Nợ tiêu dùng của người Canada cao kỷ lục
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trong bối cảnh lãi suất tăng và lạm phát cao, nhiều người Canada đã tìm đến các sản phẩm tín dụng, từ đó khiến nợ tiêu dùng của người dân nước này tăng lên mức cao kỷ lục trong quý I/2023.
Người dân mua sắm tại Vancouver, tỉnh British Columbia của Canada. Ảnh (tư liệu): THX/TTXVN
Ngày 6/6, cơ quan theo dõi tín dụng TransUnion của Canada công bố báo cáo mới cho thấy tổng số nợ người dân chưa thanh toán trên các sản phẩm tín dụng trong 3 tháng đầu năm nay đã lên tới 2.320 tỷ CAD (hơn 1.730 tỷ USD), mức cao chưa từng có. Số người Canada có khả năng tiếp cận tín dụng đã lên tới 30,6 triệu người, tăng 2,9% so với năm ngoái. Nợ tín dụng tăng mạnh một phần do nhóm người tiêu dùng thế hệ Z (sinh từ năm 1997 – 2012) tham gia thị trường.
Báo cáo cho biết thêm so với năm ngoái, hạn mức thanh toán tín dụng trung bình hằng tháng đã tăng 43%, tương ứng 436 CAD (325 USD), trong khi thanh toán thế chấp hằng tháng lên tới 2.032 CAD, tăng 15%. Số dư tín dụng cao sẽ khiến các khoản thanh toán hằng tháng lớn hơn và gây áp lực buộc người tiêu dùng phải sử dụng thu nhập khả dụng bổ sung để trang trải các khoản, đặc biệt là thế chấp và hạn mức tín dụng vốn dễ biến đổi khi lãi suất thay đổi.
Video đang HOT
Giám đốc tư vấn tài chính của TransUnion Matt Fabian nhận định khi thu nhập khả dụng trở nên eo hẹp hơn, một bộ phận người tiêu dùng không có khả năng trang trải các khoản đó, dẫn tới tỷ lệ nợ quá hạn tăng.
Trong khi đó, báo cáo của công ty theo dõi tín dụng Equifax cho thấy, số người Canada không thể thanh toán các khoản tín chấp hằng tháng đang tăng lên, phản ánh người tiêu dùng bắt đầu rơi vào vòng xoáy nợ nần. Trong quý I/2023, có thêm 175.000 người không thanh toán ít nhất một sản phẩm tín chấp, như thẻ tín dụng, khoản vay mượn mua xe, hạn mức tín dụng không cần bảo đảm và hạn mức tín dụng mua nhà. Tổng số người không thanh toán các khoản nợ tín chấp trong quý này ước tính vào khoảng 1,1 triệu, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Equifax cũng ghi nhận tỷ lệ nợ thẻ tín dụng của người Canada tăng 14,5% so với năm ngoái. Chi tiêu trung bình hằng tháng của mỗi chủ thẻ tín dụng khoảng 2.200 CAD (hơn 1.640 USD) trong quý I/2023, nâng tổng số nợ riêng đối với dạng thẻ này của người Canada lên hơn 101 tỷ CAD (75 tỷ USD), mức cao kỷ lục.
Chuyên gia phân tích Rebecca Oakes tại Equifax cho biết công ty này bắt đầu nhận thấy tình trạng người tiêu dùng có thế chấp không thanh toán đúng hạn các khoản vay, như chi tiêu thẻ tín dụng, để dồn cho thanh toán thế chấp. Chuyên gia Rebecca dự báo khi lãi suất và chi phí sinh hoạt cao, sẽ có thêm nhiều người tiêu dùng gặp khó khăn về tài chính trong những tháng tới.
WB: Lãi suất cao tác động đến tăng trưởng của Mỹ Latinh
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/6 công bố báo cáo, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của khu vực Mỹ Latinh và Caribe thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,7% năm ngoái, chủ yếu do ảnh hưởng của việc lãi suất tăng cao cũng như tình trạng giá nguyên liệu thô trên thị trường thế giới giảm.
Người dân mua sắm tại một chợ ở Ozumba, Mexico. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Indermit Gill cho rằng Mỹ Latinh đang thiếu các động lực tăng trưởng trong năm nay do các yếu tố bên ngoài và cả các vấn đề nội tại. Về nguyên nhân bên ngoài, ông Gill đề cập tác động của tình hình xung đột tại Ukraine, cũng như tình trạng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn. Những yếu tố này đang gây ra tình trạng suy giảm toàn cầu và ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và tác động đến các nước mà nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu, trong đó có nhiều quốc gia tại Mỹ Latinh.
Thêm vào đó là chính sách tiền tệ "nghiêm ngặt" tại nhiều nước Mỹ Latinh trong 12 tháng qua do tình trạng lạm phát tăng cao. Theo chuyên gia của WB, tác động của việc tăng lãi suất đang bắt đầu để lại hậu quả, bao gồm tiền lương thực tế và tiêu dùng sụt giảm.
WB nhận định nếu các quốc gia Mỹ Latinh nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay, tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khu vực này trong năm 2024 có thể tăng lên 2%.
Trong số các nền kinh tế chủ chốt của khu vực, Brazil sẽ duy trì mức tăng trưởng "khiêm tốn" là 1,2% trong năm nay và 1,4% vào năm 2024. Nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh là Mexico sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2023 song giảm xuống mức 1,9% trong năm 2024.
Do tác động của tình trạng hạn hán nghiêm trọng thời gian qua, nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực Mỹ Latinh là Argentina sẽ ghi nhận tăng trưởng âm 2% trong năm nay. Tương tự, GDP của Chile sẽ sụt giảm 0,8%. Cả hai nền kinh tế này sẽ phục hồi vào năm 2024 với mức tăng trưởng lần lượt là 2,3% và 1,8%.
Trong báo cáo, WB cũng nhận định "bất ổn chính trị và xã hội vẫn tồn tại ở một số quốc gia Mỹ Latinh và Caribe" khiến niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư suy giảm. Theo tổ chức tài chính đa phương này, nền kinh tế của Peru chịu tác động mạnh từ các cuộc biểu tình diễn ra đầu năm nay. Trong khi đó, bất ổn xã hội dâng cao tại Chile bắt nguồn từ các tranh cãi liên quan đến vấn đề cải cách hiến pháp.
Báo cáo cũng cho rằng Argentina vẫn đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao và khả năng điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng, trong khi Chính phủ Brazil gặp phải những vấn đề liên quan đến nâng trần chi tiêu công.
Lạm phát tại Anh lên mức cao nhất trong 40 năm Theo số liệu chính thức của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 22/6, lạm phát hằng năm của Anh đã lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương người lao động và tạo thêm sức ép đối với Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong việc duy trì nâng lãi suất. Người dân...