tìm mãi cũng chỉ bắt gặp được chút ít hơi thở của hương quê. Nơi đô thị đâu còn khói bếp, nhà tranh mà sao nước mắt lại vòng quanh ngắn dài…
LÊ HẢI NHUNG
Theo thegioitiepthi.vn
May mà trời còn cho Tết
Những ngày cuối năm, trời Huế thường mưa dầm dề. Cứ tưởng mưa kéo dài da diết kiểu mùa đông xứ Huế chắc các loài hoa tết sẽ rụng tơi bời, thì thương lắm cho những nông dân trồng hoa ven đô.
Nhưng càng đến gần Tết, trời đã tỏa nắng. Cái nắng mùa lạnh thật dễ chịu để hoa theo người xuống đường khoác áo xuân cho Huế. Dừng lại ngắm mấy chậu cúc bên đường đang chớm những nụ vàng mơ và gặp ngay nụ cười của bác nông dân bán hoa: "May mà trời còn cho Tết!".
Câu nói của bác nông dân làm tôi nhớ bà nội và câu nói quen thuộc của bà trong những ngày cuối năm cũng có nội dung y chang như vậy. Dù sản phẩm bán Tết của bà chỉ là mấy vồng rau ngò cải nho nhỏ, mấy khóm hoa tươi trong vườn nhà... nhưng mấy mớ rau xanh và hoa đến chợ ngày giáp Tết cũng đủ cho bà có dăm ba đồng mua trầu cau cúng ông bà và còn dành lì xì cho mấy đứa cháu.
Ảnh: Đông Hà.
Nông dân quê tôi ăn Tết to hay nhỏ còn phải nhờ trời. Trời thương, có năm được mùa lúa, tốt mùa rau thì mâm cúng tất niên trong mỗi nhà tươm tất hơn. Còn mấy nhà có trồng hoa vạn thọ, hoa cúc và sau này có thêm cúc Đà Lạt, thược dược, lay ơn... đến thời điểm giữa tháng Chạp mà hoa hé nụ là gần như cả làng đi coi hoa. Coi xong có người còn nói: "Tết ni bán được bông nhà ông nớ sẽ giàu cho mà coi!". Nói cho vui miệng rứa, chứ tiền bán hoa cũng chẳng bao nhiêu; nhiều lắm là sắm được thêm cho con cái mấy bộ áo quần mới, mua thêm được vài phong pháo cúng tất niên, đón giao thừa.
Đã 15 năm rồi tôi không được hòa mình trong cái không khí chộn rộn của những ngày giáp Tết của làng quê. Cho dù cứ đến dịp cuối năm, tôi vẫn tranh thủ gác lại công việc ở phố, phóng xe về làng hương khói ông bà, cha mẹ xong rồi lại vội vã ào đi. Cũng vì thế, mà lâu rồi tôi không được lắng đọng trong hương sắc hoa cỏ mùa xuân của quê nhà.
Tôi nhớ những ngày giáp Tết trời se se lạnh, cứ chập choạng tối, lũ con nít trong xóm tôi cùng nhau xuống ngã ba đầu xóm để điểm danh và khoe với nhau Tết ni đứa mô có đồ mới, đứa mô có o dì chú bác anh chị ở xa quê về ăn Tết và không quên hẹn nhau là sẽ thức tới giao thừa để đi lượm pháo.
Làng tôi hồi đó không điện, không tivi, chỉ có chiếc radio hiệu National trong nhà tôi là rộn ràng không khí Tết. Ba tôi vừa nghe đài vừa chuẩn bị mâm cúng giao thừa, bà nội ngồi bên ngọn đèn dầu têm mới mấy miếng cau trầu, mạ thì gội đầu bên chái bếp cạnh nồi bánh chưng đang đỏ lửa... Tôi háo hức uống vô mấy ly trà thơm là quà của ông bác từ Đà Lạt gửi về biếu cho ba uống Tết để thức chờ giao thừa. Đài Tiếng nói Việt Nam đến chương trình ngâm thơ chào đón giao thừa và chính giọng ngâm ngọt ngào của mấy cô nghệ sĩ ngâm thơ nhà đài đã ru tôi đi vào giấc ngủ khi mô chẳng hay.
Ảnh: Đông Hà.
Đang ngon giấc thì ba tới bồng nổi tôi lên nói yêu thương: "Dậy đón giao thừa con trai!". Ú ớ một chặp, tôi mới chợt nhớ đang là đêm Ba mươi Tết, chuẩn bị giao thừa rồi. Tôi chạy ra chái bếp rửa mặt, thấy mạ vẫn còn ngồi sấy lại mẻ bánh thuẫn và canh luôn bếp lửa nồi bánh chưng, bánh tét đang chín tới. Trong nhà đã thấy ba soạn sửa xong lễ vật mâm cúng giao thừa và treo phong pháo trước hiên nhà. "Còn nửa tiếng nữa là giao thừa, khi mô ba châm pháo là con rót trà cúng nghe chưa!". Chưa đến giao thừa nhưng pháo đã nổ từ khắp làng. "Có mấy nhà đốt pháo hơi sớm. Nhà mình cứ đốt theo đúng giờ của đài thôi!"- ba nói.
Giao thừa, giao thừa... ba châm pháo, tôi rót nước trà, thằng em trai nhìn bịt tai cười theo tiếng pháo nổ. Bầu trời đêm ba mươi tối như mực bỗng sáng rực lên. Tôi ngạc nhiên hỏi ba: "Cái chi mà sáng rõ rứa ba hè?", ba cười: "Nhà ông Tuần đốt pháo sáng đó, pháo sáng ni là pháo dù hồi chiến tranh còn sót lại".
Giao thừa, giao thừa... Tiếng pháo nổ hòa cùng tiếng chuông trống bát nhã từ chùa làng, tiếng leng keng của chuông nhà thờ xóm Đạo và cả tiếng từ đình làng của mấy cụ chức sắc đang tiến hành lễ cúng đón năm mới cho làng.
Ngoài đường xóm đã nghe lao xao tiếng mấy đứa con nít gọi nhau đi lượm pháo xịt. Nhà ông Tời hàng xóm tôi vừa dứt tiếng pháo thì anh em thằng Chiến đã nhanh chân chạy vô lượm pháo. "Đứa mô đó, con nhà ai đó. Ai cho bây vô đạp đất nhà tau rứa...", là tiếng của ông Tời. Đúng rồi, giao thừa thì đã là năm mới nên ai bước vô nhà đầu tiên tức là người đó đã "đạp đất". Ba cười: "Kệ! Nhà mình ai đạp đất cũng được, mà con nít vía nhẹ, đạp đất thì càng mau mắn cho cả năm mà...".
PHI TÂN
Theo thegioitiepthi.vn
Góc nhỏ tuổi thơ của tôi Mặc dù có nhiều trò không cố định theo quy luật, nhưng cũng có những trò được mặc đinh theo một mùa hoặc một dịp nhất định. Ví như trò vỏ kẹo chẳng hạn, trò đó thường được đám trẻ trong làng chơi sau dịp tết vì khi đó chúng mới tìm và có được vỏ kẹo làm vốn để chơi, chứ ngày...