Nỗi đau đọng lại sau vụ cháy xưởng giầy da Hải Phòng
Bao đêm rồi Quỳnh lặng lẽ khóc một mình trong bóng tối, nhắm mắt vào hình ảnh ngọn lửa và cảnh người xô đẩy, giẫm đạp lên nhau khiến Quỳnh sợ hãi co rúm lại.
“Sau hơn 1 tháng vật lộn với lưỡi hái tử thần, hiện 24 nạn nhân trong vụ cháy xưởng giầy da ở Tân Dân, An Lão, Hải Phòng (29/7) đều đã có diễn biến bình phục sức khỏe tốt. 20 nạn nhân hiện đang được điều trị và tập phục hồi chức năng tại khoa Phục hồi chức năng của viện. Trong đó đã có bệnh nhân được xuất viện trở về nhà. Riêng một số bệnh nhân bị bỏng sâu ở mặt, chân tay… vẫn đang được các bác sĩ tích cực điều trị để tránh các di chứng sau này” – BS Nguyễn Mạnh hùng, Chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng, Viện Bỏng Quốc gia cho biết.
Vụ cháy xưởng may gia công giầy da tại Hải Phòng ngày 29/7 đã khiến 13 người tử vong, 24 người chuyển lên cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia hầu hết bị bỏng nặng, tỷ lệ tổn thương từ 20-56%, trong đó hơn 90% bỏng hô hấp, 23/24 bệnh nhân bỏng là nữ, đang trong độ tuổi lao động.
Điều đáng nói các bệnh nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, không có bảo hiểm y tế, nên rất khổ sở. Có những em vừa mới học xong phổ thông, đang chờ kết quả thi đại học, cao đẳng tranh thủ làm thêm để phụ giúp gia đình. Có cả những sinh viên năm cuối, vì muốn đi làm để tăng thu nhập cho gia đình, nay phải bảo lưu kết quả học tập để chữa trị vết thương do trận hỏa hoạn gây nên.
Phượng đang được bố lau rửa vết bỏng
Tại khoa Bỏng người lớn, bệnh nhân Hoàng Thị Hải Quỳnh (18 tuổi) bị bỏng 40% diện tích cơ thể, khắp người bị quấn bông băng trắng xóa. Quỳnh đang run rẩy nâng đôi tay lên cho đỡ mỏi, cô ngân ngấn dòng nước mắt: “Em vừa đủ điểm đỗ vào Cao đẳng tài chính ngân hàng, em muốn đi học lắm nhưng bây giờ như thế này rồi thì không được chị ơi”.
Quỳnh tâm sự, sau khi thi xong, Quỳnh xin đi làm để nguôi ngoai nỗi lo lắng thấp thỏm chờ ngày báo điểm. Công việc mới chỉ bắt đầu được 16 ngày, để rồi tai họa ập tới mang theo đó là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong em.
“Em bị ám ảnh, hôm nào em cũng mơ có lửa nó đuổi em, còn em hét ầm ĩ. Lửa lan từ cửa vào bên trong, hàng chục người giẫm đạp lên nhau, ai cũng cố để thoát ra cái biển lửa đó. Không biết bao giờ em mới hết nỗi ám ảnh này. Giờ em cứ có cảm giác sợ sợ cái điều gì đó, em cũng sợ sau này em không được như trước nữa, khuôn mặt em, tất cả phần trăm sức lao động và tất cả mọi thứ đều không được như trước nữa, phải phụ thuộc vào bố mẹ” – giọng nói yếu ớt, em thều thào nói từng tiếng một.
Bao đêm rồi Quỳnh lặng lẽ khóc một mình trong bóng tối, nhắm mắt vào hình ảnh ngọn lửa và cảnh người xô đẩy, giẫm đạp lên nhau khiến Quỳnh sợ hãi co rúm lại. Cũng có lúc Quỳnh nghĩ đến cái chết, Quỳnh bảo chết đi cho rảnh nợ, đỡ phải mang gánh nặng cho gia đình. Nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy bố mẹ, ý muốn đó lại bị dập tắt. “Đau lắm, em đau đến muốn chết nhưng nhìn thấy bố mẹ chạy đôn chạy đáo để giành giật sự sống cho mình, trong em luôn có ý nghĩ phải sống. Em cố gắng là vì bố mẹ em thôi”.
Đỗ Thị Ngọc Hà, con của cô Phúc đang điều trị tại khoa Bỏng người lớn
Dừng chân tại một phòng bệnh của khoa Phục hồi chức năng, thuộc Viện bỏng Quốc gia, những tiếng xuýt xoa đau đớn, những mảng da thâm đỏ, loang lổ trên những hình hài nhỏ bé với mái đầu tóc cắt trụi khiến những người chứng kiến không khỏi xót xa.
Vừa để cho bố rửa vết bỏng khô, Vũ Thị Bích Phượng (SN 1991, ở Kim Xuyên, Tân Dân, An Lão, Hải Phòng), một trong những nạn nhân của vụ cháy xưởng giầy da vừa cầu xin bố chà mạnh vào dưới cánh tay của mình để lột những phần da bị viêm mọc chi chít mụn nước khiến em ngứa ngáy khó chịu.
Video đang HOT
Phượng đang là sinh viên ĐH Thương mại Hà Nội, tranh thủ thời gian được nghỉ hè em xin vào làm thêm 1 tháng ở xưởng giầy da Thuận Phát (Tân Dân, An Lão, Hải Phòng) để phụ giúp gia đình. Nhưng mới làm được hơn 10 ngày, chưa nhận được một đồng lương nào thì tai họa ập đến với em. Hiện giờ Phượng phải bảo lưu kết quả học tại trường để sang năm đi học tiếp.
Nhìn những vết thâm sì trên móng tay, những vết bỏng chi chít khắp cơ thể, trong Phượng trào dâng nỗi sợ hãi, tự ti trước người yêu, trước bố mẹ, trước tất cả mọi người. Em bảo, trước mình lành lặn, xinh xắn là thế, giờ loang lổ cả mặt, chân tay, khắp người, sợ sau này vết thương loang trắng rồi bị lồi sẹo nên từ khi tỉnh cho đến nay em chưa một lần dám soi mình trong gương.
Em bảo: “Giờ em có thể đi được, nhưng em lo cho 2 cánh tay, bàn tay nắm rất khó. Bao nhiêu ngày nằm bất động trên giường nên bị co cơ. Mà em còn đang đi học, cùng với các bạn mình vui đã quen rồi. Giờ các bạn đi học, sang năm mình đi học một mình buồn lắm. Rồi sau này xin việc nữa, con gái mà tay chân thế này đi xin việc cũng khó lắm chị ạ. Giờ em chỉ biết mình phải cố gắng thật nhiều, tập luyện thật tốt để có thể hồi phục rồi ra viện sớm. Việc nó đã xảy ra rồi, mình phải chấp nhận thôi”.
Không kìm nén được sự xúc động của mình, bác Vũ Văn Minh, bố của Phượng vừa đưa tay vầy vò mái đầu, vừa nói trong nước mắt: “Nó là con gái mà bị như thế này không biết liệu sau này có biến chứng gì không, có sinh con được không? Nó có người yêu đấy, nó có đến thăm nhưng nói thật, nhìn con mình như thế sau này chắc gì nó đã lấy. Ai còn dám đến với nó nữa. Thương con nhưng không biết làm thế nào được”.
Từ hôm Phượng nằm trong bệnh viện, vợ chồng bác phải chạy vạy khắp nơi, tiền thuốc men chữa trị đã tiêu tốn của lão nông hơn 50 triệu đồng. Giờ con được xuống khoa Phục hồi chức năng, mừng vui đấy nhưng bác vẫn chưa biết kiếm đâu ra số tiền cho những tháng ngày điều trị sắp tới”.
Hôm vừa rồi hết tiền, bà nhà tôi định bắt gà đi bán. Nhà nuôi được hai chục con nhưng từ khi lên viện, không ai nuôi nên chúng gầy quá không bán được. Lần này vợ về nhà mấy ngày chăm cho béo lên, bán được đồng nào hay đồng ấy. Lên trên này, vợ chồng tôi nào có dám chi tiêu hoang phí. Hai vợ chồng chỉ dám cùng ăn một suất cơm 15.000 đồng, mua cho con thì không thế được, nó thích ăn gì thì mua nấy. Khi nào không ăn nữa thì mình ăn. Không ăn thế lúc người ta gọi lên đóng tiền không có làm sao có thuốc cho con uống” – Bác nghẹn ngào nói.
Ngồi thất thần ngoài hành lang của khoa Phục hồi chức năng, khuôn mặt đăm chiêu, hốc hác của anh Chương Mậu Huân (45 tuổi, An Lão, Hải Phòng) khiến người đối diện không khỏi ngậm ngùi thương cảm.
Từ khi xảy ra vụ cháy cho đến nay, hơn một tháng trời một tay anh chăm vợ. Bao đêm thức trắng vì nỗi lo sợ người vợ sẽ lìa xa anh, lìa xa hai đứa con nhỏ.
Chị Chín (37 tuổi), vợ anh Huân mới làm ở xưởng giầy Thuận Phát được 20 ngày. Gia đình khó khăn, đồng lương 4 triệu của anh công nhân công ty Xây lắp vật liệu xây dựng 5 không đủ để trang trải cho những sinh hoạt hằng ngày. Thương chồng vất vả, chị xin vào xưởng làm may giầy. Những tưởng sẽ trợ giúp được chồng, ai ngờ tai bay vạ gió. Vụ cháy đã khiến cơ thể chị bị bỏng đến 45% cơ thể.
“Đợt này nghỉ dài 2-3 tháng không biết về công ty người ta còn nhận mình làm việc nữa không, mà theo quy định của nhà nước thì không có chế độ nghỉ dài thế này. Không đi làm thì không có thu nhập, hai đứa trẻ còn bé quá nên chưa tự lo được cho bản thân. Cơ quan chức năng, các nhà từ thiện thì cũng chỉ phần nào thôi chứ. Sức khỏe nhà tôi mà không ổn định thì không đi làm được. Ngay như vợ tôi về, không nói trước được nhưng để hồi phục thì phải đến hàng năm, ít nhất phải 6 tháng trở lên phải chăm vợ. Nếu giờ về bỏ đấy đi làm ngay thì không được. Không có người chăm vợ, chăm con. Rồi khi nghỉ mình vẫn phải đóng bảo hiểm khoảng 1 triệu, tính ra, đã không có lương, lại phải đóng thêm một khoản nữa. Đó là bài toán rất khó mà giờ tôi vẫn chưa tìm ra lời giải” – Anh lặng thinh lắc đầu.
Tính cho đến khi chị xuất khỏi khoa bỏng người lớn, trong vòng 1 tháng anh đã tiêu mất 95 triệu đồng thuốc men. Đấy là chưa tính tiền thuốc mua ngoài, tiền sinh hoạt cũng phải trên 30 triệu. “Không đi làm thì không có tiền, bây giờ chi tiêu hàng ngày không có tiền vẫn phải đi vay, vừa vay ăn lại vừa vay chữa bệnh thì nó rất là khó. Nếu mà đi làm mình vay tiền còn dễ, nhưng không đi làm nữa mà đi vay ăn chắc là không được. Anh em có nể mấy cũng không thể cho vay mãi. Hôm vừa rồi bị ốm, nằm 3 ngày truyền nước, sang bên viện 103 xét nghiệm máu may mà tôi chỉ bị sốt, cảm cúm. Lúc ấy lo chứ. Sợ bị sốt vi rút sẽ không chăm vợ được” – Anh nói.
Cũng rơi vào hoàn cảnh của anh Huân, giờ đây chị Phúc phải cắm cả sổ đỏ của nhà đất để chạy chữa cho đứa con gái 18 tuổi, Đỗ Thị Ngọc Hà đang nằm điều trị tại khoa Bỏng người lớn với tỉ lệ bỏng 39%.
Nhìn con khóc, kêu đau, thân thế vá chằng chịt những mảnh da ghép được lấy ở đầu, ở đùi lòng chị không khỏi quặn thắt. “Tôi phải cắm nhà, cắm đất với giá 150 triệu để có thể chạy chữa cho con. Mà từ hôm đó đến giờ đã mất đứt 120 triệu rồi, chưa kể nhiều thứ khác nữa. Không biết mai mốt cháu về, có còn nhà để cho cháu ở nữa hay không? Nếu có tiền chạy trả mỗi năm 20 triệu thì được ở, nếu không thì… thôi tính sau vậy. Giờ chỉ mong con khỏe là tôi yên tâm rồi.”…
Ông Nguyễn Hữu Nghị, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân cho biết: Tính đến ngày 6/9, ban tiếp nhận hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy giầy da tại xã Tân Dân đã nhận được 4,5 tỷ đồng của 500 tổ chức, cơ quan, đoàn thể và các tấm lòng hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ các nạn nhân thương vong trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng.
Hiện tại, có 10 bệnh nhân đã trở về nhà. Mỗi gia đình có nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy được hỗ trợ khoảng 70 triệu đồng. Các nạn nhân bị thương đang điều trị tại bệnh viện cũng nhận được mức hỗ trợ tùy thuộc vào mức độ thương tật điều trị trung bình từ 60 đến 80 triệu đồng. Cao nhất có gia đình là 109 triệu đồng”.
Huyện thành lập một ban tiếp nhận, khi có kinh phí về sẽ chỉ đạo theo hai hướng: một là các ban ngành, đoàn thể trực tiếp đi hỗ trợ, giúp đỡ từng nạn nhân. Hai là gửi vào ban tiếp nhận, ban tiếp nhận tổng hợp lại rồi phân bổ. Cách thức chuyển giao xã và huyện đã làm việc với Ban giám đốc của bệnh viện Bỏng Quốc gia, mở 24 tài khoản ở bệnh viện cho mỗi bệnh nhân/tài khoản. Căn cứ vào bệnh án, số tiền thuốc men, người nào nặng, phải sử dụng nhiều tiền thuốc do bác sĩ bệnh viện chỉ đạo, người cao nhất là 109 triệu, người thấp nhất là hơn 60 triệu.
Đối với các bệnh nhân, sau này về chúng tôi sẽ thăm và chỉ đạo trực tiếp. Số tiền hỗ trợ sẽ tập trung giải quyết cứu chữa cho họ. Nếu nay mai họ trở về cuộc sống bình thường ai bị tàn phế hoặc ảnh hưởng như thế nào chúng tôi sẽ làm văn bản đề nghị các chính sách xã hội Nhà nước bảo trợ” – Ông Nghị nói.
Theo Phunutoday
'Không có ai giật dây, tham gia cướp tiệm vàng với Luyện'
Chiều 8/9, Công an tỉnh Bắc Giang tái khẳng định, đủ chứng cứ xác định duy nhất Lê Văn Luyện gây án tại tiệm vàng Bắc Giang. Nạn nhân Bích có thể do hoang mang nên nhận diện nhầm "có hai người đầu xanh, đầu đỏ".
Trước phân tích của một số luật sư rằng "Luyện không thể là thủ phạm duy nhất", trao đổi với VnExpress, Thượng tá Đào Văn Biên (Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Bắc Giang) chobiết, hiện không có tài liệu hay chứng cứ về việc có ai đó đứng đằng sau "giật dây" cho Luyện thực hiện hành vi phạm tội.
"Cơ quan điều tra đủ chứng cứ khẳng định chỉ duy nhất Lê Văn Luyện gây ra cái chết của 3 người tại tiệm vàng Ngọc Bích và làm một cháu bé bị thương nặng", ông Biên nói.
3 xác chết được phát hiện tại tiệm vàng Ngọc Bích vào sáng 24/8. Ảnh: Hà Anh
Thượng tá Biên cho biết, qua lời khai của Luyện và chứng cứ hiện trường đủ căn cứ xác định Luyện đột nhập căn nhà 3 tầng của vợ chồng anh Ngọc rồi sát hại các thành viên của gia đình này, cướp đi lượng vàng lớn ở dưới tầng 1. Nghi can sau đó rời Bắc Giang tới Lạng Sơn lẩn trốn tại nhà cô ruột Lê Thị Định (29 tuổi, xã Thụy Hùng, Văn Lãng, Lạng Sơn).
Tuy nhiên, 10 ngày sau khi bắt được Luyện, Công an Bắc Giang vẫn chưa thực nghiệm hiện trường vụ án. "Cần đảm bảo tính mạng cho Luyện khi đưa đến nơi gây án. Việc leo trèo vào ngôi nhà đó rất nguy hiểm; cộng thêm việc người dân đang rất bức xúc với tội ác của Luyện nên chúng tôi chưa thể áp giải nghi can tới đây", thượng tá Biên giải thích.
Phó phòng cảnh sát điều tra Công an Bắc Giang cho hay, sức khỏe của Luyện khá tốt, tinh thần ổn định. Cơ quan điều tra sẽ sớm hoàn tất kết luận điều tra vào cuối tháng 9 để chuyển VKS truy tố bị can Luyện về tội giết người, cướp tài sản.
Ông Biên cũng cho biết, cơ quan điều tra đã nhiều lần gặp bé Bích (con gái của vợ chồng chủ tiệm vàng, nhân chứng duy nhất trong vụ án) tại bệnh viện. Lần cuối cùng, trước khi bắt Luyện, cô bé bảo hôm đó (sáng 24/8) có thể hoang mang nên nhận diện nhầm "có hai người đầu xanh, đầu đỏ" trong nhà. Bé cũng không nhìn rõ mặt hung thủ.
Hiện, cơ quan điều tra chưa lấy thêm lời khai của Bích vì muốn tinh thần cô bé ổn định. Công an Bắc Giang đã bàn giao việc chăm sóc, bảo vệ bé cho gia đình.
Ngày 31/8, ngay khi bị bắt theo lệnh truy nã, Luyện nhận là thủ phạm gây án.
Trong diễn biến khác, khi biết bị khởi tố cùng 4 người thân về hành vi che giấu và không tố giác tội phạm, Lê Thị Định (cô ruột của Luyện) cho biết: "Tôi buồn vì thằng cháu đã mang họa đến".
Tại cơ quan điều tra, người phụ nữ này thừa nhận ban đầu chưa biết chuyện Luyện gây thảm sát tại tiệm vàng, tới trốn tại nhà mình. Khi Luyện mượn điện thoại để gọi về nhà nhắn nhủ bố cất giấu túi vàng cướp được để trên gác 2, bà đã ngờ ngợ. Hôm sau, Lê Thị Định biết rõ đứa cháu chính là hung thủ vụ cướp vàng, giết người man rợ, song giữ im lặng.
Lý giải điều này, người đàn bà 29 tuổi cho biết, do nhận thức hạn chế nên không biết việc không tố giác là vi phạm pháp luật.
Diễn biến vụ án cướp tiệm vàng ở Bắc Giang
Khoảng 9h sáng ngày 24/8, vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang) cùng bé gái 18 tháng tuổi được phát hiện nằm chết trong nhà với nhiều vết chém. Con gái lớn 8 tuổi bị chém đứt lìa bàn tay, được cấp cứu. Tại tầng 1, tủ trưng bày vàng của tiệm bị gỡ mặt kính, toàn bộ vàng ta biến mất.
Cùng thời điểm này, Lê Văn Luyện (18 tuổi, người sống cách tiệm Ngọc Bích 4 km) được anh họ đưa đến trạm xá băng bó vết thương ở tay.
Chiều 24/8, Công an Bắc Giang khởi tố điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.
Ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cùng lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đến kiểm tra hiện trường. Ban chuyên án với sự vào cuộc của hàng trăm điều tra viên Bộ Công an và Công an Bắc Giang được thành lập.
Ngày 29/8, nhà của Luyện bị khám xét, cảnh sát tìm thấy một túi nilon đựng hàng trăm nhẫn, dây chuyền vàng (chừng 50 cây) chôn ở sau vườn. Ông Lê Văn Miên thừa nhận đã cất giấu hộ con trai túi vàng.
Ngày 30/8, Luyện bị khởi tố, truy nã đặc biệt. Cha mẹ Luyện cùng hai người khác bị điều tra về hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.
Theo VNExpress
Mẹ sát thủ Lê Văn Luyện phải bịt kín mặt, bỏ "trốn" khỏi nhà Sau khi được CQĐT trả tự do, bà Lê Thị Thơm đã phải bịt kín mặt, nhờ người thân chở đi "trốn". Ngày 7/9, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định trả tự do cho bà Lê Thị Thơm sau 9 ngày bị CQĐT tạm giữ hình sự để điều tra vụ thảm sát mà con trai bà...