Nổ tại xưởng sản xuất bóng đèn ở TP HCM, 4 người bị thương
Bình gió đá tại cơ sở sản xuất bóng đèn ở quận Bình Tân phát nổ khiến 2 người bị bỏng nặng, 2 người khác bị thương.
Hiện trường đang được phong tỏa. Ảnh: Tin Tin
Chiều 18/3, người dân trong hẻm đường Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) hoảng hốt vì tiếng nổ lớn phát ra từ cơ sở sản xuất bóng đèn. Tại hiện trường, khói bụi bay mù mịt, lửa cháy nghi ngút. 4 người bị thương được đưa đi cấp cứu.
6 xe chữa cháy cùng 40 cảnh sát được điều đến, dập tắt lửa trong ít phút. Sự cố nghi do nổ bình khí đá.
Trong số các nạn nhân có 2 người bị bỏng trên 50%. Cảnh sát đang phong tỏa hiện trường, điều tra.
Sơn Hòa
Theo VNE
Video đang HOT
Vụ cháy 4 người chết thảm: Có lối thoát mà nạn nhân không biết!
"Có thể do lúc đó quá hoảng hốt, hoặc đã bị ngạt khói nên cả bốn nạn nhân không phát hiện ra ngay gần chỗ ngủ của mình có một cửa sổ nhỏ thông ra phía trước trại hòm. Từ vị trí đó xuống đất chỉ tầm 3m. Từ đó đu xuống hoặc nhảy xuống cùng lắm chỉ bị thương".
Nhớ lại vụ cháy tại nhà số 1686 tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân (TPHCM) vào rạng sáng 12/3 khiến 4 người trong một nhà tử vong, Trung tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Pháp chế, điều tra, xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PCCC TPHCM), ngậm ngùi cho biết như trên.
Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng pháp chế điều tra xử lý cháy nổ (Ảnh: Nguyễn Trà)
Nhà có hai lối thoát mà nạn nhân không biết
Đã 5 ngày trôi qua nhưng tang thương của vụ cháy vẫn bao trùm con ngõ nhỏ. Ngôi nhà khang trang ngày nào giờ đây chỉ còn là đống tro tàn. Những mảng tường tróc vỡ, những thanh sắt ngổn ngang, chiếc xe máy bị đốt chỉ còn trơ khung sắt và bốn người trong căn nhà nhỏ đã vĩnh viễn chẳng thể trở về.
Một người hàng xóm của gia đình bị nạn bàng hoàng nhớ lại: "Lúc đó tôi đang ngủ trong nhà không biết có cháy. Nhưng có người đi làm ca đêm về chưa ngủ ngửi thấy mùi khét nên bật dậy, chạy ra xem thấy khói bốc nghi ngút nó hét to "Cháy! Cháy!" để bà con phụ cứu. Mà cứu không kịp...".
Vụ cháy nhà phía sau trại hòm khiến 4 người một nhà thương vong (Ảnh: Đình Thảo)
Trung tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Pháp chế, điều tra, xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PCCC TPHCM), chia sẻ: "Việc cùng lúc mất đi bốn người thân trong gia đình, nỗi đau, mất mát đó không gì có thể bù đắp nổi. Nhưng có rất nhiều vấn đề cần nói từ vụ cháy này để người dân rút kinh nghiệm cho mình, bởi mùa khô tới rồi, khả năng xảy ra cháy nổ rất cao!".
Ông cho biết: "Công tác khám nghiệm hiện trường bước đầu cho thấy, lửa xuất phát từ tầng trệt của căn nhà gần đối diện cửa ra vào, khả năng lửa phát ra từ vị trí những chiếc xe máy".
Điều Trung tá Hà phân vân nhất là kinh nghiệm ứng phó với tình huống cháy nổ của người dân. Ông chia sẻ: "Bốn nạn nhân ngủ ở trên gác lửng. Có thể do lúc đó quá hoảng hốt, hoặc đã bị ngạt khói nên cả bốn nạn nhân không phát hiện ra ngay gần chỗ ngủ của mình có một cửa sổ nhỏ thông ra phía trước trại hòm. Từ vị trí đó xuống đất chỉ tầm 3m. Từ đó đu xuống hoặc nhảy xuống cùng lắm chỉ bị thương".
Trung tá Lê Mạnh Hà than: "Vụ cháy ở đường Lê Văn Sỹ (quận 3) trước đây làm 6 người chết thì đành chịu vì nhà chỉ có duy nhất một lối thoát hiểm là cửa chính, và cháy ngay tại vị trí cửa. Nhưng vụ cháy này, ngôi nhà có hai lối thoát. Nếu phát hiện sớm, các nạn nhân không khó thoát ra ngoài".
Cảnh sát Phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PCCC TPHCM) khám nghiệm hiện trường (Ảnh: Cảnh sát PCCC cung cấp)
Không nên coi thường nguy cơ cháy nổ
Theo Trung tá Lê Mạnh Hà, người dân không nên coi thường nguy cơ cháy nổ vì nếu thiếu kinh nghiệm ứng phó, khi xảy ra cháy nổ thì hậu quả rất nghiêm trọng. Ông Hà cũng hiểu là việc giữ bình tĩnh để ứng phó trong những vụ hỏa hoạn rất khó vì đã cuống lên rồi sẽ chỉ làm theo bản năng.
Tuy nhiên, ông khuyên: "Người dân có thể chủ động đối phó bằng cách xem kĩ nơi mình ở có bao nhiêu lối thoát nạn, dù là nhà thuê hay nhà mình. Xác định ngay từ đầu là nếu không may hỏa hoạn xảy ra thì chạy thoát theo lối nào, phổ biến cho người trong gia đình biết".
"Thực tế nhiều gia đình có hai, ba lối thoát nạn nhưng ở cả chục năm trời mà không hề biết, không để ý. Lối thoát hiểm ở đây không chỉ là cửa chính, có thể là ban công, cầu thang thông lên tầng thượng, ngó sang nhà bên lan can có thấp không, có thể leo qua đó rồi xuống an toàn hay không...", ông Hà nói.
Trung tá Lê Mạnh Hà cũng khuyến cáo mỗi gia đình ngoài việc phòng ngừa các nguy cơ cháy nổ, trang bị kiến thức ứng phó khi xảy ra cháy nổ thì nên có 2 thiết bị cứu nạn là đầu báo cháy tự động và mặt nạ phòng độc.
Ông nói: "Giá của hai thiết bị này khá rẻ, các hộ gia đình đều có thể tự trang bị được. Đầu báo cháy tự động để lắp ở những vị trí dễ xảy ra hỏa hoạn như khu vực để xe. Khi phát hiện có khói, thiết bị sẽ hú to báo động cho các thành viên trong gia đình kịp thời phát hiện, kể cả khi họ đang ngủ. Còn mặt nạ phòng độc thì mỗi nhà nên có ít nhất 1 cái. Khi phát hiện sự cố cháy, chỉ cần một người chụp vào để khỏi ngạt, đủ bình tĩnh tìm lối thoát thì khả năng cao sẽ cứu được các thành viên trong gia đình".
Ngoài 2 thiết bị trên, Thượng tá Lương Nguyễn Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm thiết bị PCCC 4/10, cũng khuyến cáo người dân trang bị thêm 1 số thiết bị khác phù hợp với điều kiện kinh tế và lối thoát hiểm trong nhà, chẳng hạn như bình chữa cháy, búa phá cửa, mền chống cháy...
Thượng tá Hoàng hướng dẫn: "Nếu nhà chỉ có một lối thoát hiểm là cửa ra vào, trên lầu chỉ có cửa sổ có chấn song sắt để phòng trộm thì bà con nên mua thêm búa phá cửa, có thể dùng búa này phá khung sắt để thoát ra ngoài. Nếu để nhiều xe trong nhà có thể mua thêm mền chống cháy. Khi xảy ra cháy xe, dùng mền này trùm lên cách ly lửa với oxy, lửa sẽ tự tắt...".
Phạm Huy
Theo Dantri
Nổ lò luyện nhôm, 8 công nhân bị bỏng Mẻ nhôm đang nấu chuẩn bị ra lò trong công ty thép ở Bình Dương bất ngờ phát nổ khiến 8 công nhân bị bỏng. Các công nhân bị bỏng nhẹ trong vụ nổ. Ảnh: Nguyệt Triều. Sáng 14/3, nhóm công nhân nấu mẻ nhôm tại công ty thép ở phường Hoà Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương thì bất ngờ lò...