Nỗi đau của bà mẹ khi chỉ sinh con một bề
Đến người con thứ 8, gia đình bà M. vẫn chưa có được một người con trai nối dõi.
Nhiều gia đình luôn sống trong không khí căng thẳng vì không sinh được con trai (ảnh minh họa)
“Tôi thích con gái”, câu nói của TT Mỹ Obama khi được nhà sư ở chùa Ngọc Hoàng gợi ý cầu nguyện sinh con trai khiến không ít người giật mình vì tư tưởng sinh con nối dõi tông đường của người Việt. Dù ở cuộc sống hiện đại, tư tưởng đó không còn quá nặng nề nữa, thế nhưng, vẫn còn nhiều gia đình sống trong bi kịch chỉ vì không sinh được… con trai.
Sinh 8 người con vì muốn có con trai
Sinh tới 8 người con chỉ để có được thằng “cu tí” nối dõi tông đường là câu chuyện có thật ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). Bà M. (ngoài 60 tuổi) đã phải đẻ từ năm 18 tuổi cho đến khi gần 50 tuổi chỉ vì chồng là con trưởng, phải sinh được con trai để trông nom hương hỏa cho dòng họ sau này.
Là gia đình thuần nông, miếng cơm manh áo trông cả vào mấy sào ruộng nên khi đẻ đến đứa con thứ 4, bà M. đã bắt đầu thấy sợ, dẫu ngày ấy nuôi con theo kiểu “trời sinh trời dưỡng”, không vất vả, tốn kém như bây giờ.
Thế nhưng, chồng và gia đình chồng có tư tưởng phải sinh con nối dõi nên bà M. vẫn phải đẻ tiếp đứa con thứ 5, thứ 6. Cho đến khi quá tuổi sinh nở, chồng bà mới dừng lại ở người con thứ 8 dù vẫn chưa sinh được “thằng cu”.
Suốt 20 năm ròng, 8 lần sinh nở, người phụ nữ ngoài 60 không chỉ vất vả vì liên tục mang nặng đẻ đau mà còn phải chịu sự tra tấn về tinh thần. Từ đứa con thứ 5 trở đi, bà hầu như sinh con trong nước mắt vì “tuyền đẻ ra giống cái”. Mỗi lần mang bầu là một lần bà lo sợ, chẳng may lại sinh con gái thì hứng đủ sự giày vò từ gia đình chồng.
Video đang HOT
Chồng bà vì không sinh được con trai nên chán nản lao vào rượu, hễ say sưa là chửi bới, đánh đập vợ con. Nhà 10 miệng ăn do một tay người phụ nữ “chèo chống” nên kinh tế khó khăn, con cái nheo nhóc, không được ăn học đầy đủ. 8 đứa con mà bà chỉ có thể cho 3 đứa học hết cấp 3, còn lại đều dừng ở bậc trung học.
Cách đây 4 năm, chồng bà qua đời do uống rượu quá nhiều. Trớ trêu thay là kể từ khi “góa chồng”, cuộc sống của bà mới đỡ khổ hơn một chút vì không bị chồng đánh đập và chửi bới là “con đàn bà không biết đẻ” nữa. Tuy thế, người phụ nữ đã lên đến chức bà ngoại hàng ngày vẫn phải tần tảo chợ búa, đồng áng kiếm tiền nuôi cô con gái út vừa bước sang lớp 9.
Cố quá hóa… khổ
Người ta bảo nhiều con, nhiều lộc, nhưng với trường hợp của bà C. (Hải Dương) cái “nhiều” này chỉ mang đến bi kịch.
Lấy chồng là con trưởng, bà biết rõ nhiệm vụ của mình là phải sinh con trai. Nhưng suốt 6 lần mang nặng đẻ đau bà vẫn chưa hoàn thành được nhiệm vụ đó.
37 tuổi, bà C. mang bầu người con thứ 7. Và lần này, may mắn đã mỉm cười, bà sinh hạ được một thằng cu. Cậu con trai ra đời, bà C. như trút đi gánh nặng mà theo như bà nói là đã trả được món nợ lớn cho nhà chồng.
Khó khăn lắm mới có được người nối dõi tông đường nên cậu con trai út được gia đình cưng chiều hết mực. Từ chuyện ăn mặc cho đến chuyện học hành nhất nhất đều nghe theo người con độc tôn.
Chiều quá sinh hư, cậu con trai sinh năm 1996 này nhanh quen với việc được đáp ứng mọi nhu cầu và tự ý làm mọi chuyện. Lên đến năm lớp 9, H. (tên con trai bà C.) bắt đầu biết đến điện tử, cờ bạc, rượu chè và… ma túy. Không lâu sau, H. bỏ học, sống cầu bơ, cầu bất, đi theo con đường tệ nạn.
Chỉ vì không sinh được con trai mà nhiều phụ nữ bị đay nghiên là “không biết đẻ” (ảnh minh họa)
Nhìn đứa con trai duy nhất trong nhà còm nhom vì nghiên ngập, bà C. thắt lòng. Nhà có người nghiện, của cải, vật dụng cứ “đội nón” ra đi. Chẳng những thế, gia đình bà còn chịu đủ mọi điều tiếng, sự hắt hủi của hàng xóm láng giềng, bởi cứ hễ mất đồ là họ nghi cho con trai bà lấy.
Bao năm qua, không ít lần bà C. ao ước “giá như ngày xưa không đẻ cố”. 6 cô con gái giờ đã yên bề gia thất nhưng vợ chồng bà vẫn chưa được một phút thanh thản bởi người con trai tệ nạn vẫn hàng ngày gây họa.
“Con sâu bỏ rầu nồi canh. Con sâu ấy là giống cái đã đành, nó lớn nó bay về nhà chồng, chứ sâu mà là “giống đực” thì bố mẹ chỉ có rầu cả đời”, bà C. than thở.
Còn không ít gia đình dù không có điều kiện nhưng vẫn cố đẻ con trai để lo hương hỏa cho gia đình mà không quan tâm đến chuyện, đẻ ra rồi sẽ nuôi dạy thế nào. Sự vô trách nhiệm với chính bản thân và con cái ấy đã gây ra bi kịch lớn cho nhiều gia đình.
Theo Phununews
Bà mẹ khiến nhân tình của con trai phải "tâm phục khẩu phục" rút êm
Anh yêu quý mẹ và cũng yêu quý chị, nên đã đưa chị về gặp mẹ. Chẳng biết mẹ và nhân tình nói với nhau chuyện gì, nhưng từ sau lần gặp đó, chị chủ động rút khỏi cuộc tình.
ảnh minh họa
Tôi nhận lời nhờ cậy của chị, mang giỏ bánh đến thăm một bà cụ ở khu tập thể gần nơi tôi làm việc, băn khoăn vì không hiểu sao chị sống và làm việc ở một thành phố miền Nam, lại quen biết một bà cụ xứ Bắc.
Bà cụ nhỏ bé, già yếu và có vẻ chẳng khi nào đi đâu khỏi cái phòng vỏn vẹn mấy mét vuông trong khu tập thể cổ lỗ sĩ của những thập niên trước. Bà hỏi tôi là ai, theo đúng "kịch bản", tôi trả lời mình từ một văn phòng đại diện của một công ty chuyên về thực phẩm cho người cao tuổi. Tôi hỏi thăm sức khỏe bà cụ, nói chuyện linh tinh một hồi. Bà đang sống với vợ chồng cô con gái và hai đứa cháu ngoại. Tôi lờ mờ đoán ra bà là ai đối với chị bạn.
Đúng vậy. Bà là mẹ của anh - người đàn ông chị yêu. Anh đã lập gia đình, nhưng công việc kinh doanh và tính cách ưa phiêu lưu đã ném anh vào cuộc sống xa nhà. Chị yêu anh, nhưng cả hai người không ai muốn phá vỡ gia đình mình. Họ đã cố giấu giếm tình yêu ấy, cố hẹn hò kín đáo, cố chăm bẵm cái vẻ ngoài của mỗi tổ ấm để không ai lo lắng nghi ngờ gì. Vậy mà không hiểu sao một lần vào thăm con trai, bà cụ đã biết. Anh yêu quý mẹ và cũng yêu quý chị, nên đã đưa chị về gặp mẹ. Chẳng biết họ nói với nhau chuyện gì, nhưng từ sau lần gặp đó, chị chủ động rút khỏi cuộc tình.
Trong cuộc đời, có những người mình chỉ gặp một lần thôi, thoáng qua hay tình cờ, nhưng mãi sau này mới biết gặp gỡ ấy là một duyên may, gần như là hạnh phúc. Chị bảo, mẹ anh là một người phụ nữ kỳ lạ. Bà nói bà không thương con trai mình, vì nó là một thằng bé ích kỷ. Mà đàn ông, con ơi, nói chung là ích kỷ. Họ chỉ biết cái khát khao của họ, con đường của họ và những giấc mơ của họ mà thôi. Trong cuộc đời người đàn ông, mỗi người đàn bà đều là một giấc mơ, khi họ chìm vào giấc mơ nào thì giấc mơ ấy là đẹp nhất, lung linh quyến rũ nhất, nhưng tỉnh giấc rồi thì có khi quên cũng nhanh thôi. Con trai mẹ có một giấc mơ đã thành hình hài thực: vợ nó, gia đình nó. Con trai mẹ lấy vợ vì nó cũng từng yêu người ta, chứ nào phải mẹ ép buộc gì đâu. Khổ thân con dâu của mẹ, biết đâu lấy người khác, sống cuộc đời khác, đã có thể hạnh phúc hơn...
Mẹ làm sao thương được hết những giấc mơ của con trai, nên thôi thì, thương con dâu là đúng hơn cả. Bà cụ bảo, mình thương dâu, nhưng con dâu cũng chả tin mình thương nó. Nó cứ bảo tại mình không răn dạy, không ép buộc chồng nó phải quay về, ở yên trong nhà với vợ con. Thôi thì, lúc nào đó, làm mẹ đủ lâu, nó sẽ hiểu, dù có thương mẹ đến đâu, nhưng những thằng con trai bám váy mẹ, nghe lời mẹ răm rắp, thì lại chẳng ra gì. Nó có con đường của nó, có những giấc mơ của nó. Nếu nó không thương vợ con nữa, mình lại phải càng thương vợ con nó, để bù lại con ạ, bởi người đàn bà phải vậy, phải là cọng dây xâu những hạt ngọc rời thành chuỗi hạt gia đình, chuỗi ngọc dòng họ. Mẹ chỉ có một cuộc đời mình để làm cọng dây ấy, nên mẹ không thể thương được con, cũng như con, con không thể xâu thêm vào chuỗi hạt của mình những hạt vốn đã thuộc về một xâu chuỗi khác...
Cuộc tình của chị đã qua. Nghe đâu sau đó chị đau khổ lắm, dằn vặt lắm, nhưng đã dồn tất cả tình cảm và công sức vào các con, rồi chị dần dần tìm lại được sự cân bằng. Nghe đâu sau đó, anh có thêm mấy nhân tình nữa, trẻ đẹp hơn và vợ anh cũng ghen tuông ồn ào hơn. Khi đã ra khỏi đời nhau rồi, chị cũng chẳng có dịp nào, chẳng có lý do gì để đến thăm bà cụ. Con đường mỗi người đi mỗi lúc một cách xa nhau hơn, chỉ có câu chuyện ấy, lần gặp ấy, chị không quên được.
Chị bảo, bà cụ nói bà không thương con trai mình - cái thằng bé ích kỷ ấy. Nhưng chị muốn thay anh gửi đến bà lòng kính trọng của một đứa con đối với người mẹ hiểu con mình đến chân tơ kẽ tóc và yêu thương con bằng cách giữ cho nó một mối dây gia đình mỏng manh nhưng luôn bền chặt. Dù bà mẹ không thương chị, dù chị biết mình sai khi yêu anh, nhưng bản năng người mẹ đã mách bảo cho bà biết cách để trái tim người mẹ đến được với trái tim một người mẹ khác, vượt lên trên tất cả những sân si đau đớn của người đàn bà. Chị mang ơn bà, vì điều đó...
Theo Một Thế Giới
Ba mẹ ép anh chia tay khi biết tôi không còn trong trắng Anh vì trọn chữ hiếu nên đã muốn dừng lại, cũng oán trách tôi với những lời lẽ cay độc, nhưng tôi biết anh đau khổ giữa bên hiếu bên tình. Tôi và Phú quen nhau khi tôi xin vào thực tập ở công ty, còn anh là nhân viên mới vào làm. Lúc đó tôi chỉ là cô bé vừa mới chập...