Nợ xấu: Cần một thị trường mua bán minh bạch
Dịch COVID-19 làm đứt gẫy chuỗi cung ứng gây gián đoạn dòng tiền khiến tỷ trọng vay mượn ngân hàng của doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao…
Điều này dễ phát sinh nợ và gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho nền kinh tế.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN
Trong khi đó, thị trường mua bán nợ của Việt Nam còn sơ khai, công cụ và hành lang pháp lý chưa đồng bộ đang đòi hỏi Việt Nam nhanh chóng có sàn giao dịch nợ để đảm bảo công khai minh bạch thông tin.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong số đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, chiếm 66% tổng số nợ, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng.
Nợ xấu không chỉ được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mà còn được chính các ngân hàng tự mua về xử lý và làm sạch bảng cân đối.
Riêng đối với VAMC, từ năm 2018 đến nay, công ty đã bán đấu giá thành công gần 3 nghìn tỷ đồng các khoản nợ và tài sản bảo đảm, có 21 tổ chức tín dụng đã tất toán dư nợ tại VAMC.
Tuy nhiên, hiện nay, mua bán nợ chủ yếu theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai. Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, Việt Nam đang thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu, như chứng khoán hóa chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ.
Do đó, lãnh đạo VAMC kiến nghị, cần nâng tầm, thể chế hóa Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thời gian thí điểm, đồng thời sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ; xây dựng khung khổ pháp luật cho thị trường này và các công cụ cũng phải được hoàn thiện.
Video đang HOT
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận chủ trương thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh. Theo đó, VAMC đã thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – Chi nhánh Sàn giao dịch nợ (tên viết tắt: Sàn giao dịch nợ VAMC), cũng như ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch nợ VAMC.
Ngoài ra, VAMC cũng đã triển khai thủ tục đăng ký hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh và đã được Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
Theo VAMC, Sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian. Sàn cũng là nơi dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.
Sàn giao dịch nợ VAMC được thành lập để hướng tới mục tiêu tạo lập, cung cấp một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu. Từ đó nâng cao vị thế, vai trò của VAMC, góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển; trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm của thị trường.
Ông Đoàn Văn Thắng cho biết, VAMC hiện đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương Sàn giao dịch nợ xấu dự kiến trong quý III/2021.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận chủ trương thành lập sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh sẽ góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển. Tuy nhiên, để Sàn giao dịch nợ VAMC có thể vận hành theo đúng mục tiêu đề ra có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, thời gian qua thị trường mua bán nợ còn nhỏ lẻ, hạn chế với sự tham gia của một số chủ thể gồm khoảng 30 Công ty quản lý tài sản, mua bán nợ (AMCs) trực thuộc các ngân hàng thương mại, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), VAMC, tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác được thực hiện hoạt động kinh doanh mua, bán nợ. Tuy nhiên, hoạt động mua bán nợ trên thị trường hiện tại chủ yếu tập trung vào DATC và VAMC.
Do đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải hình thành một thị trường mua bán nợ công khai, đủ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp hay cá nhân trong và ngoài nước đều có thể tham gia.
Song trong quá trình hoạt động, VAMC cũng là một chủ thể tham gia vào thị trường mua bán nợ. Vì thế, để tránh hiện tượng vừa “đá bóng vừa thổi còi”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề nghị cần phải có một ủy ban quản lý và cơ chế hoạt động tương tự như sàn giao dịch chứng khoán, với thông tin công bố đầy đủ về các giao dịch, các khoản nợ cần bán, cần mua. Các thông tin này cần được công khai, minh bạch để nhiều nhà đầu tư thêm cơ hội lựa chọn và tăng niềm tin.
Ông Đoàn Văn Thắng cũng thừa nhận thị trường mua bán nợ hiện còn sơ khai, khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường chưa đồng bộ, hạ tầng mới bước đầu hình thành và phương thức mua, bán nợ xấu vẫn còn hạn chế.
Các giao dịch mua bán nợ vẫn chủ yếu thông qua hợp đồng nghĩa là bên mua nợ và bên bán nợ ký kết hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ đối với một hoặc một số khoản nợ cụ thể.
Ông Đoàn Văn Thắng kỳ vọng sàn giao dịch nợ của VAMC sẽ thúc đẩy quá trình xử lý, mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đồng thời thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường này.
'Làn sóng' thứ 4 bùng phát, ngân hàng rục rịch giảm lãi vay
Ngày 16/7, một số ngân hàng như: BIDV, Vietcombank, Agribank, ACB, MB... tiếp tục công bố giảm lãi cho vay đối với các khoản vay hiện hữu nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh "làn sóng" thứ 4 COVID-19 bùng phát kéo dài.
Công nhân Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN.
Chiều 16/7, đại diện BIDV cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các giải pháp hỗ trợ khách hàng nhằm phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ ngày 15/7 đến 31/12, BIDV giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành.
Cụ thể, BIDV giảm lãi vay trên số dư hiện hữu đối với các khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 như: Lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải...; các khách hàng tại các chi nhánh thuộc vùng dịch, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn; các khách hàng suy giảm trong hoạt động kinh doanh.
Theo BIDV, 6 tháng đầu năm 2021, BIDV đã triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với tổng quy mô lên đến 368.000 tỷ đồng và đã chủ động giảm thu nhập 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Trong 6 tháng cuối năm 2021, BIDV dự kiến hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng nguồn lực hỗ trợ lên đến 3.600 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay 2.000 tỷ đồng đối với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng đối với dư nợ cho vay mới.
Như vậy, tổng nguồn lực BIDV dự kiến hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 năm 2021 lên tới 6.100 tỷ đồng.
Ngân hàng Vietcombank cũng sẽ giảm lãi vay đối với các khách hàng hiện hữu từ ngày 15/7 đến hết năm. Với doanh nghiệp, Vietcombank giảm lãi suất 1 điểm % một năm cho khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp thuộc nhóm khác được giảm lãi suất tối đa 1 điểm %.
Với cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất tối đa 1 điểm % một năm cho khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, còn cá nhân vay vốn phục vụ đời sống giảm tối đa 0,5 điểm %. Đây là đợt giảm lãi suất lớn nhất của Vietcombank trong năm nay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với quy mô khoảng 1.800 tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã có 7 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch và thiên tai. Riêng năm 2020, ngân hàng đã giảm lãi cho khách hàng khoảng 3.290 tỷ đồng. Từ đầu 2021 đến giữa năm, tổng số tiền lãi Vietcombank đã giảm cho khách hàng là 2.115 tỷ đồng.
Từ ngày 15/7 đến hết năm nay, Agribank giảm tối thiểu 0,5 điểm % với khoản vay ngắn hạn có lãi suất từ 5% một năm trở lên và tối thiểu 0,7 điểm % với dư nợ vay trung dài hạn (lãi suất từ 7% một năm trở lên). Việc giảm lãi suất được Agribank áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức vay vốn tại ngân hàng (không áp dụng cho các khoản vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi).
Trước đó, Agribank có các chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp hơn 2 - 2,5% so với lãi vay thông thường với quy mô 300.000 tỷ đồng. Ngân hàng ước tính dành khoảng 5.500 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Cũng giảm lãi suất nhưng không cào bằng, Sacombank giảm 1 điểm % một năm cho doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay thuộc ngành nghề chịu tác động trực tiếp vì dịch COVID-19. Các ngành nghề dự kiến được giảm lãi suất gồm du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế...
Phía ACB thông báo giảm lãi suất cho khách hàng hiện hữu tối đa 0,8 điểm % một năm với khoản vay ngắn hạn và tối đa 1 điểm % một năm cho khoản vay trung dài hạn. Bên cạnh đó, ACB sẽ xem xét giảm lãi suất cho khách hàng có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất từ ngày 15/7 - 15/10.
Sau hơn một năm có dịch COVID-19, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát khiến sức khoẻ nhiều doanh nghiệp lao dốc. Để phần nào hỗ trợ doanh nghiệp, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng, nhiều ngân hàng cam kết giảm thêm lãi suất cho vay từ tháng 7/2021 đến hết năm. Ngoài Agribank, Sacombank, ACB, nhiều ngân hàng khác cũng đang tính toán để giảm lãi suất cho vay với khách hàng khó khăn vì dịch COVID-19.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, phần lớn các tổ chức tín dụng (TCTD) đều giảm ít nhất 1%/năm cho tổng dư nợ hiện hữu của chính khách hàng đó tại thời điểm từ ngày 15/7 đến hết năm 2021, đây là một trong những tín hiệu rất mừng.
"Các ngân hàng sẽ tự điều chỉnh mức giảm, tự phân loại khách hàng để giảm lãi suất. Tuy nhiên, Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD cam kết sẽ đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, sẽ giảm lãi cho đúng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", ông Nguyễn Quôc Hùng cho biết.
Đề cập tới việc vì sao nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn trong 6 tháng đầu năm dù dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Nhiều ngân hàng trong nhiều năm liền không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai. Đây chính là một trong những cơ sở tạo điều kiện cho TCTD đảm bảo an toàn hệ thống của chính mình, qua đó giúp tăng năng lực quản trị một cách bền vững; các TCTD đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động; khác với trước kia, nguồn thu của ngân hàng chủ yếu là từ thu lãi vay thì nay, tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các TCTD đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận (điều này phù hợp với xu thế quốc tế).
Theo ông Nguyễn Quôc Hùng, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tại các TCTD mang lại hiệu quả cao. Tới nay, 21 TCTD đã mua lại các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hoạt động trích lập dự phòng rủi ro cũng được tăng cường. Bên cạnh đó, sự ra đời của Nghị quyết 42 và hiệu quả trong điều hành kinh tế của Chính phủ đã giúp kinh tế tăng trưởng ổn định, những khoản nợ liên quan đến bất động sản, hoặc những bất động sản tồn đọng trước đây đều được xử lý nhanh và hiệu quả hơn. Đây là một trong những điểm quan trọng giúp phá tan băng "cục máu đông" nợ xấu, tạo điều kiện luân chuyển vốn trong nền kinh tế, giúp tăng tỷ lệ thu nhập bất thường ở các tổ chức tín dụng trong thời gian qua.
"Lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa. Lợi nhuận ngân hàng đến từ rất nhiều nguyên nhân và là kết quả kết tinh từ một quá trình nỗ lực lâu dài, trong đó có cả việc phải chịu sự dồn nén từ rất nhiều năm trước khi phải tích góp, thắt lưng buộc bụng để xử lý dự phòng rủi ro, đảm bảo đưa tỷ lệ nợ xấu xuống trong phạm vi cho phép và dành nhiều nguồn lực cho đầu tư công nghệ", ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Ngân hàng Nhà nước cảnh báo thủ đoạn chuyển nhầm tiền rồi đòi lại cùng tiền lãi Khách hàng nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng với nội dung cho vay, sau đó kẻ gian gọi cho khách hàng thông báo chuyển nhầm, yêu cầu trả lại... Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo vừa được Ngân hàng Nhà nước cảnh báo, trong văn bản gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh...