Nỗ lực phá vỡ thế bế tắc đàm phán hạt nhân Triều Tiên
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ bị đình trệ sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ hoãn chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo với lý do phía Triều Tiên thiếu các hành động trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Trong một động thái được cho là nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, các nguồn tin ngoại giao ngày 3-9 cho biết, Mỹ đã mở rộng danh sách các quan chức cấp cao phụ trách vấn đề Triều Tiên để thúc đẩy đàm phán. Một loạt quan chức phụ trách các vấn đề Triều Tiên mới được chính quyền Mỹ bổ nhiệm, bao gồm: Ông Stephen Biegun, Phó chủ tịch Tập đoàn ô tô Ford, làm Đặc phái viên của Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên; quyền Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Marc Knapper được bổ nhiệm làm quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Triều Tiên và Nhật Bản. Ngoài ra, ông Mark Lambert, Giám đốc chính sách về Hàn Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ, được chỉ định vào cương vị quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về vấn đề Triều Tiên.
Một nguồn tin tiết lộ khả năng ông Mark Lambert sẽ hỗ trợ chuyên môn cho Đặc phái viên Stephen Biegun, trong bối cảnh có thông tin cho rằng, ông Biegun sẽ sớm có chuyến thăm tới Hàn Quốc và các quốc gia trong khu vực nhằm thúc đẩy sứ mệnh mới của mình.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bổ nhiệm ông Stephen Biegun (bên phải) làm Đặc phái viên của Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Twitter
Về phía Hàn Quốc, Đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc dự kiến có chuyến thăm Bình Nhưỡng vào ngày 5-9, được trông đợi sẽ góp phần phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên hiện nay. Vì trong bối cảnh đàm phán trì trệ, việc Triều Tiên đồng ý đón tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc là tín hiệu tích cực. Chuyến thăm nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, với vai trò không thể thiếu của Hàn Quốc trong đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều, Đặc phái viên Hàn Quốc còn mang sứ mệnh nối lại đàm phán Mỹ-Triều.
Giới quan sát trông đợi Triều Tiên sẽ đưa ra những đề xuất cho tiến trình phi hạt nhân hóa nhân chuyến thăm của Đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc. Ông Shin Beom-chul, nhà nghiên cứu trưởng thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan cho rằng, nếu Triều Tiên cam kết công khai các cơ sở hạt nhân của mình thì việc này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh đàm phán bế tắc như hiện nay. Thậm chí, ông còn dự báo khả năng tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới, Bình Nhưỡng có thể sẽ đề xuất một “món quà”, chẳng hạn như việc Triều Tiên sẽ cam kết thực hiện các hành động cụ thể để tiến hành phi hạt nhân hóa. Cơ sở cho dự đoán này là tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân nếu an ninh của Bình Nhưỡng được bảo đảm.
Tuy nhiên, đến nay, kết quả chuyến thăm của Đặc phái viên Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng ra sao vẫn chỉ là phỏng đoán. Giới chuyên gia lạc quan cho rằng, chuyến công du Bình Nhưỡng của Đặc phái viên Hàn Quốc nếu diễn ra suôn sẻ có thể sẽ mở đường cho cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng sau ngày Quốc khánh Triều Tiên 9-9 tới.
Hiện nay, giới phân tích cho rằng, dường như Mỹ và Hàn Quốc đang bất đồng về cách thức xử lý vấn đề hạt nhân ra sao và liệu đã đến lúc cần gây áp lực lên Bình Nhưỡng hay chưa. Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc), ông Choi Kang, Washington đang chú trọng đến gây sức ép nhiều hơn, trong đó nhấn mạnh đến một liên minh quốc tế siết chặt các lệnh trừng phạt chống Bình Nhưỡng. Trước chuyến thăm của Đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng, tờ Rodong Sinmun-cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đã đăng bài báo chỉ trích Washington gây cản trở tiến bộ trong quan hệ liên Triều thông qua việc duy trì áp đặt trừng phạt đối với Bình Nhưỡng bất chấp bầu không khí hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, trang web đối ngoại Uriminjokkiri của Triều Tiên cũng kêu gọi Hàn Quốc tập trung thực thi thỏa thuận Panmunjom, thay vì chịu tác động từ các thế lực bên ngoài trong việc cải thiện quan hệ liên Triều.
Video đang HOT
Trong Tuyên bố Panmunjom được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh trước đó, hai miền Triều Tiên đã nhất trí hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên, ngừng các hành động thù địch đối với nhau và thúc đẩy giao lưu liên Triều.
Trong khi đó, cựu Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên Robert Gallucci đề xuất ý kiến cho rằng, cần công nhận Triều Tiên là “quốc gia dừng hoạt động hạt nhân” tương tự như Nhật Bản, để nước này có thể gia nhập Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT). Ông Gallucci, từng là nhân vật đóng vai trò chủ đạo trong nhiều vòng đàm phán hạt nhân của Mỹ, cho rằng, dù Bình Nhưỡng chịu khai báo về các vật chất hạt nhân mà nước này sở hữu, cho phép cộng đồng quốc tế tới điều tra, thì cho dù là Mỹ, Hàn Quốc hay các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng không thể kiểm chứng một cách hoàn hảo được việc nước này phi hạt nhân hóa, đồng thời Bình Nhưỡng có thể nối lại việc phát triển hạt nhân bất cứ thời điểm nào.
Vì vậy, theo ông Gallucci, Mỹ và Triều Tiên nên đồng thời tiến hành các biện pháp song song để đạt được cả hai mục tiêu là phi hạt nhân hóa Triều Tiên và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Trong quá trình này, hai đồng minh Mỹ và Hàn Quốc cần phải duy trì phối hợp một cách minh bạch trong thời gian dài.
XUÂN PHONG
Theo qdnd.vn
Cuộc gặp thượng đỉnh đánh dấu những "lần đầu tiên" trong lịch sử Hàn - Triều
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày mai được xem là sự kiện lịch sử, đánh dấu những "lần đầu tiên" trong quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: AP)
Theo giới quan sát, cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thiết lập nhiều kỷ lục mới trong lịch sử quan hệ song phương. Hội nghị thượng đỉnh này sẽ được tổ chức vào ngày mai 27/4 tại Nhà Hòa Bình ở làng đình chiến Panmunjom, thuộc phía lãnh thổ Hàn Quốc. Như vậy, đây là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức trên đất Hàn Quốc. Hai hội nghị trước đây đều được tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào các năm 2000 và 2007.
Cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim lần này cũng đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân tới lãnh thổ Hàn Quốc, ít nhất kể từ sau cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953). Em gái ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, từng tới Hàn Quốc hồi tháng 2 nhân dịp Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang. Trước bà Kim Yo-jong, chưa có thành viên nào trong gia đình lãnh đạo Kim từng đi tới quốc gia láng giềng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ duyệt đội danh dự của quân đội Hàn Quốc trước khi bắt đầu hội đàm song phương. Theo đó, ông Kim Jong-un sẽ là nhà lãnh đạo Triều Tiên thực hiện nghi thức này tại Hàn Quốc.
Trong bối cảnh cả thế giới dường như dõi theo từng diễn biến mới nhất trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, các phóng viên nước ngoài sẽ được mời tham gia đoàn báo chí để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Khu Phi Quân sự liên Triều - một trong những khu vực được vũ trang dày đặc nhất thế giới.
"Lần đầu tiên trong lịch sử của các hội nghị thượng đỉnh liên Triều, các phóng viên nước ngoài sẽ được tham dự với tư cách cá nhân", thông cáo báo chí của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Tại hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đây, chỉ một số ít phóng viên địa phương được phép đưa tin và địa điểm tác nghiệp của họ chỉ giới hạn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tính đến nay đã có hơn 800 phóng viên nước ngoài đăng ký đưa tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều vào ngày mai. Họ có thể chọn vị trí tác nghiệp tại nơi tổ chức hội nghị hoặc tại trung tâm báo chí ở Goyang, cách biên giới Hàn - Triều khoảng 30 km về phía nam.
Theo thống kê của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tổng cộng có 2.850 phóng viên, bao gồm phóng viên của các cơ quan báo chí địa phương, đăng ký đưa tin về sự kiện ngày mai. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên được báo chí quan tâm nhiều và có đông phóng viên tác nghiệp như vậy.
Phi hạt nhân hóa
Căn phòng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều vào ngày 27/4 (Ảnh: Yonhap)
Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình sau chiến tranh liên Triều. Tổng thống Moon Jae-in cho biết cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử thế giới và "bước chuyển giao quan trọng" tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Khác với những lần trước đây, hội nghị thượng đỉnh lần này được cho là sẽ chỉ tập trung vào chủ đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Để cuộc gặp diễn ra hiệu quả và tập trung vào chủ đề chính, phía Hàn Quốc đã gạt vấn đề hợp tác kinh tế ra khỏi chương trình hội nghị.
"Hợp tác kinh tế chỉ có thể khả thi sau khi tiến trình phi hạt nhân hóa được thực hiện, cùng với đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế", một quan chức Hàn Quốc nói với Korea Times.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2000, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã thông qua Tuyên bố chung 15/6. Tuyên bố này chủ yếu đặt ra những nguyên tắc chung về việc thống nhất bán đảo Triều Tiên và vấn đề nhân quyền. Sau hội nghị này, Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu thúc đẩy hoạt động của Khu phức hợp Công nghiệp Gaeseong - khu công nghiệp chung của hai nước.
Tuyên bố chung 4/10 được hai nhà lãnh đạo Roh Moo-hyn và Kim Jong-il ký tại hội nghị thượng đỉnh năm 2007 cũng đi theo đường lối chung của tuyên bố ký năm 2000, trong đó hai bên nhất trí mở rộng trao đổi hợp tác về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân vẫn chưa được đưa ra thảo luận tại các cuộc đàm phán liên Triều. Trong khi đó, đây lại là vấn đề then chốt trong cuộc gặp giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un vào ngày mai.
Nếu hội nghị thượng đỉnh năm 2007 được tổ chức vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Roh Moo-hyun, hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra khi cả Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump đều đang ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ lãnh đạo. Do vậy, giới quan sát đặt nhiều kỳ vọng vào những bước đột phá có thể đạt được trong thỏa thuận song phương Hàn - Triều.
Để đảm bảo duy trì kết quả của thỏa thuận song phương sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Moon Jae-in cho biết ông sẽ đề nghị Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn văn kiện này. Ngoài ra, Hàn Quốc được cho là đang lên kế hoạch thiết lập văn phòng liên lạc lâu dài tại biên giới để giới chức hai nước có thể thường xuyên liên lạc với nhau. Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều cũng có thể trao đổi trực tiếp thông qua đường dây nóng được đặt tại văn phòng của họ từ ngày 20/4.
Thành Đạt
Theo Dantri
Cờ thống nhất tung bay trên bán đảo Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều Chính quyền địa phương và các tổ chức dân sự ở Hàn Quốc đã khởi động chiến dịch treo cờ thống nhất ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt là ở khu vực biên giới với Triều Tiên, để thể hiện mong ước hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày mai 27/4 sẽ thành công tốt đẹp. Lá cờ bán đảo...