“Nổ” như quảng cáo phân bón lá, cái gì cũng “siêu to, siêu nở”
Có rất nhiều loại phân bón lá khi nhìn vào nhãn mác, bao bì với những hình ảnh bắt mắt, những dòng quảng cáo, giới thiệu rất có cánh… xem qua cứ như những loại “ siêu phân bón”, một “thần dược” giải quyết mọi vấn đề cho cây trồng. Thế nhưng thực tế chưa hẳn vậy.
Phân bón lá là một trong những giải pháp kỹ thuật về dinh dưỡng cây trồng được nông dân sử dụng khá phổ biến trong những năm gần đây. Những lợi ích vượt trội mà loại phân bón này đem lại như: gọn nhẹ, dễ sử dụng, có thể cung cấp dinh dưỡng nhanh cho cây trồng trong những trường hợp cây cần nhu cầu các chất dinh dưỡng cấp thiết như khi cây suy yếu do bị tổn thương bộ rễ, trong các trường hợp thời tiết bất lợi hoặc các giai đoạn cây cần nhu cầu chuyên biệt như khi phân hóa mầm hoa, nuôi quả, nuôi củ, phát triển mạnh cành, lá, ra rễ…
Chính vì nhu cầu thực tế này mà hiện nay trên thị trường phân bón lá xuất hiện nhan nhản các loại nhãn hiệu khác nhau. Qua khảo sát tại một số đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, dù quy mô lớn hay nhỏ cũng bày bán hàng chục loại với tên gọi “rất kêu”.
Trên thị trường hiện có rất nhiều loại phân bón lá, mỗi cửa hàng thường bày bán hàng chục chủng loại khác nhau, làm nông dân “hoa mắt” khi chọn lựa sản phẩm, chủ yếu dựa vào tư vấn của đại lý. Ảnh: HQ
Sự cạnh tranh giữa các sản phẩm phân bón lá rất khốc liệt, ngoài cạnh tranh về chất lượng, giá, chính sách bán hàng… còn có cạnh tranh về quảng cáo. Đặc biệt, do nắm được tâm lý nông dân thường quyết định mua sản phẩm dựa nhiều vào những gì quảng cáo, giới thiệu trên bao bì sản phẩm, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón lá không ngại tung ra những lời quảng cáo theo kiểu “nổ banh” cho sản phẩm của mình.
Một trong những từ được dùng phổ biến là “siêu”, cái gì cũng siêu, từ siêu các thành phần dinh dưỡng như: siêu lân, siêu Kali, siêu đồng, siêu kẽm, siêu Bo… cho đến “siêu” công dụng: siêu ra rễ, siêu to củ, siêu to trái, siêu bung đọt, siêu tăng trưởng, siêu ra hoa, siêu tạo mầm…
Một sản phẩm được ghi là siêu KaliBo, bên dưới có chữ “Thái” không rõ nhập khẩu Thái lan hay công nghệ Thái lan ?. Ảnh: HQ
Nhiều sản phẩm lại liệt kê các nhu cầu, mong muốn cụ thể của từng loại cây. Chẳng hạn như sản phẩm bán chuyên cho cây thanh long được ghi là: bảng tai to, dài và dày, trái to căng tròn, nặng ký, màu sắc bóng đẹp, giữ tai xanh lâu hơn. Hoặc các sản phẩm chuyên cho cây lúa như siêu nở bụi, siêu to hạt, chín chắc tới cậy, siêu cứng cây. Có loại phân bón lá còn quảng cáo là có công dụng hạ phèn, cải tạo đất…
Một số loại phân bón nhìn vào nhãn mác, những lời giới thiệu thì đây toàn là những loại siêu phân bón, giải quyết tất cả những gì cây trồng cần. Ảnh: HQ
Video đang HOT
Trao đổi với PV, chị Ngô Ngọc Diệp, chủ 1 đại lý phân bón ở Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, hiện có rất nhiều loại phân bón cạnh tranh, công ty nào quảng cáo nghe cũng hay, nhiều nông dân nhìn vào quảng cáo, nhãn mác để mua hàng, thực tế có nhiều quảng cáo nói hơi quá, trong một sản phẩm mà đủ chức năng.
Do đó, khi chọn lựa sản phẩm để bán chỉ ưu tiên những công ty uy tín, chất lượng đã được chứng minh, kiểm chứng. Đề phòng các sản phẩm quảng cáo tung hô lên trời, sau khi nông dân sử dụng không hiệu quả như mong muốn thì công ty cũng đã thu đủ tiền và biến mất.
Thực tế là quá trình để đăng ký lưu hành các sản phẩm phân bón lá phải trải qua công đoạn khảo nghiệm theo quy định. Tuy nhiên, các yêu cầu khảo nghiệm cũng chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá hiệu lực nông học, cách sử dụng, hiệu quả kinh tế…
Các chỉ tiêu chuyên biệt như khả năng ra rễ, bung đọt, kích ra hoa… hoặc các chỉ tiêu về cảm quan như bóng trái, căng trái, đẹp tai, màu sắc đẹp nếu muốn công bố thì phải thực hiện theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu này nhưng thực tế rất ít các đơn vị thực hiện để có bằng chứng khoa học và được xác nhận mà chỉ tự công bố theo lý thuyết.
Nhìn vào những nhãn phân bón kiểu này, người tiêu dùng cũng không rõ đây là hàng nhập khẩu hay sử dụng nguyên liệu, công nghệ của nước ngoài, thậm chí tên và địa chỉ công ty cũng ghi bằng tiếng nước ngoài, mặc dù sản phẩm đang bán trong nước. Ảnh: HQ
Dạng quảng cáo phổ biến khác là trên các nhãn phân bón lá ghi nguyên liệu sản xuất nhập khẩu và công nghệ sản xuất toàn những nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến như Mỹ, châu Âu nhưng không biết người tiêu dùng kiểm chứng bằng cách nào? Có những loại phân bón ghi là sản xuất tại công ty ở Việt Nam nhưng lại in hình cờ Mỹ, Đức, Thái, Israel, Ấn Độ… hoặc như ghi vài dòng chữ nước ngoài hay biểu tượng một quốc gia nào đó khiến nông dân lầm tưởng đây là hàng nhập khẩu.
Cách trình bày trên nhãn bao bì của sản phẩm này người mua dễ bị lầm tưởng đây là sản phẩm nhập khẩu của Mỹ, thế nhưng bên hông hộp lại đươc ghi bằng 1 dòng chữ rất nhỏ là sản xuất tại Nhà máy phân bón NVHK, Bến Lức, Long An. Ảnh: HQ
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phân bón Miền Nam, một chuyên gia lâu năm trong ngành phân bón: “Cơ quan chức năng nên cấm các loại “siêu”. Nếu muốn ghi siêu thì bắt buộc phải khảo nghiệm để xác định có quy chuẩn. Phân bón lá không được ghi hạ phèn, vì không có loại nào hạ được phèn. Giải độc phèn, giải độc hữu cơ thì phân bón lá có thể làm được”.
Cũng theo TS Đính, các loại phân sản xuất trong nước mà ghi công nghệ nước ngoài thì phải có minh chứng, nếu không sẽ phạm tội lừa dối, lừa đảo. Các loại phân bao bì ghi Mỹ, Anh, Nhật, Đức,… mà không thực sự nhập khẩu thì phải bắt xử lý ngay, phạt nặng, và thậm chí đóng cửa doanh nghiệp.
Sản phẩm này được ghi 1 dòng rất to là “Siêu vọt đọt” ngoài công dụng sung cây, bung đọt, mập cơi, xanh dày lá còn có thêm dòng “vượt qua hạn mặn” ? Ảnh: HQ
Được biết, theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón, khi đăng ký lưu hành phân bón, các đơn vị có sản phẩm đăng ký phải nộp kèm mẫu nhãn phân bón và hành vi đặt tên phân bón gây hiểu nhầm, sai lệch bản chất phân bón là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo Danviet
Hết thời hạn công nhận lưu hành cho phân bón, nhiều đơn vị vẫn lúng túng
12 tháng chuyển tiếp theo quy định tại NĐ số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón vừa hết thời hạn, các sản phẩm đã được thông báo tiếp nhận hợp quy trước đây chưa được công nhận lưu hành coi như sẽ không còn hợp lệ.
Nghị định (NĐ) 108/2017/NĐ-CP bãi bỏ 2 thông tư quan trọng hướng dẫn thực hiện NĐ số 202/2013/NĐ-CP (quản lý phân bón theo phân loại vô cơ và hữu cơ) đó là Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13.11.2014 của Bộ NN&PTNT và Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30.9.2014 của Bộ Công Thương.
Chính vì sự phức tạp, chồng chéo, nhiều bất cập trong cách quản lý cũ mà NĐ 108 ra đời đã dành thời gian khá dài để các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón và các cơ quan quản lý nhà nước về phân bón có thời gian để cập nhật, thay đổi, chuyển tiếp.
Trong đó, một số nội dung đáng chú ý quy định tại Chương VIII, Điều 47 như: "Phân bón có tên trong thông báo tiếp nhận hợp quy của Sở NN&PTNT hoặc Sở Công Thương được tiếp tục sản xuất, buôn bán và sử dụng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày NĐ này có hiệu lực thi hành".
Theo đó, trong thời hạn nêu trên, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét, ban hành quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận. Phân bón có tên trong Giấy phép sản xuất phân bón nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy, phân bón hoàn thành khảo nghiệm và nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón trước ngày NĐ này có hiệu lực thi hành được Bộ xem xét, ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận.
Như vậy, đến nay thời hạn 12 tháng kể từ ngày NĐ 108 có hiệu lực thi hành là ngày 20.9.2017 đã hết, các sản phẩm đã được tiếp nhận công bố hợp quy của Sở NN&PTNT hoặc Sở Công Thương mà chưa có trong danh mục các sản phẩm phân bón được Quyết định lưu hành của Bộ NN&PTNT thì coi như không còn hợp lệ.
Các sản phẩm phân bón sau khi được công nhận lưu hành thì tiến hành đánh giá, chứng nhận hợp quy tại các tổ chức chứng nhận được Bộ NN&PTNT chỉ định. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân bón đang tỏ ra lúng túng vì các thủ tục quá nhiêu khê này.
Trong thực tế, hiện có nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận này đã được Bộ NN&PTNT chỉ định theo hướng xã hội hóa, có cả các đơn vị tư nhân tham gia.
Phòng thí nghiệm của công ty CP Chứng nhận và Giám định Saigoncert, một đơn vị ngoài công lập vừa được Bộ NN&PTNT chỉ định là Tổ chức Chứng nhận phân bón ngày 24.9 vừa qua. Ảnh: Saigoncert
Ngoài ra, trong Điều khoản chuyển tiếp của NĐ 108 còn một nội dung đáng chú ý khác đó là việc xử lý đối với các sản phẩm đang khảo nghiệm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT, đơn vị có sản phẩm phân bón mới có thể tự thực hiện khảo nghiệm hoặc thuê các đơn vị có năng lực thực hiện.
Cụ thể: "Phân bón đang thực hiện khảo nghiệm trước ngày NĐ này có hiệu lực thi hành và có chỉ tiêu chất lượng đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) hoặc Phụ lục V ban hành kèm theo NĐ này trong thời gian chưa có QCKTQG thì trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày NĐ này có hiệu lực thi hành được sử dụng kết quả khảo nghiệm để xem xét, công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam".
Như vậy, tính đến thời điểm này, các sản phẩm phân bón thuộc trường hợp đang khảo nghiệm dở dang như trên sẽ tiếp tục có thêm 12 tháng để được xem xét kết quả, công nhận lưu hành tại Việt Nam
Hoạt động khảo nghiệm phân bón vẫn đang là đề tài nóng, có nhiều ý kiến trái chiều giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: Saigoncert
Về việc khảo nghiệm phân bón theo quy định tại NĐ 108, mới đây, khi tham dự một hội thảo về góp ý xây dựng Dự thảo Luật Trồng trọt, khá nhiều đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón đã lên tiếng phản đối việc này.
Điển hình như TS Lê Xuân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phân bón, Công ty CP Phân bón Miền Nam cho rằng: "Cần phải loại bỏ hoàn toàn khảo nghiệm phân bón, đây là một sự thụt lùi thảm hại của công tác quản lý phân bón, hiện nay trên thế giới không ai còn làm như vậy cả, tại sao thực phẩm, thuốc cho người đang cho công bố chất lượng theo tiêu chuẩn thi phân bón lại phải khảo nghiệm".
Còn ông Trần Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón Hà Lan, gay gắt hơn: "Tôi phản đối khảo nghiệm phân bón. Vì hiện nay, NĐ 108 ra đời để quản lý phân bón, nảy sinh quá nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp phản đối, tôi ước tính, nếu bắt buộc khảo nghiệm như vậy, số tiền các doanh nghiệp phải bỏ ra khảo nghiệm có thể lên tới 2-3 triệu đô la, con số khủng khiếp, người nông dân sẽ lại là người gánh chịu chi phí này".
Trước các ý kiến trên, ông Hoàng Trung, Cục Trưởng Cục BVTV cho biết sẽ lắng nghe, xem xét và căn nhắc kỹ lưỡng từ nhiều phía trước khi đưa ra quyết định chính thức.
Theo Danviet
Xử phạt người mua hơn 3.600 bánh trung thu tặng trẻ em nghèo Ông Nguyễn Minh Nhật chứa hơn 3.600 bánh trung thu không rõ nguồn gốc dùng để tặng trẻ em nghèo, bị lực lượng chức năng xử phạt 10 triệu đồng. Ngày 13-9, thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ, cho biết đơn vị này đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với...