Nơi chỉ con gái mới được nối dõi tông đường
Người Khasi ở Ấn Độ truyền họ, tài sản, đất đai cho phụ nữ. Những gia đình không sinh được con gái sẽ bị coi là tuyệt hậu.
Trong rừng rậm xanh tươi của miền Đông Bắc Ấn Độ, sát biên giới Bangladesh, một ngôi làng nhỏ tồn tại với trật tự xã hội lạ lùng. Làng Mawlynnong là nơi sinh sống của khoảng 500 thành viên bộ tộc Khasi. Họ vẫn theo truyền thống mẫu hệ cổ xưa tới thời nay. Tên họ, tiền bạc, tài sản và quyền lực được truyền từ mẹ sang con gái. Đây là nơi phụ nữ đứng đầu gia đình.
Con gái là người kế thừa tên họ, của cải trong gia đình. Ảnh: Karolin Klppel.
Karolin Klppel, nhiếp ảnh gia người Đức, đã dành 2 năm sống với nhiều gia đình Khasi trong ngôi làng sạch sẽ, bình yên và tĩnh lặng này. Theo văn hóa của người Khasi, con gái út (được gọi là “khadduh”) thừa kế tài sản, chồng ở rể và con cái theo họ mẹ.
Các bé gái học trường làng tới năm 11-12 tuổi rồi tới thành phố để học tiếp. Sau đó, họ vào đại học hoặc trở về Mawlynnong chăm sóc bố mẹ. Các cô gái được quyền cưới bất cứ ai họ chọn. Việc ly hôn hay sống độc thân cũng không gây khó khăn gì cho họ.
Tuy nhiên, việc không có con gái gây ra nhiều rắc rối. Chỉ con gái mới đảm bảo được sự tiếp nối của dòng họ, do đó những gia đình chỉ sinh con trai sẽ “ap-duh”, có nghĩa là “biến mất”.
Nữ giới là trung tâm mọi hoạt động, nghi lễ. Ảnh: Bedandchai.
Valentina Pakyntein , nhà nhân loại học thuộc đại học North-Eastern Hill, cho biết những tục lệ này đã tồn tại từ thời thượng cổ. Tục này có thể là từ khi người Khasi còn theo tục chung vợ chung chồng, khiến việc xác minh bố mẹ trở nên khó khăn. Một giả thuyết khác là nam giới phải ra trận, không thể chăm sóc cho dòng họ và gia đình.
Ngày nay, nam giới lãnh đạo hội đồng làng Mawlynnong, nhưng họ gần như không sở hữu tài sản. Klppel cho biết một số người thấy bất mãn và đang yêu cầu bình đẳng giới. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia thấy bất ngờ trước “sự tôn trọng nam giới dành cho phụ nữ” và “muốn mọi người biết về một nền văn hóa khác biệt với thế giới theo phụ hệ”.
Theo Zing News
Tấn bi kịch của bé gái sinh trong gia đình "trọng nam khinh nữ"
Nếu tôi sinh ra là con trai, bố đã không lạnh nhạt với hai chị em tôi như thế. Nếu tôi là con trai bố đã không bỏ mẹ con tôi để đến với người đàn bà khác, gia đình tôi đã không tan tác thế này...
Tôi không hiểu tại sao đến thời buổi này rồi mà tư tưởng con trai, con gái vẫn ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người như thế, tại sao bố tôi lại sính con trai đến vậy.
Khi mẹ mang bầu tôi bố đã hi vọng đó sẽ là một thằng cu, dù mẹ chưa siêu âm biết rõ giới tính nhưng bố đã khăng khăng tôi là con trai và gọi tôi là "thằng cu tí của bố". Hàng ngày bố chăm chút cho mẹ, không để mẹ phải động chân động tay làm bất cứ việc gì. Nhưng đến khi mẹ đi siêu âm biết tôi là con gái, bố tỏ ra hờ hững, thất vọng và không còn quan tâm săn sóc mẹ như trước, cũng không ân cần áp tai vào bụng mẹ mà gọi tôi như trước nữa.
Khi biết mẹ mang bầu con gái, bố tôi đã thất vọng biết bao. (Ảnh minh họa)
Mẹ cũng rất buồn và tủi thân. Mẹ biết bố phải chịu áp lực từ ông bà nội, từ đám anh em, bạn bè nên bố rất muốn có con trai để nở mày nở mặt với mọi người. Bố lại là con trai duy nhất của ông bà nên áp lực phải có con trai để nối dõi tông đường.
Nhưng vì tôi là con gái đầu lòng nên bố hi vọng khi mẹ mang bầu em tôi thì đó sẽ là một đứa con trai. Trước đó bố đã bắt mẹ áp dụng mọi biện pháp, phải ăn kiêng, ăn mặn các kiểu để sinh bằng được cho bố "một thằng chống gậy".
Từ khi biết tin mẹ tôi cấn bầu, bà nội cũng đã đi xem bói và thầy bói phán mẹ mang bầu con trai khiến bố càng khấp khởi hi vọng. Khi nghe bà nội báo tin, bố mừng vui ra mặt nên cười nói, hát hò suốt ngày, lại còn bế ẵm, cưng nựng tôi nữa.
Thế nhưng tất cả đều vô hiệu. Em tôi lại là con gái. Ngày mẹ vào viện sinh nở bố không thèm ngó ngàng đến, chỉ có bà ngoại và dì là vào chăm mẹ và hai chị em tôi.
Không đẻ được con trai, bố trở thành người bạc bẽo với gia đình. (Ảnh minh họa)
Những ngày mẹ ở cữ em tôi là chuỗi ngày đau khổ buồn tủi ghê gớm của mẹ, bố vác từng can rượu về uống và lè nhè chửi bới. Mẹ vì trầm cảm mà bị mất sữa, vì thế nuôi em tôi rất khó khăn, vất vả. Em không chịu bú bình, mỗi lần cho em ăn sữa ngoài là một lần phải đút thìa rất cực khổ. Em hay đau ốm, tăng cân chậm lại khóc ngằn ngặt suốt ngày. Mỗi lần em khóc bố lại quát tháo mẹ tôi, rằng chỉ có mỗi việc đẻ mà không biết đẻ, toàn đẻ ra "thị mẹt", lại còn không biết nuôi con...
Từ khi mẹ sinh em, bố chẳng còn thiết tha gì đến gia đình, đi làm về không về nhà ngay mà hay tụ tập bia bọt với đám bạn nhậu trên cơ quan. Mỗi lần về đến nhà là người bố lại nồng nặc mùi bia rượu, rồi đá thúng đụng nia, lầm bầm trách mình kém cỏi, không "đẻ được con trai", không đáng mặt đàn ông.
Mẹ vốn là người phụ nữ cam chịu, lại mặc cảm là lỗi của mình nên chỉ biết ôm con mà khóc, tôi dù không hiểu chuyện gì cũng chỉ biết khóc theo mẹ ngon lành.
Không khí trong nhà lúc nào cũng u ám, chẳng có lấy một tiếng cười, bố mẹ cũng không nói chuyện với nhau, khi cần thiết lắm phải trao đổi chuyện gì thì đều thông qua tôi.
Có lần, bà nội lên nhà tôi chơi, tôi còn nghe rõ bà đưa ra ý kiến trước mặt bố mẹ tôi là nếu mẹ tôi không chịu đẻ nữa thì bà khuyến khích bố tôi lấy vợ hai hay gửi thêm đứa con ở bên ngoài, chứ dòng họ Trần không thể không có con trai nối dõi tông đường. Tôi biết mẹ tôi đã bị sốc và tổn thương vô cùng. Nhưng phận làm dâu, mẹ cũng chỉ biết gượng cười.
Thế rồi, chẳng mấy chốc bố tôi cũng có người đàn bà khác ở bên ngoài. Mấy tháng sau bố thông báo "vợ bé" của bố đã có bầu 3 tháng và bầu con trai. Bà nội mừng lắm, bà đon đả hỏi thăm người đàn bà ấy, rồi khăn gói lên thăm, chăm sóc cô con dâu hờ.
Để kiếm "thằng chống gậy", bố nỡ bỏ cả gia đình để đi theo người đàn bà khác. (Ảnh minh họa)
Tôi biết mẹ đã đau khổ biết bao, nhiều đêm giật mình tỉnh giấc, tôi thấy mẹ đang nằm khóc. Nhưng vì hai đứa con mẹ đã cố gắng gượng để lo cho hai chị em tôi bằng bạn bằng bè.
Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao đến thời buổi này rồi mà tư tưởng con trai, con gái vẫn ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người như thế. Con gái thì sao? Con gái cũng có thể được quyền bình đẳng, cũng được cả bố và mẹ yêu thương chứ.
Tôi cũng không hiểu sao bố mình lại làm thế. Chỉ vì "không có người chống gậy" mà bố nỡ bỏ cả gia đình để đi theo người đàn bà khác. Để mỗi khi ra đường, một vài người ác ý lại chỉ trỏ, khiêu khích chị em tôi:"Chưa cưới vợ mới cho bố à?", "Sao không lên bế em?", rồi những lời bàn tán, xì xào... Những thứ đó đối với chị em tôi đã thành chai sạn.
Chúng tôi cứ thế mà lớn lên với tâm lý nặng nề vì mình là con gái nên bố không thương. Dù mẹ đã cố gắng bù đắp cho chúng tôi rất nhiều, chị em tôi là tình yêu, là lẽ sống của mẹ, nhưng không hiểu sao tôi vẫn không thoát khỏi nỗi u uất, tự ti.
Giờ bố tôi một chốn hai nơi, có khi bố đi cả tháng chẳng về nhà, bố đã có "thằng chống gậy" rồi nên có thể tự tin ngẩng cao đầu. Tài sản chung của gia đình bố cứ mang dần đi bán để chu cấp cho con trai và người vợ hờ. Chẳng biết đó có phải là con đẻ của bố hay không vì người đàn bà đó cũng chẳng đàng hoàng gì. Thử hỏi rồi đến khi có tuổi, khi đã bán hết tài sản, bố có đủ sức chu cấp cho nó nữa không? Hay nó lại coi thường bố, đẩy bố ra ngoài khỏi cuộc sống của nó.
Nhiều người hiểu chuyện đã phân tích cho bố, nhưng bố không nghe, bố còn đưa người đàn bà và đứa con rơi đó về ra mắt họ hàng. Bố đã chẳng coi mẹ và 2 đứa con gái này là gì cả.
Mỗi khi có ai nói chuyện gì về bố là mẹ lại dằn vặt, đau khổ, tức giận.
Bây giờ khi đã lớn và hiểu chuyện, tôi muốn khuyên mẹ ly hôn chứ sao có thể cứ tiếp tục cuộc sống như thế này mãi. Chị em tôi cũng đã trưởng thành, cũng không cần phải có một vỏ bọc gia đình hạnh phúc để mà lớn lên nữa. Nhưng tôi phải khuyên mẹ thế nào để mẹ đỡ suy nghĩ nhiều, để mẹ có thể chống chọi với dư luận xã hội, để mẹ có cuộc sống bình yên, thanh thản hơn? Thực sự tôi không thể chịu được khi bất chợt lại bắt gặp những giọt nước mắt lã chã buồn tủi trên gương mặt u uất đã nhuốm màu thời gian của mẹ.
Đôi lúc tôi ước, giá mình sinh ra là con trai, có lẽ bố tôi đã xử sự khác, gia đình tôi đã không tan tác thế này. Nhưng cuộc đời đâu có hai chữ "giá như"...
Theo VNE
Trung Quốc: "Hàng trăm nghìn trẻ em bị rao bán công khai trên mạng" Nhiều báo cáo cho biết, hàng trăm nghìn bé gái và bé trai bị bắt cóc ở Trung Quốc và sau đó được rao bán công khai trên mạng. Theo Daily Mail, nạn buôn bán trẻ em từ lâu đã là một vấn nạn tại Trung Quốc. Mặc dù chính phủ quốc gia này đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng tệ nạn này...