Nỗi đau quá lớn của gia đình bé gái 13 tuổi bị xâm hại, uất ức tự tử
“Khi nhận được thông báo không khởi tố vụ án, gia đình đã cố giấu không cho bé K. biết. Thế nhưng, không biết sao nó nghe được thông tin này nên mới dẫn đến vụ việc đau lòng”, mẹ bé K. nghẹn ngào khi nói đến cái chết tức tưởi của con gái…
Tiếp xúc với PV Dân trí, chị H.T.L. (mẹ bé H.M.K, 13 tuổi, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau- nạn nhân tự tử sau khi tố bị một người hàng xóm xâm hại tình dục) cho biết, vào tháng 11/2016, bé H.M.K. có kể cho gia đình nghe về việc bé bị một người hàng xóm tên B. xâm hại tình dục nhiều lần trong khoảng thời gian dài.
Chị L. (mẹ bé K.) nghẹn ngào khi kể lại vụ việc con gái mình bị xâm hại.
Theo trình bày của chị L., bé K. cho biết khi em đang ngủ ở nhà một mình thì ông B. nhắn tin vào số điện thoại của bà Q. (bà ngoại bé K., điện thoại do bé K. giữ) với nội dung: “Qua nhà chú có chuyện”. Khi bé K. qua nhà ông B. thì bị người hàng xóm này dẫn em vào trong phòng ngủ của ông, khóa cửa lại rồi thực hiện hành vi đồi bại với bé. Sau đó, ông B. tiếp tục lấy quyền “ông chú” để kêu bé K. làm việc này việc nọ rồi lợi dụng chỗ vắng người, nhà không có người lớn để thực hiện hành vi cầm thú với bé K. đến 8 lần. Bé K. kể với gia đình, có lần em nói với ông B. sẽ mách ngoại thì bị ông B. tát vào mặt và cảnh cáo, dọa không cho em tố cáo việc ông đã làm với bé.
Về phía gia đình nạn nhân, sau khi nghe bé K. kể lại việc bị ông B. xâm hại, cả gia đình chị L. hết sức bàng hoàng và đã làm đơn tố cáo ông B. đến cơ quan chức năng. Sau đó, cơ quan chức năng đã đưa bé K. đi giám định thì cho kết luận là màng trinh của bé bị rách.
“Theo kết quả giám định cho thấy, việc bé K. bị xâm hại là có thật. Tuy nhiên, không hiểu vì nguyên nhân nào mà ngày 6/12/2016, Công an tỉnh Cà Mau lại ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự” bà Q.- bà ngoại bé K. nói trong nước mắt.
Bà Q. (bà ngoại bé K.) cho rằng, có thể do biết được tin công an không khởi tố vụ án, nên bé K. mới uất ức tự tử.
Mẹ bé K. thông tin, mặc dù biết được kết quả không khởi tố vụ án hình sự nhưng gia đình đã cố giấu không cho bé K. biết. Gia đình quyết định giấu thông tin này để bé K. nuôi hy vọng thời gian sẽ làm em quên đi sự việc xảy đến với mình. “Có lúc nó hỏi tôi về việc ông B. được các chú xử đến đâu rồi, khi nào thì bắt ông. Tôi chỉ biết ôm con vào lòng rồi động viên con chờ đợi, nói với con là ông B. sắp bị bắt rồi. Lúc này, tôi vừa đau, vừa uất ức nhưng chỉ cố chịu vì không dám nói ra sự thật”, chị L. uất nghẹn.
Video đang HOT
Cũng theo chị L., mặc dù gia đình cố giấu nhưng không ngờ khi bé K. biết được sự thật, thì em đã uống thuốc tự tử.
Sáng ngày 10/2/2017, sau khi thức dậy, chị L. phát hiện bé K. nằm trên giường thều thào yếu ớt vì em đã gom hết một số thuốc tây để uống một lần. “Lúc đó, gia đình đã tức tốc đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu, nhưng rồi hôm sau thì cháu nó mất”, ông M.- cậu ruột bé K. kể.
Cũng theo trình bày của gia đình bé K., do quá phẫn uất trước cái chết của em, trong khi người bị tố xâm hại bé là ông B. vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, gia đình lại tiếp tục viết đơn khiếu nại, hy vọng một lần nữa công an vào cuộc điều tra để đòi lại sự công bằng cho em.
Đến ngày 29/3/2017, Công an tỉnh Cà Mau thông báo đã ra quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự ngày 6/12/2016 để tiếp tục điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật.
Làng quê xã Tân Lộc trở nên buồn bã từ khi xảy ra cái chết của bé gái 13 tuổi nghi bị một người hàng xóm xâm hại nhiều lần.
Liên quan đến vụ việc này, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM nhận định, dựa vào những chứng cứ như kết quả giám định pháp y màng trinh bé K. bị rách, bé K. lại nhớ và mô tả được những chi tiết đặc điểm riêng ở vùng kín của ông B., cũng như lúc bà Q. sang nhà ông B. thì thấy cháu mình đang ở trong buồng nhà ông này; đặc biệt là bức thư tuyệt mệnh cũng như cái chết tức tưởi của bé K. để chứng minh sự trong sạch của mình, đã cho thấy có những điểm bất thường trong vụ án cần được tiếp tục điều tra làm rõ.
Về phía gia đình bé K., khi hay thông tin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Công an Cà Mau điều tra, gia đình nạn nhân thấy rất hy vọng vì nghĩ sớm muộn thì công bằng cũng sẽ đến với gia đình, mà đặc biệt là để bé K. yên lòng ở thế giới bên kia. Gia đình hy vọng, cơ quan điều tra sẽ làm việc hết mình, không để gia đình nạn nhân thất vọng thêm lần nữa.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
H.H – T.T
Theo Dantri
Chậm giải quyết các vụ xâm hại trẻ em: "Cơ quan tố tụng ngại, hay có gì đó..."
"Tôi có cảm giác nhiều nơi cơ quan tố tụng có vẻ ngại hay có gì đó khi giải quyết những vụ xâm hại tình dục trẻ em. Có những vụ xử lý kéo dài, thậm chí khi các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước chỉ đạo thì việc giải quyết mới có chuyển biến" - TS Phạm Tất Thắng (ảnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói.
TS Phạm Tất Thắng
Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) mỗi năm trên cả nước xảy ra trên 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em, như vậy cứ 8 tiếng lại có một trẻ bị xâm hại, con số này cho thấy sự rất nhức nhối, thưa ông?
- Từ con số thống kê như vậy là có thể nói là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên số vụ phát hiện được thường sẽ ít hơn trong thực tế. Do truyền thống văn hóa phương Đông nên nhiều trường hợp gia đình nạn nhân, con em họ dù bị xâm hại tình dục nhưng lại giấu giếm sự việc. Để tránh làm to chuyện, sợ tai tiếng, nhiều trường hợp tự thỏa thuận, giải quyết với nhau, khiến cơ quan chức năng không rõ.
Nói như vậy để thấy trong thực tế số vụ việc có thể còn lớn hơn thống kê là hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em/năm. Con số như vậy là nghiêm trọng, đáng báo động.
Một phiên tòa do TAND tỉnh Nghệ An tổ chức với bị cáo bị truy tố tội "hiếp dâm trẻ em".
Ảnh: LÝ DƯƠNG
Pháp luật hình sự của chúng ta quy định hình phạt rất nghiêm khắc với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên thời gian qua có không ít vụ việc gia đình nạn nhân tố cáo thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhưng việc điều tra, xử lý lại kéo dài. Theo ông, tại sao lại có tình trạng như vậy?
- Đúng là trong xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có yếu tố khó. Theo quy định, khi xử lý tội phạm xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục với trẻ em nói riêng đòi hỏi phải có xác minh về mặt chứng cứ, kết quả giám định. Quá trình để xử lý cũng khá phức tạp như một chuyên gia nghiên cứu về tội phạm học ở Học viện Cảnh sát Nhân dân đã phân tích: Để xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cái khó nhất là tìm được chứng cứ trực tiếp, buộc tội được tội phạm. Theo nguyên tắc, chúng ta chỉ có thể buộc tội một con người khi có đủ chứng cứ pháp lý, chứng cứ khoa học.
Trong những vụ án xâm hại thì việc thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, bản thân các cháu còn rất nhỏ, không có kỹ năng để phát hiện, bảo vệ những chứng cứ mà kẻ phạm tội đã thực hiện. Thứ hai, người thân và cha mẹ của các em cũng không có biện pháp, cách thức để bảo vệ cũng như cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra. Ví dụ như một cháu bé bị hiếp dâm hay dâm ô chẳng hạn, nhưng khi về nhà bố mẹ tắm rửa làm một số dấu vết, chứng cứ bị mất đi, một vài ngày sau khi phát hiện mới tố cáo thì nhiều dấu vết, chứng cứ lúc này đã bị xóa.
Bên cạnh đó theo tôi, nhiều khi do gia đình nạn nhân có tâm lý e ngại, lảng tránh, giấu giếm, không tố cáo đối tượng vi phạm ra trước pháp luật. Có trường hợp thủ phạm sau khi có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, họ biết hành vi đó là vi phạm pháp luật, phải đối mặt với mức án tù rất cao họ đã chủ động thỏa thuận để đền bù, thậm chí dọa giẫm gia đình nạn nhân trong việc tố cáo.
Trong những vụ án xâm hại thì việc thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân các cháu còn rất nhỏ, không có kỹ năng để phát hiện, bảo vệ những chứng cứ mà kẻ phạm tội đã thực hiện. Người thân của các em cũng không có biện pháp, cách thức để bảo vệ cũng như cung cấp chứng cứ cho công an". TS PhạmTất Thắng
Tôi cũng có cảm giác những cơ quan tố tụng có vẻ cũng ngại hay có gì đó khi giải quyết những vụ xâm hại tình dục trẻ em. Có những vụ xử lý kéo dài, thậm chí khi các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước chỉ đạo việc giải quyết mới có chuyển biến. Nói tóm lại có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan từ hệ thống pháp luật của chúng ta, từ trình tự, thủ tục để xử lý có lẽ cũng phức tạp, chưa thực sự dễ khi triển khai. Trong quá trình xử lý cũng còn các yếu tố khác như mặt tâm lý, mặt xã hội...
Mới đây, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện đề án bố trí, nâng cao năng lực, ổn định đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương, đặc biệt ở cấp xã để đến năm 2020 tất cả các xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một người làm công tác bảo vệ trẻ em. Ông có đánh giá gì về mục tiêu của đề án này?
- Từ khi giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em và tổ chức lại bộ máy hành chính ở cấp cơ sở, hiện không còn cán bộ chuyên trách về vấn đề trẻ em. Không có cán bộ chuyên trách nên những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em hoặc ngược đãi trẻ em xảy ra ở cấp cơ sở đã không được lên tiếng, can thiệp và xử lý kịp thời. Tôi cho rằng, đề xuất cần có cán bộ phụ trách về bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở cấp cơ sở là cần thiết.
Tuy nhiên hiện nay chúng ta có chủ trương tinh giản biên chế, nếu chúng ta tăng về số lượng cán bộ thì khó. Có thể cần phải có cơ chế nào đó, ví dụ như có khoản kinh phí được phân bổ cho ngân sách các cấp cơ sở ổn định hàng năm để làm công tác này. Tiếp đó quy định cho một cán bộ nào đó ở cấp xã, phường kiêm nhiệm công tác này và hưởng phụ cấp...
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Cuồng ghen, xả dao điên loạn giết 'người trong mộng' Chỉ vì ghen tuông mù quáng, bị cáo đã ra tay hết sức tàn độc với "người trong mộng". Hồ sơ vụ án thể hiện, Nguyễn Đăng Thành sinh năm 1981, quê ở huyện An Nhơn, Bình Định từ nhỏ tới lớn rất thông minh, học giỏi. Năm 1999, Thành thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Sau...