Nơi đặt tên con gái đặc biệt nhất Hà Nội
Có câu “Phép vua thua lệ làng”, ở một số xã như Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai), Hà Nội con gái không mang họ cha như thông lệ, mà lấy tên đệm của cha làm họ cho mình…
Với những người dân ở các địa phương này, ai cũng cho rằng họ của mình là chữ ở giữa (tên đệm) chứ không phải chữ đầu tiên (tên họ). Báo Đất Việt dẫn lời ông Lê Văn Tân – trưởng một thôn ở xã Cộng Hòa: “Lê đứng đầu nhưng theo cách nghĩ của người dân ở đây thì Văn mới là họ, còn Lê chỉ là đệm. Chính vì thế khi lấy họ cho con gái là Văn thì cũng chẳng có gì sai” (?).
Trên tờ Sức khỏe đời sống, ông đồ Nghiêm Quốc Đạt lại dẫn chứng: “Ví dụ, một ông có tên Nguyễn Đăng Vĩ, con trai ông ta vẫn lấy Nguyễn Đăng Huy, Nguyễn Đăng Ngọc tùy ý. Nhưng là con gái, lại phải lấy thành Đăng Thị Hạnh chẳng hạn”.
Việc vận động các bậc cha mẹ đặt tên con gái theo họ cha ở các xã Sơn Đồng hay Cộng Hòa là cả một vấn đề
Ở những xã kể trên, người ta không khó để bắt gặp những người phụ nữ có cái tên nghe lạ lẫm như: “Sỹ Thị…”, “Đăng Thị…”, “Quý Thị…”, “Đắc Thị…”, “Văn Thị…” v.v.
Giải thích về tục lệ kỳ lạ này, ông Đạt – một người chép sử của làng nói rằng: Xuất phát từ việc các cụ ngày xưa thay tên đổi họ do chiến tranh, địch họa nhằm tránh bị đánh, giết. Mặt khác, cha mẹ luôn muốn con cái sinh ra phải nhớ lấy cội nguồn, gốc rễ. Đàn bà chính là nguồn (do ảnh hưởng từ chế độ mẫu hệ), đàn ông là cội. Con trai lấy họ cha để giữ cội, con gái mang tên đệm cha làm họ để giữ nguồn…
Đặc biệt, những phụ nữ ở xã Sơn Đồng và Cộng Hòa, nhất là những gia đình truyền thống làm nông nghiệp hay nghề phụ đều khăng khăng họ của mình là từ đứng thứ hai chứ không phải đầu tiên trong tên cha.
Video đang HOT
“Ông Nguyễn Đăng Tân, Trưởng phòng Tư pháp xã Sơn Đồng, cho biết, mỗi khi có cặp vợ chồng mới sinh con gái tới làm thủ tục, ông đều khuyên họ nên lấy họ cha cho con. Nhưng “người dân cho rằng họ của mình là từ đứng thứ hai chứ không phải đứng đầu tiên nên họ không nghe, đặc biệt là những gia đình làm ruộng và nghề phụ”,ông Tân than thở…” Thông tin trên báo Đất Việt.
Chính việc đặt tên không giống ai này đã mang lại rắc rối cho những người dân xuất thân từ những địa phương nói trên khi họ đi công tác, làm việc, thậm chí là những em học sinh, sinh viên còn đang đi học.
Như Sơn Đồng vốn là một xã có truyền thống học tập tốt. Song chính vì tục lệ lạ lùng trên mà nhiều học sinh, sinh viên nữ “phát khóc” vì rất nhiều thủ tục pháp lý có liên quan đến lý lịch, hộ khẩu. Trong các trường hợp thực tiễn, khi con gái không mang họ cha như thông lệ, một câu hỏi lớn sẽ được đặt ra. Và lập tức, cô gái sẽ bị rà soát lại lý lịch. Cô giáo Đức Thị Thanh Hiền, một giáo viên trẻ ở trường tiểu học Sơn Đồng đã gặp phải rắc rối lớn với chính cái tên lạ lẫm của mình, và bỏ lỡ một suất học bổng nước ngoài lớn. Trường hợp được tờ Sức khỏe đời sống dẫn chứng.
Báo Đất Việt cũng dẫn lời nguyên Bí thư huyện Hoài Đức, ông Nguyễn Trọng Trúc về vấn đề này. Ông cho rằng, cách đặt tên họ cho con gái như ở Sơn Đồng rõ ràng là không giống với các địa phương khác, song không dễ để chính quyền địa phương “ép” người dân có thể thay đổi một tập tục dường như đã “ngấm vào máu”.
Theo thông tin từ báo giới trong nước, chính quyền các xã nói trên cũng tích cực vận động người dân địa phương họ đặt tên cho con gái theo đúng họ cha, nhằm tránh những bất cập trong thủ tục hành chính về sau. Do đó, nhiều năm gần đây, các trường hợp lấy tên đệm cha làm họ cho con gái đã giảm đáng kể.
Ngoài ra, các nhà soạn thảo luật cũng kiến nghị đưa vào Luật hộ tịch những điều thống nhất để xác định họ, dân tộc sao cho phù hợp với tập quán, truyền thống mà vẫn đảm bảo đúng quy định, pháp luật.
Theo Đại Lộ
Căn cước công dân không thể thay giấy khai sinh
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết giấy khai sinh có giá trị toàn cầu, còn thẻ căn cước công dân chỉ là giấy thông hành đi lại trong nước.
- Luật căn cước quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi, còn luật hộ tịch vẫn muốn duy trì giấy khai sinh, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?
- Quan điểm của Chính phủ là đề nghị cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh, sau đó cấp thẻ căn cước công dân. Hai dự án luật này có điểm giống nhau là bảo đảm quyền đăng ký khai sinh của trẻ, nhưng khác nhau ở vật chứa bên ngoài: sự kiện đăng ký khai sinh theo luật Hộ tịch thì nằm ở giấy khai sinh, còn theo luật Căn cước công dân thì nằm ở căn cước công dân.
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Dự án luật đăng ký hộ tịch theo hướng cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi sinh ra dựa trên nhiều căn cứ. Thứ nhất, việc cấp giấy khai sinh để chứng nhận sự kiện ra đời của trẻ em, kể cả trẻ là người nước ngoài sinh ra tại Việt Nam. Hầu hết các nước trên thế giới vẫn cấp giấy khai sinh.
Thứ 2, đối với Việt Nam thì giấy khai sinh đã trở thành truyền thống, được duy trì đến ngày hôm nay. Giấy khai sinh còn có giá trị toàn cầu, ra nước ngoài vẫn có giá trị, trong khi đó, căn cước công dân thì không có giá trị toàn cầu, mà chỉ có giá trị đối với công dân Việt Nam, là giấy thông hành đi lại trong nước. Trong dự thảo có mở ra hướng đi lại trong cộng đồng ASEAN, nhưng cũng chỉ trong cộng đồng hẹp, không có tính chất toàn cầu.
Ngoài ra, căn cước công dân không thể hiện được nhận dạng của trẻ em trước 14 tuổi. Vì vậy, nó không phù hợp với định nghĩa thế nào là căn cước ở trong dự thảo Luật Căn cước công dân. Việc cấp căn cước công dân cho trẻ em sinh ra, đến 14 tuổi lại thay thì chắc sẽ tốn kém hơn bởi sản xuất ra một căn cước công dân tốn kém hơn một giấy khai sinh. Chính vì vậy, Chính phủ rất nhất quán trong việc đề nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc xem xét hai dự án luật, các đại biểu thảo luận nên thực hiện theo phương án nào.
Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường.
- Vẫn cấp giấy khai sinh cho trẻ dưới 14 tuổi, nhưng làm thế nào để việc này không trở thành một thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân?
- Thực ra thì giấy khai sinh cho trẻ em trước khi đủ 14 tuổi cũng là giấy thông hành. Trẻ em dưới 14 tuổi khi cần việc gì chỉ cần giấy khai sinh, nhưng khi đủ 18 tuổi thì chỉ cần trình thẻ căn cước công dân. Hiện nay ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch thống nhất nên có rất nhiều sự trùng lặp về thủ thủ tục hành chính, bắt người dân phải kê khai rất nhiều, chúng ta đang hướng tới mục tiêu thống nhất dữ liệu để giảm phiền hà cho người dân.
Mỗi người khi sinh ra phải có giấy khai sinh, hệ thống đăng ký hộ tịch này sẽ theo dõi con người ta đến cuối đời. Cơ sở dữ liệu hộ tịch này sẽ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm cung cấp những trường thông tin. Về cơ bản, dự án luật Hộ tịch và dự án luật Căn cước công dân có mối liên hệ với nhau, như vậy sẽ làm giảm tốn kém.
- Trường hợp người dân muốn thay đổi tên thì liên hệ với cơ quan nào?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý, trong cơ sở dữ liệu dân cư sẽ phân ra đâu là cở sở dữ liệu căn cước công dân như dấu vân tay, nhóm máu... Từ đó, có thể phát triển thêm một nhánh bên Bộ tư pháp là cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch. Còn cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch thì ghi nhận những biến động về hộ tịch của một con người. Vì vậy, nếu người dân muốn thay tên đệm thì phải đến cơ quan hộ tịch. Sau khi làm việc, dữ liệu được cập nhập vào hệ thống dữ liệu hộ tịch quốc gia.
- Kinh phí làm thẻ căn cước công dân được tính toán như thế nào, thưa ông?
- Tôi không biết được chi phí để làm thẻ căn cước công dân hết bao nhiêu bởi đây là nguồn vốn ODA của Hungary với chi phí 10 triệu Euro. Tuy nhiên lĩnh vực này hoàn toàn có thể xã hội hoá được. Ví dụ như một doanh nghiệp có thể đóng góp để xây dựng dữ liệu, sau đó có thể thu phí những ai muốn truy cập - tất nhiên là truy cập trong phạm vi cho phép, không phải là những bí mật cá nhân.
Dù chương trình này có tốn kém đi chăng nữa thì cũng hoàn toàn xứng đáng vì đó là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân.
Hoàng Thuỳ ghi
Theo VNE
Bộ trưởng Tư pháp: Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu "Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu, mang ra nước ngoài vẫn có giá trị, còn thẻ căn cước công dân chỉ có giá trị trong nước là giấy thông hành khi đi lại" - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói bên hành lang Quốc hội chiều ngày 27/10. Dư luận suốt thời gian qua vẫn băn khoăn, nghi hoặc...