Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập
Bí mật nghỉ tại ngôi nhà ở làng Gạ ( Phú Thượng, Hà Nội), sau đó về làm việc tại nhà số 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Công hòa ngày 2/9/1945.
Ngày 19/8/1945, Hà Nội giành được chính quyền, tin thắng lợi nhanh chóng được báo lên Tân Trào. Cuốn Lịch sử cảnh vệ công an nhân dân Việt Nam giai đoạn 1941-1954 ghi, ông Nguyễn Lương Bằng khi đó được Trung ương cử về phối hợp với Thành ủy Hà Nội chuẩn bị nơi ăn nghỉ, làm việc để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội.
Ngày 23/8/1945, đoàn bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh rời thị xã Thái Nguyên về xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội). Xe về đến Phúc Yên, Hồ Chủ tịch và các cán bộ đi bộ dọc đê sông Hồng về làng Canh, đối diện bên kia sông là bến đò Gạ của thôn Phú Gia (Phú Thượng). Trong ảnh là khu vực bến đò Gạ bên sông Hồng, hướng nhìn về phía Phúc Yên.
Từ làng Canh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thuyền vượt sông Hồng, đến bến đò Gạ. Qua 70 năm, dòng nước ăn lở vào gần mép đê, dấu tích xưa không còn, bến mới được người dân Phú Thượng xây ngay tại khu vực bến đò Gạ trước đây.
Đò cập bến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng về nghỉ ở nhà ông Công Ngọc Kha (tức Trần Lộc) tại làng Gạ. Từ đầu năm 1945, gia đình ông Công Ngọc Kha đã là cơ sở ăn ở đi lại của cán bộ.
Ngôi nhà ông Kha được xây dựng năm 1931, có năm gian xây gạch lợp ngói, hai bên có hai gian buồng và ba gian phòng giữa. Nhà cách đê sồng Hồng khoảng 100 m, từ sân nhà cũng có lối đi sang các nhà khác trong làng rất thuận tiện.
Ba gian giữa trong nhà ông Công Ngọc Kha là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ và làm việc từ chiều 23 đến 25/8/1945. Chiếc sập giữa nhà là nơi Hồ Chủ tịch nằm nghỉ, bộ bàn ghế phía sau là nơi Người làm việc, tiếp cán bộ từ nội thành ra báo cáo, bàn bạc công việc.
Hành lang phía trước ngôi nhà của ông Công Ngọc Kha vừa thoáng mát, vừa kín đáo che chắn nơi Hồ Chủ tịch nghỉ và làm việc. Trải qua 70 năm, ngôi nhà tại làng Gạ cùng đồ đạc vẫn giữ gần như nguyên trạng. Con trai ông Công Ngọc Kha trông coi ngôi nhà, hàng ngày lau dọn và mở cửa tiếp đón mỗi khi có đoàn khách tới thăm.
Video đang HOT
Nắm bắt tình hình chính trị – xã hội ở nội đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định vào nội thành Hà Nội sớm hơn dự định. Sáng 25/8/1945, các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh từ nội thành ra làng Gạ báo cáo tình hình và đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về nội thành. Trên ôtô, Hồ Chủ tịch cùng ông Võ Nguyên Giáp và hai cận vệ đều hóa trang. Xe về đến ngôi nhà số 35 Hàng Cân thì dừng lại. Đây chính là mặt phía sau của ngôi nhà số 48 Hàng Ngang.
Căn nhà 48 Hàng Ngang của gia đình ông Trịnh Văn Bô, một tư sản dân tộc được giác ngộ cách mạng sớm và trở thành Đảng viên cộng sản. Ông là thành viên tích cực tham gia phong trào Việt Minh và là cơ sở bí mật của ông Nguyễn Lương Bằng. Vì ở giữa phố buôn bán sầm uất, nhà có cửa hàng buôn bán tơ lụa nhiều người ra vào nên dễ bề che mắt mật thám, chỉ điểm.
Chủ nhà mời Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng cùng lên ở tầng hai. Tầng hai khá rộng, phòng ngoài được bố trí làm nơi Hồ Chủ tịch tiếp khách, phòng phía trong để nghỉ và làm việc.
Căn phòng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ và làm việc tại 48 Hàng Ngang từ tối 25/8 đến ngày 2/9/1945.
Trong những ngày ở ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tâm huyết để soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập. Trên chiếc bàn làm việc nhỏ trên gác hai này, bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được hoàn thành.
Cũng trong ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bộ tại số 48 Hàng Ngang, một căn phòng trên gác hai phía sau phòng nghỉ được bố trí làm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng và Ủy ban dân tộc giải phóng. Tại căn phòng này, cuộc họp của Ủy ban dân tộc giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia. Cuộc họp của Thường vụ Trung ương nhất trí lấy 2/9/1945 là ngày tổ chức cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Ba Đình và tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Bắc Bộ phủ (số 12 Ngô Quyền, Hà Nội). Tại một căn phòng nhỏ bài trí giản đơn trên tầng hai, Hồ Chủ tịch đã nghỉ và làm việc từ 2/9/1945 đến tháng 12/1946, trước khi tạm rời thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Quý Đoàn
Theo VNE
Chủ tịch nước nói về những thách thức lớn của ngoại giao Việt Nam hiện nay
Với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người sáng lập ra nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Đấu tranh giữ vững chính quyền Cách mạng non trẻ, kiên quyết bảo vệ độc lậpCách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời
Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngành ngoại giao và đón nhận Huân chương sao vàng lần 2 tại Hà Nội sáng 27/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ, vào những ngày này 70 năm trước, trong không khí sục sôi chiến thắng của cả dân tộc, Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập.
Cùng với sự hình thành các cơ cấu đầu tiên của chính quyền Cách mạng, Bộ Ngoại giao đã ra đời và được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện chính trị quan trọng này không chỉ là niềm vinh dự to lớn của ngành Ngoại giao mà còn cho thấy Đảng và Bác Hồ đặc biệt coi trọng vai trò công tác đối ngoại ngay từ những buổi đầu lập nước.
"Chúng ta cũng mãi mãi ghi nhớ công lao của các bậc ngoại giao lão thành, ghi nhận sự đóng góp quan trọng của lớp lớp thế hệ cán bộ, nhân viên công tác trên mặt trận đối ngoại. Thành công của ngành ngoại giao được xây đắp trước hết từ những nỗ lực cống hiến không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh, mất mát của các đồng chí", Chủ tịch nước chia sẻ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm ngành ngoai giao sáng 27/8 tại Hà Nội. ảnh: VGP.
Chủ tịch nước đánh giá, ngay từ buổi đầu dựng nước đầy khó khăn, ngoại giao đã là mũi chủ công để đối phó với "thù trong" lẫn "giặc ngoài", là vũ khí quan trọng nhằm củng cố, kéo dài thời gian hòa bình quý giá để xây dựng lực lượng, tích lũy thế và lực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền độc lập mới giành được và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập và tự do của dân tộc.
Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, "ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược", phối hợp nhịp nhàng cùng với các mặt trận chính trị, quân sự vừa phát huy thế mạnh trên chiến trường vừa góp phần làm sáng tỏ chính nghĩa sự nghiệp bảo vệ và thống nhất đất nước từ đó tập hợp được mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
"Thắng lợi của các hội nghị Geneve và Paris mãi mãi đi vào lịch sử, là những mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bản hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.
Bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình, đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, Ngoại giao càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc ổn định và tái thiết đất nước, phá bao vây cấm vận, thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, góp phần tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ sự hợp tác và ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Ba mươi năm đổi mới đã chứng kiến những đóng góp hết sức nổi bật của ngành ngoại giao vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Từ tình thế bị bao vây, cô lập, chúng ta đã mở rộng quan hệ đối ngoại chưa từng có cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
Từ vỏn vẹn 11 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1954, đến nay chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ hợp tác tốt với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việt Nam đã giữ vững chủ quyền lãnh thổ, tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia vào hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, thu hút gần 260 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đang chủ động, tích cực khẳng định vai trò trong các diễn đàn đa phương quan trọng cũng như các liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực và quốc tế.
Phải khẳng định rằng, chưa bao giờ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta lại có mối quan hệ quốc tế rộng khắp, bình đẳng và hữu nghị, có môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và có vị thế quốc tế vững vàng, thuận lợi như ngày nay.
Những kỷ vật lịch sử của ngành ngoại giao Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.
Theo Chủ tịch nước, thập niên thứ hai của thế kỷ XXI đã đi được nửa chặng đường trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến rất nhanh, đa dạng và ngày càng phức tạp. Đối với nước ta, công cuộc đổi mới toàn diện đã và đang tạo ra những tiền đề, cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục nâng cao sức mạnh tổng hợp và vị thế của đất nước, tạo cơ hội để chúng ta phát triển nhanh hơn.
Mặt khác, những khó khăn và yếu kém nội tại cùng những thách thức đặt ra trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông, bảo vệ Đảng và chế độ Xã hội chủ nghĩa cũng ngày càng gay gắt, đe dọa đến sự ổn định và phát triển của đất nước.
Chủ tịch nước nói về những thách thức lớn của ngoại giao Việt Nam hiện nay
NGỌC QUANG
Theo giaoduc
Lực lượng diễu binh gấp rút luyện tập cho "ngày hội lớn" Gần một tuần trước lễ Quốc khánh 2/9, trên "thao trường" gần 3 vạn người đại diện cho các lực lượng vũ trang, lực lượng quần chúng nhân dân vẫn miệt mài tập luyệt diễu binh, diễu hành. Trên "thao trường" các lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân miệt mài luyệt tập Các chiến sỹ không quản ngại thời tiết nóng...