Nổ súng trấn áp đối tượng chống đối
Đại diện Trạm thú y H.Bình Chánh (TP.HCM) cho biết, chiều 25.11 đã phối hợp với tổ liên ngành huyện kiểm tra, phát hiện tại nhà không số khu vực A31, tổ 1, ấp 1, xã Bình Hưng tổ chức giết mổ gia cầm trái phép.
Ảnh: C.T.V
Tổ kiểm tra đã ghi nhận hình ảnh hiện trường, đề nghị gặp chủ nhà, chủ lô hàng để giải quyết nhưng bị một số người (ảnh) chống đối quyết liệt và đóng cửa nhà để tẩu tán tang vật.
Khi Công an xã Bình Hưng đến hiện trường yêu cầu chủ nhà mở cửa thì những người bên trong tạt nước vào thành viên tổ kiểm tra. Cảnh sát kinh tế đã phải nổ súng chỉ thiên trấn áp các hành vi chống đối. Công an xã Bình Hưng sẽ làm việc các đối tượng liên quan để làm rõ vụ việc.
Theo Thanh Niên
Tràn lan 'lò' mổ gia cầm lậu
Cận Tết, các điểm giết mổ gia cầm lậu trên địa bàn TPHCM mọc lên như nấm, hoạt động công khai.
Thời gian qua, do nhu cầu tiêu thụ gà, vịt tươi sống của người dân TPHCM tăng mạnh nên hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm cũng nở rộ. Các "lò giết mổ di động" mọc lên nhan nhản tại các chợ lẻ, lề đường, nút giao thông.
Video đang HOT
Bao nhiêu cũng có
Gà, vịt sống vô tư bày bán ngay bên lề đường (ảnh chụp tại cầu Trường Đại, phường 15, quận Gò Vấp - TP HCM)
Chiều 28/12/2010, chúng tôi có mặt tại Làng Đại học Thủ Đức (TP HCM). Tại đây, gà, vịt sống được bày ra dọc đường; khách có nhu cầu, người bán không ngần ngại giết mổ ngay tại chỗ.
Ghé một "lò giết mổ" gia cầm của hai vợ chồng người Bình Định ở gần Trường Đại học An ninh, chúng tôi ngỏ ý muốn lựa mua một trong số hàng chục con gà đang được bày la liệt ngay dưới nền đất.
Chị bán hàng chào khách: "Mua đi hai cậu, thích con nào, chị làm con đó, 5-10 phút là xong". Khi thấy chúng tôi có vẻ lo ngại gà bị dịch bệnh, chị bán hàng quả quyết: "Gà chị lấy mối quen ở Đồng Nai, khỏe mạnh thế này, bệnh thế nào được. Trong kia (phía vệ đường, nơi có một cái chòi nhỏ căng bằng bạt ni lông là nơi nhốt và giết mổ gà, vịt) còn cả 14-15 con, cậu thích con nào cứ chọn".
Chúng tôi ghé vào chòi, đã có mấy vị khách đang đợi chồng chị giết mổ gà. Trong chòi, lông, tiết gà, vịt, nước thải vung vãi khắp nơi được gạt xuống rãnh nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc.
Tại các chợ lẻ dọc đường Hà Huy Giáp (quận 12), đường Bình Long (quận Tân Phú), ngã tư Phan Văn Trị - Thống Nhất (quận Gò Vấp), ngã ba Bà Quẹo (quận Tân Bình),... nhiều điểm bán gia cầm sống, giết mổ tại chỗ cũng hoạt động công khai và khá nhộn nhịp.
Nhiều sạp gắn bảng quảng cáo : "Làm gà lấy liền", "Nhận đặt gà cúng các loại". Hỏi thăm một chủ tiệm bán gà cúng trên đường Bình Long (quận Tân Phú), chúng tôi được biết hiện giá gà cúng dao động ở mức 120.000-130.000 đồng/kg chưa làm, nếu khách có nhu cầu làm sẵn, cửa hàng sẽ tính phí 10.000 đồng/con.
Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua thường xuyên gà cúng với số lượng lớn (để bán), chủ một cửa hàng trên đường Hiệp Bình (quận Thủ Đức) cho hay chỉ cần đặt cọc trước 1/3 số tiền, muốn mua bao nhiêu cũng sẽ được cung cấp tận nơi...
Nguồn gà chủ yếu được lấy từ tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. "Nếu muốn có tem kiểm dịch thì chi phí đắt hơn khoảng 30% so với giá gà không cần tem chứng" - người bán cho biết.
Ngày 1/1/2011, chúng tôi rảo qua một số khu vực kể trên, tình hình buôn bán gia cầm sống càng nhộn nhịp hơn. Thậm chí đến 15h, trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2), đoạn gần đường dẫn lên cầu Phú Mỹ, vẫn còn rất nhiều điểm bán gà, vịt, chim, cò sống và giết mổ tại chỗ hoạt động. Nhiều xe máy treo đầy gà, vịt đậu ngay rìa đường để bán mà không có bất kỳ ai kiểm tra, nhắc nhở...
Bất lực hay thả nổi?
Từ nhiều năm nay, TPHCM đã có phương án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; nghiêm cấm buôn bán gia cầm sống; giết mổ thủ công, nhỏ, lẻ không qua kiểm dịch. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều điểm bán, giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch hoạt động công khai.
Thậm chí, tại nhiều chợ nội thành, như chợ Trần Chánh Chiếu (quận 5), chợ Thị Nghè, chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh), chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình)... vẫn còn nhiều người bán gia cầm sống.
Điều đáng lo ngại là việc buôn bán diễn ra nhộn nhịp, hầu như tất cả các điểm bán gia cầm sống đều coi việc giết mổ tại chỗ cho khách hàng là việc làm bình thường.
Một nhân viên quản lý chợ ở khu vực Văn Thánh cho hay chỉ khi nào có đợt kiểm dịch theo chỉ đạo định kỳ của Chi cục Thú y thì các chợ mới tiến hành kiểm tra.
Tuy nhiên, cũng chỉ kiểm tra được một số cửa hàng có đăng ký kinh doanh trong chợ. Còn các sạp di động bán ngoài lề đường, bán tại các chợ tạm, tự phát gần như không có ai kiểm tra...
Báo cáo của Chi cục Thú y TP HCM cho thấy tính đến ngày 20/12/2010, trên địa bàn TP đang có khoảng 151 điểm bày bán gia cầm sống trái phép. Nhiều nhất là tại các quận, huyện: Bình Chánh (36 điểm), quận 12 (29 điểm), quận Gò Vấp (27 điểm), Hóc Môn (23 điểm), quận 5 (13 điểm), quận 7 (7 điểm).
Tuy nhiên, thực tế chắc chắn lớn hơn rất nhiều. Nhiều quận, huyện không có trong danh sách nhưng theo ghi nhận của chúng tôi vẫn có nhiều điểm buôn bán, giết mổ gia cầm lậu hoạt động công khai...
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, thừa nhận hiện nay tình hình kinh doanh sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không bao bì, nhãn mác vẫn tồn tại và có chiều hướng gia tăng.
Các điểm kinh doanh giết mổ gia cầm trái phép đã phát hiện từ lâu nhưng do hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành TP và quận, huyện không hiệu quả, việc kiểm tra xử lý chưa được thực hiện thường xuyên và đồng bộ nên không giải quyết triệt để được.
Cửa ngõ vào TP bị thả nổi
Cũng theo ông Phan Xuân Thảo, hơn một tháng qua, đoàn kiểm tra liên ngành TP số 5 đã không hoạt động do không có lực lượng CSGT tham gia phối hợp. Vì vậy, tuyến Quốc lộ 1A, cửa ngõ vào TPHCM, bị buông lỏng khiến gia cầm chưa qua kiểm dịch vào TP dễ dàng hơn.
Chi cục Thú y cũng như Chi cục QLTT TPHCM đã có văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm, đề nghị CSGT cử nhân sự phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trong thời điểm cận Tết Nguyên đán như hiện nay. Tuy nhiên, việc phối hợp vẫn chưa thường xuyên và không hiệu quả.
Theo Người Lao Động