Nỗi đau mang tên lá ngón
Trong vòng 4 năm, bà Hồ Thị Ne (1959, trú nóc Măng Lưng, xã Trà Cang, H. Nam Trà My, Quảng Nam) mất đi 4 người con. Trong đó 3 người chết do ăn lá ngón, 1 người chết do treo cổ tự vẫn. Những cái “chết xấu” và nỗi đau mang tên lá ngón hầu như năm nào cũng xảy ra tại ngôi nóc nằm lưng chừng đỉnh Ngọc Linh này.
Bà Hồ Thị Ne bên 2 đứa con vợ chồng anh Hồ Văn Hai.
Những ngày qua, nóc Măng Lưng lại một lần nữa rơi vào u ám, đau thương khi phải chứng kiến cảnh vợ chồng anh Hồ Văn Hai (1985) cùng vợ là chị Hồ Thị Thiêng (1982) vừa tử vong vì cái “chết xấu”. “Tôi không nhớ rõ ngày nào, nhưng cách đây khoảng 20 ngày, vào chiều hôm đó, mọi người phát hiện Thiêng nằm chết trong nhà. Nó chết một cách bình thản, không lời trăn trối. Tội nghiệp nó, từ khi chồng treo cổ tự vẫn cách đây không lâu, nó trở nên ít nói, lầm lũi làm việc để nuôi 3 đứa con nhỏ. Vậy mà…” – bà Hồ Thị Sương, nhà kế bên cho biết.
Thấy chúng tôi đến, bà Hồ Thị Ne vội chạy lên rẫy gọi 2 đứa con của vợ chồng anh Hai về. Bởi từ khi mẹ chúng chết, ngôi nhà cha mẹ để lại chúng không dám ở. Chúng lên ở trên chiếc chòi canh nhỏ trên nương. Hái rau rừng, uống nước suối sống qua ngày. Rẫy cũng cách nhà tầm 2km, thế nhưng nhanh như con sóc, khoảng 15 phút sau, bà Ne cùng 2 đứa cháu mồ hôi nhễ nhại trở về gặp chúng tôi. Trên tay đứa nhỏ ôm chặt lấy đùm ổi như một món quà rất quý từ thiên nhiên ban tặng. “Đây, hai đứa con của vợ chồng Hai đây. Còn đứa lớn học xong lớp 9 nó vào Lâm Đồng lao động nhiều tháng qua. Hay tin mẹ mất nhưng nó vẫn chưa về được. Hai đứa nhỏ này tên Hồ Văn Du (10 tuổi) và Hồ Thị Gái (7 tuổi)” – bà Né vừa lau những giọt mồ hôi hòa lẫn với nước mắt trên khuôn mặt chai sạm cho chúng tôi biết.
Hai đứa con vợ chồng anh Hai trở về từ trên rẫy.
Video đang HOT
Rồi bà chậm rãi kể đứt quãng về nỗi đau mà gia đình bà đã trải qua trong những năm gần đây: Cũng vào tầm tháng này cách đây 4 năm, Hồ Văn Thiên (em trai Hai) cùng vợ là Hồ Thị Thôi ăn lá ngón chết. Không ai hiểu nguyên nhân vì sao họ hái lá ngón ăn để chết. Ai cũng thương cho đôi vợ chồng trẻ xấu số. Nhưng họ càng thương hơn khi vợ chồng anh Thiên chết đi để lại 4 trẻ nhỏ. Lúc đó đứa lớn nhất là Hồ Thị Vong mới (10 tuổi), Hồ Văn Võ (8 tuổi), Hồ Văn Vương (6 tuổi) và Hồ Thị Vân (3 tuổi). “Con dại, cái mang”, nỗi đau đó khiến vợ chồng bà Ne phải gánh lấy.
Cuộc sống của người dân nơi đây bữa no, bữa đói, nhưng vì thương các cháu nhỏ dại đã phải mồ côi nên vợ chồng bà Ne tuy lớn tuổi cũng phải lên nương rẫy lao động kiếm thêm củ sắn, trái bắp lo cho các cháu. Từ sự mất mát đó, nhờ những nhà hảo tâm biết đến nên mỗi người góp chút ít để giúp vợ chồng bà Ne vượt qua đau thương, có thêm nguồn kinh phí lo cho 4 cháu. Song, nỗi đau đó chưa vơi thì nay vợ chồng bà Ne tiếp tục đón nhận thêm 3 đứa cháu nhỏ từ cái chết của vợ chồng Hai. “Chúng tôi đã già yếu lắm rồi. Những ngày qua cái ăn không có. Ai thương cho cái gì thì ăn cái nấy. Không biết sắp tới bọn chúng thế nào” – bà Ne ngậm ngùi.
Từ khi vợ chồng anh Hai mất, ngôi nhà này sẽ phải đốt.
Tâm sự thêm với chúng tôi về nỗi đau lá ngón, bà Hồ Thị Sương cũng không nhớ được hết những năm gần đây trong nóc này có bao nhiêu người tự vẫn vì lá ngón. Suy nghĩ một lúc, bà Sương nêu ra những cái tên của những người xấu số: “Hồ Thị Diên, Hồ Thị Thương, Hồ Văn Lập… ôi nhiều lắm, mình không nhớ hết được. Cũng có đến gần 10 người ăn lá ngón chết rồi” – bà Sương nói.
Điều đáng nói, theo quan niệm của người dân nơi đây, cái chết do ăn lá ngón hoặc treo cổ là những cái “chết xấu”. Trường hợp vợ chồng anh Hai cũng thế, do vậy ngôi nhà của vợ chồng họ không thể ở được nữa và phải đốt đi để đuổi “con ma”. “Cũng như lần trước, nhà của vợ chồng Thiên đã đốt nên giờ ngôi nhà này cũng phải đốt. Người lớn, trẻ nhỏ không ai dám bước vào bên trong ngôi nhà. Ngôi nhà này giờ không ai có thể ở được nữa. Hai người trong ngôi nhà này đã chết không rõ nguyên nhân – ai không sợ. Sắp tới chúng tôi phải đốt ngôi nhà để đuổi con ma đi” – già làng Hồ Văn Lâm nói.
Trước lúc chúng tôi xuống nóc trở về, bà Ne vội đóng cánh cửa ngôi nhà của vợ chồng anh Hai lại. Bà lủi thủi quay lưng dẫn 6 đứa cháu mồ côi bước đi những bước nặng nề về phía cuối ngôi làng – nơi có mái nhà lợp bằng phên nứa của vợ chồng bà cũng đã mục nát lắm rồi…
TRẦN TÂN – LÊ VƯƠNG
Theo cand.com.vn
Củ sâm Ngọc Linh nặng 800g được trả giá 400 triệu đồng
Trong lúc đi rừng, một nhóm người dân ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đào được cây sâm Ngọc Linh tự nhiên trên 70 năm tuổi, nặng 8 lạng. Hiện đã có nhiều người trả với giá gần 400 triệu đồng.
Ngày 25-2, chị Nguyễn Thị Hồng Thương (trú thôn 3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) cho biết, hiện chị Thương đang bảo quản cây sâm Ngọc Linh tự nhiên mà một nhóm người đồng bào Xê Đăng ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My đào được trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018.
Trước đó, ngày 13-2 (nhằm ngày 28 tháng chạp, năm Đinh Dậu), anh Hồ Văn Giới cùng một số người đồng bào Xê Đăng ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) vào rừng đặt bẫy thú.
Khi đi qua cánh rừng nguyên sinh trên đỉnh Ngọc Linh, nhóm người này phát hiện cây sâm Ngọc Linh mọc trên gốc cây dương xỉ, rễ đeo bám khắp củ sâm nên phải mất nhiều giờ mới đào lấy được cây sâm Ngọc Linh tự nhiên này. Sau khi mang củ sâm về, nhóm người này đã bán lại cho chị Thương.
Củ sâm Ngọc Linh sau khi gỡ bỏ hết lớp đất, nặng 8 lạng.
Theo quan sát, củ sâm có chiều dài hơn một chiếc đũa, có 6 nhánh, phần cũ và thân dài gần 1m. Sau khi gỡ bỏ lớp đất, củ sâm nặng 8 lạng. Nhiều người cho rằng củ sâm trên đã trên 70 năm tuổi. Chị Thương cho hay, hiện đã có người trả giá gần 400 triệu nhưng chị chưa bán.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My xác nhận, củ sâm này do người dân xã Trà Linh đào được trên địa bàn.
Tháng 9-2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 hecta, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2017, Thủ tướng phê duyệt sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) là sản phẩm quốc gia.
Theo Hà Vy
(Báo Công an Nhân dân)
Bỏ lá ngón đầu độc chồng: Sợ bị bỏ, chia ít tiền? Người vợ cho rằng đầu độc chồng vì gần đây chồng hay nói sẽ bỏ mình và sẽ chỉ chia cho 1 ít tài sản vì không sinh được con. Người phụ nữ đó là Bùi Thị Hoa (sinh năm 1983, trú tại ấp 5, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) hiện đang bị cơ quan chức năng tạm giữ...