Nợ xấu “chưa nguy kịch”
Trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21-8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định nợ xấu liên tục tăng cao là hiện tượng đáng báo động nhưng do trích lập dự phòng đúng quy định nên vẫn có khả năng xử lý an toàn
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội (QH), ông Phùng Quốc Hiển, tỏ ra băn khoăn khi số liệu về nợ xấu ngân hàng (NH) không thống nhất. Cụ thể, NH Nhà nước luôn báo cáo nợ xấu chỉ ở mức khoảng 3%, trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tháng 5-2012, các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu là 4,47% tổng dư nợ tín dụng, tương đương 117.723 tỉ đồng, trong khi NH Nhà nước công bố 8,6%, tương đương 202.000 tỉ đồng còn các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế cho rằng nợ xấu của Việt Nam lên đến 13%.
Luôn có 2-3 con số nợ xấu
Giải tỏa nỗi bức xúc này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết ông đã công tác trong ngành NH hơn 30 năm và luôn chứng kiến có 2-3 số liệu khác nhau về nợ xấu. Khi chưa hội nhập, nội bộ ngành NH cũng có 2 số liệu, một do các NH thương mại báo cáo và hai là số liệu đã được NH Nhà nước giám sát, thanh tra. Khi Việt Nam hội nhập, các tổ chức quốc tế tham gia thị trường và cũng đánh giá nợ xấu như một điều kiện phản ánh môi trường đầu tư. Tuy nhiên, số liệu công bố của NH Nhà nước là chính xác nhất. “Con số này là đáng báo động nhưng chưa đến mức phải hốt hoảng, nguy kịch hóa” – Thống đốc trấn an và cho biết các NH đã trích lập 70.000 tỉ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, 84% khoản nợ của hệ thống đều có tài sản bảo đảm bằng 135% giá trị nợ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn vào chiều 21-8 . Ảnh: TTXVN
Các số liệu vênh nhau có nguyên nhân khách quan là do cách tính và cũng có nguyên nhân chủ quan do các NH tìm cách che giấu để giảm tỉ lệ trích lập dự phòng, bảo đảm chỉ tiêu lợi nhuận. Qua kiểm tra, NH Nhà nước đã phát hiện tại 9 NH yếu kém, có nơi nợ xấu lên đến 30%, thậm chí 60%, mất hết cả vốn tự có lẫn vốn điều lệ nhưng vẫn báo cáo lãi. Thời gian qua, NH Nhà nước đã xử lý nghiêm việc một số NH báo cáo nợ xấu không đúng với sự thật nhưng hiệu quả chưa cao. Trong việc này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận NH Nhà nước không có đủ nhân lực để thanh tra tại chỗ mà chủ yếu là giám sát từ xa.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết năm 2013, nợ xấu có giảm được không và giảm xuống mức bao nhiêu. Với câu hỏi trực diện này, Thống đốc NH Nhà nước không chốt được thời điểm và con số cụ thể mà chỉ nói chung chung rằng sẽ phấn đấu đưa nợ xấu xuống ngưỡng an toàn theo chuẩn mực quốc tế (3%) vào cuối nhiệm kỳ. Nhiều đại biểu QH không bằng lòng với phần trả lời của Thống đốc và cho rằng trả lời như vậy là theo tư duy nhiệm kỳ.
Đói vốn cũng không hạ chuẩn tín dụng
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu QH quan tâm là lãi suất cao và làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn. Đặc biệt là chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống 15% có thành hiện thực hay không.
Video đang HOT
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết Công văn 198 của NH Nhà nước về việc giảm lãi suất xuống 15% chỉ mang tính chất hiệu triệu, không phải mệnh lệnh hành chính vì việc huy động, cho vay của NH với doanh nghiệp là theo hợp đồng kinh tế. Nếu vấn đề thanh khoản tiếp tục được duy trì thì mặt bằng lãi suất sẽ còn giảm. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất đã được thực hiện rất nhanh, đến nay chỉ còn 25% khoản vay phải chịu lãi suất trên 15%.
Về khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tỏ ra thận trọng vì nếu tiếp tục giảm lãi suất nhanh sẽ dẫn đến nguy cơ người dân chuyển sang đầu cơ vàng, ngoại tệ, không có lợi cho nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đã yêu cầu các NH lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nợ xấu đang là vấn đề hết sức căng thẳng nên mục tiêu giảm nợ xấu phải được thực hiện. NH Nhà nước yêu cầu trong mọi trường hợp không được hạ tiêu chuẩn tín dụng.
Khó kiểm soát việc thâu tóm
Trả lời câu hỏi của đại biểu QH rằng có hay không hiện tượng thâu tóm trong việc sáp nhập NH, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đối với các NH niêm yết, có thể có hiện tượng một nhóm người mua cổ phiếu của NH nào đó để giữ tỉ lệ chi phối. Chỉ khi đại hội cổ đông hoặc Ủy ban Chứng khoán kiểm tra thấy vượt quy định mới phát hiện được để xử lý. Ba NH hợp nhất đầu tiên trong đợt tái cơ cấu hệ thống NH vừa qua cũng có “màu sắc” của hoạt động thâu tóm. Trong quá trình thanh tra, NH Nhà nước đã phát hiện tại 3 NH này có sở hữu chéo và vay mượn chéo nên buộc phải sáp nhập lại thành một NH hợp nhất để thực hiện tái cấu trúc.
Theo VNE
Thống đốc giải trình vụ bầu Kiên bị bắt
Thống đốc Nguyễn Văn Bình xác nhận ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt không liên quan tới ACB và các ngân hàng khác, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã lên phương án sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để bảo đảm an toàn hệ thống.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên chất vấn chiều 21/8. Ảnh: Nhật Minh
Là thành viên thứ 2 của Chính phủ trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỳ này, phần hỏi đáp dành cho ông Nguyễn Văn Bình được đặc biệt quan tâm bởi những câu chuyện nóng hổi của ngành hàng trong suốt thời gian qua.
Theo chương trình dự kiến, Thống đốc sẽ giải trình rõ về nợ xấu và kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên, sau câu hỏi "đúng trọng tâm" của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) đề cập thẳng vào vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt tối qua.
"Tôi thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay. Ngoài biểu hiện thao túng thị trường tín dụng, vi phạm pháp luật với một số hành vi như cố ý làm trái pháp luật, kinh doanh trái phép, ông Nguyễn Đức Kiên còn là cổ đông chính của nhiều ngân hàng thương mại lớn. Việc này gây ra hệ quả rất xấu. Việc thao túng thị trường tín dụng của một số ngân hàng cổ phần trong thời gian qua, cố ý làm trái như vậy, Thống đốc nắm được không? Nếu nắm được có biện pháp gì xử lý?", ông Đương nói.
Ông đề nghị Thống đốc phải có kế sách gì để ngăn ngừa, xử lý việc này.
Sau câu hỏi của 3 đại biểu đầu tiên, Thống đốc bắt đầu giải trình nhưng tập trung giải thích tại sao có nhiều số liệu khác nhau về nợ xấu của các ngân hàng. Riêng việc bắt bầu Kiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Viện Kiểm sát sẽ trả lời bằng văn bản, còn Thống đốc giải trình về các vấn đề liên quan.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình xác nhận đã nhận được văn bản từ cơ quan công an, cho biết Nguyễn Đức Kiên bị bắt vì liên quan tới 3 công ty, chứ không phải là liên quan tới hoạt động ngân hàng.
"Nguyễn Đức Kiên nguyên là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập của Ngân hàng cổ phần ACB. Nhưng quy định hiện hành không thừa nhận sự tồn tại của Hội đồng sáng lập. Ông Kiên cũng không còn nằm trong Hội đồng Quản trị cũng như không tham gia điều hành hoạt động ACB, không liên quan tới ACB", ông Bình nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã dự phòng các phương án xử lý đột biến thanh khoản trong trường hợp cần thiết.
"Thống đốc đã nói Nguyễn Đức Kiên bị bắt không liên quan đến ngân hàng ACB, vì vậy người gửi tiền tại ACB yên tâm. Tuy nhiên, Thống đốc có ý nói việc thành lập hội đồng sáng lập ACB không phù hợp quy định hiện hành, vậy mà lại để cho nó tồn tại quá lâu dù Ngân hàng Nhà nước biết và không có xử phạt chấn chỉnh, thì đó cũng là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giam tối 20/8 tại Hà Nội để làm rõ hành vi kinh doanh trái phép. Cơ quan Cảnh sát Điều tra trong thông cáo phát đi trưa nay khẳng định Nguyễn Đức Kiên bị bắt vì liên quan tới vi phạm tại 3 công ty do ông này làm chủ tịch, gồm Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội.
"Hiện nay Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu. Vì vậy, hoạt động của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an là hoạt động bình thường, chỉ liên quan tới vi phạm của 3 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị", Cơ quan Cảnh sát Điều tra khẳng định.
Giải đáp được chờ đợi nhất từ Thống đốc trong phiên chất vấn này chính là con số nợ xấu "chính thức" của các ngân hàng Việt Nam. Trước đó, số liệu tổng hợp từ các nhà băng là hơn 117.700 tỷ (khoảng 4,47% dự nợ) nhưng số liệu của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại lên tới 202.000 tỷ đồng (tương đương 8,6%). Phát biểu tại Quốc hội hồi tháng 3, bản thân Thống đốc Bình còn khẳng định nợ xấu toàn ngành khoảng 10%.
Tại báo cáo giải trình gửi Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn, Thống đốc thừa nhận nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh từ năm 2008 tới nay. Ông cũng cho biết nguyên nhân dẫn tới những con số khác nhau về nợ xấu là tình trạng phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, còn phải nhắc đến việc một số ngân hàng điều hành tín dụng bất cập, năng lực thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong một thời gian dài còn hạn chế, để nợ xấu tăng cao.
Về con số nợ xấu chính xác, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành căn cứ vào số liệu của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước thay vì vào báo cáo của bản thân các tổ chức tín dụng. căn cứ Thống đốc Bình cũng cho biết, sau thanh tra 9 tổ chức tín dụng yếu kém, con số nợ xấu tại các ngân hàng này vô cùng đáng lo ngại. "Theo báo cáo của bản thân các tổ chức tín dụng, nợ xấu của họ đều không quá 2,5% và đều có lãi. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước thanh tra thì có tổ chức tín dụng nợ xấu lên 30% và thậm chí tới 60%. Có những ngân hàng mất hết cả vốn tự có và vốn điều lệ".
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân Thống đốc khi để xảy ra nợ xấu cao và một số sai phạm trong hệ thống, ông Bình thừa nhận một trong những nguyên nhân nợ xấu cao có xuất phát từ Ngân hàng Nhà nước khi chưa thanh tra giám sát hiệu quả. "Tôi xin nhận trách nhiệm của NHNN và với tư cách là thống đốc hiện nay, tôi cũng xin nhận trách nhiệm về các lĩnh vực đó", Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng nợ xấu của Việt Nam chưa đến mức "hốt hoảng" và "quá nguy kịch" nếu so với các nước trong khu vực ở thời điểm họ đứng ra xử lý nợ xấu. "Các tổ chức tín dụng đã trích lập 70.000 tỷ để dự phòng rủi ro tín dụng. 84% các khoản nợ của hệ thống đều có tài sản đảm bảo (giá trị 135% giá trị các khoản nợ)", ông Bình thông tin. Tuy nhiên, những thông tin được ông Bình đưa ra được cho là không có gì mới mẻ so với những lý giải trước đây hơn một tháng của Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước về nợ xấu.
Ngay trước giờ giải lao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị có câu hỏi dành cho Thống đốc. Chủ tịch hỏi trực diện về thời điểm giải quyết xong "cục máu đông" nợ xấu. "Tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu nợ và tình hình nợ xấu thì ai cũng biết rồi. Với quyết tâm chính trị của Thống đốc, từ nay đến cuối năm 31/12 hoặc có thể sang 30/6 năm sau, liệu nợ xấu có giảm không và giảm xuống cỡ bao nhiêu", ông Nguyễn Sinh Hùng hỏi.
Trước câu hỏi này, nhiều đại biểu có mặt tại nghị trường tỏ ra khá thích thú và cho rằng đây là một câu hỏi không dễ trả lời.
Tại phiên họp này, các đại biểu cũng đặt câu hỏi về việc các ngân hàng lách "trần" lãi suất cho vay sau khi có hiệu triệu của Ngân hàng Nhà nước về việc đưa lãi suất cho vay về 15% một năm. Đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt vấn đề: "Việc phân loại khách hàng cho vay khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp phải gửi lại ngân hàng một phần ba phần được vay dưới hình thức tiết kiệm lãi suất 9% một năm. Như vậy họ phải trả lãi 18% một năm. Đây là hợp đồng dân sự và không vi phạm Luật nhưng bản chất vẫn là lách luật. Thống đốc có biết không việc này không và Có giải pháp gì để kiểm tra"?
Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng nếu có thì đây không phải là hiện tượng phổ biến bởi các ngân hàng đang thiết tha cho vay vì họ cũng là doanh nghiệp. Do vậy họ bằng mọi cách bán được hàng, thậm chí là phải giảm giá. Thống đốc đề nghị Đại biểu Huỳnh Nghĩa nếu có trường hợp như vậy sẽ bố trí ngay một ngân hàng khác sẵn sàng cho vay nếu doanh nghiệp đó tốt. Tuy nhiên, ông bình lo ngại có sự thông đồng giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong trường hợp này. "Do khoản vay dưới chuẩn nên hai bên thông đồng với nhau. Nếu có, đề nghị đại biểu thông tin để tôi có điều kiện chấn chỉnh", ông Bình nói.
Câu chuyện ngân hàng "ăn dày" lãi suất cũng được các đại biểu đề cập.Người đứng đầu toàn ngành ngân hàng thừa nhận việc đó có thể chỉ có trong quá khứ còn từ năm 2008 và đặc biệt đến năm nay không còn như vậy. Theo Thống đốc, với lãi suất huy động 9%, các ngân hàng phải cho vay 13%, thậm chí hơn 14% mới hòa vốn. Ông Nguyễn Văn Bình giải thích: "Với 100 đồng huy động, ngân hàng phải đưa vào dự trữ bắt buộc mất 3 đồng, 10 đồng cho dự trữ thanh toán. Nếu đem cho vay, họ phải đưa 0,75 đồng nữa để đưa vào trích lập dự phòng rủi ro chung. Cộng thêm trích lập dự phòng nợ xấu, tính tất cả, chi phí này phải mất 13%. Chưa kể chi phí điều hành như thuê cán bộ, trang thiết bị..., chi phí này chiếm từ 1-1,5% nữa. Như vậy điểm hòa vốn lên xấp xỉ trên 14%".
Ngân hàng Nhà nước trấn an người gửi tiền Website Ngân hàng Nhà nước chiều nay phát đi ý kiến về việc ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố. Trong thông báo này, Ngân hàng Nhà nước nhắc lại lý do ban đầu khiến bầu Kiên bị bắt không liên quan tới hoạt động ngân hàng. "Căn cứ khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty: Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT, ngày 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu. Hiện nay, ông Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý điều hành Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)", Thông báo của Ngân hàng Nhà nước có đoạn. Ngân hàng Nhà nước kêu gọi người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Á Châu hoàn toàn yên tâm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, trường hợp cần thiết, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống. Theo VNE
Tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Ba Lan Ngày 30/7, một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa tàu hỏa và xe du lịch tại tỉnh Lodz, miền Trung Ba Lan khiến 8 người chết, 2 người bị thương trong đó nhiều người quốc tịch Ukraine. Hiện trường vụ tai nạn tại Lodz (Ảnh: Reuters). Theo cảnh sát địa phương, vụ tai nạn xảy ra tại đoạn giao nhau giữa đường tàu...