Nỗi đau người gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3 ngày trước khi mất
Ngồi bên bàn máy tính, ông Hồng lặng mở từng tấm ảnh về Đại tướng trong “gia sản” khoảng 2000 bức ảnh về Đại tướng của mình với đôi mắt buồn bã…
Thông tin vào hồi 18h ngày 04/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam – đã từ trần tại Bệnh viện 108, hưởng thọ 103 tuổi đã khiến người người nghe tin đều đau buồn.
Với người tiếp xúc nhiều với Đại tướng Võ Nguyên Giáp như Đại tá, Nhà báo Trần Hồng – người chuyên chụp ảnh cho Đại tướng từ năm 1994 thì tin này càng khiến ông hụt hẫng.
Ngay sau khi nhận được tin về Đại tướng, chúng tôi đã tìm đến gác 2 của căn nhà số 3 Đường Thành (Hà Nội) – ngôi nhà của hai vợ chồng Đại tá Trần Hồng đang ở.
Nhà gần đường sắt nên tiếng chuyển động của những chuyến tàu hoả đã trở nên quen thuộc. Nhưng hôm nay, với nhà báo Trần Hồng, những tiếng xịch xịch nặng nề, còi hú vang xa như càng khiến ông thêm trống rỗng hơn bởi vừa nhận được tin người ông luôn luôn kính trọng và yêu quý từ trần.
Ngồi bên bàn máy tính, ông Hồng lặng mở từng tấm ảnh về Đại tướng trong “gia sản” khoảng 2000 bức ảnh về Võ tướng của mình với đôi mắt buồn bã. Ông mời vị khách “không đúng lúc” ngồi vào chiếc ghế đơn. Tôi quan sát, bên cạnh là chiếc ghế đôi để đầy những tấm ảnh về Đại tướng được dán trên giấy. Đại tá Hồng chưa dứt được dòng suy nghĩ của mình với những tấm hình trong máy tính.
Nhà báo Trần Hồng chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngồi chờ, chúng tôi có dịp ngắm kỹ hơn những bức ảnh của ông chụp vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong căn phòng khách rộng hơn chục mét vuông, bút tích và bức hình ông chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt ở vị trí trang trọng nhất.
Video đang HOT
Trên giá sách, cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – những khoảnh khắc bình dị” với bìa sách in hình Đại tướng đang chơi piano dường như đã được cố tình đặt ở vị trí dễ thấy nhất.
Sau rất nhiều lần nghe điện thoại của những người quen nói về thông tin Đại tướng qua đời, nhà báo Trần Hồng chia sẻ: “Nghe tin về Đại tướng mà tôi thấy hẫng và chới với quá. Từ lúc ăn cơm tối nhận được tin đến giờ chẳng biết làm gì. Có một số báo nhờ tôi viết một vài dòng nhưng tôi cũng không còn tâm trí để viết nữa”.
Là nhà báo vốn tính khiêm tốn, dù biết thông tin Đại tướng qua đời từ một người quen bên cạnh Đại tướng sớm nhưng ông luôn trả lời các cuộc điện thoại hỏi thăm rằng cũng mới chỉ nghe thông tin như vậy. Ông cho rằng ông không có tư cách gì để thông báo chính thức tin này mà “thẩm quyền” đó thuộc về nhà nước. Với những gì đã làm nên tên tuổi của vị Đại tướng lừng danh này, đó thực sự là thông tin mang tầm cỡ quốc tế.
Ngồi lặng buồn kể về những ngày tháng chụp ảnh cho Đại tướng, nhà báo Trần Hồng nói: “Tôi vốn thích chụp ảnh chân dung, khi thực hiện bộ ảnh về người mẹ, tôi đã nảy ra ý định chụp ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dù có ý định này từ năm 1973 nhưng vì tự ti và sợ nên tôi đã không dám nói với Đại tướng. Mãi đến năm 1994, tôi mới đem chuyện này ra nói với anh Nguyễn Huyên (Đại tá Nguyễn Huyên – Trợ lý Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thì anh Huyên không đồng ý. Tuy nhiên, khi đề nghị này được chuyển tới Đại tướng, Đại tướng đã đồng ý luôn và cho phép tôi vào chụp Đại tướng bất cứ lúc nào…”.
“Trước đây, khi vào thăm, Đại tướng cầm tay tôi nhưng gần đây sức khoẻ của Đại tướng đã giảm sút. Cách đây 3 ngày, tôi có vào thăm Đại tướng và thấy Đại tướng có vẻ mệt hơn”, Đại tá Trần Hồng kể.
Đang ngồi nói chuyện về Đại tướng, ông bỗng rủ tôi đi dạo quanh phố bằng xe máy. Tiết trời cuối Thu se lạnh, những dòng người vội vã quanh Bờ Hồ vẫn tấp nập, như “vô tình” với một thông tin tựa sét đánh bởi cách đó ít phút, tin về Đại tướng mới được đăng tải. Chiếc xe của phóng viên trẻ chở nhà báo lão thành như trở nên lạc lõng trong dòng người ấy.
Qua những câu chuyện của nhà báo Trần Hồng, hình ảnh Đại tướng hiện về không chỉ với tư cách của một vị Tổng tư lệnh gần gũi nhân dân mà đó còn là một nhà báo lớn. Buổi đi dạo kết thúc với những bài học sâu sắc cho những người cầm bút nhất là những phóng viên trẻ.
Một chuyến tàu khác lại lăn bánh qua. Càng đi xa, tiếng tàu càng nhỏ dần như cố kéo thời gian trôi đi xa mãi cùng với sự tiếc nuối vô hạn về một vị Đại tướng kiệt xuất của dân tộc vừa tạ thế.
Theo Trí Thức Trẻ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tràn ngập mạng xã hội
Biết Đại tướng đã đến tuổi "có thể ra đi bất cứ lúc nào", nhiều người vẫn ngỡ ngàng với tin ông mất. Những dòng chia sẻ tiếc thương lan trên mạng xã hội suốt đêm 4/10, không ít người tưởng nhớ bằng cách dùng ảnh ông làm hình đại diện.
"Người của quá khứ đã ra đi... Vĩnh biệt một con người vĩ đại", Nam Hà chia sẻ trên trang cá nhân. Nam Hà, phóng viên của một kênh truyền hình quân đội, bày tỏ sự ngỡ ngàng và tiếc thương khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Làm việc trong quân đội, Hà coi Đại tướng như cấp trên, người ông vĩ đại. Anh bộc bạch, khi biết tin buồn, Hà cảm giác giống như mất đi một người thân trong gia đình.
Status tiếc thương của một bạn trẻ trên Facebook.
Không chỉ Hà, nhiều bạn trẻ khác cũng tỏ lòng thành kính, nghiêng mình trước sự ra đi của vị Đại tướng vĩ đại. Nhiều người không tin ông đã mất, liên tục hỏi nhau trên Facebook hoặc đăng tải nhiều status có phần hoài nghi, với hy vọng đó không phải là sự thật.
Nhiều người vẫn hy vọng Đại tướng vẫn khỏe mạnh.
Khoảng 18h, khi chưa đưa tin chính thức, nickname Gió Hoang đã đăng stutus: "Có phải mọi người nói Ông đã đi rồi không? Có người nói Ông yếu rồi, nhưng mình tin Ông sẽ mau khỏe lại thôi. Vẫn chưa có tin chính xác mà. Đợi thông tin xem sao. Hy vọng chỉ là nghi ngờ...". Chia sẻ với nickname này, nhiều người cũng mong sự ra đi này không phải sự thật hoặc chưa biết sự việc xảy ra.
Với nhiều bạn trẻ, dù chưa một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng luôn coi ông như một người thân trong gia đình, một người ông lớn và sự hiện diện của ông giống như sự cổ vũ về tinh thần.
Tới 21h, khắp các trang Facebook cá nhân, nhiều bạn trẻ cũng thay hình đại diện bằng ảnh Đại tướng để thể hiện sự kính trọng và luôn nhớ tới vị tướng lĩnh vĩ đại.
Một bạn trẻ thay hình ảnh đại diện bằng ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nickname Amy Đặng chia sẻ: "'Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!'. Tối thứ sáu, đọc được những dòng này mà thấy như lửa rừng rực cháy trong tim. Nhưng người nói những câu này đã không còn nữa. Chia sẻ nỗi buồn với cả đất nước...".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vào 18h9 phút chiều 4/10, tại bệnh viện 108 nơi ông nằm điều trị từ năm 2009. Cuối tháng 8, Đại tướng mới bước qua tuổi 103. Sinh ngày 25/8/1911 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn là một thầy giáo dạy sử đã trở thành "người anh cả" của lực lượng vũ trang Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự trong nước và thế giới đều đánh giá Đại tướng là người toàn tài kể cả trong thời chiến lẫn thời bình. Ông đặc biệt được người dân Việt Nam nhiều thế hệ yêu mến, kính trọng bởi tài năng cũng như sự gần gũi, bình dị trong cuộc sống.
Trong Bách khoa toàn thư Mỹ và nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.
Linh Phạm
Theo VNE
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời tại Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108 vào lúc 18 giờ chiều ngày 4 tháng 10 năm 2013 hưởng thọ 103 tuổi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền...