Nỗi đau ở xóm mồ côi
Nhiều năm nay, người ta thường gọi thôn này bằng những cái tên như “ xóm góa chồng”, “làng góa bụa”, “ xóm mồ côi”…
Xã Hải Thái là nơi cư trú chủ yếu của những người dân di cư lên phát triển kinh tế mới đến từ các huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh và một số tỉnh ở miền Bắc từ ngày mới thành lập.
Đất đai nơi này cằn cỗi, hoang vu, ít ruộng nên người dân chỉ dựa vào nghề đi rừng và nghề rà phế liệu chiến tranh tại các khu vực còn sót nhiều bom đạn như đồi Cồn Tiên, đồi C2, trại ông Cơ, đồi Khe Me…
Ký ức kinh hoàng
Thôn 6, xã Hải Thái nép mình trong những vườn cao su yên bình. Giấu mình trong vẻ thanh bình ấy nên ít ai biết được ngôi làng này đã có hàng chục người chết vì nghề rà phá bom mìn.
Những người may mắn hơn cũng bị thương tật vĩnh viễn vì cái nghiệp mưu sinh nghiệt ngã này. Những tiếng bom khô đanh như những nhát cứa đau đớn vẫn còn hằn sâu trong ký ức hãi hùng của dân làng đến tận ngày nay.
Bà Tạ Thị Thảnh, ở thôn 6, bồng cháu nội trên tay, nhớ lại: Những năm đầu thập kỷ 90, khi cây cao su, những mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng còn mới lạ và chưa thực sự mang lại của cải cho người dân nơi đây thì những mảnh phế liệu chiến tranh, bom đạn, nguồn thuốc nổ… lại có sức hút mãnh liệt đối với thanh niên trong thôn vì những thứ này có thể bán đổi gạo ngay để sống qua ngày.
Bà Thảnh tâm sự: “Biết là nguy hiểm nhưng hồi đó vì không có nghề ngỗng gì lại túng thiếu nên người làng tui cũng chỉ biết liều mình vác máy rà vào rừng tìm cái ăn chứ ở nhà thì chỉ có đói thôi. Nhưng cũng hãi hùng lắm, lâu lâu nghe bom nổ là vợ con ở nhà nóng cả ruột gan”.
Ông Nguyễn Nam Phúc, chồng bà Thảnh, rời quê xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh chuyển vào thôn 6, xã Hải Thái sinh sống từ hồi mới giải phóng.
Cứ tưởng vào mảnh đất mới, gia đình bà sẽ tạo lập được cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng với 3 sào ruộng nước bạc màu phải nuôi đàn con 7 đứa nên chồng và con trai bà cố sắm chiếc máy rà phế liệu theo người làng vào rừng rà bom mìn, lấy thuốc nổ bán nuôi gia đình.
Căn nhà tạm bợ, dột nát của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Hương
Bà Thảnh không thể quên được buổi trưa hè nghiệt ngã năm 1991. Khi đang ngồi cưa quả bom lớn để lấy thuốc nổ trước nhà thì bất ngờ quả bom phát nổ long trời hất tung ông Phúc và người con trai Nguyễn Viết Trường (lúc bấy giờ mới 16 tuổi).
Lúc hàng xóm chạy đến thì chỉ thấy bà Thảnh đang cố lê lết nhặt từng mảnh cơ thể của hai cha con lẫn lộn với đất cát vừa than khóc thảm thiết.
Video đang HOT
Cũng vào năm đó tại khu vực trại Ông Cơ xảy ra vụ nổ bom kinh hoàng cùng lúc cướp đi sinh mạng của 3 người con ruột và 2 người cháu của đình ông Nguyễn Văn Bình khi họ đang cố gỡ một quả bom để lấy lõi đồng và thuốc nổ.
Không lâu sau vụ tai nạn tang thương đó, vào ngày 7-2-1991, cũng tại khu vực này, 2 người con trai của ông Nguyễn Vật ở thôn 6 cũng đã chết do đạn phát nổ khi đào bới tìm phế liệu.
Bom nổ chết người liên tục nên người dân nơi đây cho biết những năm đó hễ nghe có tiếng bom nổ là y như rằng hôm sau trong làng lại có đám tang. Những trái bom mìn còn sót lại ấy đã cướp biết bao sinh mạng của người nơi đây và để lại trong làng những ngôi nhà trống vắng đàn ông.
Nỗi đau người ở lại
Căn nhà của chị Nguyễn Thị Hương, 36 tuổi, ở thôn 6, nằm ngay trục đường trung tâm xã. Nhà tường cót, mái ngói tạm bợ, dột tứ tung. Chị Hương cho biết từ ngày chồng mất, ngôi nhà của chị càng trở nên lạnh lẽo vì thiếu bàn tay chăm sóc của người đàn ông.
Gợi lại chuyện cũ, đôi mắt chị Hương chợt đỏ hoe: “Hai vợ chồng mới cưới và bén hơi nhau chưa tròn 5 tháng thì anh ấy bỏ mẹ con tui ra đi. Lúc cưới nhau là tui có thai luôn, lúc cha mất thì con bé vẫn chưa kịp chào đời”.
Con gái chị- Trần Thị Mỹ Hòa-hiện đang học lớp 8. Chị Hương tâm sự: “Cũng may mà kịp có con bé chứ nếu không chắc tui không sống được đến chừ. Lúc đó, tui còn trẻ, nhiều người bảo hay là đi bước nữa để chăm lo cho hai mẹ con tốt hơn. Tui cũng suy nghĩ dữ lắm nhưng rồi lại thôi. Nếu gặp người đàn ông tốt thì mình hạnh phúc nhưng nếu không may gặp người chồng rượu chè, vũ phu thì cuộc sống của hai mẹ con sẽ càng khổ hơn “.
Sau hơn ba năm ở bên nhà nội thờ chồng, năm 2001, chị ra riêng, làm căn nhà nhỏ để buôn bán hàng tạp hóa lặt vặt sống qua ngày.
Nhưng do vốn ít, làm ăn khó khăn nên một thời gian sau, chị nghỉ bán chuyển sang đi cạo mủ cao su thuê hoặc làm mướn cho người dân trong vùng. Cuộc sống của hai mẹ con giờ phụ thuộc vào những đồng tiền còm cõi thất thường của chị.
Chồng chết cũng đã để lại cho bà Thảnh một đàn con nheo nhóc. Đến giờ 2 con trai bà đã lập gia đình nhưng cuộc sống cũng bấp bênh.
Em Nguyễn Thị Ái Vy, 16 tuổi, hiện đang học lớp 10, có lẽ là người may mắn hơn cả khi được mẹ nuôi học đến cấp 3. Vy bảo cố gắng học giỏi đậu đại học để kiếm một nghề nghiệp ổn định để sau này bù đắp cho mẹ phần nào nhưng nhà nghèo quá nên chưa biết tính sao.
Chị Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, cho biết: Hầu hết những chị em có chồng chết do bom mìn đều ở vậy nuôi con nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Nhằm giúp đỡ những gia đình này cải thiện đời sống, thông qua nhiều kênh khác nhau đã hỗ trợ cho họ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Hội Phụ nữ xã cũng tích cực vận động các gia đình có đời sống kinh tế khá giả trong thôn, xã đỡ đầu những gia đình phụ nữ nghèo bằng các hình thức như giúp ngày công, cây, con giống cũng như tạo điều kiện cho chị em vay không tính lãi suất vốn từ nguồn tiết kiệm tín dụng của xã để chị em có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ những năm 1980 đến 2002, số người chết do làm nghề rà phá phế liệu chiến tranh, cưa bom lấy thuốc nổ hoặc vướng phải bom mìn trong lúc sản xuất ở xã Hải Thái là 53 người (của 31 hộ gia đình). Đa số những nạn nhân xấu số trên là trụ cột của gia đình. Trong đó riêng thôn 6 đã có đến 25/98 hộ gia đình có người tử vong vì bom mìn.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Lão nông tàn tật trở thành tỉ phú
Cuộc sống của chàng trai trẻ tưởng chừng như đã mất tất cả khi bom mìn làm đứt hai cánh tay, một chân và khiến mắt phải bị mù. Nhưng khát khao sống để có ích đã khiến ông làm được những điều thần kỳ.
Ngược dòng sông Hương chúng tôi đến với thôn Tân Ba, xã Thủy Bằng, huyện Thủy Thanh (Thừa Thiên-Huế), một vùng đất ngày xưa được biết đến với cái tên khiến ai cũng phải rợn da gà - "vùng đất máu". Nơi đây là trận địa ác liệt với những bãi bom bãi mìn còn dày đặc. "Và cũng chính mảnh đất này đã cướp đi của tui hai cánh tay, một chân, chân còn lại thương tật vĩnh viễn và đầy rẫy những vết sẹo nham nhở trên người..." - ông Lê Tân tâm sự.
Dẫn thân vào "vùng đất máu"
Trong bộ đồ xộc xệch, trời mưa cũng như nắng, ông Lê Tân luôn cùng vợ đi làm rẫy và chăm sóc đàn heo nái của mình. Dù thân hình không toàn vẹn nhưng năng suất làm việc của ông thật đáng ngạc nhiên. Phát rẫy, xốc từng khúc gỗ to lên vai, ông làm việc miệt mài, nhanh và dường như khỏe hơn người bình thường.
Lúc rời mảnh đất quê hương Triệu Phong, Quảng Trị để tìm cho mình một điểm tựa mới, ông và gia đình đã đi nhiều nơi. Nhưng rồi cơ duyên đã khiến ông ở lại mảnh đất này. "Nơi đây mặc dù hẻo lánh nhưng có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, nuôi sống bố mẹ và sau này có gia đình mình cũng đỡ vất vả..." - ông Lê Tân kể về ước mơ của mình ở tuổi 22, lúc quyết định lập nghiệp nơi đây.
Cũng từ đó ông dốc tuổi trẻ của mình để cải tạo lại nơi đây. Bằng việc chăn nuôi và trồng cây ăn quả để ban đầu tự cung tự cấp cho cả gia đình và nuôi khát vọng đổi đời.
Nhưng mọi hy vọng bị dập tắt khi một chiều đang hì hục đào đất để trồng cây, một quả đạn M79 dưới lòng đất phát nổ khiến ông gục ngay tại chỗ. "Lúc tui tỉnh dậy thì thấy trên người băng bó khắp nơi, toàn thân đau rát như có ai đang xát muối vào thịt mình. Ráng mãi tui mới mở được một con mắt trái thì nhìn thấy bố mẹ đang khóc, tui nghĩ chắc bố mẹ mừng quá vì tui đang còn sống. Ai ngờ lúc đưa hai cánh tay lên thấy không còn, chân phải cũng không còn, chân trái thương tật vĩnh viễn, một mắt bị mù tui mới hiểu...!" - ông Lê Tân nhìn vào cánh tay bị cụt ngắn ngủn, buồn bã kể. "Tui nghĩ chắc cuộc đời mình không còn gì nữa, tuyệt vọng tận cùng. Nhiều khi nghĩ quẩn tui muốn chết đi, chứ sống thế này thì có khác gì người đã chết...
Lúc rời bệnh viện về nhà tui luôn ngồi một chỗ, chẳng biết phải làm gì để sống tiếp, bố mẹ thì đã già, vợ con thì chưa có. Nếu ngồi một chỗ thế này mai sau không biết lấy gì mà ăn. Cứ nghĩ vậy mà tui quyết làm việc, quyết tâm sống và phải sống có ích..." - ông Lê Tân trải lòng.
Mạnh hơn cái chết
Cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, bóng ma tàn tật và đói nghèo cứ bủa vây. "Tiền bố mẹ vay chữa trị cho tui, rồi thêm từ lúc tui bị tàn tật miếng ăn hằng ngày trở nên khó khăn vì bố mẹ đã già. Nhiều lúc nằm lo nghĩ mà nước mắt cứ chảy tràn, cảm giác như mình không bao giờ đứng lên được. Nhưng nhờ vào lời khuyên của bố. "Con vẫn còn một chân và điều quý giá hơn là con còn sống, vậy là con hạnh phúc hơn nhiều người...". Cũng từ ấy ước mơ làm một việc gì đó có thể nuôi sống mình lại sáng lên" - ông Tân kể.
Những lúc rảnh rỗi ông lại uốn cây cảnh trong vườn
Ông bắt đầu tập làm việc như một đứa trẻ lên ba, cố vận động những đoạn tay còn lại của mình bằng cách tập cầm dao rựa để phát nương rẫy, tập viết. "Lúc đầu những việc làm đó thật khó khăn, tập mãi mà không cầm được dao, không viết được chữ cũng nản lắm...! Nhưng những lúc đó mình lại tự ép bản thân phải quyết tâm hơn để sau này còn kiếm được cái mà ăn. Chẳng ai nuôi mình được cả đời..." - ông kể.
Những hình ảnh cần mẫn ấy đã đến tai nhiều cô gái trong vùng. "Khi ông Tân đến nhà hỏi tui về làm vợ, tui đồng ý ngay khiến những người trong gia đình sửng sốt, không ít câu hỏi được đưa ra cho tui. Nhưng tui chỉ trả lời: "Dù anh ấy tàn tật nhưng tui yêu ảnh ở tâm hồn của ảnh..." - bà Ngô Thị Gốc, vợ ông Tân kể lại những ngày tháng hạnh phúc của mình.
Rồi ông lập gia đình, gánh nặng về cơm áo lại đè lên. Và một sáng kiến làm ăn lại lóe trong đầu khi nhiều lần nhìn người ở các thôn đi trồng rừng trong các vùng đất trống đồi trọc đã khiến ông nảy ra ý tưởng làm vườn ươm cây giống để bán cho bà con. Vì nhu cầu cây giống rất lớn, nếu làm hiệu quả thì sẽ đưa lại lợi nhuận cao. Ông bàn chuyện làm ăn với vợ nhưng không được ủng hộ. Vì kỹ thuật ươm cây giống thì ông không hề biết, vườn ươm cây giống thì rất xa, phương tiện vận chuyển khó khăn. Nhưng rồi ông cũng quyết tâm làm, bằng cách tự mày mò học tập kinh nghiệm...
Năm đầu tiên đã cho thấy kết quả hơn 6 vạn cây giống phát triển tốt, thu lãi trên 20 triệu đồng trừ chi phí. "Đó là khoản tiền quý giá giúp cả gia đình tui vừa có cái ăn vừa nuôi con học hành trong những năm tháng ấy..." - ông Tân nhớ lại.
Trở thành tỉ phú
Căn nhà ông Tân nổi trội nhất trong vùng. Trước nhà là hàng trăm gốc cây sanh cảnh với một không gian giải trí không khác gì cuộc sống vương giả của các đại gia thành phố.
Dù bị khuyết tật nhưng ông Lê Tân đã quy phục hàng chục hecta rừng, đem lại thu nhập cao cho gia đình
Tất cả là nhờ vào nỗ lực quyết tâm "đứng dậy ngay chính mảnh đất mà mình đã gục ngã". Ông nhìn vào cánh rừng bạt ngàn keo tràm rồi tâm sự: "Ngày trước đây là vùng hoang vu. Để có được những bãi tràm như ngày hôm nay tui phải mất gần chục năm để cải tạo, phát rẫy, đào hố... Không kể trời mưa hay nắng, cứ lúc nào trời rạng sáng là ăn vội miếng cơm vợ nấu rồi xách dao, rựa đi làm rẫy, mặc cho bên dưới lòng đất vẫn còn bao nhiêu bom mìn".
"Bản thân tôi là một người bình thường cũng không làm được như ông Tân. Mọi người ở đây ai cũng phục nghị lực và cách làm kinh tế của ông. Đặc biệt ông còn là người đầu tiên ươm, nhân giống keo lai ở đây..." - ông Lê Nhân, trưởng thôn Tân Ba, nói.
Lúc đầu ông chỉ trồng khoảng 5 ha. Năm 1997, ông tiếp tục dùng khoản tiền từ ươm giống cây, trại heo đấu thầu đất thuê thêm công nhân cùng lao động trong gia đình mở rộng diện tích rừng. Đến nay gia đình ông đã có hơn 10 ha rừng mỗi năm cho thu nhập gần 50 triệu đồng từ trồng rừng.
Nhờ vào khoản tiền thu nhập hằng năm của gia đình, ông đã đầu tư cho bốn người con của mình đi học nghề lái xe. Đồng thời mạnh dạn vay thêm ngân hàng mua cho bốn đứa con, đứa thì máy xúc, đứa máy ủi để đi làm ăn....
Giờ đây ông được người dân biết đến với cái tên đầy trìu mến - "lão nông triệu đô", người đi đầu trong việc đổi mới và phát triển kinh tế.
Ông luôn nhắc những người cùng cảnh ngộ rằng: "Muốn thay đổi số phận của mình không có cách nào khác là phải tự mình vượt lên số phận. Hãy sống lạc quan và làm một việc gì đó trước tiên là có ích cho bản thân mình, giảm bớt gánh nặng cho xã hội...!".
Theo Pháp luật TP HCM
Phát hiện trái bom nặng hơn nửa tấn Quả bom nặng hơn 500 kg vừa được trục vớt và tháo gỡ thành công sau hơn 40 năm nằm giữa khu dân cư. Ngày 8-3, đội rà soát bom mìn thuộc công ty TNHH một thành viên xây dựng Lũng Lô (Bộ Tư lệnh công binh - Bộ Quốc phòng) đã trục vớt, xử lý tháo ngòi nổ, vô hiệu hóa thành...