Nội bộ IS ‘lục đục vì chiến binh ngoại quốc’
Các chuyên gia và nhà hoạt động cho rằng, nội bộ Nhà nước Hồi giáo (IS) đang gặp vấn đề khi xuất hiện rạn nứt và tranh giành quyền lực trong hàng ngũ chiến binh ngoại quốc, nhất là từ sau khi nhóm cực đoan thất bại tại thị trấn chiến lược Kobani.
Chiến binh IS diễu hành trên đường phố Syria. Ảnh: NYdailynews.
Rạn nứt giữa các chiến binh Chechnya và Uzbek trong IS gần đây dẫn đến các cuộc đụng độ giữa hai bên, Bari Abdellatif, một cư dân ở al-Bab, Syria đã chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. Ít nhất hai thành viên cấp cao đã bị giết vì xung đột nội bộ.
IS chịu thất bại lớn nhất tại Kobani, Syria, khi nhóm cực đoan hồi tháng một phải rút khỏi thị trấn này với hơn 1.000 chiến binh bị giết, nhiều vũ khí hạng nặng và xe bị phá hủy. Bộ binh người Kurd trước đó chiến đấu với IS trong 5 tháng và các cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu làm 70% thị trấn chìm trong đống đổ nát, hàng chục nghìn cư dân chạy trốn qua biên giới đến Thổ Nhĩ Kỳ. Từ sau khi mất Kobani, dấu hiệu rạn nứt trong nội bộ IS hiện lên rõ nét.
“Cuộc chiến kéo dài tại Kobani gây ra rất nhiều căng thẳng. Các chiến binh cáo buộc nhau phản bội và cuối cùng quay ra tấn công nhau”, Abdellatif nói.
Một nhà hoạt động tại Raqqa, thành trì của IS tại Syria, cho biết chiến binh ngoại quốc cãi cọ về các vấn đề hành chính và tài chính. Một số người bị giết vì nghi ngờ làm gián điệp hoặc cố gắng đào thoát.
“IS cố gắng chứng tỏ nhóm là một tập thể đoàn kết, nhưng có nhiều ‘bụi bẩn’ dưới vỏ bọc đó”, nhà hoạt động giấu tên nói.
Video đang HOT
Nhóm cực đoan hồi đầu tháng phế truất một quan chức tôn giáo ở tỉnh Aleppo và bắt ông ta phải hầu tòa, sau khi ông này phản đối việc thiêu sống phi công người Jordan, Nhóm Giám sát Nhân quyền Syria cho biết.
“IS hiện bắt đầu phải vật lộn để giữ lực lượng của chính nhóm đoàn kết”, Lina Khatib, Giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut nói.
Nhóm truyền thông chống IS có tên gọi Raqqa bị giết chết trong im lặng (RBSS) cho biết, các phần tử cực đoan buộc dân thường phải hiến máu sau khi hàng chục chiến binh bị thương nặng. RBSS cũng đưa tin rằng IS gần đây áp đặt một lệnh giới nghiêm và đặt rào chắn vào ban đêm để ngăn chặn các thành viên đào ngũ cố gắng chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy chiến binh từ khắp nơi trên thế giới gia nhập IS, ngày càng có nhiều tân binh vỡ mộng đã rời nhóm hoặc cố gắng bỏ đi khi thấy cuộc sống bạo lực hơn họ nghĩ. Nhóm quan sát cho biết, IS giết chết hơn 120 thành viên trong 6 tháng qua, hầu hết trong số đó là chiến binh ngoại quốc mong muốn trở về nhà.
“Khi chúng ta lắp ráp những mảnh ghép nhỏ lại với nhau, có thể thấy rất rõ ràng rằng IS đang có vấn đề. Tôi tin rằng nội bộ nhóm đang lục đục”, Scott Stewart, Phó chủ nhiệm phân tích chiến thuật tại công ty tình báo và tư vấn toàn cầu Stratfor nhận định.
Tuy nhiên, Faysal Itani, một thành viên thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, IS đang gặp khó trong việc chiếm đóng thêm lãnh thổ, nhưng nhóm cực đoan vẫn chưa phải đối mặt với bất kỳ thách thức lớn nào tại các thành trì. “IS tiếp tục nhận được hỗ trợ giữa từ các bộ tộc địa phương, và thu hút thêm chiến binh từ các phiến quân khác”, ông nói.
Phương Vũ
Theo Telegraph
Mỹ bị cảnh báo chớ xen vào nội bộ Thái Lan
Thái Lan ngày 28.1 cảnh báo Mỹ không nên xen vào những vấn đề chính trị nội bộ của nước này, và cho rằng nhiều người Thái bị tổn thương bởi những lời bình luận của một nhà ngoại giao Mỹ.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel - Ảnh: AFP
Thái Lan, đồng minh lâu năm của Mỹ, đang trong tình trạng thiết quân luật sau khi quân đội Thái đảo chính, phế truất nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi tháng 5.2014. Quân đội Thái cho biết ít nhất một năm nữa mới có thể tiến hành cuộc tổng tuyển cử, theo Reuters. Quan hệ giữa Mỹ - Thái Lan xấu đi kể từ vụ đảo chính sau khi Washington đóng băng viện trợ và hủy một số chương trình tập trận chung và huấn luyện cảnh sát cho Thái Lan.
Trong một bài phát biểu trước sinh viên Đại học Chulalongkorn (thủ đô Bangkok, Thái Lan) ngày 26.1, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel kêu gọi Thái Lan trở lại nền dân chủ và chấm dứt tình trạng thiết quân luật.
Ông Russel đến thăm Thái Lan chỉ vài ngày sau khi bà Yingluck bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm và bị truy tố hình sự liên quan đến chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi của bà. Ông Russel cho hay việc buộc tội bà Yingluck có thể xem là mang "động cơ chính trị".
"Chúng tôi không đồng tình với những phát biểu của ông Russel về tình hình chính trị Thái Lan tại Đại học Chulalongkorn. Nó làm tổn thương người Thái", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai ngày 28.1 nói với các phóng viên. "Nếu chúng tôi làm theo mong muốn của Washington dỡ bỏ thiết quân luật thì sẽ dẫn đến nhiều rắc rối, lúc đó những ai đã ra lệnh dỡ bỏ thiết quân luật sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Trên thực tế, người Thái thậm chí không biết có thiết quân luật", ông Pramudwinai cho biết.
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra sau khi tham gia phiên luận tội bà lần đầu tiên ở Quốc hội Thái ngày 9.1 - Ảnh: Reuters
Ông Russel nói Washington không đứng về phe phái chính trị nào ở Thái Lan, nhưng nền chính trị Thái phải do chính người dân Thái quyết định.
Nhưng ông Pramudwinai lập luận: "Mỹ không hiểu nền chính trị Thái Lan. Việc buộc tội bà Yingluck không mang động cơ chính trị".
Trong chuyến thăm Thái Lan ngày 26.1, ông Russel đã gặp gỡ nhiều đại diện của quân đội Thái và nhưng không gặp tướng Prayuth Chan-ocha, người lên nắm quyền Thủ tướng Thái sau vụ đảo chính.
Ông Prayuth nói ông kỳ vọng những vụ đụng chạm ngoại giao giữa Thái và Mỹ này sẽ không làm ảnh hưởng đến thương mại song phương, khẳng định quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn tiếp diễn bình thường.
Bà Yingluck, nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, bị quân đội phế truất với cáo buộc lạm quyền và có khả năng phải đối mặt với án tù 10 năm tù vì liên quan tới chương trợ giá gạo trong thời gian tại vị, theo Reuters.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Mỹ: Nội bộ phe Cộng hòa bùng nổ mâu thuẫn Chính trường Mỹ bước vào những ngày đầu năm mới 2015 không sáng sủa hơn năm trước với mối quan hệ không chỉ căng thẳng hơn giữa phe Cộng hòa nắm trọn quyền lãnh đạo Quốc hội với Nhà Trắng mà ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng bắt đầu xuất hiện những rạn nứt. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn các...