Nỗ lực thít chặt túi tiền Triều Tiên của Mỹ
Mỹ đang tìm cách cắt nguồn thu nhập từ nước ngoài của Triều Tiên bằng các nỗ lực trên quy mô toàn cầu.
Đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên của Mỹ, Joseph Yun. Ảnh: CNN.
Trong tuần này, Đại sứ Joseph Yun, đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên của Mỹ có chuyến thăm tới Myanmar với mục đích nhằm thuyết phục đối tác quân sự truyền thống của Triều Tiên này tham gia nỗ lực của Washington ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đây được coi là chuyến thăm mang tính biểu tượng cho chiến lược cắt đứt các nguồn thu nhập nước ngoài của Triều Tiên mà Mỹ đang theo đuổi, theo CNN.
Buôn bán tên lửa và vũ khí
Trước khi thăm Myanmar, Đại sứ Yun đã tới Singapore tham dự Đối thoại hợp tác Đông Bắc Á, một diễn đàn đa phương về an ninh khu vực. Bình luận viên Joshua Berlinger nhận định rằng việc Mỹ lựa chọn Singapore không hề ngẫu nhiên bởi trong vài năm gần đây, nhiều công ty đóng tại quốc đảo này thường bị cáo buộc giúp Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Báo cáo của LHQ hồi đầu năm nay chỉ ra rằng một công ty có tên Pan System Pyonyang có trụ sở tại Singapore đã sử dụng mạng lưới rộng lớn các điệp viên, công ty và ngân hàng ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore và Trung Đông để né lệnh trừng phạt và thu mua các mặt hàng có liên quan đến vũ khí từ Triều Tiên.
Theo Bộ Ngoại giao Singapore, một trường hợp điển hình khác là công ty vận tải Chinpo Shipping năm 2014 bị cáo buộc có quan hệ làm ăn với công ty Quản lý biển của Triều Tiên, vốn đang là mục tiêu bị trừng phạt của LHQ. Công ty này cuối cùng cũng bị kết án và chịu phạt vì những vi phạm.
Với Myanmar, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng giai đoạn trước bầu cử năm 2015, chính quyền quân sự nước này là một trong những khách hàng mua vũ khí và công nghệ quân sự lớn nhất của Triều Tiên. Đây chính là nguồn ngoại tệ quan trọng để giúp chính quyền Bình Nhưỡng duy trì chương trình hạt nhân.
Hiện nay, mặc dù không còn nắm quyền, quân đội Myanmar vẫn có ảnh hưởng lớn trong nước. Do vậy, chuyến thăm của ông Yun là lời nhắc nhở rằng Mỹ đang theo dõi sát mọi động thái của Myanmar.
Video đang HOT
Tên lửa Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 15/4/2017. Ảnh: KCNA.
Giải pháp
Rộng hơn, Mỹ cho rằng nhiều quốc gia châu Phi cũng vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ với Triều Tiên. Theo giới chức cấp cao Mỹ, Sudan đang đạt được nhiều tiến bộ song cần thêm thời gian để đánh giá về tình hình. Một báo cáo của LHQ năm 2017 cho biết Bình Nhưỡng năm 2013 cung cấp rocket và tên lửa dẫn đường cho Sudan.
Ngày 11/7, Mỹ gia hạn thời gian xem xét lại lệnh trừng phạt nhằm vào Sudan để đảm bảo rằng nước này cam kết thực thi đầy đủ nghị quyết về Triều Tiên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.
“Cần có các hành động quy mô toàn cầu để ngăn chặn một mối đe dọa toàn cầu”, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi tuần trước tuyên bố đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ quốc gia nào đón nhận người lao động Triều Tiên, cung cấp bất kỳ lợi ích kinh tế hoặc quân sự, hoặc không tuân thủ đầy đủ nghị quyết của HĐBA LHQ là đang “giúp đỡ và tiếp tay cho một chế độ nguy hiểm”.
Tuyên bố của ông Tillerson đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ thông báo cắt đứt liên hệ tài chính giữa các ngân hàng Mỹ với ngân hàng Đan Đông (Dandong) của Trung Quốc như một biện pháp trừng phạt ngân hàng này hỗ trợ bất hợp pháp cho hoạt động tài chính của Triều Tiên.
Anthony Ruggiero, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ nhận định với chuyến công du Đông Nam Á của ông Yun, Mỹ dường như muốn gửi thông điệp tới Triều Tiên rằng Washington sẽ tăng cường chiến dịch cô lập Bình Nhưỡng tại những khu vực sân nhà, nơi Triều Tiên có nhiều các hoạt động tài chính ngầm trong những năm gần đây.
“Thông điệp gửi cho Triều Tiên có thể là nếu bạn ở đây, chúng tôi cũng ở đây, chúng ta cùng trao cho các quốc gia, các ngân hàng và doanh nghiệp một sự lựa chọn, hoặc là hoạt động bằng đồng USD, hoặc bắt tay với Triều Tiên”, ông Ruggiero nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Cắt bán dầu, Trung Quốc có thể muốn dằn mặt Triều Tiên
Bắc Kinh ngừng bán dầu cho Bình Nhưỡng vì lo ngại thương mại, nhưng cũng có thể là biện pháp để gây sức ép với nước láng giềng.
Một trạm xăng ở Triều Tiên. Ảnh: AP.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã quyết định ngừng bán dầu cho Triều Tiên trong thời hạn chưa xác định vì lo ngại về "các rủi ro thương mại", Reuters ngày 28/6 đưa tin. Một số nhà phân tích thì cho rằng đây có thể là vũ khí mà Bắc Kinh tung ra để gây sức ép với Bình Nhưỡng, như một cách để cho Triều Tiên thấy rằng Trung Quốc đã mất kiên nhẫn với chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Theo cây bút John Hayward của Breitbart, động thái trên được Bắc Kinh thực hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai thể hiện nỗi giận dữ với Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng Triều Tiên, cùng những lời đánh động trong Nhà Trắng rằng họ có thể đưa ra những biện pháp cấm vận mới với Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 27/6 công bố báo cáo coi Trung Quốc là một trong những quốc gia có nạn buôn người nghiêm trọng nhất thế giới. Bản báo cáo này được coi là một dấu hiệu cho mối quan hệ đang đi xuống giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời là một biện pháp trả đũa với Bắc Kinh vì đã không kiềm chế được Bình Nhưỡng trong chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Những vụ phóng tên lửa này và tiến bộ của Triều Tiên trong chương trình vũ khí hạt nhân trở thành thử thách lớn trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Liên Hợp Quốc đã áp đặt lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu tên lửa, máy bay và một số loại xăng dầu hàng không nhất định tới Triều Tiên, nhưng dầu và khí đốt sử dụng cho mục đích dân sự chưa bị hạn chế. Các quan chức Mỹ đã đề xuất ý tưởng cấm vận dầu như một biện pháp khả thi để buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.
"Nếu không có dầu của Trung Quốc, Triều Tiên khó có thể tồn tại được quá ba tháng và mọi thứ ở quốc gia này sẽ bị tê liệt", Cho Bong-hyun, chuyên gia về kinh tế Triều Tiên tại ngân hàng IB Bank của Hàn Quốc, cho biết.
Bình luận viên Bethany Allen-Ebrahimian của Foreign Policy cho rằng việc ngừng xuất khẩu dầu là cách để Trung Quốc phát đi một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên về thái độ của họ đối với những hành vi mang tính khiêu khích mà Bình Nhưỡng liên tục thực hiện trong các tháng gần đây.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh áp dụng cách phát tín hiệu như vậy tới Bình Nhưỡng. Năm 2003, Trung Quốc đóng đường ống cung cấp dầu cho Triều Tiên trong vòng 3 ngày. Các quan chức Trung Quốc nói rằng hệ thống dẫn dầu này bị cắt vì trục trặc kỹ thuật, nhưng các nhà ngoại giao khẳng định ý định thực sự của họ là gây sức ép với Triều Tiên khi căng thẳng với Mỹ về chương trình hạt nhân của nước này lên cao. Vài tháng sau, Triều Tiên đồng ý ngồi vào bàn đàm phán 6 bên với Mỹ.
Lo ngại khả năng thanh toán
Khu vực biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, các quan chức CNPC nói rằng họ ngừng bán dầu sang Triều Tiên là do lo ngại về khả năng thanh toán của Bình Nhưỡng, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế đang có tác động ngày càng lớn tới Triều Tiên.
Triều Tiên nhập khẩu phần lớn dầu và khí đốt từ Trung Quốc, chủ yếu là qua hệ thống phân phối của CNPC. Tuy nhiên, rủi ro trong việc làm ăn với Triều Tiên trong những tháng gần đây tăng lên đáng kể, khi Mỹ gia tăng sức ép nhằm đối phó với việc Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo.
Ngay cả các quan chức trong chính phủ Trung Quốc và ban điều hành CNPC cũng có những bối rối nhất định về việc loại nhiên liệu nào sẽ bị ngừng bán sang Triều Tiên và với lý do tại sao. Một nguồn tin cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực hơn nhằm thực hiện các lệnh cấm vận với Triều Tiên và họ nhận ra rằng những nỗ lực như vậy sẽ khiến Bình Nhưỡng càng ít có khả năng thanh toán tiền dầu hơn.
Các chuyên gia phân tích của Reuters cho rằng việc Trung Quốc giảm mạnh xuất khẩu dầu tới Triều Tiên tháng trước đã khiến giá xăng dầu ở quốc gia này bị đẩy lên rất cao. Tuy nhiên, một báo cáo của OilPrice.com cho rằng giá xăng dầu tăng ở Triều Tiên chủ yếu là do nỗi lo ngại về động thái cấm vận dầu mà Trung Quốc có thể áp dụng, hơn là những hành động khiêm tốn mà Bắc Kinh đã đưa ra.
SCMP dẫn lời Ri Jong-ho, một quan chức cấp cao Triều Tiên đào tẩu, nói rằng Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tìm cách nhập khẩu dầu từ Nga để giảm bớt ảnh hưởng từ động thái ngừng bán dầu của Trung Quốc. "Thật sai lầm khi nghĩ rằng Triều Tiên hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc", Ri nói.
Ông này cho hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tìm cách thay thế nguồn dầu Trung Quốc bằng cách nhập khẩu từ Nga từ năm 2014, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm tới Hàn Quốc khiến ông Kim nổi giận.
Theo Allen-Ebrahimian, điều này có thể lý giải cho sự bối rối của các quan chức Trung Quốc trong lệnh ngừng bán dầu cho Triều Tiên, bởi họ nhận ra rằng dầu không còn là vũ khí mạnh nhất mà họ có để gây sức ép với Bình Nhưỡng. "Khi biện pháp gây sức ép đó không còn tác dụng, Bắc Kinh sẽ không sử dụng nó. Thế nên việc ngừng bán dầu hiện nay chỉ thể hiện nỗi lo ngại về khả năng thanh toán của Triều Tiên", chuyên gia này nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Triều Tiên tuyên bố không đưa chương trình hạt nhân ra đàm phán Truyền thông Triều Tiên nói chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng không phải chủ đề đàm phán, tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển năng lực phòng vệ. Một tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: NBC News. "Chúng tôi sẽ thực hiện mọi nỗ lực nhằm củng cố khả năng phòng thủ quốc gia với năng lực hạt nhân là xương sống",...