Nội bộ Mỹ bất đồng về vấn đề Biển Đông
Một số chỉ huy cấp cao hải quân Mỹ bất đồng quan điểm với chính quyền Tổng thống Barack Obama về việc có nên cho tàu trực tiếp tiến vào khu vực có tranh chấp trên Biển Đông hay không.
Ngoại trưởng John Kerry (trái) trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Jack Lew (phải) thảo luận trong giờ nghỉ một phiên họp ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 29/7. Phía trên là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Kirsten Gillibrand. Ảnh: Reuters.
Sự bất đồng xuất hiện do một số lãnh đạo quân đội Mỹ muốn chứng tỏ quyền tự do đi lại trên không và trên biển bằng hành động cụ thể. Trong khi đó, các quan chức chính phủ và ngoại giao lại có phần dè dặt hơn để xử lý tốt một giai đoạn khá nhạy cảm trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc.
Lầu Năm Góc từng nhiều lần nêu tuyên bố có quyền căng buồm hoặc bay qua chuỗi đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây và lắp đặt thiết bị quân sự. Giới chức quân sự cùng một số nghị sĩ muốn Mỹ phản đối mạnh mẽ bằng cách cho tàu chiến tiến vào phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo, thể hiện Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Theo đó, nếu không làm như trên thì mặc nhiên là Mỹ đang chấp nhận những động thái gây bất ổn của Trung Quốc được nhiều quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Nhật Bản và Philippines xem là mối đe dọa nghiêm trọng.
“Chúng ta tiếp tục không cho phép hải quân hoạt động trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo bị Trung Quốc cải tạo là một sai lầm nguy hiểm, sẽ góp phần công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với những đảo này”, trang Politico hôm 31/7 dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói.
Các nguồn tin từ quân đội và trong chính quyền Tổng thống Barack Obama đều thừa nhận có sự khác biệt nhưng không tổ chức thảo luận chính thức về điều này.
Bất đồng trong nội bộ Mỹ xuất hiện trong bối cảnh lãnh đạo các quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, sẽ tới tham dự một diễn đàn an ninh khu vực trong tuần này ở Malaysia và trước chuyến thăm chính thức Washington của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều nước láng giềng. Trung Quốc còn đẩy mạnh cải tạo 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành các đảo nhân tạo.
Video đang HOT
Bắc Kinh đã điều pháo, xây đường băng, bố trí radar và các thiết bị khác tại đây, Lầu Năm Góc cho biết. Tướng Hernando Oroberri, đứng đầu quân đội Philippines, tuần trước nói họ đang điều tra thông tin Trung Quốc cải tạo thêm ba bãi đá khác trên Biển Đông.
Như Tâm
Theo VNE
Mỹ bất đồng nội bộ vì đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông?
Một số tướng lĩnh hải quân Mỹ tỏ ra bất đồng quan điểm với chính quyền Tổng thống Obama về việc đưa tàu chiến và máy bay áp sát khu vực 12 hải lý mà TQ xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông
Theo tạp chí Politico, nhiều tướng lĩnh hải quân Mỹ đang quyết tâm đưa máy bay, tàu chiến áp sát khu vực 12 hải lý ở Biển Đông. Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng tỏ ra thận trọng và không muốn làm ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung vốn đang trong "giai đoạn nhạy cảm".
Lầu Năm Góc đã nhiều lần khẳng định quyền tự do đi lại của tàu thuyền hay máy bay qua các hòn đảo nhân tạo xây phi pháp mà Trung Quốc quân sự hóa. Hải quân Mỹ không cho biết liệu đã thực hiện điều này hay chưa.
Một số quan chức quân đội và nghị sĩ Mỹ muốn thể hiện rõ quan điểm phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc bằng cách điều tàu chiến và máy bay áp sát khu vực 12 hải lý.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Họ chỉ trích Washington mặc nhiên không hành động trước các động thái gây căng thẳng của Trung Quốc, đe dọa các quốc gia khác trong khu vực.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), khu vực 12 hải lý chỉ được coi là lãnh hải khi các thực thể có chủ quyền trên biển. Tàu quân sự nước ngoài không được phép xâm phạm khu vực. Nhưng, những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc không hề có giá trị về chủ quyền hợp pháp, do đó khu vực 12 hải lý xung quanh không được công nhận là lãnh hải.
Theo ông Raul Pedrozo, cựu luật sư thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, các tàu chiến và máy bay Mỹ có quyền tuần tra hợp pháp trong khu vực 12 hải lý này.
"Chúng ta đang tiếp tục giới hạn các hoạt động của hải quân bên ngoài khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, chẳng khác nào thừa nhận các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc", Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ nói trên Politico.
Một số nguồn tin nói rằng rằng hiện đang có những bất đồng trong quan điểm giữa giới chức quân sự với chính quyền Mỹ. Những tranh cãi nội bộ xảy ra đúng vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau tại hội nghị an ninh khu vực vào tuần tới ở Malaysia cũng như chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trực thăng Seahawk của Mỹ tham gia tuần tra trên Biển Đông.
Cho đến nay Hải quân Mỹ vẫn chưa công khai nhiều các hoạt động trên Biển Đông và không trả lời các câu hỏi về địa điểm chính xác mà tàu chiến của họ đã tuần tra trên vùng biển này. Khi tàu chiến USS Fort Worth chạm mặt tàu hải quân Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng Năm, Hải quân Mỹ cũng từ chối tiết lộ địa điểm chính xác nơi hai tàu gặp nhau.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc William Urban khẳng định, chính sách của quân đội Mỹ trên Biển Đông vẫn không thay đổi, đó là "tiếp tục hoạt động phù hợp với quyền, tự do và sử dụng hợp pháp Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế".
Tuy nhiên khi được hỏi về khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc, quan chức Lầu Năm Góc lại tỏ ra ngần ngại. "Chúng tôi không đưa ra tuyên bố cụ thể về các hoạt động tuần tra mà chúng tôi tiến hành hay quyết định nội bộ liên quan đến các hoạt động này của chính phủ Mỹ".
Chính quyền của Tổng thống Obama dường như né tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc trong khi một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đang tìm cách gây sức ép với Tổng thống Obama trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm thể hiện rõ lập trường của nước Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Trong phiên điều trần của Đô đốc John Richardson trước Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan nói thẳng: "Có vẻ như chính phủ đang cố tình trì hoãn việc đưa ra quyết sách bởi vì điều này không có lợi trước thềm chuyến thăm của ông Tập vào tháng 9 tới".
Đô đốc John Richardson điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 30/7.
"Vì sao những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy những đóng góp của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế lại bị chặn đứng bởi những toan tính của Bắc Kinh trong việc đi ngược lại trật tư, luật pháp ở châu Á?"
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa kết luận: "Chúng ta cần có một kế hoạch tự do hàng hải tích cực, bao gồm những hoạt động tuần tra và diễn tập chung quanh chuỗi đảo thứ nhất, đặc biệt là ở Biển Đông".
Cùng thời điểm, các quan chức quân đội Mỹ đang hối thúc thượng nghị sĩ phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển để tạo nên khuôn khổ quốc tế cho hoạt động tuần tra trên các đại dương.
"Chúng ta đang tự làm suy yếu quan điểm của mình bằng việc không tham gia những luật lệ mà chúng ta yêu cầu các quốc gia khác phải tuân thủ", Tướng Joe Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ phát biểu trước Thượng viện hồi đầu tháng này.
Tình hình Biển Đông mới nhất sẽ được báo điện tử Người đưa tin liên tục cập nhật.
Đăng Nguyễn
Theo_Người Đưa Tin
Ủy ban hạ viện Nhật thông qua dự luật phòng thủ tập thể Một ủy ban đặc biệt của Hạ viện Nhật hôm qua thông qua dự luật phòng thủ tập thể, mở đường cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài. Ông Hamada, giữa, bị các nghị sĩ đối lập quây kín để phản đối dự luật. Ảnh: Kyodo Japan Times miêu cả khung cảnh "đầy giận dữ" trong cuộc họp của Ủy ban...