Nỗi đau của gia đình bệnh nhân ung thư qua đời giữa đại dịch Covid-19
“Mỗi khi tôi nhắm mắt, tôi lại thấy cảnh con trai mình đang phải một mình chiến đấu để giành lại sự sống. Tôi đau đớn và bàng hoàng vì không thể ở bên cạnh người thân yêu của mình khi họ qua đời”.
2 năm trước, Gary Hill được chẩn đoán mắc ung thư máu. Điều may mắn là nhờ vào hóa trị và một phương pháp điều trị tiên tiến đang trong giai đoạn thử nghiệm, bệnh tình của Gary đã được cải thiện và anh có thể kéo dài cuộc sống của mình bên gia đình.
Đầu tháng 3 năm nay, dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành trên toàn lãnh thổ nước Mỹ. Những bệnh nhân ung thư như Gary Hill được xếp vào nhóm có nguy cơ mắc và xảy ra biến chứng cao trong dịch bệnh này.
Ngày 21/3, Gary bị sốt nhẹ: 37,2 độ C. Vì là đối tượng có nguy cơ cao, bác sĩ đã khuyên gia đình đưa Gary vào bệnh viện, để đảm bảo an toàn tối đa. Ngay trong buổi sáng, Priscilla Hill – Vợ của Gary đã tức tốc đưa bệnh nhân ung thư này nhập viện theo chỉ dẫn của bác sĩ.
“Hôm đó tôi đã nhìn anh ấy đi vào bệnh viện mà không hề biết rằng, đây là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy chồng mình đang còn sống” – Người phụ nữ này nhớ lại.
Khi nhập viện, tình trạng của Gary vẫn không quá nghiêm trọng, khi mà anh chỉ bị sốt nhẹ và đau cơ. Với những dấu hiệu điển hình của Covid-19, Gary được đưa vào phòng cách ly điều trị. Điều không may đã xảy ra, khi đến 2 giờ chiều cùng ngày, tình trạng của Gary diễn biến xấu và các bác sĩ buộc phải đặt ống nội khí quản, vì Gary không thể thở được.
“Các cuộc hội chẩn về tình trạng của Gary được thực hiện thông qua điện thoại với sự góp mặt của gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi lại không được nhìn thấy anh ấy và cũng không được vào viện để thăm, do những yêu cầu cách ly nghiêm ngặt để kiểm soát dịch Covid-19″ – Priscilla Hill chia sẻ – “Mọi thứ lúc đấy thực sự rất mơ hồ, bởi thứ duy nhất chúng tôi biết là những thông tin được truyền đạt lại bởi bác sĩ”.
Video đang HOT
Được biết, từ sau khi phải thở máy, mỗi giờ trôi qua, tình trạng của Gary lại nặng thêm. Tối hôm đó, bệnh nhân này được chuyển vào đơn vị hồi sức tích cực. Tuy nhiên, anh ấy đã mất vào ngày hôm sau. “Các nhân viên y tế điều trị cho Gary không hề gọi cho chúng tôi ngay khi anh ấy qua đời. Chỉ đến khi cha xứ gọi điện đến để chia buồn thì chúng tôi mới biết sự thật đau lòng này”.
Gia đình của Gary không hề có sự chuẩn bị cho sự ra đi quá bất ngờ của người thân, bởi lúc vào viện Gary vẫn không khác gì một người bình thường. Thậm chí trước đó 3 ngày, trong buổi thăm khám với bác sĩ ung bướu, kết quả cho thấy thận và gan của anh vẫn hoạt động tốt.
Bà McKay, mẹ của Gary chia sẻ: “Mỗi khi tôi nhắm mắt, tôi lại thấy cảnh con trai mình đang phải một mình chiến đấu để giành lại sự sống. Tôi đau đớn và bàng hoàng vì không thể ở bên cạnh người thân yêu của mình khi họ qua đời, nhưng tôi biết rằng, cảm giác này chưa là gì so với sự cô đơn của Gary trước lúc nó nhắm mắt”.
“Suốt 2 năm qua, cả gia đình đã chuẩn bị cho khoảnh khắc ra đi của Gary, đã được căn bệnh ung thư báo trước. Chúng tôi muốn khoảnh khắc đó thật đẹp, thật đầm ấm với sự sum vầy của tất cả các thành viên, để con trai tôi có thể mỉm cười khi nhắm mắt nhưng rồi Covid-19 đã cướp đi tất cả!” – Bà McKay ngậm ngùi.
Minh Nhật
Bệnh nhân ung thư kể về chuỗi ngày tự cách ly giữa điểm nóng Covid-19
"Mọi người đều giống như đang bước đi trên những quả trứng. Đại dịch này càng được kiểm soát sớm bao nhiêu, tôi và những bệnh nhân ung thư khác càng an toàn bấy nhiêu", bệnh nhân này chia sẻ.
Trong đại dịch Covid-19, đối tượng dễ bị tổn thương hàng đầu là những người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc bất kể lý do nào đó khiến hệ miễn dịch bị suy yếu, trong danh sách này đương nhiên có sự góp mặt của những bệnh nhân ung thư.
Whitney O'Connor là một phụ nữ 33 tuổi sống tại bang Nam Carolina, đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư vú lần thứ 2. O'Connor bắt đầu liệu trình hóa trị vào đầu năm 2020, khi mà Covid-19 bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát dịch.
"Lúc đầu, tôi không nhận ra rằng, bản thân mình thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao trước dịch bệnh này. Tôi mắc ung thư nhưng tôi ít khi nghĩ rằng mình là người đang bị mang bệnh".
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thông tin về dịch được phổ cập đến người dân, O'Connor đã ý thức được rủi ro sức khỏe của mình trước dịch bệnh này. Điều này khiến cô phải thay đổi hoàn toàn thói quen sinh hoạt và làm việc của mình để, đảm bảo an toàn cho bản thân.
Đến thời điểm hiện tại, nữ giám đốc marketing của công ty Aurora Pavilion đã tự cách ly gần 40 ngày. Trong giai đoạn này, Aurora Pavilion hoàn toàn không đi đến nơi công cộng, cô cũng chuyển sang làm việc tại nhà và chồng của cô luôn phải khử khuẩn quần áo mỗi khi từ bên ngoài về. Liệu trình hóa trị của O'Connor cũng bị ngưng lại.
O'Connor nói: "Tôi là một người hướng ngoại. Tôi thích việc giao tiếp và tụ tập với mọi người. Vì vậy, phải tự cách ly trong nhà suốt một chuỗi ngày dài thực sự là điều khó khăn".
Để vượt qua quãng thời gian nhàm chán, O'Connor và chồng đã tạo ra một thời gian biểu những việc phải làm trong ngày, bao gồm: việc nhà và công việc cơ quan. Bên cạnh đó, họ cũng ghi lại những thước phim về khoảng thời gian tự cách ly và đăng tải thành nhiều tập trên kênh YouTube của mình.
Trên thực tế, dù ở nhà nhưng O'Connor không có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, bởi ngoài công việc chính là giám đốc marketing, cô còn là người sáng lập của một công ty có tên Boobie Queen, với mục đích hỗ trợ cho phụ nữ mắc ung thư vú. Một trong những hoạt động nổi bật của Boobie Queen là trao tặng cho các bệnh nhân ung thư vú trong khu vực những chiếc áo ngực được trang trí sặc sỡ mang tên Boobie Crowns, để giúp họ có thêm động lực vượt qua bệnh tật.
"Tôi có ý tưởng này từ nhiều năm trước. Khi tìm hiểu về căn bệnh ung thư vú, tôi nhận ra rằng, một trong những khó khăn lớn nhất của các bệnh nhân sau khi điều trị chính là cố gắng trở thành người phụ nữ một lần nữa, khi mà một phần ngực của họ đã bị cắt bỏ. Do đó, chiếc áo ngực này sẽ chính là nguồn khích lệ để những người như tôi thích ứng với cơ thể mới của mình" - Bệnh nhân ung thư vú này chia sẻ.
Mặc dù dịch Covid-19 đã làm chậm dự án này của O'Connor nhưng cô cho biết rằng, mình sẽ thực hiện Boobie Crowns ngay trong thời gian tự cách ly và gửi về những người đồng cảnh ngộ, thông qua đường thư tín. O'Connor nhấn mạnh: "Điều quan trọng là giúp mọi người biết được rằng, họ không hề đơn độc trong lúc khó khăn này".
Tuy nhiên, nỗi lo về dịch bệnh thì vẫn còn đó, khi Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp ở Mỹ và O'Connor cũng không thể bàng quan trước vấn đề này. "Mọi người đều giống như đang bước đi trên những quả trứng. Đại dịch này càng được kiểm soát sớm bao nhiêu, tôi và những bệnh nhân ung thư khác càng an toàn bấy nhiêu" - O'Connor chia sẻ - "Tôi muốn nói lời cảm ơn với tất cả những ai đang tuân thủ việc ở nhà theo yêu cầu giãn cách xã hội. Những người như vậy sẽ giúp các bệnh nhân ung thư sớm được ra khỏi nhà hơn. Đương nhiên, trải nghiệm phải chôn chân trong nhà thật sự khó khăn. Với những người bình thường, thời gian này có thể là 2 tuần, nhưng với chúng tôi sẽ là lâu hơn thế".
Minh Nhật
Bệnh nhân ung thư Mỹ đứng trước quyết định khó khăn vì dịch Covid-19 Việc dịch Covid-19 ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Mỹ đã khiến cho những người dân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư ở quốc gia này nhìn nhận một cách nghiêm túc về sự nguy hiểm của nó. Yoko Williams, một phụ nữ người Mỹ được chẩn đoán mắc ung thư vú vào tháng 1/2020. Thời điểm này, dịch Covid-19 đã...