Nỗ lực nới gánh nặng hộ khẩu ở Trung Quốc
Hệ thống hộ khẩu hơn 60 năm đang tồn tại nhiều bất cập, buộc Trung Quốc nỗ lực cải cách để giảm bớt gánh nặng cho người dân.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc vào tháng 4/2019 thông báo kế hoạch nói lỏng các quy định về hộ khẩu ở các thành phố cỡ nhỏ và cỡ vừa nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tạo thuận lợi cho người dân. Kế hoạch này đặt mục tiêu cấp hộ khẩu thành phố cho 100 triệu lao động nhập cư từ nông thôn đến hết năm 2020.
Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc trong nỗ lực cải cách hộ khẩu, hệ thống quản lý dân cư đã tồn tại ở nước này hơn 60 năm qua. Hộ khẩu có vai trò như cuốn “ hộ chiếu nội địa”, được chính quyền sử dụng để điều chỉnh sự phân bố dân số trong nước.
Hộ khẩu chứa toàn bộ thông tin về tình trạng hôn nhân, ngày tháng năm sinh cũng như ngày mất của mọi thành viên trong một hộ gia đình ở nông thôn cũng như thành phố tại Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đặt ra hệ thống hộ khẩu từ năm 1958, khi thời kỳ Đại nhảy vọt bắt đầu, nhằm kiểm soát dòng chảy dân số để hỗ trợ các chính sách tập thể hóa nông nghiệp và thúc đẩy công nghiệp hóa.
Hộ khẩu được coi là công cụ hành chính quan trọng để chính phủ Trung Quốc kiểm soát dòng người di cư trong nước. Các chế độ an sinh xã hội và dịch vụ công cộng như y tế, lương hưu và giáo dục miễn phí cũng gắn liền với nơi đăng ký hộ khẩu. Không có hộ khẩu phù hợp, người dân cũng không thể mua nhà hoặc mua xe.
Hộ khẩu của một người dân ở Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: IC.
Tuy nhiên, sau hơn 6 thập kỷ thực thi, hộ khẩu bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề. Nó hạn chế tính lưu động của nguồn lực, gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế đang ở mốc tăng trưởng chậm nhất sau nhiều thập kỷ. Nhiều người nhập cư là lao động có thu nhập thấp, sống bấp bênh ở những thành phố các xa gia đình và quê hương họ. Hệ thống này cũng làm tăng khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.
“Hộ khẩu hạn chế dòng chảy dân số, trở thành một trong những thách thức lớn nhất sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa năm 1978″, tác giả Li Qingqing nhận định trên bài viết đăng trên Global Times hồi tháng 12/2019.
“Dòng chảy dân số cung cấp sức sống cho một nền kinh tế. Việc xóa bỏ và nới lỏng hạn chế hộ khẩu sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc. Con người là cốt lõi của đô thị hóa. Chỉ chính sách hộ khẩu hấp dẫn mới thu hút được nhân tài, khuyến khích tinh thần làm giàu và khiến các thành phố thịnh vượng hơn”, Li viết.
Đây là động lực để chính phủ Trung Quốc tiến hành Kế hoạch Đô thị hóa 2019, cam kết xóa rào cản cấp hộ khẩu tại các thành phố có quy mô dân số dưới ba triệu người, nới lỏng điều kiện cấp hộ khẩu cho những thành phố 3-5 triệu dân. Với những thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, hệ thống cấp hộ khẩu sẽ được đơn giản hóa, nhưng chính phủ Trung Quốc chưa tiết lộ phương án cụ thể.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2019 đã nêu tầm quan trọng của việc phát triển “cụm thành phố”, nghĩa là thúc đẩy công nghiệp và dân số tại các thành phố có mặt bằng kinh tế, xã hội tương đương trong cùng khu vực, với mục tiêu cấp hộ khẩu thành phố cho hơn 100 triệu người dân nông thôn vào cuối năm 2020.
Nghiên cứu về chiến lược Đô thị hóa 2.0 của Trung Quốc do công ty tư vấn Morgan Stanley đưa ra cho thấy thay đổi chính sách hộ khẩu sẽ nâng cao cơ sở hạ tầng và tính kết nối khu vực, thúc đẩy tăng trưởng, cho phép Trung Quốc tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người vào năm 2030.
Video đang HOT
Thay đổi hộ khẩu cũng có thể thúc đẩy kinh tế nhờ phân bổ lại nguồn lực, từ đó tăng cường năng suất lao động, trong bối cảnh số người trong độ tuổi lao động 15-59 ở Trung Quốc bắt đầu suy giảm từ năm 2015. Động thái này dự kiến cũng thúc đẩy doanh số bán nhà ở Trung Quốc, khi cổ phiếu của nhiều nhà phát triển bất động sản tăng 2,9% vào ngày chính phủ Trung Quốc tuyên bố chính sách hộ khẩu mới.
Tiến trình thay đổi cụ thể sẽ do chính quyền địa phương đặt ra. Quan chức Bắc Kinh và Thượng Hải e ngại việc cho phép hàng triệu người sinh sống trong các thành phố lớn mà không cần hộ khẩu sẽ khiến công tác quản lý rất tốn kém và mở ra làn sóng di cư mới đến thành phố.
Năm 2017, Bắc Kinh đã lập một hệ thống tính điểm, xác định điều kiện để được cấp hộ khẩu bao gồm tuổi tác, trình độ, số năm đóng thuế cho thành phố. Năm 2019, chỉ 6.007 người trong số 100.000 người nộp đơn được cấp hộ khẩu thủ đô.
Từ tháng 9/2019, khoảng 30 thành phố đã xóa bớt điều kiện nhập hộ khẩu. Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang trù phú và Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, cấp sổ thường trú cho lao động nhập cư có bằng đại học. Trong khi đó, thành phố Nghi Xương của tỉnh Hồ Bắc, nơi có 4 triệu dân và đang đối mặt suy giảm dân số, tuyên bố bất kỳ ai thuê nhà tại đây đều đủ điều kiện xin cấp hộ khẩu.
Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, dỡ bỏ mọi rào cản với người dân nông thôn xin cư trú ở thành thị, tuyên bố họ có thể xin hộ khẩu thành phố mà vẫn giữ nguyên quyền lợi với đất đai nông nghiệp tại quê nhà.
Những cụm thành phố mà Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển thành siêu đô thị. Đồ họa: Bloomberg.
Hồi tháng 4/2019, quốc vụ viện Trung Quốc ban hành hướng dẫn bỏ các hạn chế về đăng ký hộ khẩu tại các thành phố dưới ba triệu người. Hướng dẫn này cũng đề xuất nới hạn chế hộ khẩu tại các thành phố 3-5 triệu người, tạo điều kiện được người dân nhập cư quyền tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, mua xe, phúc lợi xã hội.
Với những khu vực đô thị như đồng bằng sông Dương Tử, đồng bằng Châu Giang, chính quyền sẽ xem xét công nhận “số năm tích lũy”, tức thời gian làm việc và sinh sống của một người ở những thành phố có mặt bằng kinh tế, xã hội tương đương thuộc cùng khu vực, để cấp hộ khẩu.
Trước đây, để được cấp hộ khẩu ở Thượng Hải, người lao động nhập cư phải có “giấy phép cư trú Thượng Hải” ít nhất 7 năm. Tuy nhiên, khi việc công nhận “số năm tích lũy” được thực hiện, thời gian họ sống tại các thành phố gần Thượng Hải cũng được tính vào yêu cầu 7 năm. Nói cách khác, họ không cần phải cư trú tại Thượng Hải suốt 7 năm để đáp ứng yêu cầu xin hộ khẩu.
Gao Ziping, giáo sư Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, chuyên gia về nguồn nhân lực, đánh giá việc nới lỏng quy định về hộ khẩu sẽ đáp ứng nhu cầu của dòng chảy lao động trong các cụm thành phố cũng như nhu cầu điều tiết phát triển công nghiệp.
“Mục đích của quyết định này là cho phép người lao động cảm thấy những đóng góp mà họ thực hiện với sự phát triển của khu vực sẽ đem lại cho họ quyền bình đẳng”, Gao nói. Quan trọng hơn, nó sẽ giúp tháo dỡ rào cản giữa lao động nhập cư và người dân địa phương.
“Những thay đổi mới sẽ giúp lao động nhập cư được hưởng các lợi ích như bảo hiểm y tế và giáo dục giống người dân địa phương”, Guan Xinping, chuyên gia về chính sách xã hội, Đại học Nam Khai, Thiên Tân, nhận định.
Người Hàn lên tiếng về nạn phân biệt với lao động nhập cư
Khi đám đông 150 người tuần hành chống phân biệt đối xử trên những con phố tại Seoul hôm 6/6, nhiều người đi đường đã ngoái lại nhìn.
Đoàn người này tuần hành thể hiện sự đoàn kết với phong trào "Mạng sống người da màu quan trọng" đang lan rộng khắp nước Mỹ, đồng thời kêu gọi chấm dứt sự phân biệt chủng tộc "diễn ra mỗi ngày" tại Hàn Quốc.
Cái chết của George Floyd, người Mỹ gốc Phi bị một cảnh sát da trắng ghì cổ tại thành phố Minneapolis hôm 25/5, không chỉ làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn cầu nhằm ủng hộ phong trào tại Mỹ, mà còn buộc nhiều quốc gia phải xem xét lại thái độ của chính họ với nạn phân biệt đối xử và chủng tộc.
Theo khảo sát của Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ Di cư Hàn Quốc, 90% người Hàn Quốc thừa nhận rằng "phân biệt chủng tộc nói chung có tồn tại" ở đất nước này. Những trường hợp bị từ chối phục vụ tại quán bar hoặc trên taxi chỉ vì sắc tộc của họ cũng khá phổ biến.
Tuy nhiên, Lee Wan, nhà hoạt động tại tổ chức Đoàn kết vì Văn hóa và Nhân quyền châu Á, chỉ ra rằng Hàn Quốc "thậm chí không có định nghĩa pháp lý về phân biệt chủng tộc". Nỗ lực thúc đẩy ban hành điều luật chống phân biệt đối xử cũng thất bại hồi năm 2006 và bị đình trệ kể từ đó, thậm chí sau khi Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đề xuất điều luật này vào năm 2015.
Người biểu tình tuần hành trên đường phố Seoul, Hàn Quốc, hôm 6/6 để thể hiện sự ủng hộ phong trào đấu tranh vì người da màu tại Mỹ. Ảnh: Reuters.
Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc gần đây cho biết họ đang soạn thảo một dự luật nhằm đề nghị quốc hội xử phạt hành vi phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính và tình trạng nghề nghiệp, cùng nhiều tình huống khác. Tuy nhiên, đối với những người tuần hành hôm 6/6, điều luật này khó có thể sớm thành hiện thực.
"Mọi người hỏi tại sao tôi phải tổ chức một cuộc biểu tình như vậy ở Hàn Quốc, nhưng tôi biết có những người lao động nhập cư, gia đình đa văn hóa và sinh viên quốc tế bị phân biệt đối xử tại đất nước này", Shim Ji-hoon, nhân viên xã hội tổ chức cuộc tuần hành, cho biết.
"Nếu thái độ của mọi người không thay đổi, chuyện xảy ra với George Floyd cũng sẽ lặp lại tại đây", người đàn ông 34 tuổi nói thêm.
"Phân biệt chủng tộc ở Hàn Quốc là khi mọi người tránh ngồi cạnh tôi trên tàu điện ngầm, khi tôi và bạn bè bị từ chối vào hộp đêm chẳng vì lý do gì, hoặc lúc các nhà tuyển dụng chỉ muốn thuê những ứng viên da trắng", một giáo viên da màu giấu tên tham gia cuộc tuần hành kể lại.
Lee Wan cho biết một trong những hình thức định kiến dễ nhìn thấy nhất tại Hàn Quốc là sự bất công đối với lao động nhập cư từ các nước châu Á đang phát triển, những người phải làm công việc tay chân nặng nhọc với mức lương thấp.
"Các ông chủ Hàn Quốc coi thường những người nhập cư không đến từ các nền kinh tế tiên tiến, thậm chí đôi khi lạm dụng sức lao động của họ", nhà hoạt động cho hay, nói thêm rằng lao động nhập cư thường bị đưa tới những công trường nguy hiểm nhất, nhưng không được đào tạo đầy đủ về các quy tắc an toàn hay được trang bị phù hợp.
Theo báo cáo năm 2017 của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, nguy cơ gặp tai nạn lao động của các công nhân sở tại chỉ ở mức 0,8%, trong khi tỷ lệ của công nhân nước ngoài là 1,16%. Lee cho biết đại dịch Covid-19 còn khiến tình hình tồi tệ hơn.
"Những người nhập cư cũng đóng thuế và sinh sống như bất kỳ cư dân bình thường nào khác của đất nước, nhưng họ lại không nằm trong diện được nhận nguồn cung khẩu trang khẩn cấp và các quỹ cứu trợ thảm họa vào giai đoạn đầu đại dịch", Lee nói.
Bất chấp thực trạng đáng lo ngại, các nhà hoạt động vẫn bày tỏ niềm hy vọng vào tương lai, bởi thế hệ trẻ Hàn Quốc giờ đây sẵn sàng xem xét lại những định kiến ăn sâu bám rễ trong xã hội. Yerong, họa sĩ truyện tranh trên mạng, nằm trong số những người đang nỗ lực thay đổi cộng đồng.
Hôm 31/5, Yerong đăng tranh minh họa chi tiết những sự việc dẫn tới cái chết của Floyd để giải thích vấn đề cho độc giả Hàn Quốc. Bài đăng trên tài khoản Instagram với 50.000 người theo dõi của cô đã nhận được hơn 39.000 lượt thích. Tác phẩm còn được dịch sang 8 ngôn ngữ khác, bao gồm tiếng Trung, Anh và Italy.
"Tôi nghĩ truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình quan điểm của mọi người về các vấn đề xã hội. Vì vậy, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải làm gì đó sau khi chứng kiến chuyện xảy ra với George Floyd. Chúng ta không thể cứ thế bóc lột người nước ngoài, mà cần chấp nhận chính con người họ như một phần của xã hội", họa sĩ 26 tuổi nêu ý kiến.
Yerong đang uống thuốc điều trị chứng rối loạn hoảng sợ, do bức tranh minh họa khiến cô phải nhận những lời ghét bỏ. Một số người gửi email nói rằng cô nên "quan tâm đến đất nước của mình thay vì tập trung vào người khác". Có người thậm chí viết rằng phân biệt chủng tộc "là bản năng tự nhiên của con người".
Đối với Pape San, kỹ sư dữ liệu 24 tuổi tới từ Pháp có bố mẹ là người Senegal, tất cả phản ứng tiêu cực như vậy đã trở nên quá quen thuộc. San lập kênh YouTube riêng sau khi tới Hàn Quốc hồi năm 2017. Kể từ đó, anh sử dụng nền tảng này làm nơi để những người thuộc nhóm thiểu số trình bày quan điểm về các vấn đề xã hội và đã có 173.000 người theo dõi.
San cho biết nhiều người nhạy cảm với việc đàn ông da màu đi cùng phụ nữ Hàn Quốc. "Tôi nhận thấy mọi người không phải lúc nào cũng để ý khi tôi đi một mình. Nhưng nếu tôi ở cùng một phụ nữ Hàn Quốc, họ sẽ nhìn chăm chú hơn", anh cho hay, nói thêm rằng đây là "rào cản" ngăn anh kết nối sâu sắc hơn với người Hàn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tỏ thái độ tích cực.
"Khi tôi đến nhà tắm công cộng, có những người bắt chuyện trước và chia sẻ đồ ăn với tôi. Ngay cả nếu những thế hệ trước có thể không thay đổi nhiều, tôi vẫn nhìn thấy hy vọng ở giới trẻ", San chia sẻ.
Kỹ sư dữ liệu người Pháp Pape San, người đang sống ở Hàn Quốc. Ảnh: SCMP.
Nhà hoạt động Lee Wan cho rằng nên nhìn vào bối cảnh lịch sử để hiểu tâm lý phân biệt chủng tộc ở những người lớn tuổi Hàn Quốc. Họ từng sống trong thời kỳ đòi hỏi tinh thần đoàn kết quốc gia do những mối đe dọa xâm lược liên tục, cũng như yêu cầu cạnh tranh công nghiệp với các nước láng giềng.
"Theo một cách nào đó, sự phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số được biện minh bằng nhu cầu tồn tại và thịnh vượng. Trước đây, Hàn Quốc, đất nước có dân số đồng nhất, không tiếp xúc quá nhiều với người nước ngoài. Nhưng giờ đây họ cần khoan dung với các dân tộc khác, bởi Hàn Quốc chưa bao giờ toàn cầu hóa ở mức độ lớn như hiện nay", Lee nhận định. Số người nước ngoài đang sinh sống tại Hàn Quốc đã tăng 7% trong năm ngoái, tương đương 2,5 triệu người, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho hay.
Trong đám đông biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại thủ đô Seoul hôm 6/6 xuất hiện nhiều người trẻ, thậm chí có cả bé gái 12 tuổi tên Seline Sohn. "Hầu hết người lớn khá phán xét. Gia đình cháu cũng thuộc kiểu phân biệt chủng tộc, nên bố không muốn cháu đến đây. Tuy nhiên, cháu nói với bố rằng đây là bổn phận của mình", Sohn cho hay.
Yerong cũng có lý do để nuôi hy vọng, bởi một số người từng đăng bình luận ác ý với cô đã gửi tin nhắn riêng, nói rằng họ đã thay đổi suy nghĩ về những vấn đề như phân biệt chủng tộc sau trải nghiệm của chính bản thân.
"Đó là khi tôi nhận ra hành động của mình không hoàn toàn vô nghĩa", cô nói.
Singapore ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới thấp kỷ lục trong 2 tháng Ngày 5/6, Bộ Y tế Singapore xác nhận thêm 261 trường hợp mắc Covid-19 mới, số lượng ca mắc thấp kỷ lục được ghi nhận trong vòng 2 tháng gần đây. Trong số các ca mắc mới có đến 250 trường hợp là các công nhân lao động nhập cư. Đến nay, tổng số ca mắc tại quốc đảo Đông nam Á này...