‘Nỗi buồn’ di tích
Tháp Chăm Khương Mỹ ( xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam) nằm cách Trung tâm TP Tam Kỳ chừng 4km. Tưởng chừng ‘bài toán địa lý’ sẽ được hóa giải, đưa di tích trở thành một trong những địa điểm tham quan về những dấu vết lịch sử.
Nhưng đâu đó, những vết tích thời gian đang từng ngày để lại khiến tháp Chăm Khương Mỹ vẫn phải nằm đó, chịu đựng những nỗi buồn tháng năm.
Di tích cổ kính hơn nghìn năm tuổi
Trái ngược với Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) với quần thể di tích được đông đảo người dân và du khách biết đến ở Quảng Nam, tháp Chăm Khương Mỹ vẫn nằm ẩn mình bên cạnh Quốc lộ 1A đoạn qua TP Tam Kỳ. Di tích tháp cổ được xây dựng vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X và được công nhận là di tích quốc gia năm 1989. Tháp được xây dựng với cụm 3 tháp gồm: tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam và xếp theo trục Bắc – Nam.
Di tích Tháp Chăm Khương Mỹ nằm tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, cách quốc lộ 1A chừng 200m.
Hơn nghìn năm tuổi, di tích tháp Chăm Khương Mỹ vẫn đứng hiên ngang với những hoa văn cổ kính vẫn tồn tại qua thời gian, qua bão bom đạn lửa của thời chiến. Để rồi sau này, tháp cổ được quy hoạch với tường rào bao quanh, khuôn viên với lối đi trải gạch và trồng hoa 2 bên đường. Bên trong khuôn viên tháp, được xây dựng một nhà trưng bày các di tích cổ, bên cạnh là nhà vệ sinh và phía trước là một nhà nhỏ dành cho bảo vệ. Nhìn chung, tháp đã đáp ứng được các yêu cầu trong việc trở thành một khu tham quan, du lịch.
Điều đặc biệt của tháp Chăm Khương Mỹ nằm ở chỗ, những tháp Chăm khác ở Quảng Nam như Chiên Đàn, Mỹ Sơn đều thờ cả ba vị thần của Bà la môn giáo Brahma, Vishnu, Shiva thì Khương Mỹ được xây dựng để thờ riêng thần Vishnu. Vishnu là một vị thần Bảo hộ, điều hiếm thấy trong việc xây dựng thờ cúng tại các đền tháp khác.
Các cửa vào trong tháp đang có các dấu hiệu xuống cấp, các hoa văn cũng dần hư hỏng qua thời gian.
Cấu trúc của tháp Chăm Khương Mỹ được xây dựng độc đáo với phần mái tháp có 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng là chóp tháp được làm từ sa thạch và có cửa ra vào ở hướng Đông. Mỗi tháp có một cửa ra vào và 5 cửa giả, trên các cửa là các hình vòm cuốn có dáng vòng cung được trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu. Trên đỉnh của mỗi vòm cuốn là một tổ hợp các cành lá hình bồ đề được uốn nắn.
Khác với các tháp Chăm từ Bình Định trở vào Nam, có dáng hình khỏe khoắn, mạnh mẽ, tháp Chăm Khương Mỹ được người xưa xây dựng với những hình tượng nhẹ nhàng, thanh mảnh, mềm mại. Qua hàng nghìn năm, tháp vẫn luôn “ôm” trong mình những giá trị lịch sử khiến các nhà nghiên cứu học luôn tò mò. Nhiều cuộc khảo cổ đã được tổ chức, nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng trong đó, chưa ai có thể trả lời được câu hỏi chính rằng người Chăm xưa đã xây dựng cụm tháp như thế nào?
Cây dại và cỏ mọc um tùm quanh chân tháp do chưa được đầu tư chăm sóc.
Tháp Chăm Khương Mỹ cũng như bao tháp cổ khác, được xây dựng bề thế với những viên gạch được xếp chồng lên nhau và kết dính bằng một cách đặc biệt nào đó khi không sử dụng xi măng hay vôi. Ở tháp Chăm Khương Mỹ, những viên gạch cũng được đúc kết một cách đặc biệt với trọng lượng bằng 1,3 viên gạch bình thường hiện nay. Gạch có độ bền cao, chịu được va đập mạnh và hơn hết được thử nghiệm với độ thoát nước tốt hơn nhiều loại gạch khác. Với những điều bí ẩn về cách xây dựng của người xưa, tháp Chăm Khương Mỹ vẫn tồn tại nhiều giá trị độc đáo.
Tuy các cổ vật quý hiếm đã được chuyển ra trưng bày tại bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, nhưng nhiều điều bí ẩn nằm sâu trong tháp vẫn tiếp tục khiến giới nghiên cứu mê mẫn tìm tòi để giáp đáp những câu hỏi. Nhưng rồi chỉ dừng lại ở đó, nhiều năm trôi qua, các giá trị của tháp Chăm Khương Mỹ vẫn im lìm như cái cách tháp Chăm tuy nằm cạnh thành phố Tam Kỳ nhưng như đang dần bị lãng quên…
Di tích “cô đơn”
Nằm chỉ cách Trung tâm TP Tam Kỳ chỉ chừng 4km, nhưng tháp Chăm Khương Mỹ vẫn chịu cảnh lẻ loi ở bên rìa thành phố. Di tích không xô bồ, nhộn nhịp, chỉ có bóng dáng vài người dân xung quanh tháp qua lại. Người bảo vệ di tích cho biết, không quá 1.000 người/năm đến thăm di tích và chủ yếu là các đoàn các em học sinh đi theo diện do trường tổ chức. Ngoài ra, du khách tham quan tháp cũng chỉ lai vãng đâu đó vài người.
Nhà trưng bày các cổ vật được xây dựng cạnh tháp cổ, các lối đi được lát gạch và trồng hoa 2 bên đường, đảm bảo trong việc đón tiếp du khách tham quan di tích.
Hàng nghìn năm trôi qua, tháp Chăm Khương Mỹ vẫn đứng sừng sững trường tồn, ôm trọn những giá trị lịch sử như những mảng rêu phong và địa y bám đầy thành tháp cổ. Tuy được xây dựng kiên cố, chắc chắn, nhưng không thể khẳng định di tích mãi sẽ trường tồn cùng thời gian. Nhiều phần của di tích đã xuống cấp, những viên gạch với kết cấu bí ẩn của người xưa cũng dần được thay thế để đảm bảo an toàn cho di tích. Nhiều cuộc trùng tu đã được thực hiện, rồi lại rộ lên câu chuyện “muối hóa” di tích. Do vậy, việc bảo tồn di tích luôn là vấn đề lớn được đặt ra với những nhà chức trách.
Video đang HOT
Phần chóp tháp Chăm Khương Mỹ đã được trùng tu để đảm bảo an toàn, giảm hư hại di tích.
Bên cạnh bài toán bảo tồn di tích, việc phát huy những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử cũng chưa thể vẹn toàn. Bởi lẽ, tuy ẩn chứa những điều bí ẩn về một nền văn minh cổ, mang lại sức hút lớn cho giới nghiên cứu, nhưng những điều mà tháp Chăm Khương Mỹ đem lại cho những du khách tham quan, chưa thể đáp ứng đối với một thời đại mưu cầu sự giải trí cao.
Phần chân tháp cũng được trùng tu để đảm bảo kết cấu cho tháp.
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho biết, nếu các sản phẩm được sáng tác theo nghệ thuật Java cổ. Thì các tác phẩm tại tháp Chăm Khương Mỹ đơn giản hơn về mật độ chi tiết nhân vật, phối cảnh. Tuy nhiên, tháp Chăm Khương Mỹ lại mở ra một “ thế giới” mới với nghệ thuật điêu khắc kể chuyện của người xưa.
Những nét khắc trên tường đá thô cứng của người xưa, vẫn rất mềm mại và tỉ mỉ, đưa những giá trị lịch sử của văn hóa Chăm Pa cổ xưa mãi vẫn trường tồn với thời gian. Để rồi đến tận bây giờ, nhiều cuộc triển khai nghiên cứu, khai quật của di tích tháp Chăm Khương Mỹ (từ 1989 đến nay) vẫn đem lại nhiều giá trị, giải đáp cho nhiều câu hỏi của các nhà nghiên cứu. Tuy vậy, những điều mà di tích tháp Chăm Khương Mỹ đem lại, vẫn chỉ dừng lại ở giá trị khoa học, lịch sử, nên so với những di tích Chăm cổ khác, tháp vẫn còn “cô đơn”.
Cỏ dại và các mảng địa y bám dày tháp cổ.
Một vị lãnh đạo Sở Văn hóa – Thông tin và Du lịch tỉnh Quảng Nam chia sẻ, dù tháp Khương Mỹ hay gần đó là Chiên Đàn, dù không gặp các vấn đề về địa lý, nhưng chưa thể tạo ra sự đột phá cho các di tích phía Nam.
Những câu chuyện xoay quanh việc bảo tồn di tích và phát huy những giá trị lịch sử là những vấn đề luôn được đặt ra không chỉ riêng của tháp Chăm Khương Mỹ. Nhưng xét về những giá trị thì mỗi di tích cổ xưa còn tồn tại, luôn cần những sự quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, ẩn chứa trong đó là những câu chuyện về văn hóa, nghệ thuật… đang còn ẩn trong lòng tháp, vẫn luôn cần được giải đáp và truyền đến những thế hệ sau…
Di tích thành Cổ Loa - Điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương
Thành Cổ Loa không chỉ là một di sản văn hóa, một minh chứng về sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương.
Thành Cổ Loa rộng khoảng 500ha được vua Thục An Dương Vương xây dựng để làm kinh đô nước Âu Lạc
Thành Cổ Loa
Khu di tích lịch sử thành Cổ Loa trải rộng trên địa phận 3 xã là Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Thành Cổ Loa là kinh đô của nước Âu Lạc dưới thời trị vì của An Dương Vương và nước Đại Việt dưới thời Ngô Quyền trị vì. Các nhà khảo cổ học đã nhận định đây là tòa thành cổ nhất, có quy mô lớn nhất và cũng là nơi có cấu trúc độc đáo nhất lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt Cổ. Thành Cổ Loa gắn liền với sự tích "chiếc nỏ thần" khi vua An Dương Vương định đô xây thành (Thế kỷ III TCN).
Qua hình ảnh chiếc nỏ thần Kim Quy một phát bắn có thể hạ cả trăm quân địch đã ca ngợi ý chí quật cường và sức mạnh của nước Âu Lạc ta ngày ấy. Dù khi đó vũ khí chỉ đơn thuần là gươm, giáo và cung tên nhưng nhân dân ta cũng đã anh dũng chiến đấu kiên cường. Câu chuyện còn nổi tiếng thêm bởi mối nhân duyên giữa nàng Mỵ Châu và chàng Trọng Thủy.
Thành Cổ Loa không chỉ gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt Nam mà còn là điểm tham quan, du lịch độc đáo cho bất cứ ai có ý định khám phá Hà Nội. Từ bao đời nay, di tích thành Cổ Loa cùng những nhân vật huyền thoại đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam.
Kiến trúc thành Cổ Loa
Theo truyền thuyết thì Thục An Dương Vương ngày ấy đã xây thành nhiều lần nhưng đều sụp đổ. Cho đến khi thần Kim Quy xuất hiện và đi quanh nhiều vòng dưới chân thành. Vào lúc này vua An Dương Vương đã cho xây thành theo dấu chân rùa vàng. Từ đó thành xây không đổ nữa.
Thành Cổ Loa sở hữu nét kiến trúc độc đáo là công trình xây dựng với quy mô độc đáo của nước Âu Lạc. Nơi đây từng là hệ thống phòng ngự vững chắc và lực lượng binh sĩ hùng mạnh. Cho tới ngày nay dù không còn là thành lũy chống giặc nhưng thành Cổ Loa vẫn là một biểu tượng văn hóa, cho thấy nền văn minh tiên tiến của nước ta ngày ấy.
Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, di tích lịch sử thành Cổ Loa rộng khoảng 500ha được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc, nay thuộc huyện ông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Dựa trên các vật chứng và kết quả nghiên cứu khảo cổ, thành Cổ Loa được đánh giá là tòa thành có cấu trúc độc đáo nhất trong lịch sử của người Việt. Cấu trúc thành Cổ Loa được xây dựng theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào và đắp đất đến đó. Từ những hình thể di tích còn sót lại, tòa thành được nhận định có 3 vòng xoáy trôn ốc.
Tường thành Ngoại chân thành có lớp đá kẻ, trên là lớp đất sét.
Tường thành ngoại
Tường thành ngoại của thành Cổ Loa là một vòng tường khép kín nối những gò đất tự nhiên. Theo các lát cắt khảo cổ, chân thành có lớp đá kẻ và phía trên là lớp đất sét. Tường thành ngoại ban đầu dài khoảng 7.880m, cao từ 3 - 4m và rộng từ 13 - 20m, nhưng hiện nay nhiều đoạn đã bị phá hủy.
Tường thành trung
Tường thành trung của thành Cổ Loa là một vòng tường khép kín không có hình dạng xác định. Vòng thành này được xây dựng bằng cách đắp nối các gò đất tự nhiên và men theo đường bờ của đầm hồ xung quanh. Tường thành trung có chiều dài khoảng 6.310m, chiều cao từ 6 - 12m và chiều rộng khoảng 20m.
Tường thành nội
Tường thành nội của thành Cổ Loa có hình chữ nhật, được xây dựng theo bốn hướng chính là Nam, Bắc, Tây, Đông. Tuy nhiên, vòng thành chỉ có cửa chính mở ở phía Nam. Quanh tường thành Nội có 12 ụ đất đắp cân xứng gọi là Hỏa hồi. Mỗi tường ngang có 02 chiếc Hỏa hồi, và mỗi tường dọc có 04 chiếc Hỏa hồi. Tường thành Nội có chiều dài khoảng 1.730m, chiều cao 5m và chiều rộng khoảng 20m.
Nhiều di vật, hiện vật giá trị tại nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa
Các địa điểm tham quan tại thành Cổ Loa
Bên trong thành Cổ Loa ngày nay là khung cảnh thôn làng bình dị và các công trình đền, đình, chùa, điếm và miếu. Đây là các công trình kiến trúc tín ngưỡng lâu đời, mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm hấp dẫn trong hành trình tham quan.
Lớp Cao cấp lý luận chính trị K74 A15 - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham quan, dâng hương tại Di tích thành Cổ Loa.
Trong buổi sinh hoạt chính trị, ông Hồ Ngọc Anh - Bí thư chi bộ, lớp trưởng Lớp Cao cấp lý luận chính trị K74 A15 (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), đã chia sẻ với sự xúc động, lòng biết ơn đối về quá khứ hào hùng, những đóng góp vĩ đại của ông cha đã tham gia xây dựng bảo vệ đất nước. Ông nhấn mạnh rằng điều này đã tạo điều kiện cho thế hệ hiện nay có dịp được trải nghiệm, tham quan Cổ Loa, thể hiện lòng thành kính và tự hào về truyền thống vĩ đại của dân tộc. Đồng thời trân trọng cảm ơn các thế hệ đã gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo di tích lịch sử thành Cổ Loa.
Các địa điểm nên ghé thăm tại di tích thành Cổ Loa
Đền thờ An Dương Vương (Đền Thượng)
Đền thờ vua An Dương Vương còn gọi là đền Thượng, được xây dựng trên một quả đồi cao - nơi có cung thất của vua khi xưa. Di tích đền Thượng thành Cổ Loa có quy mô rộng lớn gồm nhiều công trình kiến trúc lộng lẫy, trang nghiêm như: nghi môn ngoại, nghi môn nội, sân rồng thượng, tiền tế, phương đình, hậu cung... Bên trong hậu cung thờ tượng đồng vua An Dương Vương có niên đại 1897.
Am Bà Chúa (đền thờ Mỵ Châu)
Am Mỵ Châu còn được gọi là Am Bà Chúa hoặc đền thờ Mỵ Châu, nằm phía Tây của đình Ngự Triều Di Quy. Phía trong đền đặt bàn thờ, ngai thờ và tượng đá công chúa Mỵ Châu. Công trình có giá trị tâm linh sâu sắc với ý nghĩa tưởng nhớ đến nàng công chúa bất hạnh.
Giếng Ngọc thành Cổ Loa
Trước khu vực đền Thượng là một hồ nước lớn hình cung tròn, bờ cong tự nhiên được kè bằng đá và được bao quanh bởi lối đi và hàng cây xanh mát. Dân gian tương truyền, đây là nơi công chúa Mỵ Châu và phò mã Trọng Thủy thường đi thuyền du ngoạn trước khi xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược của Triệu Đà. Giữa lòng hồ xanh biếc này là Giếng Ngọc. Đây là điểm tham quan, vãn cảnh được nhiều du khách yêu thích bởi không gian thanh bình, yên ả.
Đình Ngự Triều Di Quy (Đình Cổ Loa)
Đình Cổ Loa tọa lạc giữa khu thành Nội, cách đền thờ An Dương Vương khoảng 300m về phía Đông. Trước đình là khoảng sân rộng, bên trái có đường dẫn thẳng vào trước am Mỵ Châu. Công trình ghi dấu ấn với không gian cổ xưa và cấu trúc gỗ được chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ. Giữa đình là khám thờ lớn đặt ngai thờ An Dương Vương và phía dưới là bài vị thờ tướng Cao Lỗ - người có công chế tạo nỏ thần.
Lăng Mỵ Châu
Theo truyền thuyết, sau khi Mỵ Châu bị vua cha chém đầu, Trọng Thủy đã mang xác vợ về chôn cất ở đây. Lăng được xây dựng đơn giản với khu đất cao vuông vức và bao quanh bằng tường gạch.
Điếm Xóm Chợ
Điếm Xóm Chợ nằm phía Đông Nam thành Cổ Loa là nơi thờ cúng quan linh, thổ công, thổ địa và thủy thần. Ngôi điếm hiện vẫn còn một giếng cổ miệng tròn và một cây đa cổ thụ to lớn trước sân. Điếm xóm Chợ là nơi hội họp, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật của cư dân trong xóm và cũng là nơi được nhiều du khách ghé thăm mỗi khi đến thành Cổ Loa.
Khu trưng bày hiện vật, di vật khảo cổ
Nhà trưng bày tại thành Cổ Loa là nơi hấp dẫn để du khách chiêm ngưỡng nhiều hiện vật, di vật cổ có giá trị đã được khai quật trong khuôn viên khu di tích. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bản đồ của tòa thành cổ và nhiều hiện vật quý có niên đại hàng ngàn năm như: mũi tên đồng Cổ Loa, lẫy nỏ Cổ Loa, nỏ thần Liên Châu, trống đồng Cổ Loa, lưỡi giáo, rìu đồng, bộ sưu tập lưỡi cày đồng, sưu tập khuôn đúc Cổ Loa...
Lễ hội thành Cổ Loa
Hằng năm vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, người dân Cổ Loa tổ chức một lễ hội trang trọng để tưởng nhớ những người đã có công xây thành, và để ghi ơn An Dương Vương, người khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc.
Không khí lễ hội diễn ra trang nghiêm, thành kính với nhiều nghi thức truyền thống như: tục dâng lễ, tiến lễ dâng vua, tế lễ đền Thượng, rước kiệu quanh hồ bán nguyệt qua đình Ngự Triều Di Quy và am Mỵ Châu.
Ngoài ra, lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi với sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân và du khách như: biểu diễn tuồng, múa rối nước, hát quan họ, bắn nỏ, cờ người, đấu vật, đu tiên, ném còn, chọi gà và đập niêu đất...
Tập thể lớp Cao cấp lý luận chính trị K74 A15 chụp ảnh lưu niệm tại Di tích thành Cổ Loa.
Với sự đa dạng về lịch sử và văn hóa, Cổ Loa là một mảnh ghép quý giá trong bức tranh đa dạng và phong phú về lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Những di tích lịch sử và những nét văn hóa truyền thống ẩn chứa tại đây không chỉ đưa ta trở về quá khứ hào hùng của dân tộc, mà còn kết nối chặt chẽ với hiện tại và tương lai của đất nước.
Thánh địa Mỹ Sơn: Dấu ấn của một Chăm Pa rực rỡ nghìn năm 1. Đôi nét về Thánh địa Mỹ Sơn Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong những di tích lịch sử có giá trị về mặt văn hóa đối với Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng. Theo ghi chép, thánh địa này được xây dựng vào thế kỷ IV với...