Nơi con gái không hút thuốc lào sẽ “ế”
Có lẽ, không nơi nào người dân lại hút thuốc lào nhiều như ở bản Ka Lô (huyện Ka Lum, tỉnh Sê Kông, Lào). Từ người già đến đứa trẻ thân chưa cao bằng cái ống điếu đều đắm chìm trong làn khói.
Cơm không no nhưng thuốc là phải đủ
Cư dân Ka Lô cơm không đủ để ăn nhưng ống tẩu lúc nào cũng chẳng rời tay. Bình quân mỗi gia đình có từ 2-3 ống tẩu thuốc, thậm chí có hộ 10 khẩu thì có 10 cái. Thuốc lào ở Ka Lô có hương vị thơm, khó lẫn với vùng đất nào.
Men theo sông Trôn, ngược lên các triền đồi A Mớ, là những bãi trồng cây thuốc lá mênh mông. Mỗi hộ gia đình ở đây, ít thì có vài trăm mét vuông, nhiều thì trồng cả sào. Có mặt tại rẫy thuốc nhà mình, bà Hồ Thị KuTe, nói như khoe: “Mình trồng thuốc không chỉ để hút mà còn mang ra vùng A Lưới (Huế, Việt Nam) bán nữa đó. Cả nhà mình ai cũng hút thuốc cả, nếu mà đi mua thì không đủ tiền, nên phải trồng thôi”.
Phụ nữ không hút thuốc rất khó… lấy chồng
Cứ đến tháng 3-4 âm lịch hằng năm, cư dân Ka Lô lại lên đồi “gặt” lá thuốc về mang giã mịn, phơi khô. Những mùa nắng nóng như chảo rang ở vùng thâm sơn này vẫn không ngăn được bước chân người dân lên rẫy. Mật mía rừng là bí quyết để thuốc lào ở Ka Lô thơm, ngọt hơn. Mía được giã vắt lấy nước, cô lại thành cao rồi đem trộn với lá thuốc xay mịn, phơi thêm một lần nắng nữa, đến khi khô giòn, thuốc chuyển sang màu sẫm là hút được.
Ống thuốc của người Ka Lô vừa lớn vừa dài, có khi là cả một đốt tre lồ ô nguyên khối. Tẩu thuốc thì làm bằng thân tre nhỏ hơn, được nạm sắt cứng bên ngoài. Theo những người dân có thâm niên hút thuốc lào ở Ka Lô, cư dân ở đây chế ống, tẩu thuốc lào dài là vì họ muốn có lượng khói nhiều, hút cả ngày mới đủ “phê”!
Trẻ con rít thuốc lào sòng sọc
Đàn ông, con trai miên trường trong khói thuốc đã đành, ở bản Ka Lô, từ bà già đến thiếu nữ và trẻ con đều “đốt” thuốc lào.
Trẻ em trong bản đều biết hút thuốc lào
Video đang HOT
Đối với những phụ nữ, hút thuốc lào là sự khẳng định chính mình với cánh đàn ông, phụ nữ không hút thuốc rất khó… lấy chồng. Dấu tích còn lại của chế độ mẫu hệ trong tộc người Pa Cô, Cơ Tu nơi đây được thể hiện trên… điếu cày!
Trước căn nhà sàn, Hồ Thị Pương đang ngồi dệt thổ cẩm. Chốc chốc, điếu cày trên tay chị Hồ Thị Pờ Lớt – một người bạn hàng xóm lại đưa sang, chị đưa miệng vào rít, tẩu thuốc cháy đỏ, tàn rơi vãi, rồi chị nhả khói ngon lành. Pương năm nay 44 tuổi và đã có 6 mặt con, trừ 2 đứa nhỏ còn chập chững và ẵm ngửa, 4 đứa trẻ còn lại đều có 4 tẩu thuốc lào riêng cho mình.
Chị Pương tâm sự: “Miềng biết hút thuốc lào từ lúc chưa đến tuổi thiếu nữ. Hồi mới lớn, miềng cũng không biết hút, ngửi mùi thuốc còn buồn nôn, khó chịu. Rồi sau đó mẹ mình tập cho mình hút. Cứ sau mỗi lần lên rẫy, mẹ lại lấy thuốc nêm vào tẩu, bỏ than cháy đều, bảo mình hút… cho quen, sau này dễ “nói chuyện” với đám trai bản”.
Hút mấy chục năm thế mà không bị bệnh sao?, tôi hỏi. Pương quả quyết: “Nước suối làng mình sạch lắm. Múc nước suối lên tưới cây thuốc thì hút làm sao mà bệnh được. Cán bộ coi mấy cụ già trong thôn, hút thuốc từ nhỏ mà có ai bị đau ốm gì đâu”.
Mẹ con cùng… hút
Nói đoạn, như để minh chứng cho “kỳ tích” hút thuốc lào mấy chục năm của mình, Pương leo lên sàn nhà, thoắt cái đã có ống thuốc lào trong tay. Đây là ống thuốc lào do mẹ Pương làm cho, Pương hút từ lúc 8 tuổi cho đến nay và giữ mãi, xem như vật bất ly thân kể cả khi về nhà chồng. Ống thuốc được sử dụng lâu năm, chất tre đã khô, sít lại, dậy lên màu vàng ánh nơi tay cầm; phía đầu ống tẩu màu bồ hóng của tro tàn lâu ngày đã quệt lên một lớp láng bóng.
Pương bảo: “Hồi miềng mới gặp chồng là Pả Mương, mình cũng dùng ống thuốc lào ni để hút. Rồi Mương thấy thích, đêm nào cũng đến nhà mình, hai đứa ra bờ suối cùng hút chung một tẩu, thế là nên vợ chồng”.
Nhà Pương có 6 thành viên đều rít thuốc rất điệu nghệ, mỗi ngày “đốt” hết cả mấy cuộn thuốc. Nếu không trồng thuốc lá để hút, tiền mua thuốc sẽ nhiều hơn tiền mua gạo ăn. Nhiều gia đình ở Ka Lô, gạo thiếu ăn đứt bữa, nhưng thuốc lào thì vẫn hút đều đặn, họ vẫn sống vui tươi, tự nhiên như núi đồi nương rẫy.
Hỏi về chuyện dân bản hút thuốc lào, A Viết Dươi, Phó bí thư Chi bộ bản Ka Lô, cười cười: “Phong tục của bản nhiều đời nay thế, già trẻ đều hút thuốc cả, mà chẳng thấy ai có bệnh đâu. Mỗi năm, cán bộ biên phòng khám bệnh định kỳ 3 lần nên dân bản có lo gì đâu, cứ hút thoải mái”.
Không còn vô tư hút như chị Pương, chị Pờ Lớt cũng hút thuốc mấy chục năm nay nhưng sau cái chết của chồng, chỉ bỏ được mấy ngày nhưng rồi tặc lưỡi đốt tiếp vì… thèm quá. “Không hút thì hai con mắt mình nó cứ nhắm lại, đêm không ngủ, ngày cũng không lên rẫy được”, Pờ Lớt phần trần. Trong ký ức của người đàn bà già hơn so với cái tuổi 46 này, Pờ Lớt vẫn nhớ mãi hình ảnh người chồng đau ốm liên miên rồi từ giã mẹ con chị sang bên dòng Trôn nằm lại với núi rừng.
Chị kể: “Nó (chồng chị) ho dữ lắm, vừa ho vừa ôm cả ngực rồi hai mắt trợn ngược. Miềng ra kêu bộ đội biên phòng A Đớt mang thuốc sang, đến chiều thì nó chết”. Ngày đưa chồng Pờ Lớt sang bên cánh rừng ma cạnh sông Trôn, dân bản tránh cả vì sợ lây bệnh. Những ngày rong ruổi ở Ka Lô rồi vòng ra bản A Roóc (một “chi lưu” của bản Ka Lô đã di cư ra gần cửa khẩu Tà Vang), những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là những đứa trẻ, thân cao chưa quá ngọn môn rừng, đã cầm tẩu thuốc phập phè điêu luyện.
Thiếu nữ Ka Lô “phê” bên tẩu thuốc lào
Những đứa trẻ từ 7-10 tuổi, cũng không biết chúng hút từ lúc nào, nhưng nhìn cái cách chúng mồi thuốc, thắp điếu, rồi rít thuốc như đốt rạ không ai không thấy xót lòng! Từ trên nhà sàn bước xuống, bé Kăn Póc (6 tuổi) mang tẩu thuốc cao quá thân người mình. Tưởng mang tẩu thuốc cho bố, ai dè Kăn Póc châm lửa rít thật, nhổ toẹt nước bọt rồi cười hồn nhiên. Nhìn thấy cảnh ấy Hồ Văn Ngao, bố Kăn Póc, cười thẹn: “Thấy mẹ nó hút nên nó hút theo, giờ thành quen rồi”.
Theo Kăn Póc đến lớp học ở cuối thôn, lớp được “chặp vá” với những cái đầu lô nhô, cao thấp, những em học sinh vẫn vô tư mang cả điếu cày vào trong lớp. “Học sinh ở đây đều hút thuốc lào cả. Không biết sao mà bố mẹ chúng cho chúng hút vô tư như thế. Hỏi phụ huynh thì họ nói hút thuốc lào không mang bệnh cho con trẻ nên đành chịu”, cô giáo cắm bản Hồ Thị Thơi, nói buồn buồn.
Theo 24h
"Nèm" yêu kỳ bí của người Mường
Cách đây ít lâu, trong một chuyến công tác ở thị trấn Tân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, tôi đã từng được gặp một "dị nhân" cũng có khả năng làm "nèm".
Ông Hà Xuân Nhã hà hơi, đọc khẩu quyết để làm "nèm".
Làm phép bằng gừng xát vào áo
Đến thị trấn Tân Sơn (Phú Thọ) hỏi thầy bùa Hà Xuân Nhã thì ai cũng biết. Ông Nhã là người Mường gốc, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, dẻo dai. Khi chúng tôi đến nhà thì ông Nhã vừa tiễn một vị khách ở tận Hà Nội đi ô tô về chơi.
Theo lời kể của ông, chúng tôi được biết người khách vừa đến là một ông bố có con trai vừa lấy vợ. Chuyện lạ là mấy năm yêu nhau trước ngày cưới thì đôi nam nữ rất thuận hòa và yêu thương nhau.
Nhưng không hiểu sao vừa cưới được một ngày thì cậu con trai đùng đùng bỏ ra ngoài thuê phòng trọ ở riêng một mình. Không tìm được nguyên nhân và cũng không cách nào giải quyết nổi, ông bố vốn làm kinh doanh đi nhiều nơi được bạn bè giới thiệu mới tìm lên nhờ cậy ông Nhã.
Sau khi dặn người bố mang lên một cái áo của cô con dâu và một cái áo của cậu con trai, ông Nhã lấy một củ gừng chà vào 2 chiếc áo rồi hà hơi làm phép.
Ông bố mang áo về cho các con mặc và thật lạ lùng là chỉ một tuần sau, cậu con trai đã mang đồ đạc về đoàn tụ với gia đình. Từ đó, cứ mỗi lần có việc đi qua Tân Sơn là ông bố lại rẽ vào chơi và biếu quà cho người đã giúp ông hàn gắn hạnh phúc gia đình.
Ngồi tỉ tê câu chuyện, ông Nhã cho biết ông bắt đầu học "nèm" từ năm 22 tuổi. Ông có 2 vị sư phụ là bà Hà Thị Nghi và Hà Thị Tám (bà Tám là vợ hai của bố ông Nhã). Hàng năm, bắt đầu từ mùng 1 cho đến mùng 10 Tết, ông Nhã cùng các học trò lại đến nhà sư phụ để nghe truyền dạy các khẩu quyết và cách thức "nèm".
Đầu tiên phải nói được nguyên văn 10 câu thần chú mà không sai một từ, cứ thế học trong vài năm thì có thể "hạ sơn" để hành nghề. Ông Nhã tự nhận mình chỉ giỏi ở mức... trung bình, làm được những việc đơn giản, còn tuyệt kỹ thì phải kể đến bà Lam ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn; ông Hà Văn Phin ở xã Dịch Giáo (Tân Lạc, Hòa Bình) hay ông Minh ở xã Văn Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình). Nhưng ông cũng tự tin để nói rằng, bản thân ông từ lúc hành nghề cũng chưa bao giờ thất bại.
Những bí ẩn cần nghiên cứu
Lang thang ở thị trấn Tân Sơn, chúng tôi nhận thấy người Mường nơi đây rất tin vào sức mạnh và sự hiệu nghiệm của "nèm". Những người có khả năng làm "nèm" đều được mọi người trọng vọng, tin tưởng. Đổi lại, người làm nghề "nèm" phải luôn giữ được chữ tâm trong sáng nếu không sẽ bị quả báo nặng.
Một câu chuyện về thầy "nèm" Hà Văn T xảy ra chưa lâu và vẫn thành đề tài bàn tán của người dân Tân Sơn mỗi khi rảnh rỗi.
Thầy T ở khu 4, thị trấn Tân Sơn có cô con gái đến tuổi lấy chồng nhưng với hình thức trung bình nên vẫn chưa tìm đâu được bến đậu. Ông T đã quyết định "nèm" cho con gái mình với một người đàn ông trung niên giàu có làm nghề xây dựng, dù anh ta đã có gia đình.
Một thời gian sau ông T mất, cuộc đời cô con gái cũng từ đó bám chặt với người đàn ông có vợ kia, bất chấp gia đình anh ta phản đối, ngăn cấm...
Nhiều người cho rằng đó là việc làm không có đức và rất nhiều người ở thị trấn đã chứng kiến thi thể của thầy Hà Văn T vẫn tươi nguyên dù sau mấy năm chôn cất. Vì thế gia đình thầy T lại phải chôn lại và cũng chưa biết ngày nào có thể cất mả được.
Nhà văn hóa Trần Hữu Nhàn cho rằng, "nèm" sống được đến ngày hôm nay thì chứng tỏ bản thân nó phải chứa đựng một sức mạnh và bí ẩn kỳ diệu nào đó. Điều này rất mong một ngày nào đó sẽ được các tổ chức, các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa mổ xẻ và giải mã...
Ông Trần Duy Thái - Trưởng phòng VHTTDL huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết: "Bản thân tôi tin chuyện "nèm" là hoàn toàn có thật.
Ngay tại cơ quan tôi cũng có một nhân viên quê ở Phù Yên (Sơn La) mà người nhà của cậu ấy có thể làm được "nèm".
"Nèm" thường chia làm hai loại, cứ tạm gọi là "tốt" và "xấu", nhưng dân gian vẫn thường ủng hộ những người làm "nèm" mà mang lại điều tốt điều hay cho người khác và ngược lại lên án những ai "nèm" để đem lại tai họa, điều không lành cho bà con nhân dân.
Tôi nghĩ rằng đây là một nét văn hóa rất đáng quý của người Mường và cần được bảo lưu, gìn giữ".
Theo xahoi
Tục tắm tiên để trừ tà ma ở bản Khộp Hàng trăm năm nay người bản Khộp (xã Ngọc Lâu, Lạc Sơn, Hòa Bình) vẫn coi cái giếng đó như vật báu. Mặc cho thời tiết khô hạn thì nước ở đó vẫn đầy ăm ắp, đáy giếng phun ra 2 tia nước với 2 màu sắc khác nhau. Cho đến nay tục tắm tiên tại giếng này là một nét văn hóa...