Nỗi buồn của người mẹ chân đất
Vợ chồng Lâm không biết, bên phòng bên kia, mẹ anh đang ngồi ở mép giường. Đôi vai gầy nhỏ xương xẩu hơi gù xuống. Bà đưa mắt nhìn cơn mưa ngoài trời. Đôi mắt đã đục vì thời gian ngân ngấn nước…
Ảnh minh họa
Này anh, chỉ có mỗi việc là mẹ nên nhớ dép nào là dép đi trong nhà, dép nào là dép đi trong bếp, dép nào là dép đi trong nhà vệ sinh mà mẹ anh cũng không làm được là sao? Em đi làm về thấy mệt mỏi lắm rồi.
Lâm lặng yên nghe những lời cằn nhằn của vợ với một thái độ lặng lẽ như mọi khi khiến cho Lan vợ Lâm phát cáu lên:
Anh điếc à, mà em nói bao nhiêu lần lần nào anh cũng câm như hến thế?
Lâm nén tiếng thở dài nói với vợ:
Mẹ già rồi, mẹ có quên thì cũng có sao. Em cứ chặt chẽ quá. Anh còn quên kia mà!
Lan càng cáu hơn.
Mỗi lần đi làm về nhìn cái nhà vệ sinh nhếch nhác, nhìn dép nhà vệ sinh vào nhà bếp, nhà bếp vào nhà vệ sinh, dép trong nhà thì đi ra ngoài sân… Mà em đã nhắc bà bao nhiêu lần rồi. Em chỉ muốn phát điên lên. Già rồi chứ có phải là con nít nữa đâu mà ko hiểu.
Lâm tím mặt. Đôi môi khẽ mím lại. Anh nhìn vợ rồi lặng đi ra ban công, chấm thuốc hút. Mưa tháng bảy hơi lạnh khẽ bay vào mặt lại. Điếu thuốc vẫn hồng lên theo những hơi hít dài, thật dài. Như thể Lâm muốn đốt cháy cả tim gan mình vậy. Anh đứng mặc cho mưa tạt vào mặt mình lành lạnh.
Vợ chồng Lâm không biết, bên phòng kia, mẹ anh đang ngồi ở mép giường. Đôi vai gầy nhỏ xương xẩu hơi gù xuống. Bà đưa mắt nhìn cơn mưa ngoài trời. Đôi mắt đã đục vì thời gian ngân ngấn nước, khiến cơn mưa trong cái ánh vàng vàng của ngọn đèn pha cũng trở nên nhạt nhòa hư ảo.
Thành phố, quả thật, chỉ hai tiếng ấy thôi đã khiến lòng bà phiền muộn. Chưa khi nào bà nghĩ mình lại có ngày mình rời khỏi cái lũy trẻ làng nơi có mái nhà tranh nhỏ bé của mình để sống ở một nới hoàn toàn xa lạ này.
Ở một nơi có rất nhiều người nhưng không ai nhìn ai, không ai nói với ai, không ai biết ai vì họ đều là người lạ. Cái lối sống ấy khác hẳn cái xóm nhỏ ở cái làng nhỏ bé ven sông của bà. Có mấy củ khoai luộc cũng gọi nhau í ới. Cho nên, cái ngày Lâm thông báo vợ chồng đã mua đất, xây nhà ở thành phố, mà cả xóm bà sang chia vui cứ như thể là con cái nhà họ tậu được nhà mau được đất vậy. Rồi họ đùa bà: Thế là “khổ tận cam lai”, bà sắp được lên thành phố ở nhà đẹp với con trai bà rồi!
Video đang HOT
Và giờ này bà đang ngồi đây, trong căn nhà khang trang của con trai bà và đứa con dâu đang trách cứ cái chuyện bà đi dép lung tung trong nhà. Không phải là bà cố tình. Mà bà không thể nào nhớ nổi. Bởi, mấy đôi dép đó giống nhau cùng một loại, nhiều khi bà cố gắng nhớ mà không sao nhớ ra nó ở vị trí nào nữa. Bà biết con dâu mình không ưng lòng. Nhưng vì vợ chồng nó nên bà cũng chỉ biết lặng im. Bà không muốn con trai khó xử giữa mẹ chồng nàng dâu.
Có lẽ bà chỉ quen với ruộng vườn, quen với căn nhà cấp bốn nhỏ ở quê, quen với việc bước chân đất ra vườn rồi lại bước vào nhà, quen đi chân đất ra chợ, rồi lại đi chân đất về nhà, quen với việc đi chân đất đi làm rồi đi chân đất về nhà… Nghĩa là cả gần hết cuộc đời, bà vẫn quen cái cảm giác đôi bàn chân mình chạm đất. Có lẽ chỉ khi lên giường ngủ hay đi đâu đó bà mới đeo dép vào mà thôi. Còn không thì cứ bước trên giường xuống là đi chân đất.
Rồi cũng đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để nuôi đứa con trai duy nhất của mình có thể học hành đàng hoàng và thành đạt như ngày hôm nay. Bà nào có quen cái cảm giác ra nhà đi dép, vào nhà đi dép, vào bếp lại dép, đi vệ sinh cũng dép, quá nhiều dép như vậy nhiều khi khiến một người đàn bà già nua hạn hẹp về trí nhớ cảm thấy phức tạp và bấn loạn vô cùng…
Rồi suốt ngày này qua ngày khác, chỉ vì chuyện mấy đôi dép mà con dâu với con trai bà cơm không lành, canh không ngọt. Dù con trai cố tỏ ra không có chuyện gì. Nhưng bà nuôi nó mấy chục năm làm sao không hiểu được tính nó.
Một hôm, bà bảo với Lâm: Sắp tới giỗ thầy rồi, cửa nhà nhờ bác chăm sóc nhưng mà u cứ thấy nóng ruột, nóng gan. U, nhớ cái vườn, nhớ cây khế chua, nhớ cái giếng nước, nhớ con chó, đàn gà, nhớ bà con lối xóm lắm rồi… U nghĩ, cho u về quê ở, thỉnh thoảng vợ chồng con ghé thăm là u mừng rồi. Già không gì bằng hàng xóm láng giềng, vui những thú vui quen thuộc, nhỏ bé. Đừng cản u nữa. Đừng cố giữ u lại.
Lâm nghe mẹ nói vậy thì đành chấp nhận. Vì anh hiểu mẹ mình. Còn vợ Lâm, Tất nhiên là vợ Lâm tuy ngoài mặt giữ mẹ chồng nhưng trong lòng thì mừng thầm lắm. Nhiều khi muốn dẫn bạn bè đồng nghiệp về nhà khoe nhà mới nhưng mà ngại vì có mẹ chồng ù ù cạc cạc ở trong nhà. Để bà về quê đúng là trả về đúng chỗ của bà. Người ở đâu quen đấy. Đất đâu người đấy. Người nhà quê sao lên sống hợp với chốn thị thành kia chứ. Nên vợ Lâm thầm vui mừng như trút được cái gánh nặng vô hình trên vai bấy lâu nay.
Thế nên sau khi mẹ chồng về quê, vợ Lâm không còn bộ mặt khó đăm đăm động tí là giận cá chém thớt, chửi gà, quát chồng mắng con nữa mà trở nên dễ chịu hơn rất nhiều. Lâm chỉ lặng lẽ đón nhận, không tỏ ra thái độ gì đặc biệt cả. Cuối tuần cả nhà đi chơi, qua một cửa hàng giày dép rất đẹp, vợ Lâm kéo lại chỉ vào một đôi sandan cáo gót màu nude rất bắt mắt và đòi Lâm mua tặng vì lâu lắm rồi anh không tặng vợ cái gì. Lâm vui vẻ mua đôi dép đó tặng vợ. Quả thật nó rất hợp và tôn dáng, nhất là đôi bàn chân nhỏ, trắng trẻo của vợ đi vào càng khiến đôi sandan trở nên đẹp hơn. Vợ Lâm vui lắm.
Tối hôm đó, trời mưa rả rích. Lâm đứng bên cửa sổ hút thuốc. Đôi mắt đỏ sọng nhưng không phải vì khóc. Cũng không phải vì khói thuốc. Anh rít những hơi thuốc dài thật dài tới hóp cả hai bên má. Vợ Lâm cố bắt chuyện nhưng dường như anh không đáp lại, nên giận hờn. Lại dụi đầu nọc thuốc vào gạt tàn, nhẹ đi lại gần vợ, ngồi xuống bên cạnh rồi bắt đầu kể chuyện. Dường như anh kể nhưng cũng không quá quan tâm tới việc vợ ở bên cạnh có nhu cầu nghe câu chuyện ấy không. Giọng anh đều đều:
Ngày ba mất vì tai nạn giao thông anh mới vừa tròn sáu tháng tuổi. Nên anh không nhớ được mặt cha. Ngoài tấm hình mờ cắt ra từ chiếc chứng minh thư của cha. Ảnh cưới của cha mẹ cũng không có. Nhà anh nghèo lắm. Nghèo nhất làng. Và ba mất thì có lẽ mẹ con anh trở thành nghèo nhất xã. Những ngày ba mất. Mẹ như người chết đi rồi. Dì bảo là có lẽ không có anh mẹ cũng đi theo ba. Nhưng vì còn có anh giữ chân mẹ ở lại với cuộc đời đầy bão tố và gian khổ này để bắt mẹ phải chịu đựng biết bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu cô đơn và bao nhiêu buồn tủi… Tất cả chỉ vì anh.
Ngày anh lớn, lên năm tuổi, đi học mẫu giáo là ngày mẹ mua cho anh đôi dép nhựa đầu tiên. Còn mẹ thì hầu như khi nào anh cũng thấy mẹ đi chân đất. Chỉ tối khi đi ngủ mẹ mới rửa chân và đi đôi dép của ba suốt bao nhiêu năm. Những đôi dép mà chỉ đi khi rửa chân đi ngủ thì bao nhiêu năm mới hỏng được. Thậm chí đi đâu đó quanh quanh làng mẹ cũng đi đôi dép đó. Nếu không thì lại đi chân đất.
Rồi khi anh lớn thêm, anh nhớ, mỗi năm, tết đến và vào năm học mới là anh được mua một đôi dép mới bất kể đôi dép kia có còn lành hay đã rách. Nên khi nào anh cũng đi tới rách không đi được nữa mới đi dép mới. Nhưng những đôi dép cũ ấy không hề bỏ đi. Mẹ lại lấy lưỡi liềm hơ hồng trên bếp lửa rồi gắn những chỗ rách lại để đi những buổi tối cần rửa chân đi ngủ.
Những mùa hanh, gót chân mẹ nứt ra chảy cả máu. Nhưng mà mẹ có quan tâm đâu. Mẹ vẫn đi chân đất, vẫn lội bùn, vẫn làm đồng và tối đến chỉ rửa chân sạch bùn đất rồi lên giường ngủ. Sáng ra, lại đi đất tất bật ra chợ, ra đồng. Những đôi dép mẹ đi chỉ là những đôi dép rách anh đã bỏ.
Nhưng bao nhiêu năm qua, chưa khi nào anh nhớ mua cho mẹ một đôi dép tử tế. Khi đi học đại học thì mẹ bảo: nhiệm vụ của anh là cứ chăm chỉ học. Khi đi làm thì cứ chăm chỉ mà làm việc, mà phấn đấu. Mẹ chả thiếu gì. Khi lấy vợ thì mẹ bảo: Cứ chăm sóc vợ con cẩn thận, cứ sống hạnh phúc là mẹ mừng. Mẹ vẫn khỏe không sao.
(Ảnh minh họa)
Tại sao anh có thể sống vô tâm như thế? Anh để cho cuộc sống riêng tư, công việc cuốn mình theo mà đã quên mất anh vẫn có một người mẹ già ngày ngày mỏi mắt ngóng theo anh từng bước chân. Anh sợ những ngày qua, anh sợ mỗi khi nhìn thấy con mình. Sợ một ngày nào đó nó lớn lên và cũng giống anh. Giống như anh chỉ biết nghĩ tới cuộc sống và hạnh phúc của bản thân mình. Và trở thành một kẻ ích kỉ. Anh làm sao mà dạy được con khi chính bản thân anh cũng đã từng sống như thế?
Vợ Lâm im lặng một hồi lâu rồi mới khẽ nói: Mai là ngày lễ Vu Lan rồi, có phải vì thế nên anh suy nghĩ nhiều không? Là em chưa hiểu chuyện, là em sai rồi. Em xin lỗi anh. Xin lỗi mẹ.
Lâm khẽ vỗ vào tay vợ: Với cha mẹ, cả đời đều là ngày lễ Vu Lan. Đâu phải chỉ có một ngày rằm tháng bảy đâu. Hôm nhìn mẹ bước lên chuyến xe về quê, và khi chiếc xe chuyển bánh, anh mới thấy lòng mình lo sợ: Sẽ có một ngày, mẹ cũng sẽ bước lên một chuyến xe mà mãi mãi không khi nào quay lại nữa.
Vợ Lâm nắm tay chồng: Anh, mai mình về thăm mẹ nhé! Em cũng phải tạ lỗi với mẹ!
Theo Eva
Làm chồng mệt quá!
Làm một người đàn ông đã gánh trách nhiệm nặng nề rồi, làm chồng còn gánh trách nhiệm nặng gấp 10 lần như thế.
Các bà vợ cứ xem thường các ông chồng chúng tôi, nói chúng tôi này nọ, ham vui, ưa nhậu nhẹt, thích rượu chè, hoặc là nghi ngờ chúng tôi lăng nhăng nhưng lại không hiểu, nỗi khổ làm chồng của chúng tôi. Làm một người đàn ông đã gánh trách nhiệm nặng nề rồi, làm chồng còn gánh trách nhiệm gấp 10 lần như thế.
Khi tôi sinh ra, lớn lên và khi tôi hiểu chuyện, tôi bắt đầu được nhồi vào đầu cái gọi là &'trách nhiệm làm đàn ông'. Người ta bảo, đấng nam nhi thì phải thế này, thế kia, làm đàn ông thì phải có vị trí trong xã hội, phải có công việc ổn định, phải lo được cho vợ con, gia đình. Thế nên, ngay từ ngày còn học đại học, tôi đã nghĩ đến chuyện đi làm. Tôi nai lưng ra làm thêm cộng với việc học, cố gắng hết mình để mong muốn có được một tương lai tốt hơn. Tôi không quá kì vọng vào chuyện giàu có nhưng cũng mong muốn có được một công việc khá khẩm, gọi là lo được cuộc sống của bản thân và gia đình, sau này là người yêu, vợ con...
Đã thế bấy giờ, người ta còn nói, con gái chẳng thích đàn ông nghèo, họ sẽ chẳng bao giờ chạy theo một anh chàng nhà nghèo nếu xung quanh họ có gã nào giàu có. Tất nhiên rồi, họ phải xem xét các tiêu chí và kinh tế cũng là một tiêu chí quan trọng giúp họ chọn chồng. Ai trách được họ như thế, vì là con người thì ai chẳng mong muốn giàu sang. Một người chồng vừa giàu vừa hết lòng yêu thương chiều chuộng họ lại chẳng tốt hơn một anh chàng nghèo, nhà quê, chỉ biết đến vài đồng bạc, tính toán chi tiêu từng ngày sao?
Khi tôi sinh ra, lớn lên và khi tôi hiểu chuyện, tôi bắt đầu được nhồi vào đầu cái gọi là &'trách nhiệm làm đàn ông'. (ảnh minh họa)
Tôi đi học, chẳng dám xin tiền bố mẹ nhiều vì nghĩ bố mẹ đã nuôi mình bao nhiêu năm, từ ngày sinh ra, lớn lên, đi học mẫu giáo đến lúc vào đại học. Bây giờ bố mẹ đã già, đã đến lúc cần được con cái chăm sóc thì tôi lại bắt bố mẹ phục vụ, thế thì tôi đâu phải là đứa con có hiếu? Tôi thương bố mẹ vô cùng nên vừa học vừa làm với hi vọng sẽ gánh vác được một phần trách nhiệm cho gai đình. Tôi chỉ hi vọng nhanh chóng ra trường kiếm tiền, và phụ cấp cho bố mẹ.
Cái ngày trọng đại, nhận bằng cử nhân cũng đã tới. Tôi trở thành sinh viên mới nhưng với chút vốn liếng và kinh nghiệm trong tay, tôi tự biết cách kiếm việc làm. May mắn kiếm được công việc hơn bạn hơn bè nên cũng có chút thu nhập. Tôi lao vào làm việc, nghĩ về gia đình, bố mẹ nhiều hơn và nghĩ về trách nhiệm của một người đàn ông giống như người ta vẫn nói. Làm đàn ông là phải có trách nhiệm lo cho bố mẹ, người thân của mình. Không làm được thì khéo bị cho là... hèn.
Tôi may mắn yêu được một cô người yêu tốt tính, chăm chỉ làm việc, cũng yêu thương tôi thật lòng. Nói chung, chúng tôi môn đăng hộ đối, ngày yêu nhau cũng hứa hẹn nhiều dự định cho tương lai, hai đứa tự nhủ cố gắng làm tốt để có được cuộc sống ấm no, con cái đề huề...
Cuộc sống sẽ khó lòng như kì vọng, nhưng với một người vợ như vậy, tôi tạm hài lòng. Cuộc sống không thể cầu toàn được, mọt người yêu mình, thương mình, chăm sóc mình và đối nhân xử thế tốt, đó là một người vợ tốt. Vậy thôi...
Tôi bận rộn tối ngày, trăm công nghìn việc, đi làm về chỉ mong được bữa cơm ngon và một buổi tối thư thái, ngủ no giấc, ngày mai lại đi làm, kiếm tiền. (ảnh minh họa)
Nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền cứ đè nặng lên gia đình tôi, nhất là khi tôi phải lo toan bao nhiêu thứ, nhất là khi tôi có một đứa con. Một tay tôi lo cho cả nhà mình, bố mẹ tôi cũng không đi làm, ở nhà nên không thể không lo cho bố mẹ. Báo hiếu cũng chính là trách nhiệm của con cái. Rồi em tôi đi học, tôi không lo cho em thì lo cho ai. Có lúc vợ tôi cằn nhằn vì trách nhiệm của tôi quá lớn mà bỏ bê vợ con, nhưng tôi vặn lại vợ "thế ngày xưa, khi bố mẹ nuôi chúng ta ăn học, bố mẹ có cằn nhằn không em?". Thế là vợ tôi lại im lặng, vì thật ra em hiểu, tôi là đứa con có hiếu và có trách nhiệm với gia đình. Chỉ là đôi lúc vợ buồn vì tôi có hơi thờ ơ với con cái.
Tôi bận rộn tối ngày, trăm công nghìn việc, đi làm về chỉ mong được bữa cơm ngon và một buổi tối thư thái, ngủ no giấc, ngày mai lại đi làm, kiếm tiền. Tôi yêu vợ, quý con, cái gì tôi cũng dành cho vợ con cả. Tôi không phải là tuýp đàn ông ưa gái gú, thích đổi mới những thú vui. Chỉ là tôi có chút thích tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, anh em lâu ngày hàn huyên tâm sự. Và điều này nhiều lúc làm vợ tôi không hài lòng...
Hàng tháng kiếm tiền, tôi lo cho bố mẹ một ít như đã thảo luận với vợ, còn lại tôi đưa tiền cho vợ tiêu pha nhà cửa, con cái, dành lại một ít cho mình vui chơi với bạn bè. Tôi chẳng giấu vợ chuyện gì, tính tôi minh bạch, biếu bố mẹ thì nói là biếu bố mẹ, vì nhà này chỉ có mình tôi, tôi không chăm bố mẹ thì ai chăm? Cho em thì bảo là cho em ăn học, tôi cần phải có trách nhiệm với người thân, ruột thịt của mình, điều này khi yêu tôi vợ cũng biết chứ không phải bây giờ. Chỉ là khi sinh con ra, người phụ nữ thường ích kỉ hơn, họ muốn chồng họ dành mọi thứ cho con cái, cho vợ và cho gia đình nhưng với một người đàn ông lắm trách nhiệm như tôi, tôi không làm được...
Thi thoảng chúng tôi muốn xả stress, muốn vui vẻ bên ngoài tí, muốn thoải mái tư tưởng với mấy anh bạn cũ, rồi ngồi la cà chém gió về muộn, để vợ ở nhà đợi cơm. (ảnh minh họa)
Vợ cứ hay trách cứ tôi không chịu quan tâm tới con cái nhiều, ít khi tâm lý đưa vợ đi du lịch, đi chơi cuối tuần. Ai chẳng muốn thảnh thơi, chỉ là tôi không có thời gian rảnh rỗi mà thôi... Vợ hay than phiền là tôi không chịu chia sẻ việc đón con, việc nhà với vợ, nhưng thật ra, tôi đã quá hao tâm khổ tứ vào việc kiếm tiền, lo cho cả đại gia đình. Trách nhiệm của đàn ông là cả bố, cả mẹ, cả em, cả vợ và cả con. Nếu sinh hai đứa con thì còn nhân đôi trách nhiệm cho phần con nữa...
Thi thoảng chúng tôi muốn xả stress, muốn vui vẻ bên ngoài tí, muốn thoải mái tư tưởng với mấy anh bạn cũ, rồi ngồi la cà chém gió về muộn, để vợ ở nhà đợi cơm. Việc này nếu là thi thoảng, tôi nghĩ chẳng có gì khó chịu. Chị em cũng vậy, chị em tự nhận trách nhiệm chăm con về mình, với lại nói cho cùng, chúng tôi chăm con chị em cũng không thể yên tâm được. Thế nên, việc ấy là phù hợp nhất với chị em. Và mong chị em hãy hiểu và thông cảm, đàn ông chúng tôi cũng cần những cốc bia để xả tâm hồn, giống như khi chị em cần mấy cốc trà chanh để tha hồ nói xấu chồng này nọ...
Vậy đấy, tôi dù là người mà người khác nhìn vào thì chỉ biết đi làm, đi nhậu, về nhà, hoặc là lại đi làm, ăn ngủ, thi thoảng say khướt... nhưng tôi gánh trách nhiệm nặng nề trên vai. Trách nhiệm ấy chỉ có tôi hiểu, tôi thấm. Và nếu như chẳng may tôi lơ là một phút, hoặc số phận không mỉm cười với tôi, tôi để gia đình tôi, vợ con tôi khổ thì tôi bị gọi là một thằng hèn.
Tôi không muốn là một thằng hèn đâu nhé, nên ngày ngày tôi phải vất vả kiếm tiền, vì vợ vì con, vì gia đình tôi. Nên các bà vợ đừng tưởng, cứ cười ha hả như tôi, cứ vô tư sống như tôi, cứ gia trưởng tí như tôi là chẳng có gì lo nghĩ, chẳng có gì to hơn việc các bà cũng đi làm, lại còn phải trông con... Làm chồng mệt lắm đấy mấy chị mấy em!
Hãy cho tôi là một thằng đàn ông thực thụ, thằng đàn ông có trách nhiệm và làm tròn trách nhiệm với gia đình, vì thật sự, trên vai tôi... nặng lắm!
Theo Ngoisao
Sợ vợ là đức tính quí báu Sợ vợ là đức tính quí báu vô cùng hiếm hoi còn sót lại trên một số cá thể 'động vật bậc cao' (không hề hiếm hoi) tại Việt Nam mà các bà, các chị vẫn âu yếm gọi là "đức ông xã nhà em". Giang hồ đồn rằng, xuất thân của nghĩa cử cao đẹp này vốn bắt nguồn từ câu sấm...