Nội bộ Mỹ tranh cãi về quyết định rút khỏi TPP
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 đã ký sắc lệnh rút khỏi đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương ( TPP) – một động thái đang nhận những phản ứng trái chiều.
Thượng nghị sĩ John McCain. (Ảnh: AFP)
Cuối ngày 23/1, tại Phòng Bầu Dục trong Nhà Trắng, khởi đầu tuần làm việc đầu tiên, tân Tổng thống Mỹ Donald Trum đã ký thông qua 3 sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh yêu cầu Mỹ rút khỏi TPP và đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA. Theo ông Trump, quyết định này sẽ có lợi cho người lao động Mỹ.
Tuy nhiên, quyết định của ông trong khi được sự ủng hộ của giới doanh nghiệp và nhiều nghị sĩ quốc hội thì cũng vấp phải không ít chỉ trích.
Trong một bình luận ngay sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh thông qua việc rút khỏi đàm phán TPP, Thượng nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders nói: “Tôi rất vui mừng vì TPP cuối cùng đã bị khai tử. Trong suốt 30 năm qua, chúng ta đã có rất nhiều hiệp định thương mại, trong đó có cả NAFTA, bình thường hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, chúng khiến nước Mỹ mất hàng triệu việc làm, làm giảm thu nhập của người lao động Mỹ”.
Video đang HOT
Ông Sanders cũng cho biết, ông sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Trump trong chính sách thương mại mới này bởi vì nó sẽ giúp đỡ cho người lao động Mỹ.
Thượng nghị sĩ bang Ohiao, Sherrod Brown, cũng cho rằng, đây là bước cần thiết đầu tiên để cải tổ chính sách thương mại của Mỹ. “Tôi sẵn sàng ủng hộ người lao động Ohio bằng cách ủng hộ chính quyền của Tổng thống Trump đàm phán lại NAFTA, đặt lợi ích của người lao động lên trước lợi nhuận doanh nghiệp, và tạo việc làm”, ông Brown nói.
Trong khi đó, cũng không ít quan chức trong Quốc hội Mỹ chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump, trong đó gay gắt nhất là Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ.
Ông McCain nói, từ bỏ TPP là “một quyết định sai lầm” và “một sai lầm nghiêm trọng” có thể những hậu quả lâu dài đối với kinh tế Mỹ cũng như vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “Quyết định này sẽ tước mất cơ hội để thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ, giảm các hàng rào thương mại, mở ra các thị trường mới và bảo vệ sự cải tiến của Mỹ. Nó sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc viết lại các quy tắc kinh tế trong tiến trình thương mại mà người lao động Mỹ sẽ phải gánh hậu quả”, ông McCain nói.
Quyết định cũng vấp phải sự hoài nghi của các bên liên quan đến TPP. Roland Paris, cựu cố vấn chính sách đối ngoại cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng, quyết định rút khỏi TPP hay đàm phán lại NAFTA sẽ là thắng lợi cho Trung Quốc. “Các sử gia sẽ nhìn lại việc Mỹ rút khỏi TPP như một bước ngoặt lớn của Mỹ trong việc rút khỏi vị thế lãnh đạo thế giới. Người thắng cuộc sẽ là Trung Quốc”, ông Paris nhận định.
Minh Phương
Tổng hợp
Thủ tướng Singapore thất vọng vì TPP bị dừng
Ông Lý Hiển Long nói rằng việc ông Trump phản đối TPP trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ "đã khá nổi tiếng"...
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã bày tỏ sự thất vọng trước việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khó có thể được thông qua dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump - một người phản đối mạnh thỏa thuận tự do thương mại này.
"Chúng tôi cảm thấy thất vọng vì TPP sẽ không được thông qua" trước khi tân Tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2017 - tờ Straits Times dẫn lời ông Lý Hiển Long phát biểu bên lề cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Indonesia Joko Widodo ở Semaring, Indonesia ngày 14/11.
Ông Lý Hiển Long nói rằng việc ông Trump phản đối TPP trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ "đã khá nổi tiếng".
"Ông ấy không hề thích TPP chút nào và tôi nghĩ có một sự thất vọng đối với tất cả chúng tôi, những người đã cố gắng hết mình để đàm phán TPP", Thủ tướng Singapore nói thêm. "Nhưng chúng tôi sẽ gặp nhau tại APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) tại Peru trong tuần này, và các thành viên TPP, bao gồm Tổng thống Barack Obama, sẽ trao đổi để xem có thể làm gì trong tình hình này".
Trước đây, ông Lý Hiển Long từng cảnh báo rằng Mỹ sẽ suy giảm vị thế và uy tín trước các quốc gia trên thế giới nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn TPP.
Khi được hỏi TPP liệu có thể được "cứu sống" nếu các điều khoản của thỏa thuận được điều chỉnh hoặc thay đổi để bao gồm các quốc gia khác như Nga hay Trung Quốc, ông Lý Hiển Long nói nếu như vậy TPP sẽ là một thỏa thuận hoàn toàn mới.
"Việc thay đổi các điều khoản thỏa thuận là không hề dễ dàng. Các bạn muốn thay đổi điều gì? Nếu một quốc gia mới được đưa vào, đó sẽ là một thỏa thuận hoàn toàn mới, vì một quốc gia, nhất là một nước lớn, sẽ không chấp nhận tất cả mọi thứ đã được đàm phán từ trước", ông Lý Hiển Long nói.
"Họ sẽ muốn đàm phán lại tất cả mọi thứ, và như thế sẽ có một thỏa thuận mới. Nhưng tôi nghĩ giờ vẫn còn quá sớm để tính đến tất cả mọi khả năng có thể. Trước tiên cần đánh giá xem mọi người nghĩ thế nào, để xem đâu là giải pháp tốt nhất vào lúc này" cho TPP, Thủ tướng Singapore phát biểu.
Trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chính quyền Obama cam kết sẽ cố gắng để TPP được thông qua tại Quốc hội Mỹ trong kỳ họp sau bầu cử và trước khi Tổng thống mới nhậm chức. Tuy nhiên, cách đây ít hôm, chính quyền Obama tuyên bố dừng nỗ lực thúc đẩy TPP, theo đó để chính quyền của người kế nhiệm là Tổng thống đắc cử Trump quyết định số phận của thỏa thuận này.
Theo VnEconomy
Đồng minh châu Á thấp thỏm sau chiến thắng của Trump Đòi đồng minh đóng góp thêm cho chi phí triển khai quân của Mỹ hay phản đối TPP, tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump đang khiến các đồng minh châu Á thấp thỏm. Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump từng đưa ra nhiều tuyên bố gây bối rối...