Nỗi đau sau những vụ vỡ hụi
Chơi hụi là hình thức góp vốn xoay vòng mang tính tương trợ lẫn nhau, người tham gia có thể tiếp cận vốn để phát triển kinh tế gia đình. Chính vì dễ tham gia nên chủ hụi đã lợi dụng lòng tin của một bộ phận người dân tổ chức nhiều dây “hụi ma” với mục đích lừa đảo, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, phá sản.
“Xuống đời” vì hụi
Căn nhà trọ xuống cấp, ẩm mốc của hai mẹ con bà Lê Thị Tám (Giồng Trôm, Bến Tre) nằm sát mép kênh nước đen đặc gần bãi rác Đa Phước (Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) cửa đóng im ỉm. Bà Tám đi hái rau nhút thuê cả ngày, cô con gái thì bán nước trên đường Nguyễn Văn Linh tối mịt mới về. Cuộc sống, điêu đứng của mẹ con bà Tám bắt đầu từ hai năm nay, khi đường dây hụi hơn 10 tỷ đồng bị vỡ ở Bến Tre.
Bà Tám có thâm niên chơi hụi nhiều năm. Từ hụi vài trăm ngàn/tháng cho đến vài triệu đồng. Bà bị giựt hụi trúng vào thời điểm vét cạn tiền đổ vào dây hụi lớn nhất, ước tính số tiền bà hốt hụi trên 200 triệu. Đùng một cái, chủ tuyên bố bể hụi khiến bà và hơn 30 hụi viên lao đao, khốn đốn.
Các hụi viên tụ tập tại nhà một chủ hụi đã “mất tích”.
Bà cùng ký đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng Bến Tre nhưng thực chất đây là hình thức giao dịch dân sự tự phát, các hụi viên không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh việc đóng hụi nên rất khó để xử lý người liên quan.
Đang rầu rĩ, quẫn trí thì hạn trả tiền vay tín dụng ngân hàng đã đến kỳ thanh toán, bà Tám không biết phải xoay xở ra sao. Cô con gái đang học trung cấp nấu ăn ở TP. Bến Tre bất lực nhìn gia cảnh đổ bể, chán chường nên quyết định bỏ học. Bà Tám kêu người tới cắt nửa mảnh vườn, xén tới tận sân nhà mới đủ một công đất bán với giá “o ép” để trả nợ. Không còn đất trồng cây ăn trái, bà Tám đi bóc vỏ dừa thuê.
Từ một người đàn bà sáng thong dong uống cà phê, chiều thủng thỉnh đi ngóng tin xổ số nay phải “xuống đời” làm mướn, lại bị chòm xóm dèm pha, bà Tám xấu hổ không dám bước ra đường. Bà Tám bộc bạch: “Cả tháng trời tôi ngủ không nổi, cứ nghĩ đến khoản tiền mất là uất ức nước mắt chảy ra…”.
Bà Tám quyết định đóng cửa nhà, hai mẹ con lên TP. Hồ Chí Minh thuê nhà trọ sống, vừa để lánh kiếp nạn nợ nần vừa muốn tránh xa những thị phi, đàm tiếu của người dân quê nhà. Cứ một tháng bà lại bắt xe đò về quê xem tình hình dây hụi ra sao.
Trong thâm tâm, bà vẫn hy vọng vào sự “hồi hương” của chủ hụi, ít nhiều cũng trả cho bà một phần nào đó. Hai năm rồi, chủ hụi vẫn thoắt ẩn thoắt hiện, hứa lên hứa xuống. Nhiều lúc bị các hụi viên dồn tới đường cùng, chủ hụi tuyên bố: “Giờ tôi không còn khả năng chi trả, ai muốn làm gì thì làm, đi tù tôi cũng chấp nhận”. Dù căm phẫn, uất ức cực độ nhưng bà Tám và các hụi viên đành cắn răng chịu đựng.
Bà Tám cho biết, bà còn trẻ, còn gượng dậy được nhưng nhiều hụi viên ở xóm của bà rơi vào đường cùng, không còn lối thoát. Đó là trường hợp vợ chồng bà Lê Thị Mọn (81 tuổi) đã dùng số tiền được hỗ trợ chế độ thương binh của 2 vợ chồng, cộng với tiền các con cho hằng tháng để tham gia dây hụi do bà Thủy làm chủ. Vài tháng đầu, bà Mọn đóng tiền và được trả lãi đàng hoàng.
Video đang HOT
Dần dần, bà đóng tới 110 triệu đồng thì bị vỡ, không lấy được. Bà Mọn tuổi cao sức yếu bị cú sốc quá lớn thường xuyên tăng huyết áp, con cháu phải liên tục canh chừng. Sự việc vỡ lở, mọi người mới tá hỏa khi nghe tin bà Thủy đã sang tên tài sản cho chị chồng của mình và mua đất xây nhà trọ ở nơi khác.
Một hụi viên khóc ngất khi biết tin chủ hụi ôm tiền bỏ trốn.
Vợ chồng bà Mọn lụ khụ đi tìm bà Thủy để đòi tiền hụi nhưng không thể gặp được. Bà Thủy có nhắn lại với các hụi viên là sẽ bán đất để trả nhưng không ai biết đất đai, nhà cửa của bà còn bao nhiêu và khi nào thì bà khắc phục hậu quả cho mọi người.
Phong trào chơi hụi lan rộng ở các vùng quê miền Tây, người người chơi hụi, nhà nhà chơi hụi. Vào đầu tháng 5 năm 2018, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Bến Tre đã tổ chức hẳn một buổi tọa đàm với chủ đề “Hạn chế tình trạng vỡ hụi có lời ngày càng tăng”.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre Phạm Thị Thanh Thảo cho biết: “Tình trạng chơi hụi có lãi xảy ra ở hầu hết các huyện, thành phố với tính chất, mức độ, quy mô ngày càng phức tạp. Có nhiều vụ vỡ hụi lên đến hàng chục tỷ đồng, liên quan đến hàng trăm hộ gia đình. Thời gian qua, có nhiều vụ vỡ hụi đến mức báo động, nhưng hình thức “hùn vốn” này vẫn còn xảy ra và ngày càng gia tăng”.
Trong năm 2017, Hội LHPN tỉnh Bến Tre tổ chức khảo sát vỡ hụi trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện có khoảng 10 ngàn phụ nữ tham gia chơi hụi với số tiền trên 95 tỷ đồng. Theo số liệu điều tra của cơ quan chức năng, năm 2013 có gần 400 người dân ở Mỏ Cày Nam điêu đứng vì vỡ hụi dây chuyền với số tiền lên đến 26 tỷ đồng. Năm 2016 có hai vụ vỡ hụi lớn xảy ra tại xã Châu Bình (Giồng Trôm), một chủ hụi tuyên bố “bể hụi” trên 10 tỷ đồng với 270 hụi viên liên quan.
Một vụ vỡ hụi tại xã An Khánh (Châu Thành) hơn 10 tỷ đồng. Năm 2017 có một vụ vỡ hụi trên 20 tỷ đồng với trên 100 người chơi tham gia ở Mỏ Cày Bắc. Đầu năm 2018 đến nay xảy ra vụ vỡ hụi ở xã Giao Thạnh (Thạnh Phú) khoảng 10 tỷ đồng… Đa số người tham gia chơi hụi là những người lao động nghèo, có người phụ giúp việc nhà tham gia chơi hụi mong kiếm lời dành dụm phòng thân cho tuổi già.
Trao đổi về hướng xử lý các vụ việc vỡ hụi, Đại tá Trần Thị Bé Nhân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre cho biết: Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 65 vụ vỡ hụi với tổng số tiền 164 tỷ đồng. Tuy nhiên, rất khó xử lý vì người chơi hụi hết sức chủ quan, khi tham gia chơi không có bất cứ chứng từ nào chứng minh mình đã đóng hụi hàng tháng bao nhiêu, chỉ đưa tiền theo kiểu tin tưởng lẫn nhau.
Biến tướng nguy hiểm
Hiện nay, chơi hụi không còn là một hình thức góp vốn để các thành viên san sẻ, hỗ trợ lẫn nhau mà đã biến tướng nguy hiểm, như một hình thức tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phong trào chơi hụi lan tới cả nhiều cán bộ lợi dụng uy tín của mình đứng ra làm chủ.
Điển hình là vụ ông Huỳnh Thanh Tải (45 tuổi) là cán bộ UBND xã Mỹ Thuận, (Bình Tân, Vĩnh Long), bị kỷ luật khai trừ Đảng và bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND vì “ôm” tiền hụi của hàng trăm người bỏ trốn. Trong nhiều năm, ông Tải cùng vợ tổ chức nhiều đường dây chơi hụi, huy động tiền của hàng trăm người. Cuối năm 2016, vợ chồng ông Tải bất ngờ “mất tích” cùng với số tiền hụi lên đến gần 9 tỉ đồng.
Thông tin vợ chồng ông Tải mất tích cùng dây hụi khổng lồ làm cả vùng quê hoang mang, chao đảo. Họ chỉ biết tập trung tại nhà chủ hụi gào khóc, chửi bới, tranh nhau thu lượm những gì còn sót lại trong nhà. Người được cái ghế, người cái bàn… rồi ngậm ngùi ra về mà không thể làm gì hơn. Vỡ hụi, nhiều gia đình lâm cảnh bi thương gây nên những hiềm khích, phẫn uất, vợ chồng tan đàn xẻ nghé.
Xe hủ tiếu gõ của anh Lai sau những tháng ngày vợ chơi hụi mất trắng tài sản. Nhà trọ “ổ chuột” của mẹ con bà Tám khi phải rời bỏ nhà cửa lên thành phố kiếm sống.
Xe hủ tiếu gõ hẻm 1041 Trần Xuân Soạn (quận 7, TP Hồ Chí Minh) của anh Lâm Văn Lai (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) từ hơn năm nay đã cho thu nhập ổn định, phần nào giúp anh nguôi ngoai chuyện gia đình. Năm 2017, chị Nguyễn Thị Nhàn, vợ anh Lai bị giật hụi hết gần 100 triệu. Đây là số tiền anh dày công chăm sóc vườn dừa và chanh từ ngày lấy vợ ra riêng.
Anh đưa hết tiền cho vợ cầm, định bụng khi nào được 200 triệu sẽ làm lại căn nhà mới. Anh Lai không hề biết, chị Nhàn dùng số tiền đó âm thầm đổ hết vào hụi. Đến khi vỡ lở, chị về nhà khóc lóc, đòi tự tử anh mới biết. Giận vợ ngút trời, anh Lai bỏ nhà đi uống rượu mấy ngày trời rồi trở về chửi bới, giày vò chị Nhàn.
Anh đuổi chị ra khỏi nhà, cắt đứt tình chồng vợ. Chị Nhàn tức tưởi ra đi, ôm theo đứa con gái 5 tuổi. Anh Lai sau đó đóng cửa lên TP Hồ Chí Minh bán hủ tiếu. Trong những ngày tháng cô đơn, anh kết bạn với chị Hương bán trái cây ở xóm chợ nổi. Nhưng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, chị Hương lại có máu cờ bạc, lô đề, chơi hụi còn “mê man” hơn người vợ của anh. Trước khi đến với anh Lai, chị Hương đang duy trì 3 dây hụi với số tiền trên 70 triệu. Anh Lai khuyên chị Hương bỏ hụi để có cuộc sống êm ấm nhưng chị Hương không đồng ý. Cứ nghĩ đến cảnh bể hụi gần 2 năm trước khiến anh Lai hoảng sợ, lo lắng và quyết định dứt tình với chị Hương.
Anh Lai tâm sự: “Đời tôi đã một lần phải ê chề với hụi rồi, tôi không muốn bi kịch lặp lại nữa. Thời gian đã khiến tôi nguôi ngoai nỗi đau, tôi đã tha thứ cho vợ mình. Sắp tới, tôi sẽ đi về quê tìm vợ con, nếu cô ấy thật sự đoạn tuyệt được với hụi, tôi sẽ quay lại chung sống”.
Ngọc Thiện – Cát Tường
Theo cand.com.vn
Nỗi đau đeo đẳng của người thân sau các vụ tai nạn giao thông
Nỗi ám ảnh, giày vò của tai nạn giao thông thật khủng khiếp khi nó để lại cho nạn nhân và người thân những nỗi đau cùng cực về thể xác, tinh thần.
Vợ mất chồng, cha mẹ mất con, con mất mẹ cha rồi cả những mảnh đời đang thở dài bên bình ô xy nơi bệnh viện hay những ngày tháng gắn với tật nguyền,... khi tai nạn giao thông đã đẩy họ tới những nỗi đau thể xác, tinh thần cùng cực. Để rồi, nước mắt người ở lại ngày ngày vẫn lăn dài trên khóe mắt.
Nỗi đau mất người thân luôn là những nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời mỗi người nhưng nỗi đau của các gia đình sau vụ tai nạn giao thông có lẽ là nỗi đau luôn ẩn đọng nhiều ám ảnh nhất. Bởi một cuộc đời đang đẹp bỗng dưng rớt xuống "hố sâu" của sự nghiệt ngã. Một mái ấm gia đình đang yên vui bỗng dưng bị xé toang, chỉ còn đọng lại nỗi đau.
Mái ấm gia đình đang yên vui bỗng dưng bị đảo lộn gắn với những nỗi đau sau các vụ tai nạn giao thông
Kể từ khi những người thân ra đi, cuộc sống của tất cả các gia đình nạn nhân đều thay đổi quá lớn. Những bữa cơm đầm ấm cả gia đình, những tiếng cười nói của ba, của mẹ, của những đứa con không còn được vẹn toàn. Với những nỗi đau, nỗi ám ảnh, người thân của các nạn nhân vẫn thường xuyên tham gia các buổi lễ cầu siêu cho các nạn nhân.
Ngồi chăm chú thành tâm niệm phật, đôi mắt đỏ quạch, hàng mi thâm quầng, chị Nguyễn Thị Hà (Vĩnh Phúc) cho biết, suốt 6 năm qua, chưa bao giờ nỗi đau mất chồng trong một vụ tai nạn khiến chị nguôi ngoai. Trong giấc ngủ mỗi đêm, chị luôn bị giật mình bởi ký ức kinh hoàng đeo bám trong tâm trí.
"Cách đây 6 năm, anh đã rời xa mẹ con tôi mãi mãi sau một vụ tai nạn. Cũng như mọi người, khi hay tin chồng qua đời, tôi chìm trong đau khổ và không thể nghĩ được gì khác ngoài việc muốn theo chồng ra đi. Ngày anh mất là cái ngày mà có lẽ đến chết tôi cũng không thể quên. Hôm đó, trên đường trở về từ buổi trực ban thay cho bạn đồng nghiệp, một chiếc xe tải cùng chiều bị mất lái đã cướp anh khỏi vòng tay tôi".
Đến giờ, chị Hà vẫn chưa thể tin được chỉ trong chốc lát, người chồng của chị đã yên nghỉ dưới đám cỏ xanh chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của người cầm lái chiếc xe định mệnh. 6 năm trôi qua, những bữa cơm gia đình chị Hà vẫn không quên lấy thêm bát của anh bày trên bàn ăn, chị vẫn nấu những món ăn mà chồng chị ăn thường ngày như là một niềm an ủi "sống sao, chết vậy".
Người thân tham gia lễ cầu siêu cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông
Bác Đỗ Thị Bích, 62 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội hướng ánh mắt xa xăm về khoảng không trước mặt cầu niệm cho cậu con trai duy nhất đã rời xa bác. "Nó là đứa ngoan ngoãn, chịu khó làm ăn, thương yêu vợ con, chưa bao giờ khiến chúng tôi phải thất vọng. Có ai ngờ rằng, chỉ vì một tài xế xe tải do uống bia, rượu không làm chủ được tốc độ đã cướp đi con của chúng tôi. Để giờ đây vợ chồng tôi mất con, con dâu tôi mất chồng, cháu tôi đeo vành tang mất cha từ khi còn quá nhỏ", bác Bích ngậm ngùi khóc.
Đó chỉ là hai trong số muôn vàn nỗi đau của người thân các nạn nhân tai nạn giao thông. Mỗi năm ước tính nước ta vẫn có vài nghìn người chết vì tai nạn giao thông. Với những người mẹ, người vợ, người con,...những giọt nước mắt và vành tang trắng vẫn là một lời nhắc nhở, "tử thần" tai nạn giao thông có thể gõ cửa bất cứ gia đình nào chỉ vì thiếu ý thức chấp hành Luật giao thông.
Trong tận cùng sự đau đớn, đã có rất nhiều người phải hối hận: "giá mà tôi cẩn thận hơn", "giá như tôi không uống rượu bia trước khi lái xe",... vì thực tế có người đã "nhanh một phút để chậm cả đời". Thay vì hối hận muộn màng đó mỗi chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng bằng cách tham gia giao thông với ý thức tự giác để dần bớt đi những đau thương mất mát mang tên "tử thần" giao thông.
Nguyễn Hoa
Theo laodongxahoi
Hết đường mưu sinh vì bãi rác Đa Phước: Sự im lặng khó hiểu Báo Lao Động đã có bài "Nhiều gia đình hết đường mưu sinh vì bãi rác Đa Phước", nói về bãi rác Đa Phước (TPHCM) gây thiệt hại kinh tế cho nhiều hộ dân. Trước phản ánh của dân, chính quyền và cơ quan chức năng đã cử những đoàn khảo sát đến ghi nhận tình hình, lấy mẫu xét nghiệm, nhưng rồi...