Nỗi đau sau thảm kịch cha vợ đánh chết con rể
Trong cơn say, anh con rể thường ngày hiền lành bỗng trở thành con người khác. Anh cãi nhau với cha vợ và kết cục là kẻ mãi mãi ra đi, người vào chốn lao tù. Vụ án xảy ra đã hơn 3 tháng nhưng dường như nỗi đau vẫn nguyên vẹn trên gương mặt của những người ở lại.
Sau chầu nhậu cùng hàng xóm, cha vợ đánh con rể tử vong
Giữa tháng 9 vừa qua, TAND TP.Đà Nẵng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án giết người đối với ông Nguyễn Ngọc (SN 1963, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng).
Trưa 9/6/2013, ông Nguyễn Ngọc cùng với con rể là Nguyễn Đăng Phương (SN 1986), Huỳnh Tấn Tín (SN 1972) và ông Lê Bá Huy đến nhà ông Trần Long (tất cả cùng trú thôn An Ngãi Tây 3, xã Hòa Sơn) để nhậu. Đến khoảng 14h30, Nguyễn Đăng Phương không uống được nữa và xin ra về. Khi về đến nhà do quá say nên Phương ngã vào chuồng gà rồi đập phá.
Thấy vậy, vợ Phương là chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (SN 1988) chạy ra ôm chồng lại và khuyên nhủ vào nhà nghỉ ngơi. Khi vào phòng ngủ, Phương tiếp tục đập phá giường chiếu. Nghe thấy ồn ào nên ông Nguyễn Ngọc và Trần Long chạy sang can ngăn. Sau khi ngồi xuống ghế, Phương to tiếng qua lại với vợ rồi dùng chân đạp vào mặt chị Tuyết làm chị ngã xuống nền nhà bầm tím mặt, trong khi chị đang mang bầu tháng thứ 9.
Tận mắt chứng kiến cảnh con rể đạp con gái mình lăn ra nền nhà, ông Nguyễn Ngọc đã chỉ thẳng tay vào mặt Phương mà nói: “Vì sao nhậu say về lại đánh đập vợ con và đập phá đồ đạc trong nhà?”. Bị cha vợ mắng, Phương trả lời bằng những lời lẽ văng tục khó nghe, xúc phạm đến ông Ngọc. Sau đó, giữa ông Ngọc và Phương có xảy ra ẩu đả, xô xát nhau. Phương dùng cây đuổi đánh ông Ngọc chạy quanh nhà khiến ông hết sức bực mình và nghĩ rằng con rể hóa điên. Trong cơn phẫn nộ, ông Ngọc đã dùng một khúc gỗ rượt đuổi Phương rồi đánh trúng vào vùng đầu trái làm Phương gục ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự. Phương được người dân đưa đi cấp cứu nhưng 3 ngày sau đã tử vong. Theo kết quả pháp y, nạn nhân Nguyễn Đăng Phương tử vong là do chấn thương sọ não, hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy tim mạch.
Với hành vi trên, ông Nguyễn Ngọc bị tòa tuyên phạt mức án 7 năm tù và phải bồi thường số tiền trên 100 triệu đồng cho gia đình con rể mình để nuôi con. Câu chuyện động trời trên đã gây náo động cả một vùng quê nghèo. Vợ mất chồng, cha đi tù, cuộc sống của gia đình đó gần như tan nát.
Chị Tuyết thắp hương trên bàn thờ chồng
Bên tình, bên hiếu…
Hôm chúng tôi tìm về ngôi nhà Nguyễn Ngọc là một buổi chiều mưa gió bão bùng. Qua lời kể của hàng xóm được biết, ông Ngọc vốn là một người nông dân đôn hậu, chất phác, anh Phương là một thanh niên rất hiền lành, còn chị Tuyết là con đầu trong gia đình của ông Ngọc, rất đảm đang.
Video đang HOT
Cũng bởi tính hiền lành của anh Phương nên ông Ngọc mới đồng ý cho Phương đến ở rể nhà mình. Thường ngày hai cha con vẫn rất hòa thuận vui vẻ với nhau. Có chuyện gì cũng đều gọi nhau đi làm, những lúc rảnh rỗi hai cha con lại gầy cuộc nhậu ngồi hàn huyên tâm sự đủ điều về nhân tình thế thái. Anh Phương là người tu chí, lại rất thương yêu vợ con nhưng mắc cái tội cứ mỗi lần uống bia rượu say xỉn về là gây rối, đập phá đồ đạc.
Trước đây, con rể cũng đã đập vỡ cả chiếc tivi trong một lần say xỉn, bà Trang (vợ ông Ngọc) đã phải gọi lên để động viên cho yên ổn gia đình. Nhiều lần sau khi phá phách đồ đạc trong nhà, lúc tỉnh rượu anh Phương đều rất lấy làm hối hận và hứa sẽ từ bỏ thói quen xấu ấy. Nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng là lại ngựa quen đường cũ. Một thời gian sau, hai vợ chồng xin tách ra ở riêng bên phần đất mà ông Ngọc cắt cho phía bên hông nhà. Chị Tuyết làm công nhân ở một công ty may trong khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), còn anh Phương lái xe cho công ty này. Ngôi nhà cấp 4 mà vợ chồng chị cùng đứa con gái 3 tuổi đang ở được cha mẹ chị Tuyết cho đất và sau đó nhờ sự hỗ trợ từ gia đình nội, ngoại nên mới xây dựng được.
Gặp chúng tôi, bà Trang nghẹn ngào kể: “Giờ không biết ổng có chịu ăn uống gì không hay lại suy nghĩ rồi ốm quỵ ra. Ông ấy hay suy nghĩ lắm, giờ đây rơi vào tình cảnh thế này không biết có chịu nổi không. Con rể thì cũng không còn, chỉ lo sau này những đứa cháu lớn lên chúng sẽ trách ông ngoại…”.
Nhắc lại chuyện không vui đã qua, bà Trang nghẹn ngào cho biết: “Bình thường, thằng Phương nó hiền như cục đất, chẳng kiếm chuyện với ai bao giờ, nó cũng thương vợ con lắm. Tại lần này nó say xỉn, lại bị ổng chửi bới rồi làm hăng quá nên mới xảy ra chuyện như vậy. Giờ thì mọi chuyện cũng đã rồi, tôi chỉ lo làm sao kiếm tiền để lo trả nợ cho phía nhà thông gia”.
Bà Trang, vợ ông Ngọc
Theo một người hàng xóm của gia đình ông Ngọc thì hôm xảy ra sự việc, hai cha con ông Ngọc và một vài người quanh xóm ngồi nhậu từ trưa. Sau đó, trong lúc mọi người đang hát karaoke thì anh Phương do bực tức vì bị cha vợ la mắng giữa nhiều người nên đã bỏ về nhà, trút giận lên vợ và đập phá đồ đạc. Sau đó chuyện đau lòng xảy ra, chứ thường ngày anh Phương chưa bao giờ to tiếng với ai.
Trong khi mẹ ruột mếu máo kể lại sự việc, chị Tuyết chỉ biết ngồi ôm cô con gái thứ hai mới sinh được hơn hai tháng vừa dỗ dành, vừa cố nén nỗi đau khi phải chịu cùng lúc cảnh mất chồng, xa cha. Thắp cho chồng nén nhang trên bàn thờ mới dựng trong căn nhà cấp 4, chị bật khóc: “Bên hiếu, bên tình, bên nào cũng nặng cả. Đau đớn lắm nhưng để cho êm ấm cửa nhà, tránh những lời dị nghị không hay từ chòm xóm em chỉ còn biết cắn răng chịu đựng thôi. Bản tính của chồng em hiền lành, chăm chỉ lắm nhưng anh ấy bị bạn bè rủ rê lôi kéo, mỗi lúc có chén rượu vào là không kiềm chế được bản thân nên mới xảy ra cơ sự như thế này”.
Chị Tuyết cũng cho biết, trước lúc cưới cả hai mới chỉ quen nhau trong thời gian ngắn nên một số tính cách của anh Phương chị chưa kịp hiểu hết. “Như việc anh say xỉn thường hay đập phá đồ đạc, đánh đập vợ con thì sau này lấy nhau về em mới biết. Lúc đó em chỉ biết chấp nhận chịu đựng, rồi chờ sau khi anh tỉnh táo thì khuyên nhủ. Anh cũng nhận ra cái sai, nhưng rồi cứ mỗi lần có men rượu vào là anh lại rứa”, chị Tuyết giãi bày.
Từ ngày cha mất, ông ngoại phải vào tù, đứa con gái lớn 3 tuổi của chị Tuyết ở nhà lủi thủi một mình, không mè nheo mỗi khi mẹ đi làm. Mái tóc quăn tự nhiên, làn da trắng, đôi mắt một mí dễ thương luôn ánh lên cái nhìn sợ hãi mỗi khi có người lạ. Phần chị Tuyết, đôi khi chị cảm thấy rất áy náy và khó xử. Ngày qua ngày chị vẫn đi đi về về như cái bóng trong chính ngôi nhà của mình, bên cạnh, người mẹ già cũng đang phải sống trong giằng xé, một bên là chồng, một bên là con.
Bữa trưa của ba mẹ con, bà cháu là mấy quả trứng luộc và bát canh mùng tơi. Gần một tháng nay, nhờ có người giúp đỡ, chị Tuyết cũng kiếm được việc làm thêm, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Mẹ con rau cháo lần hồi cũng xong. Em chỉ lo mấy năm nữa con bé đi học…” – chị Tuyết bỏ lửng câu nói, nén tiếng thở dài. Người thì chồng chết, cha vướng vòng lao lý; người thì mất thằng con rể, chồng phải đi tù. Họ vừa là nạn nhân, lại vừa là người thân của hung thủ. Thảm cảnh ấy khiến bao ngày nay ngôi nhà họ buồn trong tang tóc, tiếc thương.
Rời làng quê nghèo, chúng tôi không khỏi xót xa cho hai người phụ nữ chân yếu tay mềm đang phải hứng chịu tấn bi kịch cuộc đời.
Theo Hà Kiều
Chuyện về người hơn 30 năm đi tìm kho báu vua Hàm Nghi
Ông Nguyễn Hồng Công, người đào núi tìm kho báu vua Hàm Nghi, đã chết trong cô độc. Mọi tìm kiếm đều rơi vào vô vọng.
Ông Công tự hào giới thiệu thành quả của mình (năm 2011)
Ông Nguyễn Hồng Công (sinh năm 1952, quê Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa; thường trú tại TP.HCM) đã ra núi Mã Cú (thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình) tìm kho báu mà ông cho rằng của vua Hàm Nghi đang tồn tại ở đây. Hơn 33 năm bám núi trong cô độc, ông Công không tìm được bất cứ vảy vàng nào. Chính quyền nhiều lần đưa ông về Đồng Hới, mua vé tàu cho ông đoàn tụ gia đình nhưng sau đó ông lại quay trở lại và tự dựng lán nhỏ trên núi, xa khu dân cư. Năm nay ông trở lại chừng bảy tháng và chết trong cô độc khi công việc tìm vàng bế tắc.
Ba lần phát hiện "kho báu"
Tháng 6/2011, ông Nguyễn Hồng Công tuyên bố và có văn bản gửi tỉnh Quảng Bình về việc ông sắp lấy được kho báu, yêu cầu chia cho ông 20% nếu kho báu được tìm thấy. Dĩ nhiên lúc đó huyện Minh Hóa phải làm báo cáo gửi tỉnh, các cơ quan chức năng cũng cử cán bộ đến núi Mã Cú và họ đánh giá hoàn toàn không có kho báu.
Không biết bằng cách nào ông Công có một số bản đồ cổ mà theo ông đó là bản đồ chỉ dẫn kho báu của vua Hàm Nghi ở khu vực Hóa Sơn. Mấy năm trước, chúng tôi gặp, ông giải thích rất hấp dẫn nhưng nghe kỹ đó chỉ là những lời ông tự nhủ mình về niềm tin có một kho báu ở trong vùng. Năm 1982-1983, tỉnh Bình Trị Thiên cật lực huy động công an, quân đội tìm kiếm khi ông Công cho biết có tài liệu chứng minh kho báu hiện diện ở đây. Lúc đầu ông Công chi trả sòng phẳng các tổn thất tìm kiếm, sau đó tìm mãi không hề thấy kho báu, cơ quan chức năng đã rút lui.
Năm 1987, ông báo tin tiếp cho tỉnh Bình Trị Thiên. Một cuộc huy động quân lính nữa được thực hiện nhưng rồi kết quả cũng bằng không.
Và đến năm 2011, sau văn bản gửi đi, ông Công không nhận được sự quan tâm như những lần trước. Lúc đó vì hết kinh phí, hết nguồn tiếp tế từ gia đình, ông Công trở về TP.HCM.
Chết trong cô độc
Theo người dân thôn Đặng Hóa, ông Công là người biệt lập, ít giao tiếp với dân bản địa nhưng hiền lành, không hại ai bao giờ. Ông nhiều lần suýt chết (vì thiếu dưỡng khí, ăn uống kham khổ) trong các đường hầm ngoằn ngoèo do ông tự đào trổ dưới quả đồi Mã Cú. Những lần như thế, ông được người dân cứu chữa tình cờ lúc họ đi ngang lán lều của ông hoặc đi rừng ngang qua hệ thống địa đạo chằng chịt do ông vỡ đất.
UBND xã Hóa Sơn cho biết người dân phát hiện cái chết của ông Công. Ngày 6/10, anh Phạm Thanh Chương (một người dân xã Hóa Sơn) thấy ông Công không xuống lấy xe đi liên hệ công việc mấy ngày liền đã đến túp lều của ông Công trên núi và phát hiện thi thể ông Công có dấu hiệu trương phình.
Ông Chương kể: "Ông ấy chết chừng 7/10 ngày trước đó nhưng không ai phát hiện. Tôi thấy cửa ở trong bị khóa, phá vào thấy ông nằm bất động. Sổ ghi chép vẫn còn được ông Công ghi ngày trở lại Hóa Sơn. Trong túi ông Công còn 1 triệu đồng, không có dấu hiệu trộm cắp".
Ông Chương cho biết thêm: "Biết ông chết, tôi báo xã nhưng không ai biết số điện thoại hay địa chỉ nhà ông ấy để báo cho gia đình nên xã đã đề nghị công an tỉnh khám nghiệm tử thi và chôn cất theo phong tục địa phương".
Kho báu ở Hóa Sơn
Xã Hóa Sơn chót vót trên lưng chừng trời, bốn bề sừng sững núi đá vôi. Người dân bản địa nói họ có gốc gác tổ tiên là những binh lính theo vua Hàm Nghi ra Quảng Bình, Hà Tĩnh dựng cờ Cần Vương. Câu chuyện về vàng của nhà vua yêu nước này vẫn còn trong trí nhớ của bao người già trong vùng. Các thế hệ sau vẫn tin rằng kho báu của vua Hàm Nghi còn ẩn giấu đâu đó trong khu vực hẻo lánh này.
Đường vào Hóa Sơn phải vượt eo Lập Cập cao đứng, qua eo Đù Đu sâu hút rồi lội bộ lên núi Mã Cú. Giữa lưng chừng núi, ngôi nhà nhỏ của người tìm kho báu xuyên thế kỷ Nguyễn Hồng Công lộ ra giữa núi rừng xanh thẳm. Dưới căn nhà là cả một công trình hầm hào ông đào bới sâu vào lòng núi. Nay đã vắng bóng dáng ông nhưng nhiều người dân địa phương tin rằng kho báu vua Hàm Nghi vẫn còn đâu đó trong vùng hiểm địa này. Lý do họ đưa ra là 57 năm trước, làng Đặng Hóa đã tìm ra hàng trăm cân vàng khắc chữ cổ, nhiều bậc túc nho trong vùng dịch chữ thấy xuất xứ từ Đại nội Huế. Vào năm 1954, sau một trận mưa lớn, tại con suối Dương Cau, cách vị trí đào bới của ông Nguyễn Hồng Công chừng một cây số, dưới gốc cây cổ thụ, lộ ra một đống vật kim màu vàng khác lạ. Hồi ấy đa phần dân trong vùng không biết đó là vàng, họ nghĩ là tiền đồng cổ nên đưa từng gùi về bỏ ở xó nhà. Một số cán bộ từ vùng xuôi lên công tác phát hiện đó là vàng. Và một cuộc vận động người dân giao nộp vàng cho Nhà nước diễn ra sau đó. Người dân nhiệt tình nộp được 3,5 tạ, số vàng đó đưa ra trung ương phục vụ các quốc kế đất nước.
Khi rời Hóa Sơn, chúng tôi được ông Đinh Hoàng Diệu (79 tuổi) thông báo bốn năm trước, vợ ông từng bán một đồng tiền vàng lượm được ngay ở suối Dương Cau. Số tiền ông không tiết lộ nhưng đó là sự thật. Còn người đào vàng xuyên thế kỷ suốt đời không tìm được kho báu.
Ông Công là một người dị ứng với những loại ống kính chụp ảnh và máy quay. Năm 2011, khi chúng tôi gặp ông, hỏi về lý do này, ông giải thích: "Nhiều nhà báo không có thiện chí nên tôi không thích khuôn mặt mình trên báo". Tuy nhiên, khi chúng tôi đến với ông trong câu chuyện phát hiện kho báu năm đó, ông đã cho chúng tôi ngoại lệ chụp ảnh ông trước ống kính và sau này mỗi bận có chuyện khó khăn về tài chính, ông vẫn gọi điện thoại nhờ giúp đỡ.
Người đào núi tìm kho báu vua Hàm Nghi đã chết Chiều 6.10, chính quyền xã Hóa Sơn, H.Minh Hóa (Quảng Bình) đã chôn cất thi thể ông Nguyễn Hồng Công (61 tuổi, ngụ Thanh Hóa), người nhiều năm đi tìm kho báu của vua Hàm Nghi. Ảnh minh họa Gần 30 năm tìm kho báu của Vua Hàm Nghi: Nguyễn Hồng Công "đã chạm vào cửa kho báu"? Trưởng công an xã Hóa...