Nỗ lực khống chế cháy rừng tại Bồ Đào Nha và Pháp đạt kết quả tích cực
Ngày 13/8, Cơ quan bảo vệ dân sự Bồ Đào Nha thông báo đã kiểm soát được đám cháy rừng lan rộng trên diện tích 17.000 ha ở vườn quốc gia Serra da Estrela được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Trực thăng cứu hỏa phun nước dập đám cháy rừng tại Manteigas, Bồ Đào Nha ngày 10/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Đám cháy đã kéo dài suốt một tuần trước khi được khống chế trong đêm 12/8. Đại diện cơ quan trên, ông Miguel Criz, cho biết lực lượng cứu hỏa vẫn đang nỗ lực để ngăn chặn nguy cơ bùng phát đám cháy mới, đặc biệt khi gió vẫn đang thổi mạnh.
Trước đó, ngày 12/8, Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha Jose Luis Carneiro gọi đám cháy này là một thảm kịch về môi trường. Bồ Đào Nha đã trải qua một tháng 7 nóng nhất trong gần 100 năm qua. Các đám cháy rừng xảy ra từ đầu năm đến nay đã thiêu rụi khoảng 79.000 ha đất tại nước này.
Trong khi đó, tại Pháp, lực lượng cứu hỏa cũng duy trì cảnh giác cao độ dù dường như như đã kiểm soát được đám cháy rừng lớn tại miền Tây Nam nước này, trong bối cảnh gió mạnh và bão chớp dự báo sẽ xảy ra trong đêm 13/8. Cảnh sát cho biết đám cháy trải dài 40 km tại các tỉnh Gironde và Landes quanh thành phố Bordeaux không có dấu hiệu lan thêm trong đêm 12/8 trong khi lính cứu hỏa vẫn đang làm việc ở vòng ngoài của đám cháy.
Video đang HOT
Tuy nhiên, giới chức nhận định hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định đám cháy đã được khống chế. Lực lượng cứu hỏa vẫn cảnh giác cao độ vì dù các ngọn lửa không bùng lên thành đám cháy lớn nhưng được cho là vẫn đang âm ỉ. Theo dự báo thời tiết, khu vực này có thể đón gió mạnh lên đến 60km/h và bão chớp trong tối 13/8, những điều kiện thời tiết có thể khiến ngọn lửa bùng trở lại.
Trước đó, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Đức, Ba Lan, Áo và Romania đã cam kết sẽ bổ sung tổng cộng 361 lính cứu hỏa tới hỗ trợ 1.100 đồng nghiệp Pháp đang nỗ lực dập lửa tại hiện trường. EU cũng điều một số máy bay rải bom nước tới hỗ trợ Pháp.
Pháp đã trải qua một mùa Hè nóng bức với đợt hạn hán lịch sử, buộc nước này phải thực hiện biện pháp hạn chế sử dụng nước trên toàn quốc. Pháp cũng liên tục hứng chịu các đợt sóng nhiệt mà giới chuyên gia cho là do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu. Đám cháy gần Bordeaux đã bùng phát từ tháng 7, tháng khô hạn nhất tại Pháp kể từ năm 1961.
Tổng cộng 14.000 ha rừng đã bị thiêu rụi trong khi hàng nghìn người đã phải sơ tán trước khi đám cháy được khống chế. Tuy nhiên, lửa vẫn âm ỉ cháy tại một số rừng thông khô hạn và những vùng đất than bùn. Đợt bùng phát gần nhất xảy ra từ ngày 13/8 đã thiêu rụi 7.400 ha đất
Các đám cháy rừng xảy ra ở Pháp từ đầu năm đến nay đã tàn phá các khu vực có tổng diện tích gấp 3 lần diện tích cháy rừng trung bình hằng năm ghi nhận trong 10 năm qua. Các đám cháy cũng xảy ra ở các vùng Jura, Isere và Ardeche trong tuần này.
Theo dữ liệu vệ tinh của European Copernicus, khí thải CO2 từ các đám cháy rừng ở Pháp (hơn 1 triệu tấn) trong mùa Hè 2022 cao hơn tất cả các giai đoạn cùng kỳ trong các năm trước, kể từ khi các dữ liệu được ghi lại vào năm 2003.
Năm 2022 có thể là năm cháy rừng kỷ lục ở châu Âu
Những đám cháy rừng trải khắp châu Âu có thể sẽ khiến năm 2022 trở thành năm mà Lục địa già ghi nhận diện tích rừng bị tàn phá cao kỷ lục, trong khi các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu đang góp phần khiến các đám cháy trở nên hung dữ hơn.
Khói bốc mù mịt khi cháy rừng lan rộng ở El Barco de Valdeorras, Galicia, Tây Ban Nha ngày 20/7/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Các đám cháy rừng xảy ra ở ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ đầu năm 2022 đến nay đã thiêu rụi diện tích rừng nhiều hơn tổng thiệt hại của cả năm 2021 - khoảng 5.000 km2 đã bị thiêu rụi, tương đương diện tích của Trinidad và Tobago.
Theo Jesus San Miguel, điều phối viên cơ quan giám sát vệ tinh EFFIS của Liên minh châu Âu (EU), tình hình đang diễn biến tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán, dù rằng các dự báo dài hạn đều đã lường trước tình trạng nhiệt độ tăng cao bất thường. Chuyên gia này cũng cho rằng tình hình sẽ còn tiếp tục xấu đi khi mọi chỉ dấu về tình trạng ấm lên toàn cầu đều đã bị vượt trong mùa cháy rừng năm nay.
Thông thường cao điểm của mùa cháy rừng tại châu Âu diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm, nhưng giai đoạn này đang kéo dài hơn với các vụ cháy nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia tin rằng biến đổi khí hậu đang tạo ra điều kiện thuận lợi hơn để các đám cháy bùng phát tại châu Âu.
Đến nay, nhiệt độ toàn cầu tăng trung bình 1,1 độ C so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp. Liên hợp quốc cảnh báo Trái Đất đang trong lộ trình ấm lên 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này. Mức độ ấm lên 1,1 độ C cũng đã đủ để gây ra những đợt sóng nhiệt khắc nghiệt "thiêu đốt" châu Âu trong tuần qua và nhiều khả năng những đợt nắng nóng bất thường kiểu này còn tiếp diễn và kéo dài lâu hơn.
Theo EFFIS, gần 40.000 ha rừng ở Pháp đã bị thiêu rụi trong các vụ cháy rừng từ đầu năm đến nay, cao hơn mức 30.000 ha ghi nhận trong cả năm 2021. Tại Tây Ban Nha, trên 500 người thiệt mạng trong 10 ngày chịu ảnh hưởng của sóng nhiệt trong tháng này trong khi tính từ đầu năm, 190.000 ha rừng đã bị thiêu rụi, cao hơn gấp đôi con số 85.000 ghi nhận trong cả năm 2021. EFFIS dự báo đến cuối năm 2022, diện tích đất bị thiêu rụi tại châu Âu sẽ cao hơn mức kỷ lục gần 1 triệu ha được ghi nhận vào năm 2017.
Mark Parrington, nhà khoa học trưởng tại Cơ quan theo dõi khí quyển Copernicus của EU, nhận định biến đổi khí hậu đã góp phần khiến các đám cháy rừng kéo dài hơn. Theo chuyên gia này, cách các đám cháy hoành hành hiện nay là điều không thường xảy ra ở châu Âu. Nhiệt độ cao hơn kết hợp với những điều kiện khô hạn chưa từng thấy trên hầu khắp châu Âu khiến các khu rừng dễ bén lửa hơn và lửa lan nhanh hơn nếu đám cháy bùng phát. Nguy cơ cháy rừng có xu hướng tăng ở cả Trung và Nam Âu.
Ngoài ra, không chỉ phá hủy các hệ sinh thái, xóa sổ những thảm thực vật vốn có chức năng hấp thụ khí thải carbon, các đám cháy rừng cũng làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu khi từ những đám cháy này cũng phát ra những khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2. Theo báo cáo của Copernicus công bố trong tuần này, các đám cháy rừng xảy ra tại Tây Ban Nha và Maroc trong tháng 6 và tháng 7 đã thải 1,3 tỷ tấn khí CO2 vào bầu khí quyển, mức cao nhất ghi nhận được trong giai đoạn tương tự tính từ năm 2003 khi các dữ liệu bắt đầu được ghi nhận.
Các đám cháy còn ảnh hưởng đến chất lượng không khí của các cộng đồng cư dân lân cận. Tại miền Tây Nam nước Pháp, nồng độ NO2 ghi nhận trong không khí ở thành phố Bordeaux, gần 2 đám cháy lớn trong khu vực, liên tục tăng trong nhiều ngày. Tình trạng này thậm chí còn được ghi nhận ở thủ đô Paris cách các đám cháy tới 500 km về phía Đông Bắc.
Loạt bản đồ lột tả sóng nhiệt kinh hoàng ở Mỹ và châu Âu Đợt nắng nóng bất thường đang càn quét khắp châu Âu và Mỹ, với nhiệt độ có thể đạt tới 45-46 độ C ở một số nơi. Một đợt nắng nóng lịch sử đang thiêu đốt Tây Âu, khiến hàng trăm người ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thiệt mạng. Nhiệt độ tăng vọt lên 46 độ C trên bán đảo...