Nỗi đau hàm oan vụ án ‘bộ xương người trong ống cống’
Phút chứng kiến hình ảnh bộ xướng người trong cống, cuộc đời của họ thay đổi. Đến nay, vụ án đã được làm sáng tỏ, nhưng họ vẫn chưa được nhận một lời xin lỗi công khai.
Năm 2004, vụ án “ bộ xương người trong ống cống” được phát hiện ở Quảng Nam đã làm chấn động dư luận miền Trung. Phải trải qua ba lần xét xử, cuối cùng Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng mới quyết định được bản án, một đối tượng gây án phải lãnh 8 năm tù giam về tội “giết người”.
Còn 2 anh Ngô Hoàng Trung (1986) và Nguyễn Hoàng Linh Phương (1970, cùng trú thôn 3, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, Quảng Nam)- “đồng phạm” bị truy tố oan về tội “gây rối trật tự công cộng” và “không tố giác tội phạm” cuối cùng cũng được trả tự do. Thế nhưng, thời gian trôi qua hơn 5 năm, trường hợp oan sai trong vụ án này, đến nay mới được thực hiện các chính sách đền bù…
Vụ án qua 3 lần xét xử mới định được tội
2 thanh niên Phương, Trung bị kết tội oan bắt nguồn vào buổi chiều tối định mệnh giữa tháng 9/2004. Chiều đó, khi một nhóm thanh niên ở thôn 3, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, Quảng Nam đến cống ngầm dưới kênh thủy lợi N22 (gần QL1A, thuộc xã Bình Trung) tát cá.
Lúc mực nước cạn, họ bủn rủn tay chân khi phát hiện trong ống cống là một bộ xương người. Nhận được tin báo, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với công an huyện, xã Bình Trung đến bảo vệ hiện trường và tiến hành khám nghiệm tử thi.
Toàn bộ da, cơ, não và phủ tạng đã bị tiêu hủy hoàn toàn nhưng qua những gì còn lại cho biết nạn nhân là anh Hồ Ngọc Nhân (SN 1978, trú thôn 1, xã Bình An, huyện Thăng Bình) đã chết 8 tháng về trước.
Nơi tìm thấy bộ xương dưới ống cống 8 năm về trước. Ảnh: CAĐN
4 ngày sau, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt tạm giam đối với Ngô Song Tùng (SN 1984) và Trung, Phương cùng trú tại thôn 3, xã Bình Trung để điều tra làm rõ vụ việc.
Kết quả điều tra xác định, vào tháng 1/2004, tại khu vực cầu Bình Lứt đã xảy ra một vụ ẩu đả giữa nhóm của anh em Trung, Tùng và Phương với nhóm trai làng của Hồ Ngọc Nhân, Hồ Ngọc Ngân, Phan Việt Hùng, Hồ Ngọc Tuấn (cùng trú ở thôn 3, xã Bình Trung).
Sau cuộc ẩu đả đó, Hồ Ngọc Nhân mất tích và phải 8 tháng sau, nhóm thanh niên đi tát cá mới tình cờ nhìn thấy xác Nhân trong một ống cống như đã nêu.
Đến ngày 22/12/2006, TAND tỉnh Quảng Nam đưa vụ án “bộ xương trong ống cống” ra xét xử sơ thẩm. Sau nhiều tiếng đồng hồ xét xử căng thẳng, nhưng cuối cùng Hội đồng xét xử vẫn không thể tuyên án vì hồ sơ vụ án chưa đủ yếu tố cáo buộc các bị cáo nói trên phạm các tội “giết người”, “gây rối trật tự công cộng” và “không tố giác tội phạm”.
Video đang HOT
Vì không đủ yếu tố kết tội nên ông Phạm Xuân Hồi (kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ) đã yêu cầu tạm giam hai bị cáo Tùng, Phương thêm bốn tháng nữa để điều tra bổ sung chứng cứ và đã được Hội đồng xét xử chấp nhận (riêng bị cáo Ngô Hoàng Trung đã được cơ quan điều tra thay đổi từ biện pháp tạm giam sang biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú).
Anh Ngô Hoàng Trung vẫn chưa hết xót ra kể lại khoảng thời gian kêu oan của mình
4 tháng sau, TAND tỉnh Quảng Nam tiếp tục đưa vụ án “bộ xương người trong ống cống” ra xét xử phúc thẩm lần thứ hai. Cũng giống như lần trước, lần này vẫn không thể tuyên án vì chứng cứ từ viện kiểm sát không đủ để cáo buộc các bị cáo phạm tội và cũng chính lần này ông Phạm Xuân Hồi tiếp tục đứng ra xin rút lại hồ sơ để điều tra bổ sung thêm.
Hai bị cáo Tùng, Phương vẫn bị tạm giam (ngày 27/4/2007 bị cáo Nguyễn Hoàng Linh Phương mới được Viện KSND thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp cho gia đình bảo lãnh về nơi cư trú).
Rồi phải hơn 8 tháng sau, TAND tối cao tại Đà Nẵng mới mở phiên tòa phúc thẩm xét xử lại vụ án.
Lần này, dựa trên cơ sở những tình tiết trong quá trình điều tra, lời khai của bị cáo, đại diện người bị hại, người làm chứng và đối chiếu các tình tiết liên quan…, TAND tối cao tại Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Ngô Song Tùng 8 năm tù giam vì tội “giết người”, buộc bồi thường cho gia đình người bị hại 28,5 triệu đồng tiền mai táng phí và 20 triệu đồng tiền tổn thất về tinh thần.
Riêng hai bị cáo Ngô Hoàng Trung, Nguyễn Hoàng Linh Phương vô tội nên được trả tự do.
5 năm gõ cửa đòi quyền lợi
Vì bị cáo buộc oan về tội “gây rối trật tự công cộng” và “không tố giác tội phạm” mà Nguyễn Hoàng Linh Phương đã bị “tạm giam” trong tù hơn 900 ngày (từ ngày 18/9/2004 đến ngày 27/4/2007) – thời gian bị tạm giam để chờ “điều tra, bổ sung thêm chứng cứ” của VKS tương đương gần bằng một bản án tù giam 3 năm.
Ngô Hoàng Trung cũng bị tạm giam hơn 3 tháng, cấm ra khỏi nơi cư trú. Dù không phạm tội gì, nhưng đồng nghĩa, trong khoảng thời gian ấy, nạn nhân cùng gia đình của 2 thanh niên trên phải chịu bao đắng cay, tủi nhục và điều tiếng cay nghiệt từ dư luận xã hội.
Một điều nhận thấy rõ nhất, là trong suốt thời gian bắt đầu xảy ra vụ án cho tới hiện nay, ai đến Bình Trung nếu muốn tìm gặp anh Phương hay Hoàng Trung dễ dàng thì luôn có kèm thêm câu miệt thị “ở tù về”.
Theo như anh Hoàng Trung trình bày, sau khi tòa án tối cao Đà Nẵng kết luận vô tội, nhưng việc minh oan của anh hầu như nhiều người dân ở quê không ai biết mà chỉ đinh ninh là “có tội và đã ra tù”.
Sau 3 năm bị giam cầm, anh Nguyễn Hoàng Linh Phương đã được minh oan. Ảnh: CAĐN
Chính vì vậy, suốt nhiều năm qua, anh luôn nhận sự kỳ thị, coi khinh của nhiều người, bị cản trở trong vấn đề tìm công ăn việc làm. Quá bức xúc, anh phải nhờ đến luật sư tư vấn và liên tục trong 5 năm đã cầm đơn đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng đòi bồi thường oan sai nhưng vẫn vô vọng, thậm chí còn bị “hắt hủi, không tiếp đón”.
Về phần anh Phương, những ngày bị án oan, cách ly với xã hội là những ngày người cha, người mẹ, người vợ anh phải rơi nước mắt, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để gửi đơn minh oan tới các cơ quan chức năng.
Anh không giấu nỗi uất ức, xót xa: “Trước khi “tai họa giáng xuống”, tôi vốn là một thanh niên nhanh nhẹn và là trụ cột trong gia đình, làm lụng nuôi các con học hành đầy đủ. Còn từ ngày ra tù, tôi như người bị “tê liệt”, đi đâu cũng bị dòm ngó nên ngại cả việc đi làm trở lại. Suốt ngày chỉ biết ngồi thẫn thờ như người mất hồn quanh bốn góc nhà, mặc cho người vợ trẻ phải tất tả mưu sinh với gánh nặng cơm áo nuôi hai đứa con nhỏ”.
Dù được minh oan từ năm 2007, nhưng mãi đến cuối tháng 6/2012, tại trụ sở Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) Quảng Nam, lãnh đạo VKS mới xin lỗi anh Ngô Hoàng Trung và anh Phương do bị VKSND tỉnh truy tố nhầm.
Ngoài ra, anh Trung và Phương còn được bồi hoàn thiệt hại về tổn thất tinh thần, vật chất với tổng số tiền là hơn 215 triệu đồng (anh Phương hơn 165 triệu đồng, anh Trung hơn 50 triệu đồng).
Sau hơn một tháng nhận được bồi thường nhưng điều mong muốn của anh Trung lẫn Phương là được VKSND tỉnh xin lỗi tại địa phương chứ “diễn ra nội bộ” trong cơ quan ngành tòa án thôi thì đến nay vẫn khiến án oan của 2 anh không được giải quyết thấu đáo. Mọi người vẫn nhìn anh Phương lẫn Trung với cặp mắt “có tội đi tù”.
Có thể nói, vụ án oan sai đã khép lại nhưng cũng để lại cho cơ quan tố tụng của tỉnh Quảng Nam một bài học đắt giá”, vị cán bộ VKS Quảng Nam trầm ngầm nói về bản án.
Hoàng Dương
Theo Infonet
Băng cướp tiệm vàng và kỳ án 10 năm - Kỳ 2: Món nợ
Trong nhiều năm liền, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sau này) đã nêu ra những vụ cướp tiệm vàng như một món nợ trước dân phải trả. Mọi biện pháp nghiệp vụ, nhiều lực lượng đã được huy động để truy tìm tung tích băng cướp, nhưng...
Hiện trường vụ ông Doãn Mỹ bị băng cướp bắn tử vong. Nỗi đau này không chỉ của gia đình nạn nhân, ngành công an cũng coi đó là món nợ phải trả cho dân - Ảnh: g.m. chụp lại
Lần dấu vết từng vụ
Đại tá Phạm Văn Tám, trưởng phòng điều tra án nhân thân, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TT-XH (C45), Bộ Công an, nhớ lại: Từ năm 2000-2005, hàng loạt vụ án có tính chất tương tự nhau xảy ra ở các tỉnh, thành khiến lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (TCCS) mất ăn mất ngủ.
Hàng loạt vụ cướp có tình tiết giống nhau: xảy ra vào chập tối, khi chủ tiệm vàng vận chuyển tiền vàng từ tiệm vàng về nhà, thủ đoạn là tấn công phủ đầu bằng hung khí hoặc súng, sẵn sàng giết nạn nhân không ghê tay, băng cướp từ 2-4 đối tượng, tuổi từ 25-40. Dù các địa phương đã lập chuyên án riêng để điều tra, nhưng lãnh đạo Bộ Công an vẫn chỉ đạo TCCS lập chuyên án để phối hợp các địa phương điều tra.
Thế nhưng, lần lượt hai chuyên án được mở ra rồi khép lại vì không tìm ra manh mối gì. Theo đại tá Tám, trong chuyên án đầu tiên, trung tướng Nguyễn Việt Thành (nguyên phó tổng cục trưởng TCCS) khi đó đã nắm tới từng báo cáo chi tiết, chỉ đạo từng tổ công tác những công việc phải làm để dựng cho được đặc điểm của các đối tượng trong băng cướp. Đích thân tướng Nguyễn Việt Thành viết thư giao cho công an địa phương tới từng tiệm vàng tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố để thông báo đặc điểm số vàng bị cướp, đặc điểm nhận dạng của các đối tượng để các tiệm vàng thông báo khi có người tới tiêu thụ vàng cướp được. Tiếp sau đó, trung tướng Phạm Nam Tào (nguyên phó tổng cục trưởng TCCS) là người trực tiếp chỉ đạo ban chuyên án tham gia tìm hiểu từng vụ án mới xảy ra. Mỗi tháng một lần, có lúc cao điểm là mỗi tuần một lần, trung tướng Phạm Nam Tào lại họp ban chỉ đạo các địa phương để nghe báo cáo tiến độ điều tra.
...Tối 17-11-2003, vợ chồng ông chủ tiệm vàng Bảo Hòa (chợ Long Thành, H.Long Thành, Đồng Nai) chở tiền, vàng từ tiệm vàng về nhà. Về gần tới nhà thì họ bị một nhóm bốn người dùng tuýp sắt tấn công để cướp. Vợ chồng ông Hòa chống cự, la lên cầu cứu thì bị hai trong số bốn đối tượng nổ súng bắn rồi tẩu thoát, chưa kịp lấy tiền, vàng. Nhận định đây là thủ đoạn của băng cướp đã gây ra các vụ trước đó, ban chuyên án cử một tổ công tác của C45 lập tức xuống hiện trường. Tại đây, tổ công tác phát hiện có một nhóm người khả nghi đang theo dõi việc khám nghiệm hiện trường. Tổ công tác đã bí mật lấy dấu vân tay, cử người đeo bám, sau đó so sánh dấu vết hàng chục ngàn đối tượng lưu trong hồ sơ nhưng không tìm ra manh mối gì.
Đến ngày 2-10-2004, tại đường số 23, P.4, Q.8, băng cướp tiếp tục nổ súng bắn ông Doãn Mỹ (chủ tiệm vàng Kim Thanh ở chợ Phạm Thế Hiển, Q.8) tử vong để cướp tiền, vàng. Tổ công tác của C45 tiếp tục được cử xuống hiện trường để cùng công an địa phương điều tra. Theo đại tá Tám, tại hiện trường chỉ thu giữ được vỏ đạn, đầu đạn, dép của hung thủ, còn bọn cướp đội nón, mặc áo mưa, đeo khẩu trang nên việc nhận dạng gần như không thể. Tuy nhiên, qua hiện trường vụ cướp này và các vụ trước đó, ban chuyên án đã đưa ra một số nhận định mới.
Ba vỏ đạn, một viên đạn lép thu tại hiện trường và hai đầu đạn lấy từ thi thể ông Doãn Mỹ - nạn nhân của băng cướp - Ảnh: g.m. chụp lại
Hết "bài"
Từ những nhận định ban đầu về băng cướp, lãnh đạo TCCS đã yêu cầu công an các tỉnh, thành phố trên cả nước rà soát toàn bộ các băng nhóm có biểu hiện nghi vấn vào thời điểm xảy ra vụ cướp. Tất cả các vụ án xảy ra trên cả nước mà phát hiện có súng K54, K59 (hai loại súng băng cướp dùng gây án) đều phải đưa đi giám định, so sánh với dấu vết của các vụ cướp tiệm vàng đã xảy ra. Các đối tượng bị bắt giữ tại các địa phương, các bị án tại các trại giam đều được phân loại, so sánh dấu vết và đặc điểm nhận dạng để tìm kiếm manh mối băng cướp. Công an các địa phương được giao nhiệm vụ rà soát từng đối tượng hình sự có biểu hiện giàu lên bất thường.
Một thành viên ban chuyên án nhớ lại: Do đánh giá có các đối tượng hình sự từ phía Bắc tham gia gây án, lãnh đạo Bộ Công an, TCCS khi đó đã yêu cầu công an các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định phải cử lãnh đạo phòng hình sự, các trinh sát, điều tra viên kỳ cựu vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam để hỗ trợ công tác điều tra. Trong đó, lãnh đạo TCCS yêu cầu công an các tỉnh, thành này phải rà soát các đối tượng hình sự của địa phương mình di chuyển vào các tỉnh phía Nam sinh sống. Công an TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Vĩnh Long là những địa phương xảy ra các vụ cướp, cũng là những nơi chịu áp lực nặng nề nhất về món nợ trước dân. Mỗi khi xảy ra một vụ việc có liên quan tới vũ khí, các vụ cướp hay đối tượng có dấu hiệu giống với các thành viên của băng cướp là lãnh đạo công an địa phương, các tổ công tác của C45 phải trực tiếp tìm hiểu, khai thác, so sánh và báo cáo lãnh đạo ban chuyên án.
Đại tá Tám cho biết hàng ngàn đối tượng hình sự có dấu hiệu giàu lên bất thường được giám sát, điều tra, hàng trăm vụ án có liên quan tới vũ khí được các tổ công tác của C45 trực tiếp khai thác, giám định. "Chúng tôi đã cử hàng chục tổ công tác với hàng trăm chuyến đi tới các địa phương để phân loại, lấy dấu vân tay hàng chục ngàn đối tượng nghi vấn về so sánh; giám định hàng trăm khẩu súng nhưng đều không có kết quả. Gánh nặng tâm lý đè lên vai lãnh đạo bộ, lãnh đạo tổng cục và bản thân chúng tôi mỗi lúc một lớn. Sự mất mát, tổn thương của các nạn nhân bị cướp cộng dồn mỗi lúc nhiều hơn, nỗi lo về tội ác băng cướp có thể gây ra bất cứ lúc nào khiến chúng tôi chưa hề thấy yên lòng", đại tá Nguyễn Tri Phương, cục phó C45, tâm sự.
Một cán bộ tham gia chuyên án kể: Năm 2006, bằng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện Nguyễn Văn Nhãn (còn gọi là "Chó lửa", 49 tuổi, ngụ huyện Hòa Thành, Tây Ninh) có biểu hiện nghi vấn là thành viên tham gia hàng loạt vụ cướp tiệm vàng. Cả lãnh đạo ban chuyên án và Công an tỉnh Tây Ninh mừng hơn bắt được vàng, triển khai nhiều biện pháp để tìm cách khai thác thông tin này. Tuy nhiên dường như "đánh hơi" thấy khả năng bị phát hiện, Nhãn đã dùng "tuyệt chiêu" để "cắt đuôi". Thông tin từ đầu mối này cuối cùng cũng đi vào ngõ cụt. Lần lượt hai chuyên án được lập nhưng đành phải tạm đình chỉ. Băng cướp giết người vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.
Theo Tuổi Trẻ
Kỹ thuật hình sự phá án - Bài 1: Minh oan cho người vô tội Người chồng chết nhưng thái độ của người vợ khá bất thường, vậy là lực lượng kỹ thuật hình sự vào cuộc để trả lời câu hỏi: "Liệu người vợ có phải là hung thủ?"... LTS : Trong công tác phá án, lực lượng kỹ thuật hình sự giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Họ là những người đầu tiên có...