Nỗi cô đơn và đau khổ mà chồng tôi phải gánh trong căn phòng riêng
Tôi không biết chồng tôi đã phải chịu bao nhiêu nỗi đau khổ và sự cô đơn trầm cảm trong căn phòng riêng đóng kín kia. Giá mà anh chia sẻ với tôi hoặc tôi tinh ý nhận ra thì chắc chắn mọi chuyện sẽ không bế tắc như thế.
Tôi không biết chồng tôi đã phải chịu bao nhiêu nỗi đau khổ và sự cô đơn trong căn phòng riêng đóng kín kia. (Ảnh minh họa)
Hồi mới quen nhau, tôi biết anh là người sống nội tâm, trầm tính, ít nói. Vì thế mà những lần gặp nhau, chúng tôi thường ngồi nhìn nhau, tự khuấy cà phê, chứ ít khi trò chuyện sôi nổi như những cặp đôi yêu nhau khác. Nhưng tôi lại thích cảm giác bình yên anh mang đến.
Video đang HOT
Cưới nhau về, tôi biết chồng cần một khoảng không gian riêng, anh lại là nhà thiết kế nội thất nên càng cần sự yên tĩnh để làm việc. Trong nhà có một căn phòng, không biết từ lúc nào, đã trở thành thế giới riêng của anh. Tôi ít khi được bước chân vào, vì mỗi khi tôi vào, anh lại hỏi “Có chuyện gì không em?”. Nếu tôi trả lời không có, anh sẽ im lặng làm việc, coi tôi như không tồn tại. Được một lúc thì do không muốn quấy rầy chồng nên tôi cũng khẽ khàng bước ra, đóng cửa lại.
Khi tôi mang thai, tôi bắt đầu nghỉ việc xã hội mà toàn tâm ở nhà lo cho việc nội trợ. Thời gian chúng tôi nói chuyện cũng nhiều hơn. Tôi thấy anh cũng vui vẻ hơn trước. Cho tới lúc tôi sinh con, tôi bắt đầu bận rộn với con và hoàn toàn quên mất chồng. Buổi sáng tôi cuống lên vì lo cho con, chồng đi làm lúc nào không hay. Buổi chiều cũng tiếp diễn như vậy, còn buổi tối, khi con cái đã ngủ say thì chồng tôi lại giam mình trong căn phòng làm việc. Tới nửa đêm anh mới len vào giường nằm ôm tôi ngủ.
Nhiều khi, tôi luôn tự nói với bản thân, nhất định phải chờ chồng về để nói chuyện với anh. Nhưng con cái khiến tôi quá mệt, chỉ cần đặt lưng vào giường là ngủ quên. Thành ra, từ khi sinh con xong, tôi chưa từng nói quá 10 câu một lần với chồng.
Trong nhà có một căn phòng, không biết từ lúc nào, đã trở thành thế giới riêng của anh. (Ảnh minh họa)
Mọi chuyện lặng lẽ qua đi, tới khi con trai tôi được 8 tháng thì có chuyện xảy ra. Chồng tôi không đi làm nữa. Buổi sáng tôi thấy anh ngủ tới 9 giờ mới dậy. Hỏi vì sao anh không đi làm thì anh trả lời, anh nghỉ việc một thời gian vì bận dự án khác. Tôi không hiểu về công việc của chồng nên chỉ biết ậm ừ đồng ý. Cứ tưởng nghỉ việc thì thời gian anh dành cho vợ con sẽ nhiều, anh sẽ chăm lo giúp tôi con cái. Nhưng không, anh vẫn giam mình trong căn phòng riêng. Đến bữa thì anh bước ra ăn qua loa vài miếng rồi lại vào trong đó. Tôi hỏi thì anh nói, anh đang cố hoàn thiện bản vẽ.
Cách đây ba tuần, chúng tôi cãi nhau vì con trai phun sữa vào bản thiết kế của anh khi tôi bế con vào nhìn anh làm việc. Hôm đó tôi thấy anh như phát điên lên. Anh xé hết giấy tờ trên bàn, kể cả những bản vẽ đã xong. Anh giận dữ đuổi mẹ con tôi ra khỏi phòng. Tôi cũng bực bội không kém, tôi hét vào mặt anh rằng tôi và con sẽ không bao giờ bước chân vào đây một lần nào nữa.
Tối đó, do giận nhau nên anh không ra ăn tối và tôi cũng không gọi. Tôi ôm con bỏ về phòng ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy tôi mới biết, cả đêm anh không về giường nằm. Anh ngủ trong phòng làm việc và cũng không ăn tối. Tôi dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ, bế con đi mua đồ ăn sáng về và gọi anh, nhưng không thấy anh trả lời. Tôi đập cửa hồi lâu và gọi bằng giọng cục cằn, cũng không thấy anh bước ra. Tôi quên luôn lời nói đêm qua, vặn tay nắm cửa định mở vào thì phát hiện cửa khóa bên trong. Tức giận, tôi mặc kệ anh.
Tôi bắt đầu công việc hàng ngày, cho con ăn xong thì đi chợ. Đi chợ về, tôi thấy bữa sáng còn nguyên trên bàn. Đến mức này thì tôi không thể chịu được thêm. Tôi đi tìm chìa khóa dự phòng và mở cửa phòng làm việc của anh.
Nhưng khi nhìn thấy anh nằm trên ghế, khuôn mặt tái nhợt, bọt mép trào ra thì một nỗi sợ hãi ập đến. Tôi lao đến lay anh nhưng anh không hề trả lời. Bên dưới là những viên thuốc màu trắng rơi vung vãi. Tôi run rẩy cầm điện thoại gọi cấp cứu. Vừa gọi, tôi vừa gào thét khiến con trai giật mình khóc váng lên.
May mắn rằng chồng tôi đã qua cơn nguy kịch. Lúc đầu tôi tưởng anh uống thuốc ngủ tự tử nên vừa lo sợ, vừa buồn bã chán nản. Đến khi bác sĩ thông báo chồng tôi bị sốc do uống quá liều thuốc chống trầm cảm, tôi lại càng hoảng sợ hơn. Tôi không hề biết chồng tôi bị trầm cảm, chứ đừng nói là biết anh bị nặng hay không và uống thuốc từ lúc nào. Nghe được tin này, tôi vô cùng hối hận vì đã không đủ quan tâm tới anh để biết và giúp anh vượt qua. Tôi không biết chồng tôi đã phải chịu bao nhiêu nỗi đau khổ và sự cô đơn trong căn phòng riêng đóng kín kia. Giá mà anh chia sẻ với tôi hoặc tôi tinh ý nhận ra thì chắc chắn mọi chuyện sẽ không bế tắc như thế.
Chồng tôi nằm viện 2 tuần thì bác sĩ bảo có thể điều trị trầm cảm tại nhà. Tôi cai sữa con, gửi thẳng về quê nhờ bà ngoại chăm. (Bà nội đã mất cách đây 7 năm). Tôi đón chồng về, khóa kín căn phòng riêng kia, và học các kỹ năng chăm sóc bệnh nhân trầm cảm để chăm sóc anh.
Đến lúc này tôi mới nghiệm ra, trong cuộc sống hôn nhân, vợ và chồng cần phải quan tâm đến nhau thật nhiều, phải biết sẻ chia và thông cảm với nhau, thì mới không phải sống trong hối tiếc. Tôi hy vọng, mọi chuyện chưa quá muộn để vợ chồng tôi làm lại từ đầu.
Theo Afamily