Nỗ lực phe Dân chủ thách thức phiếu đại cử tri năm 2005
Giữa phiên họp quốc hội kiểm phiếu đại cử tri ngày 6/1/2005, thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Boxer đứng dậy phản đối chiến thắng của George W. Bush.
Theo quy tắc trong Hiến pháp và Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, phiên họp quốc hội xác nhận kết quả bầu tổng thống vào ngày 6/1 sau ngày bầu cử sẽ dừng lại nếu một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ cùng nhau đệ trình văn bản phản đối phiếu đại cử tri của một bang.
Boxer, khi đó là thượng nghị sĩ Dân chủ đại diện cho bang California, cho biết hạ nghị sĩ Dân chủ Stephanie Tubbs Jones, đại diện cho bang Ohio, người qua đời hồi năm 2008, đã thuyết phục bà tham gia nỗ lực thách thức kết quả bầu cử năm 2004 tại bang này, bằng cách chỉ ra nhiều vấn đề xuất hiện trong quá trình bỏ phiếu.
Một trong những điểm bất thường đáng chú ý nhất là những dòng người xếp hàng dài quá mức khiến cử tri phải chờ đợi suốt nhiều giờ tại các điểm bầu cử, phần lớn thuộc khu vực đô thị, nơi đảng Dân chủ chiếm ưu thế. Nhiều máy bỏ phiếu gặp trục trặc. Tỷ lệ phiếu tạm thời bị từ chối tại những cộng đồng người Mỹ gốc Phi khá cao.
Thượng nghị sĩ Barbara Boxer (trái) và hạ nghị sĩ Stephanie Tubbs Jones trả lời báo chí về việc phản đối chiến thắng ở Ohio của George W. Bush tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ, Washington, ngày 6/1/2005. Ảnh: Reuters .
Kể từ khi Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri được thông qua năm 1887, đây mới chỉ là lần thứ hai nghị sĩ từ cả hai viện nhất trí phản đối kết quả phiếu đại cử tri tại một bang, sau tranh cãi về bang Bắc Carolina trong cuộc bầu cử năm 1969. Tuy nhiên, Boxer khẳng định mục đích của họ không phải nhằm đảo ngược kết quả bầu cử chung cuộc, mà là hướng sự chú ý của dư luận vào tình trạng “áp bức cử tri” ở Ohio.
Video đang HOT
Trước khi Boxer và Tubbs Jones đệ đơn phản đối, chiến thắng với cách biệt khoảng 118.000 phiếu của Bush trước ứng viên Dân chủ John Kerry tại Ohio, bang định đoạt cuộc bầu cử năm 2004, vốn đã gây nhiều hoài nghi và trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của dư luận. Nhiều người cáo buộc Bush giành phiếu đại cử tri của Ohio một cách không công bằng.
Nỗ lực của hai nữ nghị sĩ Dân chủ buộc các thành viên Thượng viện và Hạ viện phải dừng phiên họp chung, trở về hai nghị trường riêng, nằm ở hai phía đối diện của tòa nhà quốc hội, để thảo luận về kiến nghị của họ. Sau khi thảo luận, hai viện sẽ tiến hành bỏ phiếu riêng rẽ về việc có chấp nhận kiến nghị hay không. Kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri của một bang chỉ có thể thành công nếu cả hai viện đều biểu quyết nhất trí.
“Quyết định phản đối này không bắt nguồn từ hy vọng hay ý đồ lật ngược chiến thắng của tổng thống, mà là cơ hội cần thiết, kịp thời và phù hợp để xem xét và khắc phục quá trình quý giá nhất trong nền dân chủ của chúng ta”, Tubbs Jones phát biểu trong phiên tranh luận tại Hạ viện. “Tôi tin rằng chúng ta cần tiến hành một cuộc tranh luận chính thức và hợp pháp về những điểm bất thường trong bầu cử”.
“Tôi không muốn làm phiền bạn bè mình, nhưng có lẽ việc làm sáng tỏ những vấn đề này đáng để dành ra một chút thời gian. Nhiều người Mỹ đang đổ máu ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm nhiều người từ bang của tôi, vì lý do gì chứ? Đó là để đem nền dân chủ tới những ngóc ngách xa xôi trên toàn cầu. Vậy thì trước hết hãy sửa chữa nó ngay tại đây”, Boxer nói tại phiên tranh luận ở Thượng viện.
Bất chấp nỗ lực thuyết phục của bà, cuộc tranh luận ở Thượng viện kết thúc sau khoảng một giờ, với 74 người tán thành giữ nguyên kết quả phiếu đại cử tri ở Ohio và Boxer là người duy nhất bỏ phiếu chống. Phiên tranh luận ở Hạ viện kéo dài hơn, nhưng kết quả cũng không khác so với Thượng viện, với 267 phiếu đồng ý giữ nguyên kết quả, 31 phiếu chống.
Các nghị sĩ từ cả hai viện sau đó tập trung trở lại và hoàn thành quá trình kiểm đếm phiếu đại cử tri. Dick Cheney, phó tổng thống Mỹ khi đó, cuối cùng tuyên bố Bush tái đắc cử với 286 phiếu đại cử tri, trong khi Kerry giành được 251 phiếu.
Đảng Cộng hòa từng cho rằng nỗ lực khiếu nại kết quả bầu cử ở Ohio của Boxer và Tubbs Jones là “tào lao”. Một số người còn gọi đây là hành động của “những kẻ thua cuộc cay cú”. Scott McClellan, phát ngôn viên Nhà Trắng khi đó, cáo buộc Boxer và những người khác “đang tham gia các thuyết âm mưu vì lý do chính trị đảng phái”.
“Ngày kiểm phiếu đó, tôi là một người vô cùng khó ưa tại Thượng viện. Mọi người có lẽ chỉ muốn chặn họng tôi. Tuy nhiên, đấy là một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất đối với tôi, dù đơn độc”, Boxer hồi tưởng.
Kịch bản tương tự rất có thể sẽ diễn ra tại quốc hội Mỹ vào ngày 6/1/2021, sau khi Tổng thống Donald Trump công khai kêu gọi đồng minh phản đối chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại các bang chiến trường.
Một nhóm hạ nghị sĩ Cộng hòa sẵn sàng đệ đơn khiếu nại tại phiên họp quốc hội kiểm đếm phiếu đại cử tri và cần thêm ít nhất một thượng nghị sĩ ủng hộ nỗ lực của họ. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell được cho là đã kêu gọi các thượng nghị sĩ Cộng hòa tránh tham gia vào nỗ lực này, nhưng một số người vẫn để ngỏ khả năng hợp tác, bất chấp thực tế là cơ hội “lật ngược thế cờ” của Trump gần như bằng không.
Tuy nhiên, Boxer lưu ý tình huống năm nay hoàn toàn khác so với trường hợp của bà. “Ý định khi đó của chúng tôi không phải là lật ngược kết quả bầu cử. Còn bây giờ họ đang nói rằng Trump bị đánh cắp nhiệm kỳ tổng thống. Đây thậm chí không phải một phép so sánh”, cựu thượng nghị sĩ nói.
140 nghị sĩ Cộng hòa có thể tham gia 'lật kèo' bầu cử
Ít nhất 140 nghị sĩ Cộng hòa được cho là đã đồng ý thách thức kết quả kiểm phiếu của đại cử tri tại phiên họp quốc hội ngày 6/1.
"Hai hạ nghị sĩ Cộng hòa đã nói với tôi rằng tính tới nay họ kỳ vọng ít nhất 140 đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện sẽ phản đối kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn", biên tập viên CNN Jake Tapper đăng lên Twitter hôm 31/12.
Hạ nghị sĩ Denver Riggleman cho biết số nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối kết quả hôm 6/1 có thể lên tới "con số đáng kinh ngạc". "140 hạ nghị sĩ phản đối dường như là điều khả thi. Tôi không ngạc nhiên nếu con số thực tế có thể cao hơn một chút", Riggleman nói.
Hạ nghị sĩ Denver Riggleman tại thủ đô Washington, Mỹ, hồi tháng 9/2020. Ảnh: Roll Call.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng đồng minh vẫn tiếp tục lên kế hoạch "lật kèo" bầu cử, bất chấp các tòa án, thống đốc, quan chức bầu cử, Bộ Tư pháp và nhiều cơ quan trong chính quyền Mỹ đều khẳng định không tìm ra bằng chứng gian lận bầu cử hồi tháng 11/2020.
Kế hoạch thách thức việc chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại phiên họp quốc hội ngày 6/1 nhận được sự đồng ý từ Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley hôm 30/12.
Thượng nghị sĩ Ben Sasse lên tiếng phản đối động thái này, kêu gọi đảng Cộng hòa bác bỏ nỗ lực "lật kèo" bầu cử. "Tổng thống và các đồng minh của ông ấy đang chơi với lửa", Sasse cảnh báo.
Phó tổng thống Mike Pence, kiêm Chủ tịch Thượng viện Mỹ, hôm 6/1 sẽ chủ trì phiên họp xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn và tuyên bố người giành chiến thắng trong bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Trump và các đồng minh đang lên kế hoạch "lật kèo" bằng cách để các nghị sĩ Cộng hòa nộp văn bản kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri ở các bang chiến trường bị cáo buộc gian lận.
Các đồng minh của Trump tại quốc hội dự định nộp danh sách đại cử tri thay thế và đệ đơn kiện yêu cầu thẩm phán liên bang tuyên bố Phó tổng thống Pence là người duy nhất có quyền định đoạt phiếu đại cử tri, qua đó tuyên bố Trump là người chiến thắng. Tuy nhiên, mọi kịch bản "lật kèo" bầu cử đều được nhận định không có khả năng thành công.
Đại cử tri bất tuân khó làm nên kỳ tích cho Trump Chiến thắng với cách biệt lớn của Biden và phán quyết của Tòa án Tối cao sẽ khiến Trump khó "lật kèo" bằng đại cử tri bất tuân. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hứng chịu thất bại liên tiếp trong cuộc chiến pháp lý tại các tòa án bang, liên bang và Tòa án Tối cao, một số đồng minh của...